Bên vách giếng xưa

Có một cô gái lang thang phố trong một ngày hè sang xơ xác gió Lào, lại nao nao trôi về miền nhớ, nhớ quê, nhớ giếng nước bên đồi.

Nhớ những ngày hè, bố tôi dạo quanh khu vườn, chọn vị trí thích hợp để đào giếng. Quê tôi ở miền núi nên việc đào giếng rất khó khăn, đụng cuốc chỗ nào cũng chỉ toàn đá sỏi. Cuối cùng bố chọn một mảnh đất trống nằm cạnh lối nhỏ dẫn xuống vườn rau, cách căn bếp một vạt dong riềng.

Từng nhát cuốc chim sắc nhọn va vào đất đá chan chát, tóe lên những tia lửa xanh đỏ. Bố vừa đào, vừa xúc đất bỏ vào cái xô để nội kéo lên bờ. Đôi tay bố phồng rộm đỏ tấy, những giọt mồ hôi nồng mặn nhỏ long tong, thấm đẫm trong từng thớ đất. Tấm lưng trần của bố ướt nhèm như tắm, bóng loáng dưới ánh nắng chói chang.

Ngày qua ngày, giếng sâu dần, hun hút. Bố thả một cái thang tre dài tương đương với độ sâu của giếng để trèo lên trèo xuống. Chị em tôi đứng ngấp nghé trên mép giếng lởm chởm, ẩm ướt. Ngắm nghía những dòng mạch ngầm lăn tăn phun ra từ lớp đá sỏi, vỗ tay reo hò. Có giếng, niềm vui tuổi thơ như được chắp thêm đôi cánh rộng dài hồn nhiên. Có giếng, nhà tôi có thêm một tài sản quý giá, thân thương gần gũi như tình quê da diết mát lành.

Ảnh minh hoạ: Phụ nữ online.

Mẹ tôi không phải ngày hai buổi với đôi thùng kĩu kịt sang bên kia đồi để xin nước về dùng như trước kia nữa. Nhưng chiếc đòn gánh tre vẫn dẻo dai trên đôi vai gầy của mẹ. Bàn chân mẹ cần mẫn bấm ngón trên lối nhỏ dẫn xuống khu vườn để tưới cây mỗi sáng, mỗi chiều. Khóm húng quế, khóm sả, hương nhu tỏa hương thơm, rung rinh hứng những giọt nước giếng trong lành.

Ngày nắng nôi bỏng rát, mẹ pha nước chanh đường trong cái can nhựa lớn, vặn nắp thật chặt rồi buộc dây thả xuống giếng để ngâm. Cái can nằm im dưới đáy giếng từ sáng đến trưa thì được kéo lên. Lũ con thích thú uống từng ngụm ngọt ngào mát lạnh như được ướp đá.

Nhớ những buổi chị em tôi hụp lặn dưới khe suối để mò cua bắt ốc. Mặt mũi đầu tóc lấm lem bùn đất, thích thú tranh nhau xối từng gàu nước mát rượi từ đầu đến chân.

Nhớ những đêm hè trăng thanh, lũ trẻ chơi trò trốn tìm, nấp lom khom sau thành giếng, sau cây ngũ gia bì lấp ló từng chùm quả chín tươi vàng mọng. Tiếng reo, tiếng cười khúc khích tan giữa không gian lồng lộng gió, ngợp ánh trăng đã trở thành dư âm kỳ diệu của tuổi thần tiên.

Ảnh minh hoạ: Ablersite.org

Những đêm hè trăng thanh, tôi và chị gái rửa bát, giặt đồ, tíu tít chuyện trò rồi ngân nga những bài hát về quê hương. Tiếng kéo cần két két, tiếng gàu va vào thành giếng bồm bộp. Tiếng cây lá lao xao. Tiếng dế nỉ non dưới vồng khoai xanh thẫm. Ánh trăng thăm thẳm soi gương. Chiếc gàu chạm vào trăng. Trăng vỡ tan nhấp nháy. Bản giao hưởng đêm hè chưa khi nào đắm say hơn thế.

Thời gian trôi, giếng dần dần già nua cũ kỹ. Vành đất thô ráp gợi nhớ nhát cuốc nặng nhọc, vất vả của bố giờ đã phủ kín bằng những bụi dương xỉ gầy gò và đám rêu li ti xanh mướt. Cây bưởi, ngoảnh đi ngoảnh lại cành lá đã sum suê vươn ra che mát một khoảng trời. Giếng âm thầm chứng kiến bao thăng trầm, đổi thay của quê hương, của gia đình tôi. Vì công việc, bố mẹ tôi phải bán căn nhà thân yêu để chuyển về thành phố. Từ độ ấy, tôi xa giếng, xa quê.

Lúc tôi mải miết lập nghiệp ở một miền đất mới xa xôi thì giếng xưa chỉ còn trong thước phim ký ức.

Tôi tự vấn lương tâm bao điều không lời giải đáp. Chỉ biết rằng mình là kẻ tha hương với món nợ quê không bao giờ trả hết. Chỉ biết lấy nỗi nhớ khắc khoải để bù đắp cho những kỷ niệm bị bỏ rơi trên bao ngả đường tôi đã đi qua. Nỗi nhớ đưa tôi về bên giếng xưa. Thấp thoáng bước chân tảo tần của mẹ, thấp thoáng chiếc lưng còng gánh nặng nỗi lo toan của bà nội với lời nói dịu dàng: "Con gái mà gội đầu bằng nước giếng nấu với lá thơm tóc sẽ mượt lắm!".

Ngày hè ở phố, một chút mệt mỏi, một chút yếu lòng trước những va vấp xô đẩy của cuộc đời. Tôi chìm vào giấc mơ về đêm trăng mùa hạ, bên vách giếng xưa rộn rã dư âm, thẳm sâu mạch nguồn đầy ắp.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Có một người rời Hà Nội để theo chồng về Phú Thọ sinh sống vào một ngày cuối hạ. Điều mà cô luyến tiếc nhất là phải chia xa mùa thu Hà Nội, khi ấy đang cận kề. Không còn được nhấm nháp mỗi sáng gói cốm của bà lão ở cổng làng Vòng, không còn hoàng hôn đạp xe quanh hồ Tây se lạnh heo may, không còn cuối tuần ngắm màn lá vàng rơi thành thảm dày ở phố Hoàng Diệu…

Lần đầu bước chân lên Hà Nội, có người đã tự hỏi: Không biết thành phố này có gì để người ta bám trụ nhiều đến thế? Xô bồ, khói bụi, ồn ào, đắt đỏ… dường như thành phố quá chật để ta có thể nới rộng tâm hồn. Rồi một ngày nào đó, nỗi lo vật chất sẽ cuốn đi mọi rung cảm tinh thần. Thủ đô liệu có phải chỉ dành cho những ai nhiều tiền, lắm của?

Sáng sớm nay có cơn gió đổi chiều thật đẹp. Là gió heo may. Gió heo may đã về loang trong tim ai đó từng vệt nhớ, nhớ niềm vui tươi mới của tuổi thơ trong ngày khai trường xa xưa.

Sớm nay bỗng có người thấy tâm hồn sao khác lạ, cứ lâng lâng một cảm giác yên lành. Ngập ngừng cảm nhận bước chân xa của mùa gần tới. Thấp thoáng trên phố, chị hàng cốm đi qua để lại tiếng rao nghe rất đỗi quen thuộc. Không biết có thu thì mới có cốm hay chính hương cốm gọi thu về cho Hà Nội.

Tháng Tám vừa ghé xuống bên thềm, cái bỏng rát, khô khát của mùa hè cũng dần vơi. Hãy tạm quên đi những nỗi buồn, những đứt gãy, những không trọn vẹn để đến với tháng Tám nồng nàn yêu thương.

Sau bao năm bận việc, Trung thu này, có người được ở nhà. Ngồi pha ly trà, thấy đứa cháu chạy lon ton, lòng cô tự nhiên cũng rạo rực nỗi niềm đoàn tụ. Nhưng ở nhiều nơi vùng lũ lụt, nhiều gia đình đã chẳng thể chúc nhau câu Trung thu vui vẻ.