Bước đi lịch sử nhằm thúc đẩy hòa bình Trung Đông

Việc 3 nước châu Âu đồng thời tuyên bố sẽ công nhận nhà nước hợp pháp Palestine, cùng với việc một số nước cho biết sẽ tuân thủ lệnh bắt giữ thủ tướng Israel nếu tòa án hình sự quốc tế ICC ban hành lệnh là những nỗ lực mới nhất nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho dải Gaza.

Bước ngoặt trong nỗ lực thúc đẩy giải pháp hai nhà nước

Ngày 22/5, phát biểu tại họp báo Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store cho biết nước này sẽ công nhận Nhà nước Palestine bắt đầu từ ngày 28/5. Thủ tướng Na Uy - quốc gia đóng vai trò quan trọng trong ngoại giao Trung Đông trong nhiều năm qua - khẳng định động thái này là cần thiết để ủng hộ những tiếng nói ôn hòa trong cuộc chiến ở Gaza. Theo ông, việc hai nhà nước cùng tồn tại trong hòa bình và an ninh là giải pháp chính trị duy nhất cho người Israel và người Palestine.

Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store nói: "Trong cuộc xung đột này, với hàng chục nghìn người thiệt mạng và bị thương, chúng ta phải đưa ra một lựa chọn thay thế giải pháp chính trị cho cả người Israel và Palestine: đó là hai nhà nước sống trong hòa bình và an ninh".

Tây Ban Nha cũng tổ chức họp báo vào ngày 22/5 để thông báo về quyết định công nhận Nhà nước Palestine.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết cần phải công nhận Nhà nước Palestine để củng cố giải pháp hai nhà nước.

Thủ tướng Tây Ban Nha Nha Pedro Sanchez khẳng định: "Chúng tôi sẽ công nhận nhà nước Palestine vì hòa bình, sự gắn kết và công lý. Sự công nhận này không chống lại người Israel. Điều này cũng không phải có lợi cho Hamas. Nó có lợi cho việc cùng tồn tại".

Từ thủ đô Dublin, Thủ tướng Ireland xác nhận nước này sẽ công nhận Nhà nước Palestine và bày tỏ tin tưởng rằng các quốc gia khác sẽ có động thái tương tự trong những tuần tới. Phía Ireland cũng cho biết ba nước Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha sẽ tiến hành mọi động thái cần thiết trên phạm vi quốc gia để thực hiện quyết định này. Quyết định sẽ có hiệu lực ở cả ba quốc gia trên từ ngày 28/5 tới.

Quyết định của ba nước châu Âu về kế hoạch công nhận chính thức nhà nước Palestine được coi là có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình hòa bình ở Trung Đông. Trong đó các bên hòa giải trong các cuộc đàm phán đã nhiều lần kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy giải pháp hai nhà nước nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas đang diễn ra tại dải Gaza.

Cả ba nước đều coi quyết định này là một động thái nhằm tăng cường nỗ lực đảm bảo lệnh ngừng bắn ở Gaza. Đây cũng được coi là động thái sẽ khởi đầu cho một phản ứng dây chuyền tích cực trên thế giới về việc công nhận nhà nước Palestine.

"Không có gì thay đổi trong hôm nay hoặc ngày mai, nhưng tác động sẽ rất quan trọng nếu điều này bắt đầu một xu hướng và có thêm nhiều quốc gia theo sau trong những ngày tới”, giáo sư Jure Vidmar - Trường đại học Maastricht (Hà Lan) nói về tác động của việc Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha công nhận Nhà nước Palestine.

Đồng quan điểm, ông Luis Gilberto Murillo - Bộ trưởng Ngoại giao Colombia nhận định: “Chúng tôi chắc chắn sẽ ngày càng có nhiều quốc gia công nhận Palestine và điều này không có gì chống lại Israel hay người dân Israel hay người Do Thái. Liên hợp quốc đã đồng ý, trong bối cảnh Hiệp định Oslo nên tạo ra giải pháp hai nhà nước và vì vậy nếu bạn cần hai nhà nước thì rõ ràng điều đó đòi hỏi Palestine phải được công nhận là một nhà nước.”

Trước thông báo hôm 22/5, chỉ có 8 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) gồm Slovakia, Bulgari, Síp, Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan, Rumani và Thụy Điển đã công nhận Nhà nước Palestine. Các thành viên EU khác là Slovenia và Malta trong những tuần gần đây cũng cho biết họ sẽ có kế hoạch công nhận nhà nước Palestine, cho rằng giải pháp hai nhà nước là điều cần thiết cho hòa bình lâu dài trong khu vực.

Trước đó, ngày 10/5, tại Phiên họp khẩn cấp đặc biệt về hình hình Trung Đông và vấn đề Palestine, 143 trong số 193 thành viên của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết mang tính lịch sử về việc trao thêm một số quyền cho Palestine với tư cách Nhà nước Quan sát viên của Liên Hợp Quốc.

Nghị quyết mới này tái khẳng định quyền tự quyết của nhân dân Palestine và đánh giá Nhà nước Palestine đã đáp ứng các tiêu chí trở thành thành viên đầy đủ của Liên Hợp Quốc.

Phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 10/5.

Phản ứng trái chiều của các nước

Trên mạng xã hội X, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ả-rập Xê-út nhấn mạnh Riyadh hoan nghênh quyết định lịch sử của ba quốc gia châu Âu, coi đó là bước đi khẳng định sự nhất quán quốc tế về quyền tự quyết của người Palestine. Ả-rập Xê-út đồng thời kêu gọi các quốc gia chưa công nhận Nhà nước Palestine đưa ra quyết định tương tự vì một Trung Đông hòa bình và ổn định.

Từ thủ đô Cairo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed Abu Zeid cho rằng quyết định của 3 nước châu Âu là bước đi lịch sử, mở đường cho việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập với đường biên giới năm 1967 và thủ đô là Đông Jerusalem. Ai Cập kêu gọi các quốc gia chưa công nhận Palestine, lập tức hành động ủng hộ quyền chính đáng của người dân Palestine về thành lập một quốc gia độc lập.

Trung Quốc hôm 22/5 đã tái khẳng định ủng hộ Palestine khôi phục quyền dân tộc hợp pháp. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố Trung Quốc luôn kiên định ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của người dân Palestine trong công cuộc khôi phục các quyền dân tộc hợp pháp và ủng hộ “giải pháp hai nhà nước”.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cực lực chỉ trích quyết định công nhận nhà nước Palestine của Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha.

Theo người đứng đầu Chính phủ Israel, động thái của các nước châu Âu là phần thưởng dành cho lực lượng Hamas, sẽ làm giảm cơ hội đạt được một giải pháp thương lượng cho cuộc chiến ở Gaza.

Ngoại trưởng Israel, ông Katz cho biết Israel đã ra lệnh triệu hồi ngay lập tức các đại sứ tại 3 quốc gia nói trên đểtham vấn khẩn cấp và bày  tỏ quan điểm phản đối động thái của 3 quốc gia.

Một số đồng minh của Israel đã lên tiếng trước quyết định của 3 nước châu Âu. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jonh Kirby cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ con đường hướng tới giải pháp hai nhà nước Palestine thông qua đàm phán ngoại giao. Chính phủ Mỹ phản đối "sự công nhận đơn phương" đối với một nhà nước Palestine mà thay vào đó cần đạt được thông qua đàm phán ngoại giao.

Thủ tướng Israel đối mặt nguy cơ bị bắt giữ

Hôm 21/5, Trưởng công tố của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) Karim Khan cho biết đã đề nghị ICC bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Ngoài ông Netanyahu, nhóm công tố của ICC còn xin lệnh truy nã Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, cũng như các thủ lĩnh hàng đầu của Phong trào Hồi giáo Hamas vì các hành động của họ trong cuộc xung đột kéo dài hơn 7 tháng qua tại Gaza.

Theo quan chức ICC, những nhân vật kể trên bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người trong cuộc xung đột ở Dải Gaza.

Đối với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, lệnh truy nã các chính trị gia Israel đánh dấu lần đầu tiên ICC nhắm vào lãnh đạo cấp cao của một đồng minh thân cận của Mỹ. Thủ tướng Netanyahu cho rằng, phán quyết của ICC là hình thức bài Do Thái mới chuyển từ các trường đại học sang ICC.

Trong khi Tổng thống Israel Isaac Herzog cho rằng yêu cầu của công tố Khan đã vượt quá giới hạn và gây ra mối nguy cơ sụp đổ hệ thống tư pháp quốc tế.

Trong khi một số quốc gia như Mỹ, Anh phản đối lệnh bắt giữ của tòa án ICC, nhiều quốc gia đặc biệt là các nước thành viên EU hạn chế bình luận trực tiếp về quyết định mới của ICC mà thay vào đó bày tỏ tôn trọng tính độc lập của tòa quốc tế này.

Đức, Pháp và Na Uy tuyên bố sẽ hợp tác với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) nếu cơ quan này ban hành lệnh bắt giữ với Thủ tướng Israel Netanyahu. Theo RT, phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Hebestreit tuyên bố rằng Berlin sẽ ủng hộ quyết định của ICC, trong trường hợp cơ quan này ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Netanyahu.

ICC không có lực lượng cảnh sát hoặc cơ quan chức năng để thực hiện việc bắt giữ. Tòa án này sẽ phải dựa vào sự hợp tác của các nước thành viên để thực hiện việc bắt giữ, chuyển nghi phạm đến trung tâm giam giữ ICC ở La-hay (Hà Lan), phong tỏa tài sản của nghi phạm và thi hành án.

Mặc dù công tố viên ICC xin lệnh bắt giữ nhưng quyết định cuối cùng về việc cấp bất kỳ lệnh bắt giữ nào thuộc về một hội đồng thẩm phán trước khi xét xử. Thông thường phải mất hai tháng để hội đồng thẩm phán đưa ra quyết định.

Tuy nhiên, ngay cả khi các thẩm phán phê chuẩn một lệnh bắt giữ, khả năng các quan chức, lãnh đạo cấp cao tại các nước bị bắt và bị truy tố vẫn rất mong manh.

Mặc dù khó để có thể thực sự bắt giữ Thủ tướng Israel và thủ lĩnh Hamas song một lệnh bắt giữ có thể hạn chế khả năng đi lại ở nước ngoài của những nhân vật này.

Ông Stephen Rapp, Văn phòng Tư pháp Hình sự Toàn cầu thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Israel sẽ bị tách biệt hơn sau động thái này. Nếu lệnh bắt giữ được tiến hành, các quan chức được nêu tên sẽ khó có thể đi đến 2/3 thế giới.”

Tom Buitelaar - trợ lý giáo sư tại Viện An ninh và Các vấn đề Toàn cầu của Đại học Leiden (Hà Lan) cho biết, nếu lệnh bắt giữ được ban hành, các đồng minh châu Âu thân cận với Israel khó có thể duy trì sự hỗ trợ vô điều kiện đối với Israel.

Theo ông Buitelaar, dù ICC không có quyền thực thi các lệnh mà cơ quan này ban hành nhưng dựa vào việc 124 quốc gia thành viên làm như vậy, các chính phủ có thể gặp rủi ro trước các thách thức tại tòa án trong nước nếu họ không tuân thủ.

Ông Tom Buitelaar cho hay: “ICC thực sự không có nhiều quyền lực thực thi, vì vậy nếu các bên ký kết ICC không bắt giữ những người đã bị ICC truy tố thì điều đó có thể bị thách thức từ cấp độ trong nước. Bởi vì nhiều quốc gia đã áp dụng Quy chế Rome, hiệp ước thành lập quan trọng của Tòa án Hình sự Quốc tế, vào luật pháp trong nước của họ. Ví dụ như nhà nước Hà Lan, chính phủ Hà Lan có thể vi phạm quy định của luật pháp quốc tế nếu họ không bắt giữ thủ tướng Israel trong trường hợp này.”

Còn theo ông Anthony Dworkin, một thành viên chính sách cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, các nước châu Âu không nên cố gắng can thiệp hoặc phản đối công việc của Tòa án vì điều đó có thể giúp chấm dứt xung đột.

Việc ba nước châu Âu đồng thời tuyên bố sẽ công nhận nhà nước hợp pháp Palestine, cùng với việc một số quốc gia cho biết sẽ tuân thủ lệnh bắt giữ thủ tướng Israel nếu tòa án hình sự quốc tế ICC ban hành lệnh là những nỗ lực mới nhất nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho dải Gaza.

Dù lệnh bắt giữ có được thực thi hay không là điều chưa thể chắc chắn, nhưng đây là động thái lên án gay gắt nhất đối với hành động của Israel trong cuộc chiến chống lại Hamas tại dải Gaza.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sau khi thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố giải tán Quốc hội để tổ chức tổng tuyển cử sớm, gây choáng váng cho cả chính trường Pháp và châu Âu.

Ngành vận tải hàng không toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng ấn tượng, dự báo doanh thu toàn ngành đạt gần 1.000 tỷ USD năm 2024.

Kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu gây sốc khi một loạt đảng cầm quyền ở các quốc gia chủ chốt của EU gặp thất bại chưa từng có, nhất là ở những quốc gia được phân bổ số ghế lớn như Pháp, Đức.

Tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg 2024, nước Nga đã vạch rõ chiến lược phát triển kinh tế là tăng cường quan hệ kinh tế với các nước thân thiện, hiện chiếm 3/4 kim ngạch thương mại của Nga.

Hơn 50 năm sau khi con người đặt chân lên Mặt Trăng, vệ tinh duy nhất của Trái đất lại trở thành tâm điểm của một cuộc chạy đua không gian mới giữa các cường quốc.

Ngày 8/6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chính thức tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ ba, đi vào lịch sử khi trở thành thủ tướng thứ hai ở Ấn Độ giành được ba nhiệm kỳ liên tiếp.