Biển hiệu sính ngoại, 'rác văn hóa', thói lai căng cần bỏ

Từ nhiều năm nay, tình trạng biển hiệu, biển quảng cáo sử dụng tiếng nước ngoài xuất hiện tràn lan trên các tuyến phố của Hà Nội đã không còn là chuyện lạ. Có rất nhiều tòa nhà, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng, cửa hiệu hoàn toàn do chủ là người Việt xây dựng, vận hành và hướng đến khách nội địa nhưng đều được đặt tên theo tiếng nước ngoài. Việc sử dụng tràn lan tiếng ngoại quốc trên những biển hiệu, biển quảng cáo này không chỉ tạo nên sự bất tiện, 'chướng mắt', phản cảm mà với nhiều người, nó còn là biểu hiện của việc thiếu tôn trọng chữ Việt, tiếng Việt, văn hóa Việt và đặc biệt nó còn kéo theo không ít những hệ lụy khó lường.

Báo động tình trạng sính ngoại, xem nhẹ tiếng Việt trên các biển hiệu, quảng cáo 

Tình trạng các biển hiệu, quảng cáo lạm dụng tiếng nước ngoài, từ lâu đã diễn ra phổ biến trên nhiều tuyến phố, tòa nhà, khu trung tâm thương mại, khách sạn...ở hầu hết các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội.

Ở giữa Thủ đô Hà Nội, những tấm biển quảng cáo chữ nước ngoài còn to hơn chữ tiếng Việt xuất hiện khắp mọi nơi, từ mặt phố đến ngõ nhỏ. Có những nơi, cả khu phố gần như tràn ngập biển hiệu, biển quảng cáo sử dụng hoàn toàn tiếng nước ngoài. Hầu hết các biển hiệu, bảng quảng cáo này đều có diện tích lớn, được thể hiện nổi bật, bắt mắt. Một số ít có dùng hai thứ tiếng thì tiếng Việt thường bị đặt dưới tiếng nước ngoài và bị lấn át cả về cỡ chữ, kiểu chữ, mầu sắc...

Chỉ lướt qua một đoạn ngắn của phố Phan Kế Bính, Hà Nội đã có thể thấy hàng chục tấm biển hiệu với đủ thứ ngôn ngữ. Phần lớn trong số đó chỉ có tiếng nước ngoài, không có tiếng Việt như quy định trong Luật Quảng cáo.

Giải thích về sự bất cập này, nhiều chủ nhân của những tấm biển hiệu lý giải là làm như vậy để tạo sự nổi bật, gây ấn tượng với người tiêu dùng, để người nước ngoài dễ hiểu, dễ đọc, dễ quan tâm…Cứ thế các cửa hiệu, nhãn hàng đua nhau dựng những tấm biển lớn đủ kiểu chữ, kiểu tiếng hòng cạnh tranh trong việc thu hút sự chú ý của khách hàng. Và người tạo ra nó không biết rằng những tấm biển này gây ức chế về thị giác, tạo tâm lý phản cảm với đa số người Việt, đối tượng phục vụ, sử dụng, tiêu thụ chính của bất kỳ thương hiệu, loại sản phẩm nào.

Tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài trên các biển hiệu, quảng cáo diễn ra phổ biến trên nhiều tuyến phố của Hà Nội

Tự gắn mác nước ngoài để "lập lờ" về đẳng cấp hòng thổi giá.

Không ở biển quảng cáo, nhiều chủ đầu tư của các khu chung cư thuần Việt cũng thi nhau đặt tên cho dự án của mình bằng những cái tên nước ngoài để tạo sự sang chảnh, gây nhầm lẫn về đẳng cấp quốc tế cho người mua. Điều này là biểu hiện của sự không trung thực, lập lờ trong việc phân hạng và công nhận phân hạng nhà chung cư theo quy định của pháp luật.

Việc các chung cư tự phong gắn mác "cao cấp", "luxury" hay đặt tên dự án bằng tiếng nước ngoài hoa mỹ là do chủ đầu tư và một số sàn bất động sản, đơn vị phân phối sản phẩm tự quảng cáo, tự gắn mác không gì khác ngoài mục đích đẩy giá lên cao, để hòng qua mặt người dân và trục lợi.

“Độc bản dấu ấn hoàng gia Italia”, “căn hộ cao cấp hạng sang”,…là những cụm từ được nhắc đến khi quảng cáo về dự án Hateco Laroma trên đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, quận Đống Đa, Hà Nội. Tuy nhiên, theo tính toán, với diện tích đất hơn 3 nghìn m2, diện tích xây dựng hơn 1.700 m2, dự án này có mật độ xây dựng lên tới 56,6%. Trong khi, tiêu chuẩn mật độ xây dựng của chung cư hạng A hiện nay là không quá 45%.

Hay như dự án D’Capitale nằm trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội được quảng cáo là đẳng cấp, sang trọng, thời thượng… nhưng khi cư dân vào ở mới nhận ra rằng, quảng cáo khác xa so với thực tế. Cụ thể, hành lang chung cư chỉ rộng 1,4m, trong khi xét theo tiêu chuẩn chung cư hạng A, thì hành lang tối thiểu phải từ 1,8m.

Việc tự gắn thương hiệu tiếng nước ngoài để tỏ ra cao cấp nhằm đẩy giá lên cao chẳng khác nào việc “treo đầu dê bán thịt chó”.

Dự án Hateco Laroma trên đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài tự “phong hạng” cho chung cư do mình đầu tư xây dựng bằng tên gọi gây nhầm lẫn cho người mua.

Sính ngoại - lợi bất cập hại 

Trước tình trạng tràn lan biển hiệu, biển quảng cáo bằng tiếng nước ngoài, nhiều người dân cho biết họ cảm thấy bất tiện khi phải gọi tên, viết, nhắn tên các cửa hàng hay quán xá đó. Sự phiền toái này còn trở nên phức tạp hơn với người lớn tuổi, vì có biển chỉ toàn chữ không thể phiên âm ra tiếng Việt, như các chữ viết bằng tiếng Nhật, Hàn, Trung Quốc hay Thái Lan.

Những cái tên sính ngoại vừa khó đọc, vừa khó nhớ đã mang rắc rối đến cho không ít người. Ông Ngô Văn Toàn ở chung cư D’eldorado 2 (Võ Chí Công, quận Tây Hồ) cho biết: "khi sống tại tòa chung cư D’Eldorado, nhiều lúc muốn mời người quen, bạn bè đến chơi mà tôi không thể nói đúng tên khu chung cư mình sang sống".

Ngay cả những người giao hàng, đặc thù công việc phải di chuyển nhiều, cũng cảm thấy khó khăn với những địa chỉ được đặt tên bằng tiếng nước ngoài. Anh Triệu Hoàng Tiến trú tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ cho biết : khi giao hàng, anh gặp đã gặp khá nhiều khó khăn khi tìm những chung cư tên tiếng nước ngoài.

Trước tình trạng nhà nhà đua nhau dùng biển hiệu tiếng nước ngoài, nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng đó là sự đua đòi, thể hiện sự lai căng trong nhận thức, sẽ dẫn tới giá trị văn hóa, giá trị bản sắc dân tộc ngày càng bị quên lãng.

Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng tình trạng nhà nhà đua nhau dùng biển hiệu tiếng nước ngoài là sự đua đòi, sự sính ngoại.

GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội, là người nghiên cứu nhiều năm về tiếng Việt và rất yêu tiếng Việt. Ông cho rằng ngôn ngữ chính là mặt biểu hiện sinh động nhất, là đặc trưng văn hóa, là niềm tự hào của mỗi quốc gia. Trong khi đó, ở Việt Nam, những tấm biển quảng cáo, các tên gọi công trình là mặt tiền ngôn ngữ quốc gia lại sính ngoại. Bởi vậy, ông cảm thấy rất buồn trước thực trạng các biển bảng quảng cáo đang lạm dụng việc sử dụng tiếng nước ngoài.

Ông cũng cho rằng, trong thời kỳ hội nhập hiện nay, cần phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và để làm được điều đó, phải thực hiện song song hai nhiệm vụ giữ gìn và phát triển tiếng Việt. Khi đặt tên biển hiệu, biển quảng cáo, các nhà kinh doanh nên chọn những tên hiệu phù hợp, sử dụng tiếng Việt một cách dễ hiểu, dễ phát âm, độc đáo nhằm ghi dấu được bản sắc của doanh nghiệp Việt trong mắt du khách nước ngoài.

Có lẽ trăn trở của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng là nỗi trăn trở chung của những người yêu tiếng Tiệt, yêu tiếng mẹ đẻ.

GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội.

Sử dụng ngôn ngữ bát nháo trên biển quảng cáo - biểu hiện của sự thiếu tự tôn và vi phạm pháp luật.

Tiếng Việt phong phú các thanh âm, thanh sắc. Từ ngữ tiếng Việt hiện đại ngày càng giàu có, đáp ứng được nhu cầu diễn đạt mọi khía cạnh của đời sống. Việc lạm dụng tiếng nước ngoài trên các biển hiệu hay đặt tên cho các công trình, tòa nhà, cho thấy sự kém hiểu biết, thiếu văn hóa, ứng xử thiếu tự tôn với ngôn ngữ mẹ đẻ.

Dưới góc độ pháp lý, hành vi này còn vi phạm pháp luật của Việt Nam. Cụ thể Luật Quảng cáo có quy định:

"Biển hiệu quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt;

Trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.

Theo Điều 18, Luật Quảng cáo năm 2012.

"Hành vi không viết bằng chữ tiếng Việt mà chỉ viết bằng chữ tiếng nước ngoài trên biển hiệu quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Mức phạt trên được áp dụng cho cá nhân, đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Ngoài ra còn buộc tháo dỡ biển hiệu đối với hành vi vi phạm.

Điều 48 Nghị định 38/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Tại Hà Nội, để siết chặt kỷ cương trong lĩnh vực hoạt động quảng cáo ngoài trời, ngày 13/3/2024, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Quyết định ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP. Hà Nội. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/3/2024 thay thế Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND ngày 20/01/2016 của UBND TP. Hà Nội ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội.

Quy chế gồm 3 chương, 36 điều, quy định về hoạt động quảng cáo và công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo ngoài trời (không bao gồm nội dung quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên sản phẩm, dịch vụ bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin).

UBND thành phố yêu cầu hoạt động quảng cáo phải tuân theo các quy định của Luật Quảng cáo và các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định khác của pháp luật có liên quan và phù hợp với Quy hoạch quảng cáo ngoài trời, không gian, kiến trúc, cảnh quan của thành phố Hà Nội.

UBND thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm trước UBND thành phố thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP. Hà Nội.

Biển quảng cáo sính ngoại, không chỉ là thiếu tự tôn mà còn phạm luật.

Chế Luật, quy định đã có nhưng ngành chức năng thờ ơ?

Trước tình trạng vi phạm quảng cáo diễn ra tràn lan, nhiều người cho rằng các chế tài xử lý còn lỏng lẻo. Nhiều chuyên gia đã phân tích, Luật đã quy định rõ nhưng các đơn vị quản lý làm ngơ cho vi phạm.

Trả lời câu hỏi của PV Đài Hà Nội, chủ nhân của những cửa hàng treo biển hiệu chi chít chữ nước ngoài cho biết, họ chưa bao giờ được cán bộ địa phương hay ngành văn hóa nhắc nhở vì ghi tên biển hiệu bằng tiếng nước ngoài thay tiếng Việt.

Theo Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, từ ngày 1/3 đến 8/5/2023, Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 13 trường hợp có các hành vi vi phạm Luật Quảng cáo. Con số này quá nhỏ  so với cả triệu tấm biển hiệu vi phạm trên các tuyến phố, con đường.

Tình trạng sính ngoại trên các biển hiệu, biển quảng cáo đã từng được đề cập nhiều trên các báo và hầu hết đều chung một quan điểm rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng biển quảng cáo tiếng nước ngoài "đè" tiếng Việt là do sự buông lỏng quản lý hoặc việc hiểu luật, hiểu quy định viết tắt, viết chữ nước ngoài trên biển hiệu của cán bộ địa phương còn hạn chế. Trong đó, những đơn vị liên quan đến cấp phép, quản lý và giám sát biển bảng quảng cáo không nắm được quy định nào giúp địa phương xử lý biển, bảng quảng cáo chỉ dùng tiếng nước ngoài.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, cho biết, Điều 35 của Nghị định 38/2021 đã có quy định xử phạt từ 5-10 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm. Theo ông Sơn, đây là một quy định rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay, có tác dụng răn đe nhằm trả lại môi trường lành mạnh cho các biển hiệu. Ông Sơn cho rằng Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội phải là đơn vị có trách nhiệm trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo các quy định của pháp luật được tuân thủ nghiêm ngặt.

Để chấm dứt tình trạng sính ngoại, lạm dụng tiếng nước ngoài trên các biển hiệu quảng cáo trước hết, các chủ cơ sở kinh doanh cần ý thức hơn trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần nêu cao trách nhiệm trong thanh tra, kiểm tra, giám sát và quyết liệt trong xử lý các vi phạm. Có làm được như vậy chắc chắn trong thời gian không xa chúng ta sẽ loại bỏ được sự tràn lan của thứ "rác văn hóa" đang tồn tại bấy lâu này.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sáng 22/12, tuyến Metro số 1 đã chính thức vận hành trong niềm hân hoan của chính quyền và người dân TP.HCM, đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng của thành phố.

Chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ sẽ mưa lớn tuần tới, trong khi đó miền Bắc mây nhiều và tiếp tục lạnh.

Sáng 22/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Trung ương đã dự Lễ khánh thành dự án tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên; thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc và thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai - nơi vào tháng 9/2024 xảy ra thảm hoạ lũ quét, sạt lở đất do bão số 3 gây ra, làm hàng chục người dân thiệt mạng, hàng chục ngôi nhà bị vùi lấp, cuốn trôi.

Sáng nay (22/12), tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh, Metro Bến Thành - Suối Tiên chính thức được đưa vào khai thác thương mại.

Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe, cùng với đề xuất sửa đổi quy định về sân tập lái xe.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký Công văn số 4291/UBND-ĐT về việc nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Trong đó, đặc biệt xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông.