Bức tranh kinh tế Trung Đông đầy u ám
Kinh tế Israel bị ảnh hưởng nặng nề
Tình hình căng thẳng ở Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi các cuộc giao tranh giữa quân đội Israel và các lực lượng ủy nhiệm thân Iran vẫn diễn ra ác liệt. Chiến sự leo thang đã kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng với nền kinh tế của tất cả quốc gia trong khu vực. Điều này có thể thấy rõ ở Israel.
Trước khi xung đột nổ ra ở Dải Gaza, kinh tế Israel có nền tảng tương đối vững chắc. Tuy nhiên, thời gian qua, những tác động tiêu cực từ chiến sự không chỉ làm chao đảo nền kinh tế Israel, làm tổn hại đến hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ mà còn đe dọa chệch hướng tăng trưởng của đất nước từng được xem là động lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trên toàn cầu.
Gần 11 tháng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến với Hamas ở Gaza, nền kinh tế của Israel đang gặp khó khăn khi chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu tiếp tục cuộc tấn công vào Gaza mà không có dấu hiệu chấm dứt, làm dấy lên nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột lớn hơn. Theo tờ The National News, tăng trưởng kinh tế của quốc gia này đã chậm lại kể từ khi xung đột ở Dải Gaza bùng phát ngày 7/10/2023.
Các khoản chi tiêu quân sự, sơ tán dân và bồi thường cho các doanh nghiệp bị thiệt hại đã khiến thâm hụt ngân sách quốc gia tăng cao kỷ lục, buộc Tel Aviv phải vay nợ để trang trải cho xung đột. Bộ Tài chính Israel cho biết thâm hụt của nước này trong 12 tháng qua đã tăng lên hơn 8% GDP, vượt xa tỷ lệ 6,6% mà bộ này dự báo cho năm 2024.
Năm 2023, thâm hụt ngân sách của Israel xấp xỉ 4% GDP. Hậu quả là các cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Israel từ mức ổn định xuống tiêu cực.
Vào tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Israel cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này do tác động của cuộc xung đột ở Gaza.
Israel thường duy trì tăng trưởng với tốc độ 3,7%, điều đó có nghĩa là nếu tính theo đô la, chúng ta sẽ mất khoảng 14 tỷ đô la trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm nay. Nhưng không chỉ dừng ở GDP, chúng ta còn mất nhiều hơn thế nữa.
Ông Jacob Scheinin - Nhà kinh tế.
Một số nhà kinh tế hàng đầu cho rằng, nền kinh tế Israel đã suy giảm nhanh chóng, đặc biệt sau khi lực lượng Houthi ở Yemen và Hezbollah ở Liban có hành động đoàn kết với người Palestine ở Gaza. Lực lượng Houthi đã phong tỏa Biển Đỏ nhằm vào các tàu thuyền mà họ cho là có liên quan đến Israel hoặc Mỹ.
Vì hành động này, cảng Eilat ở phía Nam - cảng bận rộn nhất của Israel trước xung đột - đã gần như đóng cửa kể từ tháng 10/2023. Từ một cơ sở hạ tầng giao thông hàng hải quan trọng, cảng Eilat giờ đây đã hoàn toàn bị mất thu nhập, khi doanh thu hàng hóa giảm gần 90%.
Cảng Haifa, một trung tâm xuất nhập khẩu lớn của Israel, nơi các tàu container khổng lồ thường xuyên ghé qua, những tháng gần đây cũng trở nên yên tĩnh.
Nguyên nhân là bởi lực lượng Houthi ở Yemen đe dọa các tàu đi qua kênh đào Suez của Ai Cập, khiến nhiều tàu ngừng sử dụng các cảng của Israel. Theo các số liệu thống kê, các cảng của Israel đã sụt giảm 16% lượng hàng vận chuyển trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài hoạt động vận tải cảng biển, hàng loạt doanh nghiệp khác của Israel cũng gặp khó khăn, trong đó ngành xây dựng, dịch vụ và du lịch bị ảnh hưởng nhiều nhất. Các chuyên gia ước tính 60.000 doanh nghiệp Israel có thể đóng cửa vào cuối năm nay và 75% trong số đó là doanh nghiệp nhỏ.
Trong khu phố cổ của Jerusalem, gần như tất cả các cửa hàng quà lưu niệm đều đóng cửa. Tại chợ trời ở Haifa, những người bán hàng buồn bã lau chùi đồ đạc trên những con phố vắng tanh. Ông Meir Sabag, một người buôn đồ cổ ở Haifa cho biết công việc kinh doanh hiện tại còn tệ hơn trong thời kỳ đại dịch Covid-19. “Chúng tôi thường đón nhiều khách du lịch ở Jerusalem, ở Ateret, khắp cả nước, nhưng hiện nay lượng khách thưa thớt”, ông Meir Sabag cho hay.
Ngay cả khách sạn American Colony, một điểm dừng chân nổi tiếng của các chính trị gia, nhà ngoại giao và ngôi sao điện ảnh ở Jerusalem, cũng sa thải nhiều nhân công và đang cân nhắc cắt giảm lương.
Tại khu vực Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng, những khó khăn kinh tế do tình hình chiến sự càng cảm nhận rõ nét hơn, khi rất ít khách du lịch đến vùng núi giáp biên giới với Liban và Syria này do lo ngại vấn đề an ninh. Hàng loạt khách sạn, cửa hàng lưu niệm và nhà hàng rơi vào cảnh ế ẩm.
Trước những lo ngại này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã trấn an rằng, thiệt hại kinh tế chỉ là tạm thời. Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich cũng khẳng định nền kinh tế Israel vẫn mạnh mẽ và cam kết thông qua một ngân sách có trách nhiệm để tiếp tục hỗ trợ tất cả các nhu cầu của cuộc chiến, đồng thời duy trì các khuôn khổ tài chính và thúc đẩy các động cơ tăng trưởng. Bất chấp những lạc quan kể trên, một số nhà kinh tế hàng đầu cho rằng giải pháp tốt nhất để ngăn chặn thiệt hại và giúp nền kinh tế phục hồi vẫn là chấm dứt chiến sự.
Theo các ước tính, chi phí của Israel cho xung đột hiện nay có thể lên tới 120 tỷ USD, chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội. Nếu xung đột ở Gaza kéo dài đến năm 2025, chi tiêu quân sự bổ sung sẽ tăng đáng kể, cùng với các cơ sở hạ tầng bị phá hủy, điều này sẽ gây ra những thiệt hại kéo dài và khó phục hồi đối với hoạt động kinh tế và đầu tư ở Israel.
Thảm họa kinh tế ở Liban
Liban vừa trải qua một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất và rơi vào bế tắc chính trị khi đất nước không có tổng thống kể từ tháng 10/2022. Do đó, những căng thẳng xung đột hiện nay được xem là thảm họa với quốc gia chỉ có 4 triệu dân này.
Tăng trưởng kinh tế của Liban dự kiến sẽ giảm từ 10 - 15% trong năm nay, trong đó doanh thu của ngành du lịch giảm hơn 50%. Thậm chí, Bộ trưởng Kinh tế Liban - ông Amin Salam cho biết, nền kinh tế nước này đang trong “tình thế hết sức nguy hiểm”, với tổn thất có thể lên tới hàng tỷ đô la Mỹ do ảnh hưởng của xung đột.
Nền kinh tế Liban vốn đã rất mong manh và suy yếu sau nhiều năm bất ổn chính trị, hiện đang phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn.
Theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế Liban tăng trưởng 0,2% trong năm 2023, nhờ lực đẩy của dòng kiều hối và du lịch. Tuy nhiên, tình hình năm nay đã thay đổi đáng kể. Đồng nội tệ của Liban đã mất 95% giá trị so với đồng đô la Mỹ kể từ khi nền kinh tế nước này sụp đổ vào năm 2019, với hơn 80% dân số hiện sống dưới mức nghèo khổ.
Nhà kinh tế người Liban Jassem Ajaka cảnh báo, cuộc xung đột cường độ thấp ở miền Nam Liban đang làm xói mòn nền kinh tế, gián đoạn hoạt động nhập khẩu và giao dịch ngân hàng và gây thiệt hại khoảng 2 tỷ đô la Mỹ cho ngành du lịch.
Tháng 8 hàng năm thường là mùa cao điểm du lịch ở Thủ đô Beirut, tuy nhiên, thay vì chào đón du khách đến tham quan nghỉ dưỡng như thường lệ, các căng thẳng thù địch giữa lực lượng Hezbollah và Israel lại khiến khách du lịch phải vội vã sơ tán khỏi Liban.
Du lịch phụ thuộc rất nhiều vào sự ổn định. Nếu Liban không có sự ổn định chính trị, chúng ta sẽ không có du lịch. Đó là lý do tại sao các khách sạn và toàn bộ ngành dịch vụ khách sạn bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Omar Saade, Giám đốc Khách sạn Hilton Beirut Habtoor Grand Hotel, Beirut, Liban.
Nằm cách biên giới với Israel khoảng 20 km, thành phố ven biển Tyre, miền nam Liban là điểm đến yêu thích của đông đảo du khách vào mùa hè. Tuy nhiên, giờ đây, thành phố này gần như vắng bóng du khách. Ông Jacques Fakhoury, chủ một quán rượu cho biết, tình hình kinh doanh rất ảm đạm.
Không chỉ du lịch, ngành đánh bắt cá sử dụng khoảng 2.000 lao động tại Tyre cũng lao đao vì xung đột. Ngư dân nơi đây không dám ra khơi đánh cá, vì lo sợ các cuộc không kích từ các máy bay không người lái và tên lửa.
Theo các chuyên gia, trong trường hợp chiến sự xảy ra trên lãnh thổ Liban, thiệt hại được dự báo sẽ là rất lớn. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Liban có thể thiệt hại tới 24 - 25%, trong khi các nhóm vũ trang cực đoan có thể tận dụng cơ hội tràn vào lãnh thổ nước này, làm trầm trọng căng thẳng chính trị và xã hội hiện nay.
Ngành du lịch Jordan lao đao vì xung đột
Jordan có chung biên giới phía Tây với Israel và biên giới phía Bắc với Syria. Thế nên, dù không trực tiếp liên quan tới xung đột, nhưng ngành du lịch, chiếm khoảng 10% GDP của nước này cũng phần nào bị ảnh hưởng.
Thành cổ Petra - nơi được mệnh danh là “thành phố hoa hồng đỏ” của Jordan thời gian gần đây chứng kiến số lượng du khách giảm mạnh vì những lo ngại về chiến sự. Ước tính doanh thu du lịch tại đây đã giảm tới 76% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thành cổ Petra được xây dựng vào thế kỷ thứ III trước Công Nguyên, với rất nhiều bức tượng được tạc trên vách đá. Petra được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới vào năm 1985 và được mô tả là “một trong những tài sản văn hóa quý giá nhất của nhân loại”.
Trước khi xung đột ở Dải Gaza bùng phát, Petra đón hàng triệu du khách đến tìm hiểu về lịch sử văn hóa cổ xưa, nhưng giờ đây những lối đi từng chật cứng du khách đã trở nên vắng vẻ. Nhiều khách sạn và cửa hàng ở Petra đã buộc phải đóng cửa vì kết quả kinh doanh thua lỗ.
Trước xung đột, doanh số bán hàng của chúng tôi rất tốt. Có nhiều du khách tới đây ăn uống, mua sắm. Sau khi cuộc chiến nổ ra, công việc của chúng tôi đã khác thay đổi gần như hoàn toàn. Mọi thứ bị ngưng trệ.
Ông Mohanad Mousaada, chủ cửa hàng ở Petra.
Ngoài Jordan, làn sóng ảnh hưởng còn được cảm nhận mạnh mẽ ở các điểm đến Trung Đông khác như Qatar, Dubai và Oman, hai quốc gia Bắc Phi gồm Tunisia và Maroc.
Theo các chuyên gia, nếu không có giải pháp ngoại giao cụ thể để giải quyết cuộc xung đột hiện nay, không rõ khi nào du khách quốc tế mới có thể yên tâm quay trở lại các nước trong khu vực.
Trung Đông là trung tâm sản xuất dầu mỏ của thế giới, do vậy những bất ổn do xung đột có thể dẫn tới hiệu ứng lan rộng ảnh hưởng đến giá năng lượng. Nguy cơ gián đoạn dòng chảy dầu mỏ và khí đốt có thể làm chậm đà tăng trưởng cũng như làm gia tăng lạm phát toàn cầu.
Liên hợp quốc cảnh báo, hậu quả kinh tế của leo thang xung đột tại Trung Đông là rất nghiêm trọng. Nếu các bên không kiềm chế và đi đến một giải pháp ngoại giao, nền kinh tế của chính các quốc gia trong khu vực và thế giới sẽ gánh chịu những tổn thất nặng nề.
Một chiếc máy bay nhỏ chở 10 người đã đâm vào các cửa hàng ở trung tâm thành phố du lịch miền Nam Brazil ngày 22/12, khiến tất cả mọi người trên máy bay thiệt mạng.
Đài phun nước Trevi ở Italy đã được mở cửa lại sau hơn hai tháng vệ sinh và phục hồi, một phần trong công tác chuẩn bị của Rome cho Năm Thánh Công giáo La Mã 2025.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiếp Thủ tướng Slovakia Robert Fico tại Điện Kremlin vào tối ngày 22/12.
Tổng thống đắc cử Donald Trump vừa bày tỏ sự ủng hộ việc cho phép TikTok tiếp tục hoạt động tại Mỹ trong ít nhất một thời gian ngắn và nói rằng, ông đã nhận được hàng tỷ lượt xem trên nền tảng truyền thông xã hội này trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình.
Tại ngôi làng Ponikla ở Cộng hòa Séc, nghề thổi thủy tinh có truyền thống hơn 150 năm tuổi vẫn đang được duy trì. Nhà xưởng Rautis, đơn vị duy nhất trên thế giới còn sản xuất đồ trang trí Giáng sinh từ cát thủy tinh, không chỉ đang bảo tồn một nghề thủ công truyền thống mà còn góp phần đưa kỹ thuật này đến đông đảo bạn bè quốc tế.
Dữ liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố mới đây cho thấy, trong tháng 10 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã mua dầu từ Nga với tổng trị giá 687,5 triệu euro (khoảng 735,6 triệu USD), mức cao nhất kể từ tháng 2 năm nay.
0