Búi tóc của mẹ

Trong nhịp sống gấp gáp và xô bồ với những mỏi mệt của chuỗi ngày quay cuồng với bận rộn, có một người con gái bỗng thấy thương nhớ về người mẹ của mình. Để nương tựa vào những kỷ niệm và sống lại những ngày còn mẹ, được mẹ yêu thương như thuở nào. Chiều nay, Hường mời bạn nghe những dòng cảm xúc của Diệu Hiền.

Mẹ tôi là nông dân. Giản dị, mộc mạc hay lam hay làm như bao phụ nữ nông thôn khác. Cuộc đời chất chồng gian khổ, mẹ không có thời gian để làm đẹp cho riêng mình. Nhưng với tôi, mẹ là hiện thân của cái đẹp. Đẹp trong nỗi lam lũ. Đẹp từ những yêu thương vô bờ bến. Đẹp từ những bài hát ru ngọt ngào tôi nhẩm theo lúc còn nhỏ xíu. Và đẹp nhất là cái búi tóc của người.

Ảnh minh họa: Phunuonline

Ngày tôi còn nhỏ, mái tóc mẹ rất đen, dài và dày nên búi tóc to và trông cứ như một đóa hoa đen xòe phía sau ót. Mỗi sáng trước khi ra đồng, mẹ thường chải đầu, búi tóc gọn ghẽ, quấn thêm một cái khăn để giữ cho tóc khỏi tuột ra. Mẹ tôi vất vả với muôn việc đồng áng và vô số công chuyện không tên khác, nhưng lúc nào trông mẹ cũng gọn gàng, khỏe khoắn.

Ngày xưa, mẹ toàn gội đầu bằng bồ kết, hoa bưởi và hương nhu. Mái tóc đen dày mỗi khi mẹ xõa ra, óng ả như một dòng suối nhỏ, hương thơm dịu nhẹ cứ phảng phất, thoảng đưa. Mỗi lần được sà vào lòng mẹ, tôi cứ ngỡ đấy là mùi yêu thương của riêng mẹ. Tôi biết mẹ cũng rất yêu quý, tự hào về mái tóc và búi tóc của mình. Khi tôi lớn lên một chút, mẹ bày cho chị em tôi cách gội đầu, chải đầu, búi tóc. Mẹ bảo cái răng, cái tóc là góc con người. Người ta có thể xem mặt mà bắt hình dong. Mái tóc cũng là một phần thể hiện nhân cách con người.

Ảnh minh họa: Sinhduoc

Thời gian qua kẽ tay, trôi theo những phận người. Mái tóc đen nhánh, mượt mà của mẹ tôi nhuốm dần màu sương khói. Búi tóc xòe to ngày nào chỉ còn cái nhúm nhỏ lắt lẻo. Nhưng rồi cái nhúm nhỏ lắt lẻo ấy cũng không còn nữa. Mẹ tôi bị tai biến mạch máu não nên không tự chăm sóc được bản thân. Tôi day dứt và đành đoạn cắt đi niềm yêu của mẹ. Có một điều gì nghèn nghẹn trong tôi. Và tôi tự an ủi mình được chăm sóc mẹ, tắm gội cho mẹ cũng là may mắn và hạnh phúc vô biên. Tóc ngắn hay dài thì mẹ vẫn là mẹ, hiện thân của biết bao yêu thương. 

Ảnh minh họa: Internet

Rồi tôi cũng không thể giữ được mẹ. Mẹ tôi nhẹ nhàng về miền trời xanh mây trắng vào một đêm mưa. Dẫu biết đó là quy luật và mẹ vẫn hiện hữu trong nỗi nhớ thương. Nhưng tôi cũng rơi vào trạng thái chới với, nghe tim mình trống hoang và đau đớn khôn xiết. Giờ đây, khi mẹ tôi đã về với ngoại, tôi mới thấm thía niềm hạnh phúc khi còn có mẹ. Tôi khát khao được ôm mẹ, chải tóc cho mẹ.

Búi tóc của mẹ. Yêu thương biết mấy cho vừa. Trong nhịp đời gấp gáp và xô bồ của cuộc sống này có ai chợt giật mình khi nghĩ về búi tóc của mẹ, nghĩ về những yêu thương?

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong ký ức của một người xa Thủ đô, Hà Nội là những hàng cây xanh mát hai bên đường, những sạp báo, những bác xích lô ngồi đợi khách. Và nỗi nhớ Hà Nội đọng lại trong một ly trà ấm nóng, phảng phất khói bay trong một chiều hoàng hôn.

Có một loại lá, khi được chế biến thành món ăn, lúc ban đầu, ta cảm nhận vị đắng nhẹ, nhưng càng nhai kĩ càng thấy vị ngọt bùi của lá. Không biết đó có phải là một sự hồi đáp thử thách lòng người của một loài cây, hay lá muốn gửi gắm một thông điệp: Có đắng cay mới thấy ngọt bùi?

Sáng hè thành phố, người đầy mồ hôi và bẹp dí xuống giường. Có người cố ngủ nướng cũng chẳng xong. Cái nóng hầm hập xuyên qua lớp tường dày, len lỏi vào từng tế bào trên cơ thể.

Có một cô gái đến Hà Nội hai lần nhưng lần nào cũng vội. Vội đến nỗi chưa kịp đi cho hết chiều dài niềm thương thì đã phải chia tay. Nhưng chính trong sự vội vã đó cô nhận ra những chân tình, lại như khơi lên trong cô một nỗi mong ước...

Mưa đã tạnh từ lâu, ngọn nến thơm trên bàn chuyển động khẽ khàng theo từng luồng khí mơn man trong căn phòng mở toang ô cửa.

Có một cô gái từng mua một cuốn sách với tựa đề “Mình phải sống như biển rộng sông dài”. Nội dung trong sách đã nằm lại đâu đó trong góc khuất của ký ức, chỉ có tiêu đề cứ khiến cô phải suy nghĩ mãi bởi lẽ, người với người, quả thực tồn tại như những dòng chảy giao nhau.