Bỏ xếp loại tốt nghiệp THCS | Hà Nội tin mỗi chiều
Từ năm học 2024-2025, bằng tốt nghiệp THCS sẽ không còn ghi xếp loại
Thông tư liên quan đến thông tin này vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra và có hiệu lực từ ngày 15/2/2024. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp THCS không ảnh hưởng tới công tác tuyển sinh vào lớp 10 chương trình giáo dục phổ thông lẫn chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.
Hiện nay tốt nghiệp THCS là tiêu chí bắt buộc để học sinh dự thi vào lớp 10 THPT. Theo nhiều giáo viên, các tỉnh, thành xét tuyển lớp 10 công lập theo điểm thi hoặc điểm học bạ nên xếp loại ghi trên bằng tốt nghiệp THCS không cần thiết. Hơn nữa, theo nhiều chuyên gia lĩnh vực giáo dục học, năng lực một người sẽ được đánh giá trên ba mặt: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trong đó kiến thức chiếm một phần nhỏ. Như vậy có thể thấy, điểm số ở đây không có vai trò quá lớn. Xu hướng đánh giá này có thể nhìn thấy trong việc cấp xét học bổng cho sinh viên của nhiều trường lớn trên thế giới, trong đó bên cạnh bảng điểm thì phần rất quan trọng là kỹ năng và thái độ thông qua các hoạt động đóng góp cho xã hội.
Điều kiện để học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở là kết quả học tập và rèn luyện phải từ “đạt” trở lên. Bên cạnh đó, nhà trường không tạo áp lực cho học sinh phải tốt nghiệp xếp loại giỏi hay khá nên việc bỏ xếp loại ở bằng tốt nghiệp trung học cơ sở là hợp lý. Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự ủng hộ và cho rằng, giáo dục nên chú trọng vào nội dung, giúp học sinh hiểu biết bản thân, khả năng của mình mới phát huy hết năng lực chứ không nặng tính so sánh hơn thua. Tuy nhiên, một số ý kiến bày tỏ lo lắng nếu không thực hiện xếp loại sẽ không phân loại được học sinh, đồng thời sẽ không tạo được động lực cho học sinh trong quá trình tham gia học tập.
Trước những lo ngại này, một số thầy cô cho rằng, các tỉnh, thành phố trên cả nước đều đang thực hiện công tác thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông theo hình thức kiểm tra đánh giá năng lực một số môn học do Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định. Học sinh có đỗ vào lớp 10 trung học phổ thông công lập hay không phụ thuộc vào kết quả bài kiểm tra đánh giá năng lực này. Vì vậy, kết quả xếp loại giỏi, khá, trung bình của bằng tốt nghiệp không có ý nghĩa quyết định đến việc cho học sinh tham gia học ở các cấp cao hơn. Học sinh vẫn phải học để theo đuổi mục tiêu vào THPT của mình. Hơn nữa, thay đổi này cũng phù hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 và phù hợp với xu thế hiện nay.
Bên cạnh đó, quy chế mới thay đổi số lần xét công nhận tốt nghiệp THCS trong một năm. Cụ thể, đối với cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, số lần xét công nhận tốt nghiệp cho người học tối đa 2 lần/năm vào thời điểm kết thúc năm học và trước khai giảng năm học mới. Việc tăng số lần xét tốt nghiệp lên không quá 2 lần/năm (thay vì 1 lần/năm như quy định hiện hành) sẽ mở ra cơ hội cho mỗi học sinh. Với điểm mới này, học sinh sẽ nhận được kết quả xét công nhận tốt nghiệp nhanh hơn trước đây khoảng 9 tháng. Như vậy, đồng nghĩa với việc sẽ tạo thuận lợi cho học sinh.
TP Hồ Chí Minh kêu gọi không cho tiền người xin ăn, không phát quà từ thiện ngoài đường
Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản chỉ đạo tăng cường việc quản lý, tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn. Năm 2023, TP.HCM tiếp nhận hơn 1.000 trường hợp người lang thang, xin ăn dù đã có nhiều giải pháp quyết liệt để đưa họ vào trung tâm bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, hiện vẫn không khó bắt gặp hình ảnh người già ngồi trên các vỉa hè được người đi đường cho tiền; trẻ em bán vé số, xin ăn tại các giao lộ; người khuyết tật xin ăn, bán hàng vặt… Đang có tình trạng nhiều cá nhân nhà cửa đàng hoàng, tiền bạc không thiếu nhưng chọn cách giả vô gia cư, nghèo khổ để chờ đợi lòng thương hại, nhận quà từ thiện như một "kênh thu nhập".
Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết, tình trạng trục lợi không thể tiếp diễn bởi gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, mỹ quan đô thị. Đồng thời, làm mất đi ý nghĩa nhân văn của hoạt động từ thiện xã hội, làm cho những người vốn thiệt thòi thực sự mất đi cơ hội tiếp cận hoạt động chăm lo, giúp đỡ. Thời gian qua tình trạng người lang thang, xin ăn giảm không đáng kể, có nhiều địa phương còn tăng. Điều này cho thấy các giải pháp đã triển khai vẫn chưa đủ mạnh.
Trước thực trạng này, UBND TP.HCM giao Công an Thành phố tăng cường công tác chỉ đạo công an quận, huyện thường xuyên rà soát địa bàn; phối hợp tổ công tác của các địa phương tập trung kịp thời người lang thang xin ăn. Đặc biệt phải theo dõi, điều tra, đưa ra xét xử các nghi phạm chăn dắt trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật xin ăn để trục lợi. Chính quyền Thành phố khuyến cáo người dân có lòng hảo tâm nên gửi tiền hoặc hiện vật đến quỹ từ thiện của các tổ chức, hội, đoàn thể có chức năng hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng người yếu thế, nhằm đảm bảo hỗ trợ, giúp đỡ đúng đối tượng.
Thực tế, vấn đề ăn xin không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh mà gặp ở tất cả các thành phố khác như Hà Nội, Đà Nẵng… Nhiều thành phố lớn trên thế giới vẫn diễn ra tình trạng này. Nhiều ý kiến cho rằng, khó giải quyết dứt điểm tình trạng này. Việc thành phố Hồ Chí Minh chuyển đi thông điệp không cho tiền trực tiếp, không phát quà từ thiện ngoài đường thể hiện quyết tâm của thành phố trong việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn.
Việc người dân không trực tiếp cho tiền người xin ăn trên đường phố tránh việc bị các đối tượng lạm dụng tình thương hại để tiếp tục bắt trẻ xin ăn. Thay vào đó, người dân muốn giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, người cao tuổi nên thông qua các tổ chức từ thiện, đoàn thể xã hội hoặc các nhóm thiện nguyện, hay tự mình tổ chức. Đối với các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện, cần có cách làm đúng phù hợp hơn.
Về lâu dài, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phải hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội bền vững, tính toán các chính sách, chế độ về chăm sóc, học nghề cho người lang thang, xin ăn khi các cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận. Xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh, không thể để tiếp diễn tình trạng người ăn xin lang thang khắp nơi. Không thể chấp nhận hành vi kiếm tiền bất hợp pháp từ người yếu thế. Cũng không thể để tiếp diễn chiêu trò lừa dối, giả tàn tật, lợi dụng lòng tốt để ngửa tay xin tiền mà không lao động chân chính./.
Bán hàng trực tuyến của những người nổi tiếng đã không còn quá xa lạ nhưng đây cũng là cách quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ hàng hoá qua kênh online của những người dân ở Bát Tràng. Từ vùng an toàn của những người nghệ nhân cần mẫn với văn hoá làng nghề, giờ đây họ đã tìm được làn gió mới, gia tăng thu nhập cho chính mình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Hà Nội vừa có đề xuất giá thuê nhà ở xã hội từ 48.000 đồng/m²/tháng và cao nhất 198.000 đồng/m²/tháng. Hiện đề xuất này đang trong thời gian lấy ý kiến rộng rãi.
Xe buýt có lẽ là phương tiện vận tải công cộng phổ biến không chỉ ở Hà Nội mà ở tất cả các tỉnh thành. 10 năm qua, một chiếc vé xe buýt ở Thủ đô chỉ với giá chưa tới 10.000 đồng. Nhưng kể từ 1/11 tới đây, Hà Nội sẽ tăng giá vé xe buýt, liệu có tác động gì đến người dân?
Nếu một ngày, tắc đường không còn nữa, thay vào đó là những dòng xe di chuyển êm đềm, nhịp nhàng, không có khói bụi ô nhiễm thì quả là “đáng mơ ước”.
Một hoa hậu đầy tai tiếng với scandal chưa đọc hết một cuốn sách lại sắp phát hành một cuốn tự truyện cuộc đời ở tuổi 28. Có điều gì đáng bàn ở câu chuyện này?
Những âm thanh tưởng chừng có trong một bộ phim hành động nhưng thực chất lại là âm thanh nẹt bô, rú ga của những cô, cậu học trò trên đường được ghi lại. Điều gì đang xảy ra thế này?
0