Biến đổi khí hậu đòi hỏi tăng cường hợp tác quốc tế
Lũ lụt do ảnh hưởng của bão gây ra đã tấn công miền trung Bosnia và Herzegovina vào ngày 4/10 khiến 19 người thiệt mạng và nhiều người mất tích dọc theo sông Neretva, một trong những tuyến đường thủy chính của đất nước này.
Cùng lúc đó, một số quốc gia Trung Âu đang hồi phục sau trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong hơn hai thập kỷ. Sóng nhiệt cực độ và lũ quét đang ngày càng trở nên phổ biến ở lục địa vốn được coi là nơi có thời tiết ôn hòa.
Giáo sư Manoj Joshi, chuyên gia về khí hậu tại Khoa Khoa học Môi trường thuộc Đại học East Anglia ở Anh, cho biết: "Có bằng chứng cho thấy chúng đang ngày càng nghiêm trọng hơn".
Các chuyên gia đã kêu gọi các nước cần nỗ lực và phối hợp hành động để xây dựng cơ sở hạ tầng và giảm phát thải khí nhà kính.
Thời tiết khắc nghiệt trên khắp châu Âu
Trong những tháng gần đây, các quốc gia như Ba Lan, Áo, Cộng hòa Séc và Romania cũng đã trải qua những trận lũ lụt tàn khốc, khiến hàng chục người thương vong, thiệt hại lớn về kinh tế và giao thông gián đoạn trên diện rộng.
Ba Lan, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đã chịu thiệt hại ước tính 9 tỷ USD, tương đương khoảng 1% GDP của nước này.
Ở Áo, các ngôi làng đã được sơ tán vì một con đập đã bị vỡ khiến lũ lụt nhấn chìm các khu vực xung quanh. Hậu quả là hệ thống cống rãnh bị hư hại nặng khiến 1.500 người không sử dụng được hệ thống thoát nước thải.
Tại Cộng hòa Séc, lũ lụt từ ngày 13/9, khiến hàng nghìn người phải di tản.
Romania báo cáo có 7 người tử vong khi nước lũ nhấn chìm toàn bộ ngôi làng, biến đường phố thành sông và gây thiệt hại nặng nề cho cơ sở hạ tầng địa phương.
Tại Ý, các thành phố như Rome, Naples và Florence đã trải qua những ngày nhiệt độ cao kỷ lục. Đây là năm thứ ba liên tiếp nhiệt độ tăng cao kỷ lục như vậy. Đợt nắng nóng đầu tiên của năm 2024 đến trước cả khi mùa hè bắt đầu.
Tại Sicily, tình trạng thiếu nước nghiêm trọng đi kèm với đợt nắng nóng đã khiến các thành phố du lịch phải đưa ra khuyến cáo với du khách rằng họ nên rời khỏi nơi đây. Điều này càng báo hiệu mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng vì hạn hán.
Theo Katja Klancar, nhà khí tượng học tại Cơ quan Môi trường của Slovenia, châu Âu đang nóng lên với tốc độ nhanh nhất so với tất cả các châu lục. Do đó, nơi này phải đối mặt với các đợt nắng nóng, hạn hán và mưa lớn thường xuyên và dữ dội hơn.
Ông Bogdan Antonescu, chuyên gia vật lý khí quyển, từ Viện Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia về tính chất Vật lý của Trái đất của Romania nói: "Khi các đợt nắng nóng và nhiệt độ khắc nghiệt có nguyên nhân tự nhiên, biến đổi khí hậu làm khuếch đại tần suất, cường độ và thời gian kéo dài của chúng. Nhiệt độ toàn cầu hiện tại tăng 1,2 độ C đang làm thay đổi các mô hình nhiệt độ theo khu vực, như đã thấy ở Romania".
Tiến sĩ Aleksandra Kardas từ Đại học Warsaw nhấn mạnh rằng sự nóng lên toàn cầu đang đẩy nhanh chu trình của nước, gây ra lượng mưa lớn hơn ở những khu vực vốn đã ẩm ướt và làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán ở một số vùng khác. "Nhiệt độ ấm hơn làm tăng sự bốc hơi và khả năng xảy ra mưa lớn. Nhưng chúng không làm giảm bớt các vấn đề hạn hán; mà càng làm điều đó trở nên tồi tệ hơn".
50 năm trước, mực nước 0 độ nằm ở độ cao khoảng 600 mét so với mực nước biển. Ngày nay, với mùa đông ấm hơn, mực nước đã tăng lên mức khoảng 850 mét. Kịch bản biến đổi khí hậu Thụy Sĩ năm 2018 dự đoán rằng mực nước 0 độ sẽ tăng thêm 400-650 mét vào năm 2060. Nếu không có biện pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu, điều này sẽ đưa mực nước lên độ cao đáng kinh ngạc khoảng 1.300-1.500 mét.
Tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu
Thời tiết khắc nghiệt ngày càng gia tăng ở châu Âu, từ bão, mưa đá đến lũ lụt và nắng nóng là dấu hiệu cảnh báo về tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.
"Cải thiện dự báo là điều cần làm, nhưng việc biến chúng thành hành động hiệu quả vẫn là điều quan trọng nhất. Giảm phát thải và tăng cường sự chuẩn bị là điều cần thiết để giảm thiểu tác động của lũ lụt trong tương lai", Jeff Da Costa, nhà khoa học về khí hậu tại Đại học Reading ở Anh cho biết.
Giáo sư Artur Magnuszewski, một nhà thủy văn học đến từ Đại học Warsaw, đã chỉ ra mối quan hệ giữa lối sống của con người và thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt. "Hiệu ứng 'đảo nhiệt đô thị' (UHI), do sự phát triển nhanh chóng của thành phố và các bề mặt đất do xây dựng phủ kín, đã làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Các thành phố hấp thụ nhiệt và tăng cường các dòng đối lưu, dẫn đến những cơn giông bão và mưa lớn nghiêm trọng hơn, làm quá tải các hệ thống thoát nước đã lỗi thời", ông cho biết.
Theo Báo cáo tình trạng đại dương Copernicus của EU lần thứ 8 vừa được công bố, do ảnh hưởng của khí thải nhà kính xuất phát từ các hoạt động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày của con người gây ra. Khiến đại dương toàn cầu ngày càng ấm lên với tốc độ ngày càng nhanh, với tốc độ tăng gần gấp đôi kể từ năm 2005.
Báo cáo nhấn mạnh rằng những thay đổi của đại dương không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển mà còn có tác động đáng kể đến hệ thống khí hậu của Trái đất.
Nghiên cứu từ Đại học Newcastle chỉ ra rằng vào cuối thế kỷ này, châu Âu có thể phải hứng chịu tần suất bão di chuyển chậm nhiều hơn tới 14 lần, mang theo lượng mưa lớn và lũ lụt.
"Những biến đổi thời tiết cực đoan như vậy đang trở nên phổ biến hơn", Giáo sư Szymon Malinowski từ Đại học Warsaw cho biết: "Việc giải quyết biến đổi khí hậu không chỉ đòi hỏi những nỗ lực trên quy mô lớn mà còn phải xem xét lại quy hoạch đô thị và phát triển các cấu trúc thành phố bền vững để xử lý tốt hơn những thách thức của một thế giới đang nóng lên".
Hành động nhanh chóng khi cần thiết
Nhiều chuyên gia về khí hậu đã trích dẫn trận lũ lụt nghiêm trọng gần đây ở Trung Âu và Đông Âu như một minh chứng cho nhu cầu cấp thiết phải thích ứng với tình trạng khí hậu đang thay đổi nhanh chóng.
Giáo sư Manoj Joshi, chuyên gia về khí hậu của Anh kêu gọi cần hành động nhanh chóng và cam kết của chính phủ để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 mà họ đã đặt ra.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biến nhận thức của công chúng thành hành động chính sách, khi xã hội ngày càng nhận ra nhu cầu cấp thiết phải giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Trước sự biến đổi của thời tiết khắc nghiệt gần đây, chính phủ các nước châu Âu đã có những hành động tích cực. Ví dụ, Ba Lan đã phát động "Chiến dịch Phượng hoàng", huy động hơn 26.000 binh lính để hỗ trợ ứng cứu lũ lụt. Ủy ban châu Âu cũng đã công bố quỹ trị giá 10 tỷ euro để hỗ trợ các quốc gia thành viên EU bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Trên toàn cầu, cần phải giải quyết nhiều vấn đề hơn nữa. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu đã nhấn mạnh nhu cầu về các chính sách quốc tế. Không chỉ tập trung vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua việc cắt giảm khí thải mà còn vào các biện pháp thích ứng để tăng cường khả năng phục hồi trước thời tiết khắc nghiệt.
Nhà khoa học về khí hậu Jeff Da Costa cũng đưa ra quan điểm tương tự. Ông cho biết các quốc gia nên hợp tác về các chiến lược quản lý lũ lụt xuyên biên giới và hướng tới các cam kết giảm phát thải toàn cầu. Ông Da Costa nói "Việc tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm và các kênh truyền thông trong trường hợp khẩn cấp là điều cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân. Hợp tác quốc tế cũng rất quan trọng, vì biến đổi khí hậu không có biên giới".
Ông Da Costa còn cho biết." Phục hồi, xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm phát thải khí nhà kính và phát triển các chiến lược quản lý rủi ro thiên tai sẽ là nòng cốt. Khi biến đổi thời tiết khắc nghiệt trở nên thường xuyên hơn, các biện pháp chủ động là cần thiết để giải quyết những thách thức mà chúng đặt ra".
Động thái của Tòa án Hình sự quốc tế ICC khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có nguy cơ bị giam giữ nếu ông đi đến một số quốc gia khác.
Lực lượng không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ vùng Astrakhan miền Nam nước này nhắm vào thành phố Dnipro của Ukraine. Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng một tên lửa có tầm bắn xa và mạnh như vậy trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Một chàng trai người Ai Cập đã trở thành người nổi tiếng trên mạng xã hội, thu hút hơn 750.000 người theo dõi trên Instagram khi anh thực hiện hành trình đường bộ dài hơn chu vi trái đất từ Ai Cập tới Nhật Bản trong vòng 274 ngày.
Mỹ đã công bố gói viện trợ an ninh mới trị giá 275 triệu USD cho Ukraine, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã vượt qua mốc 1.000 ngày và được dự báo sẽ còn kéo dài.
Lực lượng không quân Ukraine thông báo Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa vào Ukraine hôm thứ Năm. Đây là lần đầu tiên trong cuộc chiến, Nga sử dụng một loại vũ khí mạnh mẽ, có khả năng hạt nhân với tầm bắn hàng nghìn km.
Nvidia vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 ấn tượng và kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh khi nhu cầu chip AI vẫn còn rất cao.
0