Bồi hồi nhớ hương vị bún thang mẹ nấu

Có một người con gái miền Nam, làm dâu Hà Nội. Lần đầu về nhà chồng, cô được mẹ đãi món bún thang khiến cô nhớ mãi...

Chiều nay, mời bạn nghe Hường chia sẻ những dòng ký ức về mẹ của Ngọc Thanh và những cảm nhận của cô về một trong những món ăn đặc trưng của Hà Nội - món bún thang.

Tôi là một người con gái miền Nam, về làm dâu gia đình gốc Bắc. Lần đầu về nhà chồng, mẹ đãi tôi món bún thang, làm tôi nhớ mãi đến giờ. Bản thân cái tên bún thang gợi cho tôi nhiều sự tò mò. Mẹ nói sở dĩ gọi là bún thang bởi món ăn này chế biến cầu kỳ, hơn hai mươi nguyên liệu, mỗi loại một chút, như thầy Đông y bốc thang thuốc. Cũng có người nói bún thang bắt nguồn từ món canh thượng thang của người Thăng Long xưa. Chữ “thang” tiếng Hán nghĩa là canh. Ngày trước, bún thang được nấu ngay sau Tết, khi nguyên liệu còn thừa, phụ nữ Hà Thành chế biến thành món ngon miệng, thanh nhẹ mà không kém hương sắc ngày xuân.

Những nguyên liệu nấu món bún thang.

Nguyên liệu nấu bún thang là gà, xương ống, giò lụa, trứng, củ cải khô, tôm tươi, nấm hương… Không thể thiếu rau răm, mắm tôm, tinh dầu cà cuống, nước mắm. Mỗi loại được tuyển chọn kỹ càng. Gà ta thả vườn, phải là gà mái tơ mới ngọt dai. Trứng gà ta tươi, có trống mới béo thơm. Giò lụa nguyên chất, không dùng loại pha bột, lúc cắt sợi dai, màu phớt hồng hấp dẫn. Tôm tươi, được tôm he càng tuyệt. Tôm he thịt chắc, ngọt tự nhiên. Mắm tôm, nước mắm chọn loại ngon, nếu không sẽ mất đi hương vị của nước dùng cùng những nguyên liệu khác. Bún chọn sợi nhỏ, bởi sợi to trông thô kệch. Rau răm, các gia vị khác đều phải tươi ngon.

Theo mẹ vào bếp, tôi mới biết thế nào là kỳ công. Đầu tiên là luộc gà. Mẹ thêm củ hành cùng gừng đã nướng cho thơm thịt. Gà luộc vừa chín tới, da vàng óng căng mướt. Vớt ra, dùng tay xé gà thành sợi nhỏ, xốp, mẹ nói không được dùng dao, dễ bết dính.

Linh hồn của bún thang nằm ở nước dùng. Nước luộc gà đem ninh cùng xương ống, canh thời gian cho tôm he, nấm hương vào. Mẹ dạy, muốn thơm ngon thêm tôm khô rang, sá sùng hoặc râu mực khô nướng. Ninh nhỏ lửa, không đậy nắp, vớt bọt liên tục để nước trong, sau cùng mới nêm nước mắm. Nước dùng đạt yêu cầu phải trong veo, ngọt thơm tự nhiên, không cần gia vị.

Khâu tráng trứng tưởng đơn giản, lại đòi hỏi tay nghề tuyệt kỹ. Trứng đánh bông lên, để khi tráng đều mịn, tay quay chảo nhanh cho trứng láng đều. Trứng tráng ra mỏng tang, vàng óng, trong suốt như tờ giấy. Đem trứng vắt lên rổ cho se lại, rồi mới xắt sợi, để khi cho vô nước dùng, trứng không bị bở.

Tôm he chần qua nước sôi, lột vỏ, giã nhuyễn, rang lên với nước mắm làm ruốc tôm. Củ cải khô, còn gọi là ca la thầu, ngâm cho nở bung, vắt khô, xé sợi nhỏ, ngâm với nước mắm, giấm, đường. Nấm hương, rau răm xắt sợi. Mẹ dạy, tất cả sợi phải tương đồng, không có sợi to sợi nhỏ, tô bún mới đẹp mắt, ăn vừa miệng.

Bún thang ngon không chỉ ở hương vị mà còn ở cách trình bày.

Bún chần nhanh qua nước sôi cho vào tô. Sắp các sợi nguyên liệu lên trên thành hình cánh hoa đối xứng, gà, trứng, giò lụa, rau răm, ruốc tôm, nấm hương, củ cải ngâm. Điểm xuyết vài lát ớt ở giữa làm nhuỵ hoa. Chan nước dùng lên trên, thêm giọt tinh dầu cà cuống, cho dậy mùi. Khi ăn tuỳ khẩu vị cho chút mắm tôm thêm đậm đà. Tô bún như bức tranh được tô vẽ tỉ mỉ. Bún trắng đục, trứng vàng óng, da gà vàng ươm, bên cạnh màu phớt hồng của giò lụa, thịt gà, màu nâu của nấm hương, củ cải ngâm, màu xanh của rau răm, màu đỏ của ớt. Rực rỡ sắc màu, đủ đầy hương vị.

Mẹ nói bún thang được ví như ngọc nữ Hà Thành, khi ăn phải tao nhã như thưởng thức nghệ thuật. Thong thả nếm qua chút nước dùng, cảm nhận vị ngọt thanh từ đầu lưỡi đến khoang miệng, độ nóng cùng hương thơm lan tỏa xuống bụng. Nếm sợi thịt gà ngọt dai, sợi giò lụa, sợi trứng béo thơm, sợi củ cải giòn giòn. Chậm rãi thôi, mỗi thứ một chút mới cảm nhận hết vị ngon của hơn hai mươi nguyên liệu cùng bao công phu hoà quyện trong tô bún. Nay mẹ đã về với mây khói. Mỗi dịp sum họp gia đình, chị em tôi lại nấu bún thang. Để thấy phảng phất đâu đó bóng lưng bận rộn của mẹ trong gian bếp thuở nào./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....

Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?

Có những ánh mắt ta chẳng thể nào quên, không cần lời nói nhưng lại lưu giữ một điều gì đó sâu thẳm trong tim, tựa như một lời yêu chưa kịp nói. Cuộc đời là những chuyến đi dài, và trong những ngày cũ kỹ, có ai đó đã từng bước qua đời ta, để lại một dấu lặng mang tên ký ức.

Với những người thuộc thế hệ 7X, 8X trở về trước, hình ảnh chiếc xe đạp dường như đều gắn liền với ký ức của mỗi người. Dù thời gian trôi qua nhanh như nước chảy qua cầu, nhưng những điều thân thương nhất gắn liền với chiếc xe đạp, với tuổi trẻ và tình yêu của một thời đã qua vẫn còn mãi trong ta…

Hôm nay, Hà Nội mưa rơi. Có lẽ do ảnh hưởng của không khí lạnh nên nhiệt độ ở Thủ đô giảm sâu. Đi trên những cung đường của Hà Nội, tôi cảm nhận rõ rệt từng cơn gió lạnh ùa về. Nó khiến cho lòng người có cảm giác nao nao, nhớ về một vòng tay ấm... Vậy là, đông đã về với Hà Nội thật rồi.

Có một người theo gia đình về sống ở Hà Nội khi vừa bước vào quảng đời niên thiếu nhiều mộng mơ. Chắc cũng vì đang ở độ tuổi ngây thơ, luôn nhìn mọi thứ bằng đôi mắt sáng trong nên cảm nhận về Hà Nội thân thương trong cô đẹp và dịu dàng vô cùng. Nhiều năm xa Thủ đô, chuyển vào miền Nam sinh sống, nhưng lòng cô vẫn không thôi hoài mong nhớ về...