Bức thư từ chiến trường

Nhiều năm tháng đã qua, người ra đi đã hòa xác thân làm nên dáng hình đất nước, người ở lại không biết trong trí nhớ mơ hồ tuổi tác, có còn nhớ về những năm tháng chờ đợi, hạnh phúc và khổ đau. Có thể một ngày không ai còn biết về cuộc đời họ. Những cuộc đời như vậy “đã hóa núi sông ta”.

Chiều nay, Hường mời bạn cùng nghe câu chuyện về mối tình của ông bà bạn Nhung Phạm qua bức thư mà cô tình cờ đọc được.

Tôi chỉ biết ông ngoại qua các câu chuyện kể của bà và mẹ. Tôi chỉ hình dung ra ông qua bức vẽ chân dung để trên ban thờ. Trong hình, ông rất trẻ, trắng trẻo và đẹp trai. Ông giống như một nhân vật trong chuyện cổ tích, đầy nghĩa khí mà cũng thật xa xôi. Mãi đến khi tôi được đọc lá thư ông gửi cho bà trước khi hành quân vào chiến trường miền Nam, do cô em họ chụp ảnh lại, tôi mới thực sự hiểu được về người ông đáng kính của mình.

Ảnh tư liệu: vietnammoi

Ông ngoại tôi lên đường nhập ngũ năm 1958 lúc hai mươi mốt tuổi. Bốn năm sau, ông trở về và nên duyên với bà. Sống đời vợ chồng vỏn vẹn hai năm, ông tái ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc để mẹ già, con thơ cho người vợ trẻ. Bà tôi kể rằng, những ngày bên vợ con, đêm đêm nghe tiếng đạn bom, tin tức từ chiến trường dội về, ông trằn trọc mất ngủ. Trước ngày lên đường, ông gặp những người trong họ nhờ giúp đỡ gia đình, bởi ông đã linh cảm cơ hội trở về rất mong manh. Ông hi sinh vào tháng 3/1968. Khi ấy bà tôi mới qua tuổi hai mươi ba.

Em họ gửi tin nhắn vào buổi đêm và tôi chỉ đọc được khi tỉnh giấc vào sớm hôm sau. Hai năm không về, tết vừa rồi nhà tôi mới ra Bắc đoàn tụ với gia đình. Các em tôi ở nơi xa cũng lần lượt về quê. Chắc trong thời gian dọn dẹp nhà cửa, em đã phát hiện ra bức thư này. Chồng con tôi vẫn đang ngon giấc. Tôi lặng lẽ ngồi dậy, tựa lưng vào góc giường, đọc từng dòng chữ trên màn hình.

Bức thư đã gần sáu mươi năm tuổi. Không biết bởi dấu vết của thời gian hay hoàn cảnh ngặt nghèo lúc đó, mà hai trang giấy đã ố vàng, đôi chỗ bị thủng và nhoè chữ. Những dòng viết vội bằng mực xanh, có đoạn phải chèn ngang vì thiếu giấy, nhưng nét chữ của ông bay bổng và đều đặn.

Ảnh minh họa: Kênh 14

“Tuyền thân mến! Tuyền ạ. Từ ngày Giám ra đi đến nay đã mười ngày rồi đấy nhỉ”. Ông xưng hô với bà nghe sao mà trân trọng, trìu mến quá. Ông viết vì khẩn trương luyện tập nên giờ mới biên thư về cho gia đình. “Chắc mẹ và Tuyền ở nhà mong thư lắm đấy nhỉ?” “Nếu con gọi bố, chắc Tuyền cũng thấy nhớ bố Tuyền lắm nhỉ. Đấy là lẽ tất nhiên, nhưng Tuyền đừng buồn nhé”… Ông nói ông nhớ con đến không ngủ được, không biết con ở nhà có ngoan không, có gọi bố không. Ông động viên bà chăm chỉ sản xuất và nuôi con khỏe để cho ông yên tâm công tác. Còn về phần ông thì nay đang ngày đêm học tập, trên vai lúc nào cũng ba mươi đến ba lăm cân gạch, trèo đèo lội suối không kể ngày đêm, từ lúc vào đơn vị đến nay. Chắc chỉ khoảng nửa tháng nữa là ông sẽ vào Nam chiến đấu. Ông gửi lời hỏi thăm tới mọi người trong gia đình và dặn bà hãy chụp một tấm hình con gái gửi cho ông để những ngày xa xôi đỡ nhớ. Hiện ông đang ở một nơi bí mật và chỉ biết địa chỉ như vậy. Ông mong chờ ngày giải phóng, gia đình sum họp. Ông bảo: “Ví dụ có thế nào thì cũng đành chịu vậy. Đó là nghĩa vụ của người thanh niên với Tổ Quốc. Đừng buồn nhé, vui lên vui lên, khóc là yếu ớt. Dù có phải chia sẻ tình yêu cũng không khóc. Và Tuyền phải tự hào vinh dự mình là vợ một người giải phóng quân, đã có một người chồng giải phóng Tổ Quốc”. Ông nhắc: “Tuyền cố gắng, gửi ngay nhé. Chú ý chụp một ảnh hai mẹ con bế nhau, một ảnh riêng của con, đừng sợ tốn tiền nhé”.

Tôi đã phải dừng lại đôi lần để lau những giọt nước mắt lăn dài trên má, mím chặt môi, kìm nén những tiếng nấc nghẹn ngào. Ông tôi đã từ giã cõi đời mà chưa biết mặt cậu tôi. Khi ông đi, bà mới mang thai cậu chưa đầy hai tháng. Có lẽ bà cũng chưa chắc chắn về sự hiện diện của cậu để báo cho ông biết. Hay bà đã im lặng vì không muốn cản chí nguyện của ông? Tôi không tìm được đáp án. Bà tôi giờ gần tám mươi tuổi. Cả một đời, bà đã chung thủy trọn đạo nghĩa vợ chồng, chăm mẹ già, nuôi con nhỏ, cần mẫn sản xuất, nuôi quân, làm thư kí đội, giáo viên… Tuổi già, bà đã quên nhiều thứ, ngay cả mẹ tôi cũng có lúc bà không nhận ra. Chỉ có nụ cười hiền hậu thì mãi mãi không thay đổi.

Bé con của tôi khẽ cựa quậy tỉnh giấc. Tôi xoa xoa lưng cho con ngủ lại. Lòng tôi miên man nghĩ đến ông bà ngoại, đến mẹ tôi và cậu tôi. Tôi mường tượng ra hình ảnh một người trai trẻ nơi non cao rừng thẳm, khắc khoải nhớ thương mẹ già, vợ trẻ, con thơ. Một người vợ thẫn thờ trong ráng chiều buông, ngóng trông chồng như “lá khát sương mai”, trong lúc “đứa con nhỏ đạp lòng nghe nhói buốt”. Tôi thương mẹ và cậu tôi đến quặn lòng, có lẽ đã bao đêm khóc ngặt vì thiếu hơi ấm của bố, lẫm chẫm những bước đi đầu đời mà không có bàn tay bố nâng đỡ. Bao đau thương, mất mát, để cho con tôi ngày hôm nay được bình yên một giấc ngủ ngon lành.

Tôi cứ vẩn vơ mãi cho đến khi có tiếng mẹ đi chợ về. Tết vừa rồi, nhà tôi đón Tết đơn giản. Bố mẹ dành một tháng để sửa sang nhà cửa, sân vườn cho cháu ngoại có chỗ tung tăng nô đùa. Với bố mẹ, nụ cười trẻ thơ trong veo của cháu là lộc xuân tươi đẹp hơn bất cứ cành mai, cành đào nào trong ngày tết. Đó chính là tình yêu thầm lặng mà thế hệ ông bà, bố mẹ tôi dành cho con cho cháu.

Bà ngoại đã quên dần chúng tôi. Bức thư của ông ngoại rồi cũng sẽ mờ phai theo năm tháng. Hình hài của ông đã tan vào trong đất mẹ. Nhưng tôi biết. Đất mẹ đã ôm ấp, chuyển hóa để cho những mầm xanh vươn lên. Trên dải đất hình chữ S này, gió vẫn sẽ thổi và hát mãi khúc ca về những người con đã hi sinh hạnh phúc cá nhân để trọn vẹn nghĩa tình với gia đình, đất nước./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Mẹ tôi không nghiện trầu cau nhưng mẹ vẫn trồng một giàn trầu xanh mơn mởn. Mẹ bảo nhà có giàn trầu mới ấm áp. Nhưng tôi hiểu mẹ đã gửi gắm vào đó biết bao nhiêu ân tình và cả nỗi nhớ về ngoại khôn nguôi.

Sống nhẩn nha giữa đời vội vã có thể chưa từng dễ dàng với chúng ta. Nhưng khi bước đi dưới những tán lá xanh xào xạc theo con gió, dưới bầu trời một màu ngăn ngắt xa xôi, tôi cảm giác hồn mình như cánh bồ công anh mảnh khảnh tự do bay mãi, chẳng nghĩ ngợi gì. Có những ngày như thế, những khoảnh khắc như thế. Chỉ cần im lặng hít thở thôi cũng đủ hạnh phúc.

Hà Nội với tôi là những thương nhớ đầu tiên từ hồi tôi đi thi đại học. Hà Nội đã lấy đi của tôi bao nhiêu nước mắt và còn là giấc mơ mà tôi chẳng thể chạm vào. Hà Nội là nhưng kỷ niệm của tôi khi biết người thương nhập viện, là khoảnh khắc thót tim khi đưa con ra cấp cứu viện nhi, là khoảnh khắc cháy lòng khi cha bệnh trọng. Và là khoảnh khắc đi chơi về muộn, thấy những người dân lầm lũi ngủ ngon lành nơi gầm cầu, trong lòng cống...

Trải qua các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đất nước ta đã sản sinh ra những thế hệ thanh niên đại diện cho mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước. Như thế hệ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; thế hệ một thời hoa đỏ 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước'; thế hệ 'sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử' trong chiến tranh bảo vệ biên giới...

Con đường ngày xưa chúng tôi đi học, lòng đường bé tin hin bằng hai gang bàn tay người lớn, thêm sỏi đá mấp mô ngáng bánh xe đạp không thương tiếc. Bữa nào vừa nhấn bàn đạp mải miết, vừa ngúc ngoắc đầu nói chuyện là gặp hòn đá xóc nảy người, chiếc cặp nhẹ tênh có khi giật mình rơi khỏi giỏ xe cà tàng. Con đường “huyền thoại” ấy chưa đi vào thơ ca nhạc họa của văn nghệ sĩ bao giờ nhưng nó đi vào ký ức tuổi thơ của chúng tôi cho tới tận hôm nay.

Sự hiện hữu của thời gian trở nên rõ rệt là khi trên khuôn mặt xuất hiện thêm những nếp gấp, một vài vết tàn nhang cùng màu tóc dần ngả bạc. Thời gian vô tình khiến những hoạt động mà mình vốn yêu thích bỗng trở nên khó thực hiện, mặc dù lòng nhiệt huyết vẫn còn nhưng tuổi tác và khuôn mặt đã không còn phù hợp nữa rồi.