Bay khỏi cánh cửa lồng tự khóa
Chiều nay, Hường sẽ chia sẻ những dòng tự sự của Hòa Lương gửi về từ TP Hồ Chí Minh.
Từ bé tôi đã say mê ngắm nhìn những loài cỏ dại. Có loài lá thuôn dài mọc sát mặt đất. Có loài thân vươn cao lên mấy chục phân, đong đưa những lá nhỏ trong gió. Có loài lại trườn dài quấn vào nhau thành từng đám lớn. Chẳng biết có phải từ khi sáu tuổi đã dong trâu ra đồng không mà tôi luôn thích nằm vẩn vơ trên cỏ, thích nhìn xem đám cỏ dại ấy đang tồn tại ra sao. Dường như kiếp cỏ dại từng có lúc vận vào tôi. Tôi thấy mình như đứa trẻ bị định mệnh bỏ rơi. Tôi chìm đắm trong những tổn thương và cứ thế mang theo những oán hờn lẫn trái tim nhiều lần nổi loạn.
Cỏ dại mạnh mẽ có thể vẫn sống khỏe sau bão giông dù bầm dập nhưng đến cùng vẫn là loài cỏ dại. Mạnh mẽ không hẳn là bản chất mà còn là sự lựa chọn. Để được sống và được sống theo cách của riêng mình, với cá tính của riêng mình. Có lẽ cũng vì vậy nên tôi tự lập từ khi còn bé, làm được nhiều việc mà không cần ba mẹ bên cạnh giám sát và cũng giấu nhẹm đi rất nhiều lần bầm dập thương tích về cả thể xác lẫn tinh thần.
May mắn là những ngày tháng ấy đã qua. Tổn thương đi qua. Nỗi đau dịu lại. Tôi nghiệm ra được nhiều bài học cho cuộc đời mình để sống an nhiên, hạnh phúc hơn. Cũng phải lần nữa cảm ơn cuộc đời đã đưa tôi trở lại với con chữ sau một đường vòng cung ngót nghét chục năm với nhiều công việc khác nhau. Tôi về với viết, dần tìm được bình yên cho tâm hồn đầy xước xát của mình. Dù từ lâu đã là cỏ dại, là cánh chim sẻ nhỏ bay ngoài đồng rộng nhưng phải đến khi sống cùng con chữ tôi mới tìm được một chiếc tổ đủ ấm êm để nương náu sau những ngày dài miệt mài gom nhặt cho cuộc sống thường nhật. Tôi là cánh chim tự do, không từng nhốt mình trong chiếc lồng sợ hãi nhưng tôi cũng nhiều lần chùn chân lưỡng lự trước những khung trời chưa bao giờ bay tới. Cho đến khi tôi cảm nhận được lực căng ở đôi cánh của mình và biết nương theo hướng gió để điều chỉnh đường bay.
Tôi là thế nên cô bạn nói tôi là gà rừng cá biển nhiều phần hoang dại, chẳng giống cô như cá trong bể kính, như gà trong chuồng. Tôi biết không chỉ cô, nhiều người bạn khác nữa của tôi cũng vậy. Cuộc đời gói trong muôn vàn nỗi sợ. Ra đường sợ không may gặp tai nạn. Đi làm sợ bị người ta ganh ghét. Yêu đương sợ bị ruồng bỏ. Đến cả ăn uống cũng sợ bị ngộ độc. Và nếu có điều gì không làm họ sợ thì tôi chưa được biết. Họ có thể là người cẩn thận nhưng cẩn thận tới mức ám ảnh và tự khóa mình trong một chiếc lồng không nhìn được bằng mắt thường. Mọi lời khuyên như muối bỏ bể và người ta chẳng thể mãi nói về một vấn đề không bao giờ thay đổi. Thế nên đã lâu rồi tôi ít khuyên ai. Chỉ nghe và đôi khi để lại suy nghĩ của mình, bởi biết rằng họ sẽ đưa ra quyết định mà tự họ thấy là hợp lý.
Mấy hôm trước chị bạn kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống gần đây của chị, về sự tự do từ trong tâm trí mà chị cảm nhận được. Chị thấy bản thân đang sống hạnh phúc hơn khi hiểu rõ hơn những việc chị làm và tin tưởng hơn vào chính mình. Những lời nói của người khác tuy vẫn ảnh hưởng tới chị nhưng không còn sâu sắc và cũng không quá đáng sợ. Nó vẫn khiến chị suy nghĩ, nhưng không khiến chị phải thay đổi để sống như cách mà người khác nghĩ là chị nên sống. Chị học được cách chia sẻ, cách tìm sự giúp đỡ, cách đặt niềm tin vào người khác. Và chị nói với chúng tôi trong đầu chị cứ râm ran mãi câu nói “bay đi, bay đi cánh chim nhỏ” khi tiết trời Hà Nội vào những ngày lạnh hơn.
Nghe chị kể mà sao tôi ấm lòng. Không phải chuyện của mình mà vẫn thấy rưng rưng. Hạnh phúc nhỏ của một người khác hóa ra lại rất dễ lây sang chúng ta, làm cho một ngày của ta cũng trở nên đặc biệt ấm áp. Tôi mừng cho chị, cũng mong cho những cánh chim nhỏ khác có thể can đảm bay ra khỏi chiếc lồng kia để sải cánh dưới bầu trời và trên mặt đất. Để trong những ngày đông lạnh hay những ngày hạ ấm vẫn có thể tự mình trông thấy thế gian chẳng phải chỉ ở mãi bên trong cánh cửa lồng mà hoang mang, tưởng tượng.
Thói đời nhiều khi cay nghiệt. Cuộc đời nhiều lúc cũng làm ta trầy trật với đau thương. Nhưng thử sống cho thật sống mà xem, cuộc đời còn biết bao điều kỳ diệu giản đơn đang chờ ta tự mình chạm tới./.
Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.
Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.
Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.
Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.
Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....
Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?
0