Bát canh cá cháo quê nhà
Có một người, trong một chiều đông lạnh giá nơi Thủ đô, dâng lên nỗi niềm nhớ quê. Chiều nay, Hường mời bạn cùng Thu Thủy về với ký ức mùa đông nơi quê nhà, nơi có một món ăn dân dã mà đậm tình quê hương, món canh cá cháo Xứ Nghệ.
"Thu xếp về quê một chuyến đi, nay cá cháo ngon lắm rồi đấy, về kẻo hết mùa thì đừng nói lời tiếc nuối nhé...", lời người bạn văng vẳng bên tai đã khiến tôi nửa muốn quay về, nửa ngại mùa đông.
Đã muốn tránh rét bấc, đã sợ sự buốt cóng luồn vào da thịt nhưng đâu thể dửng dưng với mùa đông được. Mùa đông, không hiểu sao ở biển lại là mùa của con cá cháo. Loài cá này các miền thường gọi là cá khoai, xứ Nghệ gọi là cá cháo. Cái tên gọi đặc tả cụ thể chất thịt của con cá, rặt một kiểu chất phác của người quê.
Phải theo mùa, phải có duyên mới được thưởng thức cá cháo theo cách nấu đơn giản nhưng đặc sắc của món canh cá cháo. Con cá thuôn dài, đuôi màu xám nhẹ, thịt trong veo như thạch, xương mềm. Cá cháo lưới, chỉ được vài cân khi thuyền đi lộng về, tươi trong.
Đồng hành cùng con cá cháo nổi lên theo con nước là hành tăm đã lên xanh, củ nhỏ xíu, rễ loằng ngoằng. Giống hành tăm, người xứ Nghệ lúc dùng xông hơ cho đứa trẻ sơ sinh, khi là gia vị món gà xáo trứ danh. Tất cả các món chế biến từ đồng ruộng hợp với hành tăm như người xứ Nghệ hợp với câu hò điệu ví là vậy. Hành tăm không thể thiếu được để ướp con cá cháo. Nó có vị cay tính ấm.
Bát canh cá cháo chỉ có trong mùa lạnh và cũng chỉ ngon khi thưởng thức vào trời lạnh. Vài quả cà chua bổ cau xào qua đun lấy nước dùng rồi bỏ thứ rau cải đúng vụ càng cay càng tốt; cá đã được ướp thì là, hành tăm cả cây lẫn củ, kèm với ớt bột. Khi nồi nước dùng sôi già, bỏ rau cải và cá vào, để sôi vài ba phút, thêm chút thì là nữa là đã có món ăn ngon tuyệt.
Ăn canh cá cháo chẳng ngại húp xì xụp. Vị cay của ớt, vị đắng của cải không hề làm giảm đi vị ngọt mềm của cá. Nó trộn lẫn vào nhau như cuộc đời đa sắc để nổi lên vị ngọt ngào. Kể cũng lạ, thực phẩm để làm nên bát canh cá cháo là tanh, cay, chua, hắc nhưng khi lên món, nó lại hấp dẫn đến vậy. Màu sắc rõ nét: xanh của cải và lá hành tăm, trắng ngần của thịt cá còn nguyên khúc, đỏ của cà chua và thấp thoáng ớt bột. Phải chăng đó là màu quê hương, vị nhớ thương theo tuổi theo mùa, thiên nhiên dẫu khắc nghiệt cũng ưu đãi chút ít cho người quê./.
Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.
Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.
Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.
Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.
Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....
Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?
0