Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ ra nguyên nhân ngập úng đô thị
Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn, là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tại phiên họp chiều 3/11.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, phát triển đô thị là nhiệm vụ rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, hiện nay, thực trạng ngập úng đô thị xảy ra ở khắp nơi như Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ hay ở Hà Nội cứ mưa là lụt, ngập.
Bên cạnh đó, tình trạng kẹt xe, tắc nghẽn giao thông do mật độ xây dựng quá cao, không đảm bảo tỷ lệ hạ tầng giao thông với mật độ dân cư. "Những vấn đề trên đã xuất hiện từ lâu nhưng ngày càng chậm, chưa thấy hướng ra. Với trách nhiệm quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, Bộ trưởng cho biết chủ trương, giải pháp nào để giải quyết tình trạng trên để phục vụ cho việc xây dựng, phát triển đô thị đạt được kết quả tốt hơn trong thời gian tới?", đại biểu chất vấn.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận, tình trạng ngập úng ở các đô thị, nhất là các đô thị lớn, mặc dù được các địa phương quan tâm nhưng chưa được giải quyết căn bản, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Nguyên nhân cốt lõi là điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu; đô thị hóa diễn ra nhanh chóng dẫn đến giảm diện tích hồ ao, khả năng chứa nước, tiêu thoát nước giảm xuống; quy hoạch chưa đáp ứng tầm nhìn, điều kiện phát triển; các dự án triển khai thoát nước còn hạn chế; nguồn lực đầu tư cho hạ tầng chưa đảm bảo.
Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, rà soát điều chỉnh các quy hoạch không phù hợp; trong các quy hoạch tính tới biến đổi khí hậu, nước biển dâng kết hợp quy hoạch thủy lợi vùng lân cận, đầu tư hệ thống hạ tầng cho đô thị. Bên cạnh đó, xác định cao nền khống chế toàn đô thị, thanh tra, kiểm tra việc quản lý cao nền đô thị; tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ hệ thống công trình cấp nước theo quy hoạch.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đặt vấn đề, hiện nay, Hà Nội có nhiều dự án nhà ở, khu đô thị hạ tầng xuống cấp nhưng không thể nâng cấp do chưa bàn giao cho chính quyền; ban quản lý khu đô thị, chủ đầu tư cũng không thể nâng cấp. Điều này đã ảnh hưởng tới đời sống người dân, cảnh quan đô thị. "Vấn đề này có thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng không? Nếu có, sẽ được giải quyết khi nào?", đại biểu chất vấn.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, những năm gần đây, nhiều địa phương đã thực hiện phát triển đô thị thông qua phát triển nhà ở, dự án khác nhau cả về quy mô, chất lượng đầu tư hạ tầng. Nhiều đô thị, khu nhà ở được đầu tư, phát triển, quản lý dịch vụ hạ tầng đồng bộ. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều dự án chưa bàn giao hạ tầng kỹ thuật cho địa phương quản lý; một số công trình đã xuống cấp.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân của thực trạng này là pháp luật về xây dựng, đô thị trước năm 2021 mới chỉ quy định mang tính nguyên tắc, chưa có quy định cụ thể nên việc thực hiện bàn giao, quản lý trong khu đô thị còn lúng túng. Dự án phân kỳ đầu tư kéo dài nên chủ đầu tư chậm bàn giao hạ tầng kỹ thuật, trong khi đó, công trình đầu tư thời kỳ đầu đã xuống cấp sau thời gian sử dụng. Đối với một số dự án, chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ đầu tư duy tu, bảo dưỡng hạ tầng trước khi bàn giao. Ngoài ra, nguồn lực (nhân lực, vật lực) của chính quyền hạn chế, dẫn tới chủ đầu tư phải quản lý, bảo dưỡng công trình duy tu.
Về giải pháp, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát quy định pháp luật, quy định rõ hơn chủ đầu tư có trách nhiệm đề xuất phương án bàn giao hạ tầng đô thị ngay từ khi lập hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư; phân giao trách nhiệm quản lý hạ tầng đô thị; đề xuất xử phạt hành chính tương ứng trong trường hợp không tuân thủ việc bàn giao quản lý hạ tầng khu đô thị.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) nêu tình trạng thời gian qua, người dân căng băng rôn ở một số dự án nhà ở do chưa nhận được sổ hồng, sổ đỏ, giấy chứng nhận nhà ở, đất ở. Nguyên nhân phát sinh do chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và thủ tục về đầu tư xây dựng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, việc quản lý, vận hành chung cư được quy định tương đối đầy đủ, từng bước đi vào nền nếp, khắc phục cơ bản các tồn tại nhưng vẫn còn một số hiện tượng như đại biểu phản ánh.
Qua thanh tra, Bộ Xây dựng nhận định có 5 nội dung thường xảy ra tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quản lý nhà chung cư. Trong đó có nguyên nhân chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, thành lập ban quản trị, quy chế thu chi tài chính ban quản trị chưa rõ ràng; việc bàn giao, quản lý sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư; vấn đề xác định sở hữu chung, sở hữu riêng; không thống nhất đơn vị vận hành quản lý chung cư và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà.
Với trách nhiệm của mình, Bộ Xây dựng đã tiến hành thanh tra, xử lý vi phạm, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục những tồn tại, góp phần giải quyết các tranh chấp, khiếu nại. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ rà soát, hoàn thiện các quy định hiện hành về quản lý, sử dụng nhà chung cư. Với những hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật hình sự, Bộ trưởng cho biết sẽ đề nghị cơ quan chức năng xử lý.
Quận Hoàng Mai sẽ thu hồi 64.849m² đất thuộc 5 phường để xây dựng đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên nối tiếp từ Vành đai 2,5 đến Vành đai 3.
Trong tổng số các chuyến bay chậm, nguyên nhân chính là "tàu bay về muộn" (chiếm 55,5%), tiếp đến là lý do từ "hãng hàng không" với 32,5%, còn lại là các nguyên nhân khác.
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài khoảng 380 km được đặt mục tiêu khởi công trước năm 2030. Tuyến đường được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội liên vùng khi xây dựng xong và đi vào hoạt động.
Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội vừa điều chỉnh tổ chức giao thông trên đường Trần Phú, quận Hà Đông, phục vụ thi công gói thầu số 4 dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.
Chủ tịch MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai đã đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở một số khu dân cư của thành phố.
Chiều 14/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội và UBND thành phố Hà Nội chủ trì Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam”.
0