Biến đổi khí hậu và thách thức an ninh lương thực

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu nhưng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu.

Trước những tác động nặng nề do biến đổi khí hậu, chìa khóa cho sản xuất lương thực bền vững, đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu chính là xây dựng hệ thống lương thực thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong khuôn khổ Hội nghị COP28, hơn 130 quốc gia trên thế giới đã nhất trí đưa vấn đề lương thực, thực phẩm và nông nghiệp vào kế hoạch hành động khí hậu quốc gia, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng về bảo vệ đất cho thế hệ tương lai. Cùng với đó, nhiều sáng kiến về chống lãng phí thực phẩm đã được đưa ra nhằm giảm thiểu áp lực cho cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra hiện nay.

Biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, xung đột leo thang, giá lương thực thế giới  biến động và hơn 345 triệu người đang trên bờ vực nạn đói. Tình trạng mất an ninh lương thực hiện nay được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong nhiều năm, và xu hướng này có thể trở nên tồi tệ hơn nếu thế giới không nhanh chóng có giải pháp ứng phó. Trong nỗ lực hướng tới xây dựng hệ thống thực phẩm bền vững, thích ứng với khí hậu, và góp phần đảm bảo an ninh lương thực, tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đang diễn ra tại thành phố Dubai, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), hơn 130 quốc gia trên thế giới đã nhất trí tăng cường chuyển đổi hệ thống thực phẩm, gắn nỗ lực này với kế hoạch quốc gia về giảm khí thải. Theo Liên hợp quốc, hệ thống thực phẩm tạo ra hơn 30% lượng khí nhà kính do các hoạt động của con người, nhưng đang ngày càng bị tác động do hiện tượng nóng lên toàn cầu và mất đa dạng sinh học.

Trong khuôn khổ Hội nghị COP28, hơn 130 quốc gia trên thế giới đã nhất trí đưa vấn đề lương thực, thực phẩm và nông nghiệp vào kế hoạch hành động khí hậu quốc gia

Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, vấn đề lương thực và nông nghiệp chiếm vị trí trung tâm trong chương trình nghị sự tại hội nghị khí hậu thường niên của Liên hợp quốc. UAE - chủ nhà COP28 cho biết, hơn 130 quốc gia đã ký tuyên bố chung cam kết đưa hệ thống thực phẩm – bao gồm tất các công đoạn từ sản xuất đến tiêu dùng - trở thành tâm điểm trong chiến lược quốc gia nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Theo ông Majid al Suwaidi, Tổng giám đốc COP28, “134 quốc gia đã ký Tuyên bố về Lương thực và Nông nghiệp của UAE, trong đó bao gồm việc chuyển đổi hệ thống thực phẩm trong kế hoạch khí hậu quốc gia đến năm 2025. Các nhà lãnh đạo đã thành lập một liên minh kêu gọi các chính phủ tham khảo ý kiến cấp khu vực khi xây dựng các đóng góp và cam kết về ứng phó với khí hậu."

Ngoài ra, các nước cũng nhất trí đẩy mạnh hỗ trợ nông dân và các nhà sản xuất thực phẩm dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu thông qua tăng cường nguồn lực tài trợ, phát triển, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và các hệ thống cảnh báo sớm.

Về phần mình, bà Mariam Almheiri - Bộ trưởng Bộ biến đổi khí hậu và môi trường của UAE khẳng định, "Không có giải pháp nào để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris và giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C, mà không giải quyết khẩn cấp sự tương tác giữa hệ thống lương thực, nông nghiệp và khí hậu".

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Hội nghị

Cũng theo tuyên bố chung, 134 quốc gia ký kết văn kiện là nơi sinh sống của 5,7 tỷ người, tạo ra lượng khí thải nhà kính chiếm tới 75% tổng lượng khí thải từ hệ thống sản xuất lương thực toàn cầu, hoặc 25% tổng lượng khí thải trên toàn thế giới. Trong số các quốc gia ký vào tuyên bố chung có Mỹ, Trung Quốc, Brazil và Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu tại Hội nghị, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh, “Tuyên bố của UAE  về nông nghiệp bền vững thể hiện cam kết mang tính bước ngoặt của hơn 130 quốc gia nhằm điều chỉnh tốt hơn các nỗ lực về nông nghiệp và hệ thống thực phẩm với hành động vì khí hậu. Tôi rất vui mừng thông báo rằng Mỹ cũng tham gia tuyên bố này.  Trên khắp thế giới, 700 triệu người bị suy dinh dưỡng kinh niên. Khoảng một nửa số này phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng này trở nên tồi tệ hơn do khí hậu ấm lên và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt."

Theo các nhà phân tích, Tuyên bố về Lương thực và Nông nghiệp của UAE dù không đề cập nhiều đến các hành động cụ thể nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm lượng khí thải, nhưng nó đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ cho dư luận thế giới về một vấn đề quan trọng đang diễn ra hiện nay, xây dựng hệ thống thực phẩm bền vững, linh hoạt; hành động nhiều hơn và ngay lập tức để ngăn chặn khủng hoảng lương thực và suy dinh dưỡng.

Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu nhưng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu.

Cùng với quyết tâm đảm bảo an ninh lương thực, các nỗ lực khác nhằm chống biến đổi khí hậu cũng được thông qua tại COP28, trong đó hơn 110 quốc gia tán thành tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030. Ngoài ra, 50 công ty dầu khí chiếm 40% sản lượng toàn cầu đã cam kết khử carbon trong hoạt động của họ từ nay đến năm 2050. Bên lề hội nghị, nhiều thỏa thuận song phương về hợp tác chuyển đổi xanh giữa các nước cũng đã được ký kết. Đáng chú ý là thỏa thuận giữa UAE và Kazakhstan về hợp tác phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo cho quốc gia Trung Á, bao gồm việc phát triển dự án điện gió quy mô lớn.

Hiện tại, nông nghiệp cung cấp đủ lương thực cho 8 tỷ người trên thế giới, mặc dù nhiều người không được tiếp cận đầy đủ. Tuy nhiên, để nuôi sống dân số toàn cầu 10 tỷ người vào năm 2050, đất trồng trọt sẽ cần phải mở rộng thêm từ 171 triệu đến 301 triệu ha so với năm 2010.  Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường cảnh báo, mục tiêu này sẽ gặp khó khăn do quỹ đất canh tác là có hạn, trong khi diện tích đất trên thế giới bị thoái hóa có xu hướng ngày càng tăng. Nếu thế giới không có biện pháp bảo vệ đất cho các thế hệ tương lai, khả năng nuôi sống số lượng dân số đông đúc sẽ bị đe dọa, trong đó ít nhất 3,2 tỷ người có thể phải gánh chịu hậu quả.

Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) năm 2020, gần một phần ba diện tích đất trên Trái Đất đã bị thoái hóa và cứ 5 giây lại có một diện tích đất có kích thước bằng sân bóng đá bị xói mòn. Nghiêm trọng hơn, đất đai màu mỡ không thể dễ dàng được thay thế hoặc bổ sung. Trái Đất phải mất 100 năm để tạo ra chỉ nửa cm đất màu mỡ từ lớp đá trầm tích, điều đó có nghĩa là thế giới hiện đang mất đất nhanh hơn từ 50 đến 100 lần so với khả năng tái tạo.

Trước thực trạng này, nhiều dự án và chiến dịch toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe của đất đã ra đời. Tại trang trại FarmED, phía tây thành phố Oxford, nước Anh, các chuyên gia và tình nguyện viên đang nỗ lực tăng lượng chất hữu cơ trong đất bằng cách sử dụng các kỹ thuật bền vững mà họ hy vọng sẽ khuyến khích nhiều người khác áp dụng.

Không chỉ thử nghiệm với trái cây và rau quả, trang trại FarmED còn trồng lúa mì bằng hệ thống luân canh cây trồng 8 năm không cần phân bón hay thuốc trừ sâu.

Trong khuôn khổ hội nghị COP28 năm nay, các nhà lãnh đạo một lần nữa nhấn mạnh về mối liên hệ quý giá giữa đất và sự tồn tại của hành tinh. Bên lề hội nghị, ông Sadhguru – nhà sáng lập chiến dịch Save Soil, cho rằng việc tăng lượng chất hữu cơ trong đất lên tối thiểu 3-6%, tùy theo điều kiện khu vực, là chìa khóa để đảm bảo độ màu mỡ của đất cho các thế hệ tương lai. Nông nghiệp dựa vào cây xanh, kết hợp trồng cây che phủ và luân canh cây trồng là những giải pháp khả thi.

Giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm được xem là giải pháp cấp bách và lâu dài để cải thiện an ninh lương thực, hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Thất thoát và lãng phí thực phẩm vừa là vấn đề môi trường vừa là vấn đề kinh tế, chiếm 8% -10% lượng phát thải khí nhà kính và gây thiệt hại kinh tế toàn cầu 1 nghìn tỷ USD mỗi năm. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Food, khoảng 30% lương thực toàn cầu, tương đương 1,3 tỷ tấn bị lãng phí hoặc thất thoát mỗi năm.

Do đó việc giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm được xem là giải pháp cấp bách và lâu dài để cải thiện an ninh lương thực, hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương. Mới đây, tại Ấn Độ, các nhà khoa học đã cho ra mắt máy sấy thực phẩm chạy bằng năng lượng mặt trời, giúp những nông dân nghèo nhất nước này giảm lãng phí thực phẩm, tăng thu nhập và bảo vệ môi trường. Sáng kiến đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Earthshot trị giá 1 triệu bảng Anh cho những nỗ lực vì khí hậu.

Tại Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới, có tới 40% các sản phẩm thực phẩm bị lãng phí mỗi năm do không được bảo quản đúng cách, đặc biệt là tại các khu vực hẻo lánh của đất nước. Trong khi đó, gần 195 triệu người ở Ấn Độ đang trong tình trạng thiếu lương thực mỗi ngày. Đây là một nghịch lý đáng báo động, khi báo cáo mới đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết, sản xuất lương thực không phải là vấn đề chính của đất nước tỷ dân. Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới về sản lượng nông nghiệp, trung bình đạt 270 triệu tấn, trong khi New Delhi chỉ cần 225-230 triệu tấn thực phẩm mỗi năm để nuôi sống dân số.

Nghịch lý này đã thôi thúc các nhà nghiên cứu ở công ty S4S Technologies phát triển mô hình máy sấy thực phẩm chạy bằng năng lượng mặt trời, giúp giảm thiểu lượng nông sản bị bỏ đi do hư hỏng trong quá trình thu hoạch hoặc vận chuyển.

Không chỉ vận hành bằng nguồn năng lượng sạch, máy sấy thực phẩm của công ty S4S Technologies còn có thể giúp người dân tiết kiệm thời gian bằng 1/10 so với cách phơi khô truyền thống. Thực phẩm được sấy khô cũng có thể được bảo quản trong vòng 12 tháng.

Việc thiếu kho dự trữ cũng là nguyên nhân khiến những người nông dân Ấn Độ buộc phải bán nông sản tươi của mình ngay sau khi thu hoạch với mức giá thấp.

Hiện S4S Technologies đang làm việc với 3.000 hộ nông dân hoặc hợp tác xã quy mô nhỏ tại 270 địa điểm trên khắp Ấn Độ, để thu mua và bán lại sản phẩm trực tiếp cho một số nhà sản xuất thực phẩm lớn nhất thế giới bao gồm Sodexo, Nestle và Unilever.

Sản xuất bột mỳ từ chuối và dừa ở Cuba

Tại Cuba, đất nước phụ thuộc lớn vào nhập khẩu thực phẩm, người dân nước này cũng đang triển khai nhiều giải pháp sáng tạo để ứng phó với cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng gia tăng.

Tại một trang trại nhỏ bên ngoài thủ đô Havana, cơ sở Bacoretto của ông Gabriel Perez 38 tuổi, sản xuất loại bột mì đặc biệt, không chứa gluten, và sử dụng nguyên liệu chủ yếu có nguồn gốc địa phương, thay thế cho hàng nhập khẩu đắt tiền.

Cơ sở của ông Gabriel Perez sấy khô và xay yucca- một thực phẩm truyền thống của Cuba, cùng với gạo, chuối và dừa để làm bột hữu cơ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng bị dị ứng với gluten. Ngoài ra, các sản phẩm phụ từ quá trình sản xuất còn được sử dụng để tạo ra dầu dừa, sợi xơ dừa, giấm và các sản phẩm lên men. Các sản phẩm của Bacoretto đã được đông đảo người tiêu dùng Cuba đón nhận.

Theo các chuyên gia, thế giới cần nhiều sáng kiến đổi mới tương tự như ở Cuba hay Ấn Độ, để giảm thiếu áp lực về mất an ninh lưvơng thực, cũng như góp phần làm đa dạng nguồn cung cấp thực phẩm. Ngoài ra, chính phủ các nước nên mạnh tay đầu tư áp dụng khoa học-công nghệ vào nông nghiệp để có thể sản xuất và ứng dụng các sáng kiến này trên quy mô lớn.

Sau nhiều năm chưa được quan tâm đúng mức, thế giới đã chứng kiến một phản ứng toàn cầu dành cho vấn đề an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững tại COP28 năm nay. Với việc khởi động thành công Quỹ tổn thất và thiệt hại, các chuyên gia kỳ vọng các hỗ trợ tài chính sẽ sớm đến tay các cộng đồng nông nghiệp đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Dù thế giới còn một chặng đường dài phía trước để đạt mục tiêu đến năm 2030 có thể chấm dứt nạn đói, song bước tiến mạnh mẽ tại COP28 chắc chắn sẽ là cơ sở quan trọng để góp phần đảm bảo an ninh lương thực.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Những ưu tiên chính sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong nhiệm kỳ mới gồm tiếp tục thúc đẩy kinh tế Nga phát triển vượt bậc trở thành một trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới, cải thiện đời sống của người dân, hoàn thành các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt và thắt chặt hơn nữa quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đã có cuộc trao đổi với Đài Hà Nội về ý nghĩa của thắng lợi vĩ đại này. Một thắng lợi mà ông cho rằng có thể xem như hình mẫu của chiến tranh nhân dân, hình mẫu của việc huy động sức mạnh toàn dân tộc.

Trong cuộc họp đầu tháng 5, Cục dự trữ liên bang Mỹ FED đã quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản hiện nay ở mức từ 5,25 đến 5,5% để kiềm chế lạm phát. Việc FED duy trì mức lãi suất cao khiến đồng USD tăng giá và gây ra nhiều tác động đến nền kinh tế của Mỹ cũng như toàn cầu.

Trí tuệ nhân tạo đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ, nhưng năm 2024 được đánh giá là năm hứa hẹn mở ra một loạt tiến bộ đột phá trong phát minh robot AI thế hệ mới.

Châu Á đã trở thành điểm nóng cho các nhà đầu tư quốc tế nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và thị trường tiêu dùng khổng lồ. Trong đó, các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia và Singapore được coi là những lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.

Các cuộc biểu tình diễn ra tại hàng chục trường đại học từ bờ Đông đến bờ Tây của nước Mỹ. Làn sóng biểu tình của sinh viên trên khắp nước Mỹ đã làm nổ ra các cuộc tranh luận về quyền tự do ngôn luận, chủ nghĩa bài Do Thái và xung đột Israel - Palestine.