Bức thư gửi bố
Ngày trước, khi còn nhỏ, tuổi trẻ khờ dại, chẳng ít lần con vật vã mong muốn bố là một người khác. Nhưng rồi sau những va vấp, ngã quỵ, đứng lên rồi bước tiếp, con hiểu rằng trong cuộc sống có nhiều thứ mình không được quyền lựa chọn, trong đó có bố mẹ.
Có nhiều thứ tình cảm thiêng liêng, bền bỉ theo thời gian trong đó có tình bố con. Và từ ấy, con đã khác, đã lập trình lại những yêu thương trong trái tim mình, để mỗi khi nghĩ về bố, con chỉ nhớ đến ký ức ấm áp, những hình ảnh đẹp.
Con nhớ mãi những mùa đông ở quê. Nhà mình nghèo. Lúc ấy, con vẫn chưa ý thức được nghèo là như thế nào. Con chỉ nhớ bữa cơm nhà mình là bát cơm với những miếng dừa khô được vùi sâu trong bồ muối. Ruộng ít, con lại đau ốm liên miên. Mẹ vừa trông con vừa bóc lạc thuê cho người ta. Bố chạy chợ kiếm tiền thuốc thang, cải thiện cuộc sống.
Mùa đông rét buốt, gió thổi ràn rạt, bố dậy từ ba giờ sáng đạp xe hơn ba chục cây số lên chợ huyện. Buổi tối chín mười giờ bố còn bì bõm dưới ao rửa từng mớ rau rồi xếp lên xe gọn gàng. Chẳng biết mỗi chuyến xe rau như vậy bố lãi được bao nhiêu, mà lần nào về con cũng có một món quà, khi là cái bánh rán, có khi là cái đùi gà.
Được chăm sóc, cưng nựng và yêu chiều vậy mà con vẫn ốm suốt. Uống thuốc, tiêm, đi bệnh viện huyện rồi ra tận Hà Nội. Nhà có sào lúa đang vào đòng cũng phải bán non để lấy tiền thuốc thang. Bố lại dẹp xe rau, ra Hà Nội làm thuê để cùng mẹ chăm con. Những trưa hè nóng như đổ lửa bố tranh thủ vào bệnh viện thăm con. Lưng áo bố sướt sũng mồ hôi, mười móng tay cụt ngủn, dính đầy xỉ than, gương mặt bết đất. Bố đến, vội vã vuốt tóc con rồi lại đi để kịp làm ca chiều.
Cuộc sống của bố lam lũ nên bao giờ bố cũng mong muốn chúng con được học hành tử tế để thoát cảnh khó khăn, vất vả. Bố bảo cố gắng học hành để có cái nghề cho ấm thân, sau này không phải đầu tắt mặt tối như bố mẹ. Chính vì vậy mà nhà mình nghèo nhưng con chưa bao giờ phải chịu khổ hay thiếu thốn ngày nào. Những đàn lợn, đàn gà, luống rau bố bỏ công chăm sóc ở quê, gom góp từng đồng gửi lên thành phố cho con ăn học.
Thành phố cái gì cũng đắt đỏ hơn quê nhiều lần, con muốn đi làm thêm để đỡ đần bố mẹ. Bố nghe tin cứ gạt đi, bố bảo có cơ hội thì cố gắng mà học mai mốt tha hồ làm. Cứ thế con sống trong sự bao bọc của bố mẹ. Bao bọc như thể con vẫn là cô con gái bé bỏng sinh thiếu tháng cứ trời hơi rét lại lên cơn hen.
Con say xe, mỗi lần về quê, bố lại chờ con ở bến xe để đón chứ không để con đi xe buýt về nhà. Lần nào cũng vậy, vừa bước xuống xe con đã thấy bố đứng cạnh chiếc xe máy cũ. Con ngồi sau lưng bố, mùi mồ hôi quen thuộc, con cảm nhận giây phút bình yên thực sự. Con không cần phải cố tỏ ra mạnh mẽ, chẳng phải vất vả, bươn chải với đời. Vì thế mà sau này, khi đã lập gia đình, nhiều lúc mệt mỏi muốn buông xuôi, muốn trốn chạy tất cả, con lại về nhà, về với bố.
Căn nhà nhỏ, bình dị với khoảng sân đầy nắng. Sáng thức giấc khi nghe lợn kêu inh ỏi trong chuồng đòi ăn. Nhưng con đâu thể trốn chạy mãi được khi con cũng đã là mẹ của những đứa con nhỏ, áp lực ngoài kia con vẫn phải tự mình đối mặt. Mỗi lần đi, bố hay hỏi có cần tiền không, bố cho. Con ứa nước mắt quay đi chỗ khác.
Con mong ước điều gì, bố biết không? Con mong thật nhiều lần về nhà sau này bố vẫn mạnh khỏe, đứng tựa vào chiếc xe máy cũ chờ con nơi bến xe như bây giờ. Nhà mình chẳng còn nghèo, con giờ cũng vững vàng chẳng thiếu thốn gì. Nhưng với con, chảo cơm rang ngày mưa bão với tóp mỡ và trứng gà vàng ươm của bố vẫn khiến con thèm và nhớ.
Bởi vậy mà bố phải đợi con về và rang cơm cho con ăn. Bố phải đợi con về để chuẩn bị quà cho con mỗi khi con trở lại thành phố, để con tự hào với mọi người rằng dù đã ngoài ba mươi vẫn được bố chăm chút như một cô công chúa. Để bữa cơm chiều sau một ngày tất bật với công việc, con nói với các cháu ngoại của bố rằng, gà này là ông nuôi, rau này là của ông trồng đấy nhé!
Con mong bố khỏe mạnh để con biết rằng con có một nơi để về, một bờ vai để dựa vào và con được yếu đuối, bố nhé!
Trong ký ức của một người con, có một căn nhà xưa sơ sài tới mức không có cổng, nhưng trong căn nhà nhỏ ấy, lại đầy ắp tình yêu thương của mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau…
Dạo gần đây mạng xã hội nổi rần rần về chữa lành. Chỉ cần mở YouTube, 10 podcast thì 9 cái nói về việc chữa lành. Có người nói với tôi, muốn hạnh phúc phải yêu chính mình trước đã, phải chiều chuộng bản thân, làm gì mình thích để chữa lành. Dành thời gian cho bản thân nhiều hơn, nghĩ đến bản thân nhiều hơn, đặt gánh nặng trách nhiệm trên vai xuống để đi chữa lành cho đầu óc thanh thản, nhẹ nhàng hơn...
Đêm ở biển, thanh âm của biển, vị của biển, giữa một màu đen bát ngát bao la. Lòng bình yên lắng dịu. Biển vắng giữa đêm mùa thu thật lạ mà thật quen. Ngỡ như ta đã gặp đâu đó một thời xa lắm. Nhớ về một đêm biển vắng năm nào, ngồi ở một căn chòi nhỏ, lặng nghe tiếng mưa rơi... Biển vẫn vậy, dịu dàng quá đỗi. Ta khác rồi, liệu đã thâm trầm như biển ngày xưa?
Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng từng một lần theo đuổi điều gì đó tưởng chừng vĩ đại, tưởng chừng hoàn hảo. Đó có thể là những giấc mơ lớn lao hay chỉ là những điều giản dị, bé nhỏ mà tâm hồn chúng ta đã khắc khoải tìm kiếm. Với tôi, hành trình ấy bắt đầu từ những buổi chiều thơ bé, nơi tôi đắm mình giữa đồng cỏ xanh rì, tìm kiếm chiếc lá cỏ hoàn hảo - một thứ biểu tượng đẹp đẽ mà tôi tin rằng khi tìm thấy, cuộc đời tôi sẽ trọn vẹn theo cách kỳ diệu nhất. Có một người cũng giống như tôi.
Có một người không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng quãng thời gian mà người ta vẫn ưu ái gọi tên "đẹp nhất của đời người" - thời trung học của cô đã gắn với mảnh đất cổ kính, nên thơ này. Từ lâu, Hà Nội đối với cô đã vượt lên cả một miền ký ức, trở thành một phần hiện hữu trong cuộc đời.
Cuộc sống vội vã trôi, cuốn mỗi người chúng ta vào guồng quay không ngừng nghỉ. Để tới một lúc nào đó, ta bỗng phát hiện ra dường như mình đã quên mất những điều bình dị, ấm áp xung quanh, quên mất rằng ta và người ấy vẫn cần lắm những nồng ấm, yêu thương…
0