Bầu cử Quốc hội Hàn Quốc, đảng nào chiếm ưu thế?
Cuộc bầu cử có ý nghĩa quan trọng
Ngày 5/4, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và 11,1% cử tri đủ điều kiện đã đi bỏ phiếu sớm tại hơn 3.500 điểm bỏ phiếu trên khắp Hàn Quốc. Đợt bỏ phiếu sớm kéo dài trong 2 ngày 5 - 6/4, trong khi ngày bầu cử chính thức sẽ diễn ra vào 10/4. Thông tin ban đầu cho thấy tính đến 7h ngày 5/4, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu được ghi nhận là 0,62%. Nếu tính theo giờ, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm nay cao hơn so với mức 0,41% của kỳ bầu cử vào năm 2020.
Đây là tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất trong một khoảng thời gian cố định kể từ khi việc bỏ phiếu sớm được tiến hành tại Hàn Quốc vào năm 2013.
Theo kết quả cuộc khảo sát do hãng tin Yonhap tiến hành trước bầu cử, 80% số người Hàn Quốc được hỏi bày tỏ ý định chắc chắn sẽ tham gia bỏ phiếu. Trong số đó, 39% dự định tham gia bỏ phiếu sớm trong khi 58% dự định bỏ phiếu đúng ngày bầu cử 10/4.
Theo quy định hiện hành tại Hàn Quốc, sẽ có tổng số 300 ghế Quốc hội được bầu bao gồm 254 ghế được bầu theo hình thức trực tiếp và 46 ghế theo tỷ lệ đại diện Đảng Chính trị.
Các Đảng Chính trị chỉ mới hoàn thành đề cử ứng cử viên của đảng mình chưa đầy một tháng trước ngày bầu cử, khiến cử tri có ít thời gian để nghiên cứu về các ứng cử viên và các vấn đề mà họ ủng hộ. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, cuộc đua giành ghế trong Quốc hội chủ yếu là cuộc cạnh tranh giữa hai đảng chính là Đảng Quyền lực nhân dân của Tổng thống Yoon Suk Yeol và Đảng Dân chủ đối lập, hơn là cuộc đua của các cá nhân ứng cử viên.
Ông Yoon Suk Yeol đã giành chiến thắng trước đối thủ trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 năm 2022 với tỷ số sít sao. Ba tháng sau đó, Đảng Quyền lực nhân dân của ông đã giành chiến thắng trong các cuộc đua vào thị trưởng thành phố lớn và thống đốc tỉnh. Nhưng có hai nhược điểm lớn đã cản trở nhiệm kỳ tổng thống của ông đó là Đảng Quyền lực nhân dân của ông thiếu quyền kiểm soát trong Quốc hội và tỷ lệ tán thành đối với ông Yoon Suk Yeol thấp hơn kỳ vọng.
Vì vậy, cuộc bầu cử Quốc hội lần này được cho là có ý nghĩa quan trọng đối với Tổng thống Yoon Suk Yeol. Nếu Đảng Quyền lực nhân dân của Tổng thống Yoon Suk Yeol chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội lần này thì có thể tạo thêm động lực cho bốn chương trình cải cách lớn của ông liên quan đến hệ thống chăm sóc sức khỏe, giáo dục, lao động và lương hưu quốc gia. Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng sẽ coi đó là sự hợp pháp về mặt chính trị cho chính sách của ông về tăng cường quan hệ giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Còn nếu phe đối lập giành được chiến thắng quyết định tại Quốc hội, điều đó sẽ làm suy yếu khả năng lãnh đạo của Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Xét theo hệ thống bầu cử tổng thống một nhiệm kỳ của Hàn Quốc, nếu đảng cầm quyền thua trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, tổng thống sẽ rất khó điều hành thành công trong nhiệm kỳ còn lại.
Ông Cho Jin Man - Giáo sư khoa học chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Đại học nữ Duksung.
Các cuộc khảo sát cho thấy nhiều người Hàn Quốc được hỏi không tin tưởng vào Đảng Dân chủ đối lập, bởi hiện nay, lãnh đạo đảng này, ông Lee Jae Myung, đang bị xét xử về tội hối lộ và các cáo buộc hình sự khác.
Trong khi đó, từ đầu năm nay, một đảng đối lập nhỏ là Đảng Tái Thiết Hàn Quốc đã được thành lập bởi cựu Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk. Đảng này đã nổi lên như một rào cản mạnh mẽ nhất đối với hai đảng lớn trong cuộc đua giành thế đa số tại Quốc hội Hàn Quốc.
Theo một phân tích được hãng tin Yonhap công bố vào tháng 3, dựa trên các cuộc khảo sát nội bộ đảng và ước tính của người thăm dò ý kiến, Đảng Quyền lực nhân dân PPP và Đảng Dân chủ đối lập DP sẽ lần lượt giành được ít nhất 110 và 82 trong số 254 ghế bầu cử trong cuộc bầu cử ngày 10 tháng 4. Đảng Tái thiết Hàn Quốc đang hướng tới ít nhất 10 ghế trong Quốc hội.
Tổng thống Hàn Quốc đối mặt nhiều vấn đề
Hàn Quốc hiện đang phải đối mặt với một loạt vấn đề không dễ giải quyết như nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, giá nhà đất tăng vọt, dân số già đi nhanh chóng, khoảng cách thu nhập ngày càng lớn, sự phân biệt giới tính, đặc biệt là trong thế hệ trẻ và mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng tăng từ Triều Tiên. Các cuộc khảo sát trong những tuần gần đây cho thấy phần lớn người Hàn Quốc không tán thành sự lãnh đạo của Tổng thống Yoon Suk Yeol. Điều này nổi lên như một vấn đề bầu cử quan trọng. Ông không được lòng cử tri, đặc biệt là các cử tri ở độ tuổi 50 trở xuống.
Trước cuộc bầu cử Quốc hội Hàn Quốc, cử tri nước này có xu hướng quan tâm các vấn đề dân sinh trong nước như giá cả, việc làm và thuế. Điều này thể hiện sự tương phản rõ rệt với các cuộc bầu cử trước đây, vốn bị bao trùm bởi các vấn đề an ninh và chính sách đối ngoại như mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên và cam kết an ninh của Hoa Kỳ.
Vấn đề nổi cộm tại Hàn Quốc hiện nay là sự bế tắc kéo dài giữa các bác sĩ và chính phủ về kế hoạch tăng số lượng tuyển sinh vào trường y lên 2.000. Các bác sĩ, thực tập sinh y khoa và nội trú cho rằng các trường đại học không thể giải quyết được số lượng sinh viên tăng mạnh như vậy và điều đó sẽ làm suy yếu các dịch vụ y tế của đất nước trong tương lai. Cũng có ý kiến cho rằng các bác sĩ phản đối kế hoạch này một phần do lo lắng về thu nhập sẽ giảm đi sau khi có thêm nhiều bác sĩ.
Cuộc đình công kéo dài của hàng nghìn bác sĩ thực tập trên toàn quốc để phản đối kế hoạch này đang ngày càng gây căng thẳng cho hệ thống chăm sóc y tế của Hàn Quốc. Hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ thực tập sinh của đất nước đã nghỉ việc vào tháng 2, làm gián đoạn hoạt động của các bệnh viện.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có dân số già nhanh nhất thế giới và tỷ lệ bác sĩ trên số dân thuộc hàng thấp nhất trong các nước phát triển. Nhưng nỗ lực bổ sung số lượng tuyển sinh tại các trường y là một dự án rủi ro về mặt chính trị mà các chính phủ trước đây đã không đạt được do sự phản đối kịch liệt tương tự của các bác sĩ và sinh viên y khoa.
Tổng thống Yoon Suk Yeol ban đầu nhận được tỷ lệ tán thành cao đối với kế hoạch tuyển dụng của mình, nhưng giờ đây, ông phải đối mặt với những lời kêu gọi thỏa hiệp ngày càng tăng vì các cuộc đình công của các bác sĩ đã khiến nhiều ca phẫu thuật tại bệnh viện bị hủy bỏ và gây những bất lợi cho bệnh nhân. Trong bài phát biểu toàn quốc dài 50 phút, Tổng thống Yoon lần đầu tiên bày tỏ sẵn sàng tìm kiếm sự thỏa hiệp trong các đề xuất cải cách y tế sau khi chính phủ kêu gọi đối thoại với các bác sĩ đình công.
Nếu các bác sĩ đưa ra giải pháp đúng đắn và hợp lý hơn, chúng ta có thể thảo luận. Chính sách của chính phủ luôn cởi mở. Nếu họ đưa ra những quan điểm tốt hơn và những căn cứ hợp lý, chính sách của chính phủ có thể thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.
Tổng thống Yoon Suk Yeol đã gặp ông Park Dan, người đứng đầu Ủy ban khẩn cấp của Hiệp hội thực tập sinh Hàn Quốc hôm 4/ 4 và hứa sẽ tôn trọng quan điểm của họ trong các cuộc đàm phán trong tương lai. Cuộc gặp giữa Tổng thống Yoon Suk Yeol và lãnh đạo cuộc đình công là cuộc gặp đầu tiên trong nỗ lực xoa dịu vấn đề này.
Một vấn đề khác đang nóng lên trước cuộc bầu cử quốc hội Hàn Quốc, đó là giá tiêu dùng. Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho thấy tâm lý người tiêu dùng Hàn Quốc đã giảm mạnh trong tháng 3, khi lạm phát ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Lạm phát tiêu dùng của nước này tăng nhanh trong tháng 2, sau ba tháng giảm, do áp lực từ phía nguồn cung, chủ yếu là do giá nông sản tăng cao. Tổng thống Yoon Suk Yeol tuần trước đã đến thăm một siêu thị ở Seoul để quảng bá về những nỗ lực của chính phủ nhằm quản lý giá thực phẩm, nhưng cuối cùng ông lại bị chỉ trích khi nói đến giá hành lá.
Tổng thống Yoon Suk Yeol cho rằng 875 won (0,65 USD) một bó hành là một mức giá hợp lý. Câu nói của ông gây ra một cuộc khủng hoảng nhỏ cho Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền của ông khi các ứng cử viên Đảng Dân chủ đối lập cáo buộc Tổng thống Yoon đánh giá thấp giá thực phẩm và không nắm bắt được thực tế.
Tại các siêu thị, hành lá được bán với giá trợ cấp là 875 won. Tuy nhiên, giá bán lẻ thực tế của hành lá dao động quanh mức 3.000 đến 4.000 won (2,2 đến 2,9 USD) một bó trong những tuần qua, đạt mức cao nhất trong những năm gần đây.
Không chỉ riêng hành lá, giá nông sản trong tháng 3 tại Hàn Quốc đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc, chỉ số giá tiêu dùng của Hàn Quốc đối với các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi trong tháng 2 đã tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá táo tăng gần 90%, đánh dấu mức tăng lớn nhất trong một năm kể từ năm 1980. Giá rau cũng duy trì ở mức cao, trong khi giá chăn nuôi giảm 1,5% so với tháng trước nhưng tăng 1,1% so với cùng kỳ.
Thời gian gần đây, chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã đưa ra một loạt chính sách nhằm phục hồi nền kinh tế và giảm chi phí sinh hoạt, như một phần trong nỗ lực của tổng thống nhằm tập trung vào việc cải thiện sinh kế của người dân. Tuy nhiên, các chính sách này mâu thuẫn với định hướng của chính phủ liên quan đến việc quản lý chi tiêu nhà nước.
Tỷ lệ lạm phát lương thực cao có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử sắp tới, có khả năng ảnh hưởng đến vị trí dẫn đầu hiện tại của Đảng Quyền lực nhân dân cầm quyền. Các cử tri bị ảnh hưởng bởi giá lương thực tăng cho biết có thể sẽ không bầu cho Đảng Quyền lực nhân dân cầm quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol nếu chính phủ không ổn định được giá lương thực trong nước.
Các nhà phân tích cho rằng, sự phân cực lớn giữa các đảng phái chính trị đã dẫn đến sự gia tăng của những cử tri trung lập, những người không thích xung đột đảng phái và tập trung nhiều hơn vào các vấn đề sinh kế như giá cả, việc làm và thuế. Theo thống kê, có khoảng 30% hoặc 40% trong số 44 triệu cử tri Hàn Quốc trung lập về mặt chính trị và việc họ ủng hộ ai sẽ là yếu tố quyết định kết quả của cuộc bầu cử ngày 10 tháng 4. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, bất kể kết quả bầu cử thế nào, các chính sách đối ngoại lớn của Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng sẽ không thay đổi, chẳng hạn như chính sách về tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ và Nhật Bản và đường lối cứng rắn đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.
Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.
Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.
Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.
Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.
0