Bầu cử Mỹ 2024 tiến đến màn tái đấu lịch sử
Đại thắng sau “Siêu thứ Ba”, Trump-Biden sẽ tái đấu
Đối với Đảng Dân chủ, cuộc đua giành lá phiếu đề cử được đánh giá là đã ngã ngũ từ vạch xuất phát khi đương kim Tổng thống Joe Biden không có đối thủ, “một mình một ngựa” về đích và cầm chắc tấm vé đại diện ra tranh cử tổng thống vào ngày 5/11 tới. Bằng chứng là trong ngày “Siêu thứ Ba”, Tổng thống Biden chiến thắng vòng sơ bộ của Đảng Dân chủ ở toàn bộ 15 bang, và chỉ gặp thất bại duy nhất tại cuộc bỏ phiếu kín ở vùng lãnh thổ Samoa.
Trong khi đó, bên Đảng Cộng hòa, màn so găng giữa cựu Tổng thống Donald Trump và cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley ít nhiều mang màu sắc hình thức. Trong ngày “Siêu thứ Ba”, ông Trump nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ bất chấp việc ông đang vướng vào hàng loạt vấn đề pháp lý liên quan đến kết quả bầu cử năm 2020. Ông giành chiến thắng tại 12 bang, trong đó bao gồm cả bang Texas có nhiều đại biểu và bang California trước đây vốn cân nhắc loại tên ông khỏi danh sách bầu cử sơ bộ. Về phần bà Nikki Haley, chiến thắng duy nhất của bà trong sự kiện bầu cử này cho đến nay là ở bang Vermont.
Sau màn thể hiện vượt trội trong ngày “Siêu thứ Ba”, ông Trump gần như nắm chắc trong tay đề cử tổng thống lần thứ ba liên tiếp. Theo cập nhật từ CBS News, cho đến nay, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giành được tổng cộng 1.053 phiếu đại biểu, tiến gần tới mốc 1.215 phiếu đại biểu cần thiết để trở thành đại diện Đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống.
Trong khi đó, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden giành được tổng cộng 1.527 phiếu đại biểu, cũng đang tiến sát tới mốc 1.968 phiếu đại biểu cần thiết để trở thành đại diện Đảng Dân chủ tranh cử tổng thống.
Bà Lori Cox Han, Giáo sư Khoa học chính trị, Đại học Chapman cho hay: “Siêu thứ Ba đã đưa chúng ta đến gần hơn kết quả không thể tránh khỏi là Tổng thống đương nhiệm Joe Biden sẽ tái đấu với cựu Tổng thống Trump. Và theo một cách nào đó, nước Mỹ thực sự chuẩn bị bắt đầu cho cuộc tổng tuyển cử, vì sau đó các ứng cử viên sẽ tập trung vào các hoạt động tranh cử phía trước”.
Theo kế hoạch, cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa chỉ chính thức công bố ứng viên đại diện tại đại hội Đảng dự kiến diễn ra vào cuối mùa hè năm nay. Tuy nhiên, sau ngày bỏ phiếu “Siêu thứ Ba”, giới quan sát cho rằng nước Mỹ sẽ chứng kiến một chiến dịch tranh cử tổng thống hoàn toàn khác giữa Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump. Đây cũng sẽ là cuộc tranh cử tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ 1956, trong đó hai ứng cử viên từng là đối thủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng trước đó.
Tâm lý của cử tri Mỹ
Như vậy là, nếu không có gì thay đổi, gần như chắc chắn cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào cuối năm nay sẽ là cuộc đua song mã giữa hai chính khách cao tuổi là Tổng thống đương nhiệm Joe Biden (81 tuổi) và cựu Tổng thống Trump (78 tuổi). Ông Biden cũng là ứng cử viên cao tuổi nhất từng tham gia một cuộc bầu cử tổng thống. Câu hỏi đặt ra là tại sao hai chính khách này, chứ không phải là ai khác, lại chiếm thế thượng phong trong một chính trường Mỹ vốn hết sức sôi động với nhiều gương mặt mới đầy triển vọng. Theo các nhà phân tích, câu trả lời nằm ở tâm lý của cử tri Mỹ.
Về phương diện pháp lý, Hiến pháp Mỹ chỉ quy định tuổi tối thiểu để có thể đăng ký tranh cử tổng thống là 35 tuổi, song không quy định tuổi tối đa. Tờ The Hills mới đây đăng bài viết cho rằng trên thực tế người dân Mỹ ngày càng có xu hướng thích các ứng viên cao tuổi và điều này đã diễn ra qua hàng chục cuộc bầu cử tổng thống. Kể từ năm 1960 tới nay, nước Mỹ mới chỉ chứng kiến 4 ứng cử viên tổng thống ở độ tuổi 40. Năm nay, trong tổng số 14 ứng cử viên tuyên bố tranh cử của cả hai đảng, chỉ có duy nhất 1 ứng viên dưới 40 tuổi, trong khi 4 ứng viên ngoài 60 tuổi và 6 ứng cử viên hơn 70 tuổi.
Theo kênh tin tức NBC News, tâm lý cử tri Mỹ đặt niềm tin nhiều hơn vào các ứng cử viên cao tuổi cũng là trào lưu chủ đạo của chính trường Mỹ trong nửa thế kỷ qua. Thượng viện Mỹ hiện nay có độ tuổi trung bình cao thứ hai trong lịch sử nước này, trong khi độ tuổi trung bình của các hạ nghị sĩ hiện cao thứ ba.
Lý do thứ hai liên quan tới sự ổn định trong nội bộ của mỗi chính đảng. Theo báo New York Times, sau khi giành kết quả tích cực hơn dự kiến tại cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022, các chính khách Đảng Dân chủ đều từ bỏ ý định “cạnh tranh” với ông Biden trong cuộc đua quyền lực. Theo Nghị sĩ bang New York Jamaal Bowman, Đảng Dân chủ cần sự ổn định và ông Biden là người cho thấy điều đó.
Tương tự, phía Đảng Cộng hòa dường như chưa chấp nhận mạo hiểm đặt niềm tin vào ứng cử viên khác. Cùng với thời gian, qua các cuộc bầu cử sơ bộ tại một số bang trước đó, cựu Tổng thống Trump vẫn là người có lượng cử tri ủng hộ đông đảo và cũng có những chính sách đáp ứng tốt nhất các ưu tiên của Đảng Cộng hòa.
Một yếu tố nữa phải kể tới là vấn đề kinh tế, vốn là chủ đề chi phối mọi cuộc bầu cử Mỹ. Trong cuộc thăm dò của Đại học Suffolk và tờ USA Today thực hiện hồi tháng 1, khoảng 60% cử tri tốt nghiệp đại học nói sẽ ủng hộ ông Trump trong cuộc họp kín hoặc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa, tức là tăng gấp đôi so với năm 2022.
Nguyên nhân hàng đầu cho quyết định này là vấn đề kinh tế. Thời kỳ ông Trump cầm quyền, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng khá ổn định, lạm phát duy trì ở mức thấp. Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt gia tăng, nhiều cử tri tin ông Trump là lựa chọn hàng đầu để cải thiện nền kinh tế Mỹ trong tương lai. Cuộc khảo sát mới nhất của FT-Michigan Ross cho thấy 67% cử tri Đảng Cộng hòa tin tưởng ông Trump hơn bất kỳ ứng cử viên nào khác trong việc điều hành nền kinh tế Mỹ.
Bà Beverly Naten, cử tri Mỹ chia sẻ: “Chúng tôi biết những gì chúng tôi đã có bốn năm trước và chúng tôi biết những gì chúng tôi không có hiện nay. Chúng tôi cảm thấy việc đưa ông Trump trở lại sẽ là giải pháp tốt nhất cho vấn đề đó”.
Về phía Đảng Dân chủ, đương kim Tổng thống Biden cũng được cử tri ủng hộ khi mà nền kinh tế Mỹ trong 4 năm qua về cơ bản đã vượt qua những "cơn gió ngược", thời gian gần đây liên tiếp đón nhận những tín hiệu tích cực khi cơn bão lạm phát được xoa dịu, chi tiêu tiêu dùng tăng trưởng mạnh, thị trường việc làm ổn định.
Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy các cử tri của Đảng Cộng hòa vẫn coi ông Trump là người có khả năng nhất để đánh bại ứng cử viên đại diện Đảng Dân chủ trong cuộc đua tổng thống năm 2024. Còn đối với Đảng Dân chủ, không ít cử tri nghĩ rằng Tổng thống Biden là người có thể lặp lại lịch sử “đánh bại” ông Trump 4 năm về trước.
Kịch bản tái đấu khốc liệt và khó đoán định
Hãng tin CNN nhận định, dù Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đã có những bước tiến lớn sau sự kiện “Siêu thứ Ba”, nhưng đằng sau các chuỗi chiến thắng này vẫn còn tiềm ẩn những “trở ngại” không nhỏ trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới. Những cử tri theo tư tưởng cấp tiến từ chối bỏ phiếu cho ông Biden nhằm phản đối chính sách của ông đối với cuộc xung đột tại Dải Gaza. Trong khi đó, nhóm cử tri ôn hòa và độc lập lại có xu hướng ủng hộ bà Nikki Haley thay vì đặt niềm tin cho ứng cử viên sáng giá Donald Trump. Điều này cho thấy, kịch bản tái đấu giữa ông Trump và ông Biden sắp tới sẽ khốc liệt và kết quả là rất khó đoán định. “
Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt với vô số vấn đề khó giải quyết trong vài tháng qua, từ những lo ngại về sức khỏe tuổi tác cho đến các chỉ trích về chính sách an ninh biên giới dẫn đến làn sóng di cư bất hợp pháp tăng vọt, và đặc biệt là những chính sách đối ngoại liên quan tới cuộc xung đột ở Dải Gaza. Được biết, một số lượng lớn cử tri và cả thành viên Đảng Dân chủ nhiều lần phản đối chính sách Trung Đông của ông Biden. Họ mong muốn ông Biden thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa lệnh ngừng bắn ở Gaza và rộng hơn là siết chặt các điều kiện đối với viện trợ quân sự của Mỹ cho Israel. Tỷ lệ cử tri phản đối dù không phải là một con số lớn, nhưng cuộc bầu cử ngày 5/11 được dự đoán sẽ rất sít sao và có thể được quyết định chỉ bởi hàng chục nghìn phiếu bầu ở một số bang chiến địa. Sự thất vọng đó, kết hợp với việc vị thế bị giảm sút của ông Biden ở một số khu vực bầu cử quan trọng, đe dọa sẽ làm giảm tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu của Đảng Dân chủ, từ đó khiến cuộc bầu cử diễn ra theo chiều hướng ngược lại.
Theo kết quả thăm dò do tờ New York Times và Siena College công bố mới đây cho thấy, trên phạm vi toàn quốc, Tổng thống Joe Biden đang có tỷ lệ tín nhiệm 43%, kém 5% so với cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Thành tích này đã khiến ông Biden trở thành một trong những Tổng thống Mỹ không được yêu thích nhất, thậm chí còn kém hơn cả cựu Tổng thống Trump vào thời điểm 4 năm trước.
Về phía ông Trump, chính trị gia này cũng phải đối mặt với những cơn gió ngược. Đằng sau các thắng lợi “như chẻ tre”, giới quan sát nhận thấy ông Trump đang đánh mất nhóm cử tri ôn hòa và độc lập trong đảng. Kết quả vòng sơ bộ đến nay cho thấy những cử tri này thích bất kỳ người nào ngoài ông Trump cho vị trí lãnh đạo ở Phòng Bầu dục.
Hãng tin CNN nhận định, thành tích mạnh mẽ nhất của bà Haley đến từ các thành phố, thị trấn đại học và vùng ngoại ô. Đặc biệt, sự ủng hộ dành cho bà Haley ở các vùng ngoại ô có thể gây ra vấn đề cho ông Trump. Các cử tri có trình độ Đại học ở những khu vực đó thậm chí còn chuyển hướng sang ủng hộ Đảng Dân chủ kể từ khi ông Trump nổi lên với tư cách là ứng cử viên tiêu chuẩn của Đảng Cộng hòa vào năm 2016. Sự ủng hộ ổn định của nhóm cử tri này dành cho bà Haley đã tiếp nối vào sự kiện “Siêu Thứ Ba” vừa qua, và được dự báo sẽ kéo giảm thành tích của ông Trump trong cuộc đua sắp tới.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong chặng đua sắp tới, ông Trump cần tìm cách ghi điểm với nhóm cử tri độc lập và ôn hòa. Ông Trump cũng sẽ có nhiều thuận lợi hơn nếu có thể thuyết phục bà Haley ủng hộ sau khi bà rút lui.
Trong khi đó, Tổng thống Biden cần thu phục những cử tri bất đồng quan điểm về cách xử lý của ông đối với cuộc xung đột ở Gaza. Vì sự phẫn nộ của nhóm cử tri này sẽ chỉ có thể ít biến động hơn chứ không thể hoàn toàn biến mất theo thời gian.
Theo kết quả khảo sát mới nhất, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dẫn trước đương kim Tổng thống Joe Biden ở 7 bang chiến địa. Trong đó, Georgia, Michigan và Pennsylvania là các bang được đánh giá là có “vai trò then chốt” trong cuộc bầu cử tháng 11, vì cách biệt về tỷ lệ ủng hộ dành cho Đảng Dân chủ và Cộng hòa ở các bang này là không đáng kể. Lịch sử từng cho thấy, chỉ một biến động nhỏ ở các bang chiến địa cũng có thể tạo ra sự khác biệt, dọn đường cho đối thủ vào Nhà Trắng. Do đó, cuộc bầu cử Mỹ năm nay được đánh giá là sẽ có nhiều yếu tố bất ngờ và sẽ “nóng” cho đến phút cuối cùng.
Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.
Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.
Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.
Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.
Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.
0