Bầu cử Mỹ đối mặt với vấn nạn người nhập cư
Chính quyền Mỹ đau đầu về vấn đề người nhập cư
Sau khi nhậm chức cách đây hơn ba năm, Tổng thống Joe Biden đã lập tức bãi bỏ phần lớn các chính sách cứng rắn với người di cư ở biên giới Mexico mà người tiền nhiệm Donald Trump áp đặt. Thay vào đó, ông cam kết xây dựng một hệ thống nhập cư công bằng và nhân đạo. Tuy nhiên, tình thế không như Tổng thống Biden mong đợi khi số người di cư tràn qua biên giới tăng chóng mặt.
Số người nhập cư bất hợp pháp bị lực lượng tuần tra biên giới Mỹ bắt giữ dưới thời Tổng thống Biden đạt mức cao nhất trong lịch sử 100 năm của cơ quan này, trung bình hai triệu người mỗi năm. Theo thống kê của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới (CBP), trong năm 2023 đã có khoảng 3,2 triệu người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ, trong đó có 2,5 triệu người di chuyển bằng tuyến đường biên giới Mỹ-Mexico, tăng gấp 8 lần so với con số 400.000 của năm 2020, thời điểm trước khi ông Biden nhậm chức.
Những người di cư đến Mỹ qua biên giới Mỹ-Mexico đến từ nhiều quốc gia hơn bao giờ hết. Ngoài các quốc gia trước đây như Mexico, Guatemala và Honduras, đến nay còn có thêm người di cư từ Venezuela, Colombia, Peru, Senegal và Mauritania – cùng với các quốc gia khác ở châu Phi, châu Âu và châu Á. Khó khăn về kinh tế và bất ổn chính trị chính là những nguyên nhân sâu xa gây ra sự di cư ồ ạt này.
Bà Kate Lincoln - Goldfinch, Luật sư về nhập cư tại Mỹ chia sẻ: “Nhiều người di cư mà chúng ta đang thấy hiện nay đến từ Nam và Trung Mỹ. Họ đang chạy trốn khỏi các quốc gia như Nicaragua, Venezuela hoặc bạo lực băng đảng từ tam giác phía Bắc của Trung Mỹ. Rất nhiều người trong số họ đã phải mất một thời gian dài, hành trình gian khổ xuyên Nam và Trung Mỹ với hy vọng đến được Mỹ. Đó là một hành trình vô cùng khó khăn và nguy hiểm."
Số lượng người di cư đến biên giới Mỹ - Mexico đã vượt xa khả năng của hệ thống nhập cư chưa được thay đổi đáng kể trong nhiều thập kỷ qua của Mỹ. Chính quyền của ông Biden đã thực hiện nhiều cuộc trấn áp ở khu vực biên giới, đồng thời tăng cường các con đường hợp pháp cho người di cư. Trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng di cư ở biên giới phía Nam, chính quyền Tổng thống Biden đã thúc đẩy hợp tác với Mexico, Panama và Guatemala để thực hiện các biện pháp ngăn chặn dòng người di cư từ xa.
Chính sách khác biệt giữa hai đối thủ chính
Trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra vào tháng 11 tới, vấn đề nhập cư và an ninh biên giới đang trở thành yếu tố có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả tranh cử của Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Donald Trump, những người được cho là có thể trở thành đại diện duy nhất cho đảng của mình tranh cử vào Nhà Trắng. Cả hai đều đang cố gắng biến vấn đề nhập cư thành lợi thế chính trị trong cuộc bầu cử sắp tới.
Cả Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đều tiến hành chuyến thăm đến biên giới với Mexico ở hai địa điểm khác nhau vào ngày 29/2 theo giờ địa phương. Các chuyến đi này nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề nhập cư trong cuộc đua tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024 đối với cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, đặc biệt sau khi các cuộc thảo luận trong Quốc hội Mỹ về thỏa thuận hạn chế di cư bất hợp pháp do Đảng Dân chủ đề xuất sụp đổ. Cả hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump đều cố gắng biến vấn đề nhập cư đang gây tranh cãi của quốc gia thành lợi thế chính trị của họ trong cuộc tái đấu tranh cử dự kiến diễn ra vào tháng 11 năm nay. Tuy nhiên, ông Muzaffar Chishti, nhà phân tích Viện chính sách di cư phi MPI cho rằng lĩnh vực nhập cư là thách thức lớn đối với cả ông Biden và ông Trump.
Ông Muzaffar Chishti, Nhà phân tích Viện chính sách di cư phi MPI cho hay: “Đây là lĩnh vực mà khoảng cách giữa Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Trump là lớn nhất và đây cũng là lĩnh vực mà người dân dường như ít tin tưởng nhất vào các tổng thống”.
Làn sóng người nhập cư tăng mạnh đã làm đảo lộn chính sách nhập cư của Tổng thống Biden, buộc ông phải thay đổi cách tiếp cận. Tháng trước, Tổng thống Joe Biden thừa nhận biên giới phía Nam nước Mỹ không an toàn trong bối cảnh lượng người di cư tăng kỷ lục, đồng thời kêu gọi thay đổi chính sách quan trọng với hệ thống tị nạn và các cơ quan hành pháp để kiểm soát biên giới. ông Biden và các nhà lập pháp Đảng Dân chủ thậm chí có thể sẽ chấp nhận những nhượng bộ về vấn đề nhập cư trong các cuộc đàm phán với phe Cộng hòa.
Tuy nhiên, trước thềm cuộc bầu cử tổng thống quan trọng sẽ diễn ra vào cuối năm, rất khó để các thành viên Đảng Cộng hòa chấp thuận bất cứ yêu cầu nào của Đảng Dân chủ trong các cuộc đàm phán, ngay cả khi phía Đảng Dân chủ đã nhượng bộ.
Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát thậm chí đã bỏ phiếu thông qua việc luận tội Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas thuộc Đảng Dân chủ, với cáo buộc ông này có những chính sách lỏng lẻo khuyến khích nhập cư bất hợp pháp.
Ngay cả những đảng viên Đảng Dân chủ, cùng đảng với Tổng thống Biden cũng bắt đầu quay ra ủng hộ việc kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn.
Với những thất bại trong việc xử lý người nhập cư, cùng với các yếu tố khác như việc tài trợ các cuộc xung đột, tỷ lệ lạm phát tăng cao, có thể thấy Tổng thống Biden đang gặp nhiều bất lợi trong việc thu hút sự ủng hộ của cử tri.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump đã cam kết thực hiện cải cách nhập cư và tăng cường các cam kết quan trọng trong chiến dịch tranh cử về an ninh biên giới trước cuộc tái đấu có thể xảy ra với Tổng thống Joe Biden. Nếu đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Trump sẽ tìm cách áp dụng một loạt quyền hành pháp để trục xuất hàng triệu người như một phần trong chiến dịch trấn áp người nhập cư của ông.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu: "Căn cứ vào con số người nhập cư bất hợp pháp cao chưa từng thấy, lên đến hàng triệu, đang xâm chiếm đất nước chúng ta dưới thời ông Biden, sẽ thật dễ hiểu nếu chúng ta tiến hành chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ khi tôi tái cử".
Trang Axios nhận định rằng chính sách về nhập cư của ông Trump có thể sẽ bị phản đối từ các nhà lập pháp Đảng Dân chủ, cũng như từ các nhóm ủng hộ người La-tinh và nhóm cản trở việc thực thi nhập cư liên bang.
Các cuộc thăm dò của Harvard CAPS-Harris hay AP-NORC cho thấy nhập cư là vấn đề chính được cử tri Mỹ quan tâm, trước cả lạm phát và kinh tế. Theo kết quả cuộc thăm dò của AP-NORC hồi đầu tháng này, những người bày tỏ quan ngại về vấn đề nhập cư đã tăng từ mức 27% của năm ngoái lên 35%. 55% đảng viên Đảng Cộng hòa cho rằng chính phủ cần tập trung vào vấn đề nhập cư vào năm 2024, trong khi 22% đảng viên Đảng Dân chủ coi nhập cư là ưu tiên hàng đầu.
Bất đồng giữa tiểu bang và chính quyền liên bang
Việc xử lý cuộc khủng hoảng người di cư đã bộc lộ những bất đồng giữa chính quyền liên bang và chính quyền các tiểu bang tại Mỹ. Bang Texas trở thành tâm điểm của cuộc tranh cãi xung quanh biên giới Mỹ - Mexico suốt một năm rưỡi qua khi thống đốc bang này và các quan chức, chủ yếu là thành viên Đảng Cộng hòa tại một loạt bang khác, quyết định tự mình xử lý cuộc khủng hoảng di cư vì cho rằng chính quyền liên bang của Tổng thống Joe Biden đã không hành động đủ mạnh.
Thống đốc bang Texas Greg Abbott cùng các thành viên Đảng Cộng hòa chỉ trích việc Tổng thống Biden vô hiệu hóa những chính sách hạn chế nhập cư mà người tiền nhiệm Donald Trump triển khai. Ông cho rằng, Washington cũng không quyết liệt với các băng đảng ma túy, được cho là đang kiểm soát khu vực biên giới Mexico và Mỹ.
Ông Greg Abbott - Thống đốc bang Texas cho biết: “Vì những mối nguy hiểm mà bang Texas cũng như các bang trên khắp đất nước đang phải gánh chịu, và vì ông Joe Biden đã từ bỏ trách nhiệm thực thi luật pháp của Hoa Kỳ, tôi đã sử dụng một điều khoản trong Hiến pháp về việc trao quyền cho các bang tự bảo vệ mình, đó là điều 1, phần 10, khoản 3 của Hiến pháp Hoa Kỳ”.
Trong động thái nhằm quyết tâm ngăn chặn dòng người di cư trái phép từ Mexico tràn qua, Thống đốc Greg Abbott tuyên bố chính quyền bang Texas của ông sẽ xây dựng một căn cứ quân sự để củng cố lực lượng vệ binh quốc gia ở khu vực biên giới. Căn cứ mới rộng khoảng 32 ha, nằm dọc bờ sông Rio Grande ở thành phố biên giới Eagle Pass, sức chứa 1.800 binh sĩ và có thể nâng lên 2.300 người trong tương lai.
Việc xây dựng một căn cứ như vậy sẽ tạo điều kiện tốt hơn để các binh sĩ thực hiện nhiệm vụ, đồng nghĩa với việc Texas sẽ duy trì lực lượng vệ binh ở biên giới một cách lâu dài nhằm ngăn dòng người di cư tràn qua khu vực Eagle Pass, điểm nóng nhất dọc đường biên giới dài 2.000 km giữa Texas và Mexico.
Động thái này của thống đốc bang Texas nhận được sự ủng hộ của nhiều thống đốc thuộc Đảng Cộng Hòa ở các bang khác.
Theo tờ New York Times, ông Abbott từ nhiều tháng qua đã cho dựng 160 km hàng rào thép gai dọc sông Rio Grande để ngăn người di cư bơi qua sông vào Mỹ. Việc dựng hàng rào đã có hiệu quả khi bằng biện pháp dồn dòng người nhập cư vào các cửa khẩu được kiểm soát, từ đó khiến việc trục xuất dễ dàng hơn. Tuy nhiên, không ít người di cư đã gặp thương tích khi cố gắng vượt hàng rào, kéo theo nguy cơ khủng hoảng nhân đạo. Tổng thống Joe Biden sau nhiều lần thuyết phục chính quyền Texas từ bỏ kế hoạch dựng hàng rào đã ra lệnh cho lực lượng tuần tra biên giới tiến hành phá bỏ một số đoạn rào ở dọc sông Rio Grande vào tháng 10/2023. Texas phản đối hành động trên.
Texas gần đây còn thông qua đạo luật coi vượt biên trái phép là tội cấp bang, trao thêm quyền lực cho cảnh sát và tòa án bang xử lý người vượt biên trái phép. Đạo luật, có hiệu lực từ tháng 3/2024 nhưng tiếp tục bị Tổng thống Biden đệ đơn kiện.
Không chỉ bang Texas có những chính sách riêng đối đầu với chính quyền Tổng thống Biden. Cuối tháng 1/2024, các thống đốc thuộc Đảng Cộng hòa tại 25 tiểu bang của Mỹ đã ký tuyên bố chung bày tỏ ủng hộ Thống đốc Texas và quyền tự vệ theo hiến pháp của bang này trong việc xây dựng hàng rào thép bảo vệ biên giới.
Ở chiều ngược lại, Tổng thống Joe Biden khẳng định Hiến pháp Mỹ quy định các chính sách chung về vấn đề nhập cư phải do chính quyền liên bang ban hành. Việc ông Abbott quyết tâm xây dựng căn cứ mới ở biên giới Mexico rõ ràng cho thấy Texas không có ý định lùi bước trong cuộc đấu pháp lý với chính quyền liên bang.
Những bất đồng về người nhập cư giữa hai Đảng Cộng hòa – Dân chủ, hay sự không thống nhất trong chính sách ứng phó với người nhập cư giữa các tiểu bang và chính quyền liên bang cho thấy sự bất đồng trong nội bộ nước Mỹ đang ngày càng gia tăng. Đây là một thách thức không nhỏ đối với các ứng cử viên tổng thống trong cuộc đua vào Nhà Trắng, đặc biệt là với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump. Làm thế nào để vừa đảm bảo an ninh quốc gia, hạn chế người nhập cư mà vẫn giữ được sự ủng hộ của cử tri sẽ là yếu tố quan trọng góp phần quyết định ai sẽ là ông chủ mới của Nhà Trắng.
Khi cuộc chiến Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 4, nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết cuộc xung đột khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.
TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.
Sáng 17/12, một thiết bị nổ được cài trong một chiếc xe scooter điện đã phát nổ gần lối vào của một tòa dân cư trên Đại lộ Ryazansky ở Moscow, vào đúng thời điểm người đứng đầu Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov cùng trợ lý của ông đi ngang qua, khiến hai người thiệt mạng.
Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp, và thêm trường hợp mới nhất là Trung tướng Igor Kirillov.
Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.
Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.
0