Bên thềm giếng xưa

Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.

Mẹ tôi kể, ngày ông từ chiến trường trở về, ông cùng bà cất ngôi nhà ngói thay thế ngôi nhà tranh. Thợ đào chiếc giếng nhỏ dưới gốc nhãn, ông không muốn bà phải vất vả đi gánh nước nơi giếng khơi của làng mãi tít xóm xa. Giếng chẳng sâu lắm, chừng mươi mét vừa chạm đáy lộ ra những phần đất sét, các mạch ngầm như được lọc sẵn từ dưới lòng đất tua tủa phun ra, cơ man nào là nước. Gạch xếp xung quanh thành giếng, thỉnh thoảng có tán dương xỉ bén rễ mọc lên.

Ngày đó, tôi còn là đứa trẻ lên ba, kiễng đôi chân mà cũng chẳng thể nào cao được bằng bờ giếng, tôi muốn nhìn xuống xem mẹ vừa múc gầu nước có gì dưới đó mà mát, mà trong. Mẹ cho tôi đứng lên một hòn đá nhỏ, tôi nhìn xuống qua đôi mắt tròn xoe, bờ giếng cũng là hình tròn xoe hơn cả đôi mắt tôi hấp háy. Cả một giếng nước sóng sánh, mẹ múc bao nhiêu chiếc gầu cũng chẳng thể nào cạn được.

Những ngày trời đổ mưa tuôn rồi lại nắng lên, xanh trong ngăn ngắt. Mẹ đi nhổ mạ về vừa đặt quang gánh cạnh cầu ao, múc gầu nước mát, mẹ rửa chân cho tan lớp bùn đất bám vào chiếc xà đùi. Anh Hai con bác Cả vừa xách lưng giỏ cua, thả chạc gầu múc nước dội từ đầu xuống dưới chân. Nước giếng trong, giọt bắn tung bắn tóe. Tôi cười xòa mỗi lần anh kêu mát quá, anh lại thả dây chạc nhanh thoăn thoắt, miệng hát yêu đời. Tuổi thiếu niên vừa trạc chín, mười, chắc ngày ấy, anh chẳng bao giờ nghĩ, cuộc đời mình sẽ vất vả mai sau.

Chị tôi có mái tóc dài mượt như nhung, chiều lưng lửng nắng, chị vừa đi cắt cỏ trên đồng về. Bà nấu nước bồ kết pha trong chiếc thau nhôm đặt nơi thềm giếng. Chị cúi đầu xuống, tôi múc nước bằng chiếc gáo dừa, dội nhẹ vào mái tóc cho chị gội đầu. Nước chảy tới đâu, tóc chị mịn thành thớ đen tuyền thật đẹp. Chị quay mái tóc cho khô, rồi búi tạm lên cao để giặt nốt bộ quần áo còn phơi trên sào cho ráo nước.

Tôi chạy ra ngõ chơi với đám bạn cùng xóm. Trò chơi nhảy dây, mồ hôi vã ra như tắm, tôi chạy về nhà, thả dây chạc, múc nước từ dưới giếng. Xoay chiếc gầu sắt chỗ nào không mẻ, đặt miệng vào, uống từng ngụm ừng ực mát trong.

Buổi tối mùa hè, trăng treo mình trên đỉnh ngọn tre, trăng soi mình xuống dưới lòng giếng nhỏ. Chị tôi rửa bát khi cả nhà vừa ăn bữa tối bên ngọn đèn tỏ, chiếc gầu gieo xuống dưới lòng giếng, tan loãng mất vầng trăng. Chị tôi bảo tháng sau đi lấy chồng, chị sẽ rất nhớ tôi, nhớ mọi người, nhớ không gian bờ giếng. Chị nhớ những ngày giáp Tết, chị rửa lá dong cho bà gói bánh chưng. Chị nhớ ngày mùa đông, nước dưới giếng chẳng lạnh mà còn lan hơi ấm. Nhiệt độ dưới giếng đông hay hè vẫn thế. Mùa đông về, khắp nơi lạnh lẽo mà nước giếng vẫn ấm, kéo chiếc gầu lên, nước tỏa hơi mờ mịt.

Chị tôi đi lấy chồng, ở bên kia sông, nơi mẹ tôi cũng từng ở bên đó dắt tôi trở về quê ngoại. Bên kia sông người ta dùng bể nước hứng mưa, người ta dùng nước sông thay nước giếng. Ngày chị đi lấy chồng, bên bờ giếng, tôi đã khóc vì nhớ người chị đã sang sông. Người hay cõng tôi đi chơi những đêm trăng tròn soi bóng. Bao chàng trai làng ngỏ lời trông ngóng mà chị chẳng ưng. Duyên số ghép cùng chị với chàng trai đi lính về, vỏn vẹn có dăm ngày gặp mặt.

Thời gian khe khắt, cuộc sống chảy trôi. Ông bà tôi theo tổ tiên về với mây trời, anh Hai con bác Cả, bước vào đời, vướng tình duyên lận đận. Mẹ tôi công việc xoay chiều bận rộn. Cuộc đời cuốn xoáy liên miên những đổi thay chẳng thể nào níu kéo. Gốc táo ông trồng, một ngày mùa thu thân già khô lá héo.

Nơi giếng khơi trong chẳng bao giờ gạn đục. Nhà ông ngoại giờ đây, bác Cả cũng đã già, tóc bác bạc trắng như ông hồi trước. Bác dùng nước máy tiện lợi hơn cho sinh hoạt gia đình. Chiếc giếng khơi đứng chơ vơ một mình bên gốc nhãn. Tôi về thăm lại chốn xưa và soi mình xuống lòng giếng, bóng nước hiện lên bao ký ức thân thương.

Thanh Nga

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Do nhiều lý do mà không ít cặp vợ chồng không đăng ký kết hôn hoặc để thời gian làm thủ tục đăng ký kết hôn quá lâu, khi có điều kiện để làm các thủ tục này thì họ băn khoăn không biết quy trình như thế nào?

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết nhu cầu nhà ở bình dân ngày càng bức thiết khi cơ cấu dân số đang bước vào thời kỳ dân số vàng, với 70% dân số trong độ tuổi lao động, sự phát triển của các gia đình trẻ, nhu cầu tách hộ của các gia đình lớn. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị, nhà nước đã xây dựng các dự án nhà ở xã hội cho người dân.

Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống xã hội. Mô hình Chợ 4.0 đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, kích thích hoạt động mua sắm, góp phần xây dựng xã hội số, kinh tế số theo mục tiêu chương trình chuyển đổi số của Thủ đô.

Cái chết tức tưởi của con chim họa mi đã trở thành thảm họa cho gia đình nhà chuột. Sau khi biết được chú chim quý đã chết, Thành Lai tức tốc tìm mọi cách để tiêu hủy bằng được lũ chuột đang lộng hành. Cách hành xử của Thành Lai khi bắt được thủ phạm đã khiến bao người ngỡ ngàng.

Ngôi biệt thự cổ của ông Vũ đã gắn bó với gia đình ông qua nhiều thế hệ, bởi vậy, khi quyết định tu sửa căn nhà, Long - cháu trai của ông Vũ chỉ có thể tin tưởng và gửi gắm phần thiết kế và thi công công trình cho Hồng Hà - nữ kiến trúc sư trẻ giàu tình yêu với Hà Nội đã có những công trình kiến trúc mang giá trị văn hoá cao.

Thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông đường Minh Khai; Thông tuyến quốc lộ 27C qua đèo Khánh Lê; Lịch chạy tàu metro Bến Thành - Suối Tiên; Ngăn xe dừng đỗ sai quy định ở cổng bệnh viện... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.