Biển Đỏ dậy sóng, thương mại toàn cầu bị đe doạ
Biển Đỏ dậy sóng
Vào ngày 19/11, lực lượng Houthi đã chiếm một tàu chở hàng có liên quan Israel mang tên Galaxy Leader và ngay sau đó đã công bố một đoạn video ghi lại cảnh bắt giữ con tàu này. Sau đó, Houthi đã tấn công nhiều tàu đi qua eo biển Bab al-Mandeb, một lối đi hẹp dẫn vào Biển Đỏ và dẫn tới kênh đào Suez ở xa hơn. Nhóm này thậm chí phóng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa về phía Israel, cách trụ sở của mình ở thủ đô Sanaa, Yemen hơn 1.600km. Trước đó, nhóm vũ trang này đã đe dọa nhắm mục tiêu vào tất cả các tàu hướng tới Israel, bất kể quốc tịch nào. Nhóm cũng cảnh báo các công ty vận tải quốc tế không giao dịch với các cảng của Israel.
Phản ứng trước các động thái của Houthi, Mỹ, Liên minh châu Âu, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và một số quốc gia, trong đó có Yemen, đã đưa ra tuyên bố chung lên án "sự can thiệp của Houthi vào các quyền và tự do hàng hải" trong bối cảnh các cuộc tấn công liên tiếp xảy ra ở Biển Đỏ.
Ông David Cameron, Bộ trưởng Ngoại giao Anh nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tự bảo vệ mình và điều rất quan trọng là hoạt động vận chuyển phải được tiếp tục".
Tác động đối với hoạt động vận tải biển toàn cầu đi qua Bab al-Mandeb và Biển Đỏ đã khiến Mỹ và các đồng minh khác có hành động phản ứng. Mỹ cùng các đối tác quyết định thành lập Liên minh an ninh gồm 10 quốc gia để bảo vệ các tàu thương mại đi qua khu vực này. Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 21/12 thông báo, tổng cộng đã có hơn 20 nước đồng ý tham gia liên minh này.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, liên minh sẽ thực hiện các cuộc tuần tra chung ở phía nam Biển Đỏ và gần Vịnh Aden. Mỹ kêu gọi các nước khác cùng tham gia, đồng thời chỉ trích các cuộc tấn công do lực lượng Houthi tiến hành trong những ngày qua.
Ông Lloyd Austin khẳng định: “Các quốc gia tìm cách duy trì nguyên tắc tự do hàng hải cơ bản phải cùng nhau giải quyết thách thức hiện nay tại Biển Đỏ. Đây là thách thức quốc tế đòi hỏi hành động tập thể. Vì vậy, hôm nay tôi tuyên bố thành lập Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng, một sáng kiến an ninh đa quốc gia mới quan trọng. Liên minh an ninh sẽ hoạt động với mục tiêu đảm bảo tự do hàng hải cho tất cả các quốc gia cũng như tăng cường an ninh và thịnh vượng trong khu vực.”
Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng được coi là phản ứng kiềm chế và mang tính đa phương của Mỹ, thay vì mở chiến dịch tập kích đáp trả nhằm vào Houthi. Theo giới quan sát, Mỹ có nhiều biện pháp đáp trả bằng quân sự, nhưng tình hình hiện tại ở khu vực Trung Đông đã trở nên phức tạp hơn. Iran và các lực lượng dân quân do nước này hậu thuẫn như Hezbollah ở Liban vẫn chưa tham gia tổng lực vào xung đột Israel - Hamas, nên nếu Mỹ tấn công lực lượng Houthi, nhiều khả năng các lực lượng này sẽ mở mặt trận mới để thể hiện sự ủng hộ với Houthi.
Ngoài ra, nếu Mỹ dùng biện pháp quân sự tấn công, nhóm Houthi có thể đáp trả bằng cách khai hỏa vũ khí tầm xa tập kích các mục tiêu khác của Mỹ trong khu vực. Houthi có thể sở hữu năng lực chống hạm lớn hơn so với ước tính của nhiều người.
Theo đánh giá, việc xác định các mục tiêu tấn công tại Yemen của quân đội Mỹ nghe có vẻ đơn giản, không khó tác chiến. Tuy nhiên, nếu chiến sự sau đó leo thang, quân đội Mỹ sẽ đối mặt nhiều vấn đề chiến thuật thách thức hơn. Do đó, việc thành lập liên minh quốc tế nhằm đối phó với các đợt tập kích của Houthi sẽ giúp các đồng minh chia sẻ trách nhiệm và chi phí với Mỹ, cũng như xây dựng mặt trận tập thể nhằm triển khai sức mạnh đối phó với Houthi.
Hệ lụy khôn lường
Biển Đỏ nối với Địa Trung Hải qua kênh đào Suez, đây là tuyến vận tải biển ngắn nhất kết nối châu Âu và châu Á. Khoảng 15% lưu lượng vận tải biển của thế giới đi qua kênh đào này. Sau khi một số tàu bị tấn công, ngày càng nhiều tàu chở hàng quyết định neo đậu trên Biển Đỏ. Trong khi đó, nhiều tàu khác tắt các hệ thống định vị, các nhà buôn điều chỉnh lịch trình. Theo giới phân tích, những quyết định này được cho là sẽ gây tác động đối với hoạt động thương mại toàn cầu, mức độ tác động tùy thuộc vào thời gian khủng hoảng tiếp diễn. Nếu tình trạng gián đoạn kéo dài, lĩnh vực hàng tiêu dùng cung cấp cho các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới sẽ phải đối mặt với tác động nghiệm trọng.
Trong bối cảnh nhiều tàu hàng chuyển hướng khỏi Biển Đỏ do lo ngại bị phiến quân Houthi tấn công, giá cước vận tải biển và hàng không đều tăng chóng mặt. Cùng lúc, hàng trăm tỷ USD hàng hoá đang bị mắc kẹt. Cả hai đều là mối đe doạ với chuỗi cung ứng toàn cầu và triển vọng lạm phát.
Nếu các hệ lụy thương mại còn dai dẳng thì những tổn thất về chi phí bảo hiểm do điều chỉnh lộ trình và sự chậm trễ hàng hóa là những tác động trực tiếp trước mắt. Ước tính, chi phí để một tàu cỡ lớn chở dầu thô đi qua kênh đào Suez từ châu Âu tới Trung Đông đã tăng 25% chỉ trong 1 tuần.
Chi phí vận chuyển một container từ Trung Quốc đến Địa Trung Hải trong tháng 12 đã tăng 44% , lên mức 2.413 USD. Trong khi, mức giá này hồi đầu năm chỉ là gần 1.400 USD.
Căng thẳng leo thang ở Biển Đỏ đã buộc các công ty bảo hiểm phải tăng đáng kể chi phí bảo hiểm đối với các tàu thương mại. Thậm chí những tàu có lộ trình qua Biển Đỏ còn bị từ chối cung cấp dich vụ bảo hiểm.
Không chỉ cước tăng mà thời gian vận chuyển cũng tăng sau khi nhiều hãng vận tải biển đã thay đổi hải trình. Nhiều hãng tàu biển lớn như Hapag Lloyd, MSC và Maersk hay các công ty dầu mỏ hàng đầu gồm BP và Frontline đều thông báo sẽ tránh di chuyển qua tuyến đường biển này, điều chỉnh hướng lộ trình sang phía mũi Hảo Vọng ở miền Nam châu Phi. Tuy nhiên, hàng hóa từ châu Á sang châu Âu nếu phải chạy vòng qua Mũi Hảo Vọng thay vì qua kênh đào Suez như thông thường sẽ mất thêm 9 ngày, tổng thời gian vận chuyển tăng từ 31 ngày lên 40 ngày. Còn tàu chở dầu mỏ, khí LNG sẽ mất gấp đôi thời gian vận chuyển, khiến mỗi chuyến hàng đội thêm chi phí hàng triệu USD.
Một cuộc khủng hoảng mới đang nhen nhóm tại một trong những cung đường thương mại huyết mạch của thế giới, có nguy cơ làm đảo lộn chuỗi cung ứng cũng như đẩy giá dầu và lạm phát tăng lên, ở thời điểm mà tăng trưởng kinh tế đang giảm tốc.
Các nhà điều hành dịch vụ hậu cần toàn cầu cảnh báo, việc đưa các tàu đến các tuyến hàng hải thay thế có thể làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra tình trạng ứ đọng tại các cảng và thiếu hụt tàu, container cũng như thiết bị.
Hơn 80% thương mại hàng hóa toàn cầu được thực hiện bằng đường biển, và lưu lượng vận chuyển qua một tuyến đường quan trọng khác là Kênh Panama đã bị hạn chế bởi tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Căng thẳng ở Biển Đỏ xảy ra giữa lúc hoạt động vận chuyển qua Kênh Panama cũng sụt giảm, có nghĩa là cả hai tuyến đường huyết mạch này đều gặp vấn đề ở cùng một thời điểm. Ngoài ra, còn có một cuộc chạy đua về vận chuyển hàng hóa trước khi nhà máy đóng cửa vào dịp Tết Nguyên đán dự kiến vào ngày 10-17/2, điều này có thể làm gián đoạn nguồn cung trong một tháng hoặc lâu hơn. Trong khi đó, các chủ tàu container lớn đã bắt đầu bổ sung các khoản phí, bao gồm cả phụ phí khẩn cấp, đối với hàng hóa bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn ở Biển Đỏ.
Hoạt động tại kênh đào Suez chịu ảnh hưởng
Tác động từ sự bất ổn trên Biển Đỏ là rất lớn, có thể ảnh hưởng đến doanh thu của Kênh đào Suez. Ngoài ra, việc tàu chở hàng đi đường vòng cũng có thể sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của Ai Cập. Nước này đã chịu ảnh hưởng nặng nề khi ngành du lịch điêu đứng vì cuộc chiến Israel - Hamas. Ai Cập hiện đang sở hữu, vận hành và bảo trì Kênh đào Suez. Cơ quan quản lý kênh đào này cho biết, Suez đã tạo ra doanh thu kỷ lục 9,4 tỷ USD trong năm tài chính 2022 - 2023.
Trước đó, ngày 17/12, Chủ tịch Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập, ông Osama Rabie, nói rằng, 55 tàu đã chuyển sang tuyến Mũi Hảo Vọng kể từ ngày 19/11. Theo ông Rabie, con số này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ so với tổng số 2.128 tàu đã đi qua Kênh đào Suez trong giai đoạn này.
Trong khi đó, số tàu thực tế tránh đi qua Kênh đào Suez vượt quá con số được công bố. Điều này sẽ tác động không nhỏ đối với Ai Cập, quốc gia phụ thuộc nhiều vào doanh thu từ Kênh đào Suez, giữa lúc Cairo đang nỗ lực thu hẹp khoản thiếu hụt tài chính 17 tỷ USD/năm đến năm 2026. Trong tài khóa kết thúc vào cuối tháng 6/2023, doanh thu của Kênh Suez đạt 8,8 tỷ USD.
Ông El-Kady cho rằng, nền kinh tế Ai Cập đang mất hàng triệu USD mỗi ngày từ doanh thu của Kênh đào Suez do cuộc khủng hoảng trên Biển Đỏ vẫn chưa được giải quyết. Chuyên gia này lưu ý, tình trạng bất ổn liên quan đến Eo biển Bab al-Mandab cũng đã có những tác động toàn cầu khi ông đề cập đến sự cố tàu chở container Evergreen mắc cạn trên Kênh đào Suez hồi tháng 3/2021, khiến thương mại toàn cầu thiệt hại 10 tỷ USD.
Là tuyến đường thủy quan trọng nối Địa Trung Hải và Biển Đỏ, Kênh đào Suez chiếm khoảng 12% khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển của thế giới và là một trong những nguồn thu ngoại tệ chủ chốt của Ai Cập. Kênh đào Suez, dài 192 km, là tuyến đường biển ngắn nhất giữa châu Á và châu Âu. Kênh đào này là một trong bảy địa điểm quan trọng nhất đối với hoạt động buôn bán dầu mỏ trên toàn thế giới. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ và dữ liệu của Vortexa, trong nửa đầu năm 2023, có 9,2 triệu thùng dầu lưu thông qua kênh đào mỗi ngày, chiếm 9% nhu cầu toàn cầu. Trong năm 2023, có khoảng 4% lượng LNG nhập khẩu toàn cầu lưu thông qua kênh đào này (ước tính 391 triệu tấn). Phí đi qua kênh, do các chủ tàu trả, là nguồn thu nhập quan trọng cho nền kinh tế Ai Cập. Tính đến ngày 30/06/2023, thu nhập đạt mức kỷ lục 9,4 tỷ USD. Kênh đào có thể tiếp nhận hơn 60% tổng số tàu chở dầu trên thế giới khi đầy tải, và hơn 90% tàu chở hàng rời. Kênh cũng có thể tiếp nhận tất cả các tàu chở container, tàu chở ô tô và tàu chở hàng tổng hợp.
Theo các chuyên gia, với vai trò là tuyến đường quan trọng đối với hoạt động vận chuyển dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của thế giới, sự gián đoạn giao thông qua Kênh đào Suez có thể ảnh hưởng đến thị trường năng lượng toàn cầu.
Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố hồi tháng 10/2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại từ 3,5% ghi nhận năm 2022 xuống còn 3% vào năm 2023 và 2,9% năm 2024.
Nhìn rộng ra, đứt gãy vận tải trên Biển Đỏ không chỉ tác động đến ngành năng lượng, vận tải đường biển, mà còn ảnh hưởng lớn với chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều nền kinh tế, các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Không chỉ Israel hay các nước phương Tây, các nước Arab vùng Vịnh, Trung Quốc, Iran hay Ấn Độ cũng xem đây là tuyến vận tải có ý nghĩa sống còn cho sức khoẻ các dòng chảy thương mại của mình…
Ai Cập sẽ là nước chịu ảnh hưởng trực tiếp, khi nguồn thu 10 tỷ USD từ Kênh đào Suez sẽ bị sụt giảm do tàu hàng giảm qua lại trên Biển Đỏ. Kế đến là những nước sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt lớn trong khu vực như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Trung Quốc cũng gặp khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa qua châu Âu qua kênh Suez.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, việc tăng gấp đôi chi phí vận chuyển có thể làm tăng lạm phát giá tiêu dùng thêm 0,7%. Ngoài ra, giá dầu có thể tăng đột biến nếu có nhiều công ty ngừng sử dụng Kênh đào Suez, đặc biệt nếu tình trạng gián đoạn này kéo dài./.
Chiến thắng áp đảo của Tổng thống đắc cử Donald Trump đánh dấu một chiến thắng lớn cho tỷ phú Elon Musk, người đã chi ít nhất 119 triệu đô la cho một nhóm ủng hộ ứng viên của Đảng Cộng hòa.
Liên minh cầm quyền tại Đức đã sụp đổ, kinh tế trì trệ, cùng với căng thẳng địa chính trị và áp lực bên ngoài có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào giai đoạn bất ổn. Nước Đức đang ở thời điểm bước ngoặt cho những cải cách và đổi mới để mạnh mẽ vươn lên.
Trong gần ba năm diễn ra xung đột Nga - Ukraine, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine và luôn khẳng định rằng sẽ sát cánh cùng Kiev cho đến chừng nào có thể. Tuy nhiên, sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump khiến nhiều người đặt câu hỏi ông sẽ giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine như thế nào?
Trung Quốc là điểm dừng chân đầu tiên ở nước ngoài của Tổng thống Indonesia kể từ khi nhậm chức cách đây ba tuần. Trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào thứ Bảy, ông cam kết duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.
Du lịch được xác định là ngành mũi nhọn, đóng góp lớn cho nhiều nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển du lịch mà không làm ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và cuộc sống của người dân địa phương là điều cần được chú trọng. Nhiều quốc gia đã nhận thấy rằng, gắn phát triển du lịch với bảo tồn và hài hòa lợi ích của người dân là yêu cầu cấp thiết hiện nay để có thể phát triển một nền du lịch bền vững.
Thủ tướng Israel Netanyahu mới đây đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, cho thấy mức độ chia rẽ nghiêm trọng trong nội các Israel. Động thái này cũng khiến cho những hy vọng về việc đạt được một lệnh ngừng bắn với Hamas và đưa các con tin trở về nhà ngày càng xa vời.
0