Boeing khủng hoảng trầm trọng sau thảm họa ở Hàn Quốc

Năm 2024 là một năm đáng buồn đối với Boeing - gã khổng lồ hàng không của Mỹ. Và cuộc khủng hoảng đó càng thêm trầm trọng sau khi chiếc máy bay Boeing 737-800 gặp nạn ở Hàn Quốc hôm 29/12. Giá cổ phiếu của hãng này giảm đáng kể. Vụ tai nạn cũng làm dấy lên nghi vấn về chất lượng an toàn của Boeing.

Một trong những chiếc máy bay phản lực của công ty này hạ cánh khẩn cấp xuống Hàn Quốc và gặp nạn hôm Chủ nhật ngày 29/12, khiến 179 trong số 181 người trên máy bay thiệt mạng. Giờ đây danh tiếng của hãng gần như đang đứng trên bờ vực.

Nguyên nhân vụ tai nạn vẫn đang được điều tra. Chuyên gia hàng không đang phân tích sự liên quan của sự cố xảy ra vào Chủ nhật với các vấn đề an toàn trước đó của công ty.

Alan Price, cựu phi công trưởng tại Delta Airlines cho rằng sẽ không phù hợp nếu liên hệ vụ việc xảy ra hôm Chủ nhật tại Hàn Quốc với hai vụ tai nạn chết người liên quan đến máy bay phản lực 737 Max gặp sự cố của Boeing vào năm 2018 và 2019. Vào tháng 1/2024, một chốt cửa đã bị bung ra khỏi một chiếc 737 Max khi đang bay, làm dấy lên nhiều câu hỏi về dòng máy bay này.

Price lưu ý rằng, chiếc Boeing 737-800 đã hạ cánh khẩn cấp tại Hàn Quốc là "một chiếc máy bay đã được chứng minh là rất tốt, đây là một chiếc máy bay rất an toàn’’.

Chiếc máy bay Boeing 737-800 gặp nạn ở Hàn Quốc hôm Chủ nhật ngày 29/12, khiến 179 người thiệt mạng. Ảnh: Reuters

Trong nhiều thập kỷ, Boeing đã giữ vững vai trò là một trong những gã khổng lồ trong ngành sản xuất máy bay của Mỹ. Nhưng những rắc rối liên tiếp trong năm qua đã gây ra thiệt hại đáng kể cho hãng. Giá cổ phiếu của công ty đã giảm hơn 30% trong năm 2024.

Danh tiếng về an toàn của Boeing đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong những năm gần đây, đặc biệt từ sau hai vụ tai nạn liên quan đến dòng 737 Max xảy ra ngoài khơi Indonesia và tại Ethiopia trong vòng chưa đầy 5 tháng, từ năm 2018 đến 2019, khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng. Trong 5 năm kể từ thời điểm đó, Boeing đã mất hơn 23 tỷ USD và tụt hậu so với đối thủ Airbus ở châu Âu trong việc bán và bàn giao máy bay mới.

Mùa thu năm ngoái, 33.000 thợ máy của Boeing đã đình công, dẫn đến việc dừng sản xuất các chương trình máy bay thân rộng - bao gồm những mẫu bán chạy nhất 737 Max, 767 và 777. Cuộc đình công kéo dài 7 tuần, cho đến khi các thành viên của Hiệp hội thợ máy và công nhân hàng không vũ trụ quốc tế đồng ý với một đề nghị bao gồm tăng lương 38% trong 4 năm.

Tháng 1 năm nay, một nắp cửa đã bung ra trên chiếc 737 Max của hãng Alaska Airlines. Các cơ quan quản lý tại Mỹ đã phản ứng bằng cách áp đặt giới hạn sản xuất đối với máy bay của Boeing và tuyên bố rằng, các hạn chế này sẽ được duy trì cho đến khi họ cảm thấy an tâm về quy trình sản xuất của công ty.

Trước áp lực lớn về vấn đề an toàn, Boeing đã hứa nỗ lực thay đổi văn hóa doanh nghiệp. Ảnh: Reuters

Tháng 7, Boeing nhận tội lừa dối Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) để cơ quan này phê duyệt dòng 737 Max dựa trên các thông tin chưa đầy đủ từ Boeing. Sự lừa dối này đã dẫn đến việc FAA chỉ yêu cầu đào tạo trên máy tính thay vì các khóa huấn luyện chuyên sâu trên buồng lái mô phỏng, vốn sẽ làm tăng chi phí vận hành cho các hãng hàng không và có thể khiến họ chuyển sang mua máy bay từ Airbus. Nhưng các công tố viên cho biết, họ không có đủ bằng chứng để khẳng định sự lừa dối này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn.

Năm nay, hàng loạt đơn tố giác cũng đã cáo buộc Boeing lơ là trong kiểm soát an toàn và chất lượng. Một số cáo buộc gây chấn động đã được công khai trong báo cáo dài 204 trang của tiểu ban Thượng viện Mỹ công bố ngày 17/6, nhằm điều tra về các thực hành an toàn và chất lượng của Boeing.

Merle Meyers, cựu quản lý chất lượng của Boeing tiết lộ, đội sản xuất của công ty thường xuyên tìm cách thu hồi các bộ phận hỏng từ khu vực "tái chế" ngay cả sau khi chúng đã bị loại bỏ.

Trước áp lực lớn về vấn đề an toàn, Boeing đã hứa nỗ lực thay đổi văn hóa doanh nghiệp. David Calhoun, CEO của công ty đã rời ghế lãnh đạo vào tháng 8. Từ tháng 1 đến nay, khoảng 70.000 nhân viên của Boeing đã tham gia các cuộc họp nhằm thảo luận cách cải thiện an toàn trong hoạt động sản xuất và vận hành.

Theo công ty dữ liệu hàng không Cirium, có gần 4.400 chiếc Boeing 737-800  đang được vận hành trên toàn thế giới, chiếm khoảng 17% đội bay phản lực chở khách thương mại đang hoạt động trên thế giới. Theo Cirium, độ tuổi trung bình của đội bay 737-800 trên thế giới là 13 năm và chiếc cuối cùng trong loạt máy bay này đã được giao cách đây khoảng 5 năm. Hãng hàng không Jeju Air đã tiếp nhận chiếc máy bay liên quan đến vụ tai nạn vào cuối năm 2017. Theo Flightradar24, trước đây nó được hãng hàng không giá rẻ của châu Âu Ryanair vận hành. Chiếc máy bay liên quan đến vụ tai nạn này đã khoảng 15 năm tuổi. Các chuyên gia hàng không vũ trụ cho rằng, các nhà điều tra khó có thể tìm thấy vấn đề về thiết kế ở chiếc máy bay bay đường dài này.

Một chiếc máy bay Boeing của hãng hàng không Jeju Air. Ảnh: Getty

Một cuộc điều tra đầy đủ có thể mất hơn một năm và sự cố bất thường này đã đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời, chẳng hạn như tại sao bánh đáp không bung ra được. Ngay cả khi trục trặc thủy lực, phi công Boeing 737-800 vẫn có thể thả bánh đáp thủ công. Một giả thuyết liên quan đến khả năng va chạm với chim khiến ít nhất một hoặc cả hai động cơ bị hỏng.

Jeff Guzzetti, một điều tra viên an toàn hàng không đã nghỉ hưu của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ và Cục Hàng không Liên bang cho rằng, có lẽ các phi công không có đủ thời gian để kiểm tra khẩn cấp. Ông cũng cho rằng, nếu máy bay không đâm vào một đống đất và bức tường cứng ở cuối đường băng thì có thể có nhiều người sống sót hơn.

Cổ phiếu Boeing giảm hơn 4% vào đầu ngày ngày 30/12 sau khi các quan chức địa phương yêu cầu kiểm tra máy bay 737-800 do các hãng hàng không Hàn Quốc khai thác và kết thúc phiên giảm 2,3%.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ngày 3/1 sẽ tổ chức phiên điều trần lần thứ hai phục vụ công tác chuẩn bị cho phiên xét xử luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Một đám đông người biểu tình đã đối đầu với cảnh sát bên ngoài dinh thự của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, khi Cơ quan chống tham nhũng (CIO) đang thi hành lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo này.

Công tố viên Hàn Quốc hôm nay đã truy tố một chỉ huy quân đội cấp cao và người đứng đầu đơn vị tác chiến đặc biệt của quân đội về vai trò của họ trong việc áp đặt thiết quân luật hôm 3/12.

Ngày 3/1, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc tổ chức phiên điều trần lần hai nhằm chuẩn bị cho phiên tòa chính thức luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết chính phủ nước này sẽ thảo luận về các biện pháp có thể thực hiện đối với Ukraine để đáp trả quyết định ngừng trung chuyển khí đốt Nga sang Slovakia và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác.

Các điều tra viên của Cơ quan điều tra tham nhũng quan chức cấp cao Hàn Quốc (CIO) sáng 3/1 cho biết "việc thi hành lệnh bắt giữ Tổng thống Yoon Suk Yeol" đã bắt đầu.