Bước ngoặt chuyển giao quyền lực tại Singapore
Di sản và thành tựu của Thủ tướng Lý Hiển Long
Là thủ tướng thứ ba của Singapore, ông Lý Hiển Long đã dẫn dắt đảo quốc Sư tử vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng và có những thay đổi quan trọng từ năm 2004 đến năm 2024.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sinh năm 1952, là con trai cả của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Ông Lý Hiển Long bắt đầu hoạt động chính trị từ những năm 1980, trải qua nhiều vị trí công tác trong các Bộ Thương mại, Công nghiệp và Bộ Quốc phòng. Ông tuyên thệ nhậm chức thủ tướng thứ 3 của Singapore vào ngày 12/8/2004 và lãnh đạo đảo quốc Sư tử kể từ đó đến nay. Trong suốt thời gian này, Singapore đã chứng kiến những thay đổi trong hệ thống Quỹ tiết kiệm Trung ương, những điều chỉnh đáng kể về chế độ thuế, sự chuyển đổi mang tính quyết định sang nền kinh tế dịch vụ và vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng như đại dịch Covid-19.
Dưới thời Thủ tướng Lý Hiển Long, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore tăng từ mức 144 tỷ USD vào năm 2004 lên tới hơn 441 tỷ USD năm 2023. Với tư cách là Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính từ năm 2001 đến 2007, ông Lý Hiển Long đã thành công trong việc đưa nền kinh tế Singapore phát triển hơn trước và biến quốc gia này thành một cửa ngõ toàn cầu trong vòng 10 năm sau khi ông giữ chức vụ thủ tướng.
Thủ tướng Lý Hiển Long không chỉ bảo tồn được di sản của những người tiền nhiệm mà còn nâng cao vị thế của Singapore trên trường quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Lý Hiển Long, Singapore đã trở thành đối tác và nhà hòa giải đáng ngưỡng mộ trên toàn thế giới, củng cố vị thế của Singapore như một trung tâm toàn cầu.
Ông Zaqy Mohamad, Quốc vụ khanh cao cấp Bộ Quốc phòng Singapore.
Những năm sau đó, Singapore tiếp tục chuyển đổi sang cung cấp mạng lưới an sinh xã hội toàn diện hơn và thu hẹp khoảng cách thu nhập. Hệ số Gini, thước đo phổ biến về bất bình đẳng thu nhập tại Singapore, đã giảm trong thập kỷ qua, trong khi thu nhập hộ gia đình có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, bản thân Thủ tướng Lý Hiển Long dường như không coi thành công kinh tế là đóng góp lớn nhất của mình.
Trong cuộc phỏng vấn năm 2015, Thủ tướng Lý Hiển Long từng cho rằng yếu tố khiến ông cảm thấy đặc biệt hài lòng chính là sự chú trọng vào giáo dục. Singapore dưới thời kỳ lãnh đạo của ông luôn giành nhiều ưu tiên và đầu tư vào các viện Giáo dục Kỹ thuật và các trường Bách khoa.
Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, Singapore ghi dấu thông qua việc quản lý hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng tương đối hiệu quả, cũng như sử dụng nguồn dự trữ tài chính dồi dào nhằm cung cấp các biện pháp hỗ trợ quan trọng cho đại dịch, giúp Singapore vượt qua khó khăn một cách tương đối bình yên.
Trong gần 20 năm, Thủ tướng Lý Hiển Long là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Singapore, khu vực và thế giới. Di sản của ông rất sâu sắc và tương lai của Singapore sẽ tiếp tục được xây dựng dưới sự lãnh đạo của thủ tướng sắp kế nhiệm.
Ông Christopher Luxon, Thủ tướng New Zealand.
Với tầm nhìn xa chiến lược và lòng nhiệt huyết, Thủ tướng Lý Hiển Long không chỉ nhận được tín nhiệm cao trong chính phủ, mà còn cả sự yêu mến rộng rãi của người dân Singapore. Bà Josephine Teo - Bộ trưởng Truyền thông và Thông tin kiêm Bộ trưởng phụ trách An ninh mạng Singapore, cho biết Thủ tướng Lý Hiển Long là một nhà lãnh đạo tài năng, người có thể tham gia vào các cuộc đối thoại về công nghệ của Singapore nhờ những hiểu biết đặc biệt về toán học, kinh tế, khoa học và công nghệ.
Nghị sỹ Singapore Vikram Nair nhận định Thủ tướng Lý Hiển Long có khả năng lãnh đạo ổn định và lập kế hoạch dài hạn. Theo ông Nair, ngoài việc đặt nền móng cho công cuộc bảo vệ Singapore trước biến đổi khí hậu, Thủ tướng Lý Hiển Long còn nỗ lực mang đến những thay đổi tích cực cho cuộc sống của người dân. Sự cống hiến tận tụy và quan tâm đến người dân của ông được đánh giá sẽ truyền cảm hứng cho các thế hệ lãnh đạo kế cận, tiếp tục duy trì di sản, dựng xây một đất nước Singapore thịnh vượng, kiên cường và hài hòa ở hiện tại và trong tương lai.
Chân dung thủ tướng tương lai của Singapore
Người kế nhiệm Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong, 51 tuổi. Truyền thông Singapore nhận định ông Lawrence Wong là một trong những nhân vật tiêu biểu của thế hệ lãnh đạo thứ tư ở đảo quốc Sư tử, khi nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ các nghị sỹ trong Đảng Hành động Nhân dân cầm quyền. Thủ tướng tương lai của Singapore cũng được biết đến là người cởi mở và luôn lắng nghe ý kiến của những người xung quanh. Chuẩn bị đón nhận trách nhiệm mới, ông Lawrence Wong kêu gọi người dân nước này hợp tác với ông và các cộng sự để “viết nên chương tiếp theo cho Singapore”, và cùng nhau xây dựng một xã hội dân chủ dựa trên công lý và bình đẳng.
Ông Lawrence Wong sinh ngày 18/12/1972, trong một gia đình bình dân, có bố làm quản lý bán hàng cho công ty tư nhân và mẹ là giáo viên. Ông Lawrence Wong du học tại Mỹ bằng học bổng Chính phủ Singapore. Ông tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ kinh tế tại Đại học Wisconsin-Madison. Ông cũng có bằng thạc sĩ kinh tế của Đại học Michigan-Ann Arbor và bằng thạc sĩ quản trị công của Đại học Harvard Kennedy.
Ông trở về nước làm việc cho chính phủ từ năm 1997. Phó Thủ tướng Lawrence Wong từng làm Giám đốc Cơ quan Thị trường Năng lượng Singapore, sau đó trở thành thư ký riêng cho ông Lý Hiển Long từ năm 2005 đến năm 2008. Năm 2011, ông được bầu vào Quốc hội, rồi được bổ nhiệm làm quốc vụ khanh giáo dục và quốc phòng. Ông tái đắc cử nghị sĩ Quốc hội trong 2 kỳ tổng tuyển cử năm 2015 và 2020 và từng đảm nhận những vị trí quan trọng như Bộ trưởng Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên, Bộ trưởng Phát triển Quốc gia, Bộ trưởng Giáo dục Singapore và Bộ trưởng Tài chính.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020, ông Lawrence Wong được giao chức vụ đồng chủ nhiệm Ủy ban ứng phó Covid-19, góp phần giúp Singapore thành công vượt qua đại dịch. Giới chuyên gia đánh giá giai đoạn này là cú hích quan trọng đối với sự nghiệp chính trị của ông Lawrence Wong, khi ông thường xuyên xuất hiện trên truyền thông và để lại nhiều dấu ấn với đông đảo người dân Singapore.
Năm 2022, ông Lawrence Wong được tín nhiệm chọn làm lãnh đạo nhóm thế hệ lãnh đạo thứ tư (4G) của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền, mở đường cho ông trở thành thủ tướng tiếp theo của Singapore.
Tôi rất vinh dự được yêu cầu đảm nhận trách nhiệm mới với tư cách là Thủ tướng Singapore. Tôi đảm nhận trọng trách này với sự khiêm tốn và ý thức trách nhiệm sâu sắc. Tôi cam kết sẽ cống hiến hết mình cho người dân. Cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng một tương lai tỏa sáng rực rỡ cho tất cả người dân Singapore.
Ông Lawrence Wong, Phó Thủ tướng Singapore.
Theo kế hoạch, ông Lawrence Wong sẽ tuyên thệ nhậm chức trở thành thủ tướng thứ 4 của Singapore vào lúc 20h ngày 15/5 tới. Dù đây không phải là lần đầu tiên Singapore tiến hành chuyển giao thế hệ lãnh đạo, song quá trình chuyển đổi từ trước đến nay luôn phức tạp và nhạy cảm. Không chỉ người dân Singapore mà cả các quốc gia khác đang theo dõi xem liệu thế hệ lãnh đạo mới sẽ gắn kết các tầng lớp nhân dân cũng như định hình Singapore như thế nào trong những năm tới. Do đó, thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Hiển Long kêu gọi người dân Singapore đoàn kết, ủng hộ và hỗ trợ ban lãnh đạo mới do ông Lawrence Wong làm hạt nhân để cùng xây dựng Singapore là quốc gia tự cường, năng động và công bằng.
Chương trình nghị sự của ông Lawrence Wong
Quá trình chuyển giao quyền lực ở Singapore diễn ra vào thời điểm quốc gia hơn 6 triệu dân này vừa trải qua một cuộc khủng hoảng về niềm tin sau loạt vụ bê bối tài chính hồi năm 2023, trong khi tình hình thế giới có nhiều bất ổn, căng thẳng địa chính trị bùng phát tại nhiều khu vực, sản xuất tiêu dùng chậm lại và lạm phát tăng cao. Do vậy, theo các nhà phân tích, các vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của thủ tướng tương lai Lawrence Wong sẽ gặp nhiều thách thức. Ông Lawrence Wong không chỉ phải ứng phó với bài toán chi phí sinh hoạt, cải thiện niềm tin cử tri để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử tiếp theo dự kiến diễn ra vào năm tới, mà còn phải thúc đẩy các chính sách nhằm đảm bảo duy trì vị thế và uy tín của Singapore trên trường quốc tế, cũng như cân bằng các ảnh hưởng và cạnh tranh địa chính trị ở khu vực Đông Nam Á hiện nay.
Theo các nhà phân tích, mặc dù lộ trình chuyển giao quyền lực ở Singapore đã được ấn định, nhưng việc đổi mới và cải tổ bộ máy lãnh đạo vẫn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ông Lawrence Wong sau khi nhậm chức.
Ông Inderjit Singh, cựu Nghị sĩ Đảng Hành động Nhân dân cầm quyền cho rằng những thay đổi tích cực trong nội các có ý nghĩa “quan trọng để cải thiện và gia tăng niềm tin của người dân vào chính phủ mới”.
Ông Lawrence Wong cần phải chứng minh rằng ông và nội các của mình có đủ khả năng để lãnh đạo Singapore trong một kỷ nguyên đầy thách thức. Họ cần thể hiện tốt trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Theo ý kiến của tôi, nhóm thế hệ lãnh đạo thứ 4 của Singapore cần đạt kết quả ít nhất bằng cuộc bầu cử năm 2020. Hoặc nếu có thể, họ cần một chiến thắng áp đảo.
Nhà phân tích chính trị Eugene Tan, Đại học quản lý Singapore.
Trong một tuyên bố mới đây, ông Lawrence Wong cho biết ông sẽ không xáo trộn nội các quá nhiều trước khi Singapore tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 11/2025. Đáng chú ý là thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Hiển Long vẫn tham gia nội các sắp tới với vai trò bộ trưởng cấp cao. Cùng với việc công bố nội các mới, ông Lawrence Wong còn phải xây dựng một “tầm nhìn hấp dẫn” cho Singapore, qua đó cho phép củng cố uy tín của Đảng Hành động Nhân dân cầm quyền, và tạo dựng lòng tin của cử tri cho cuộc bầu cử quan trọng. Theo các nhà quan sát, cách ông Lawrence Wong thuyết phục và thu hút người dân Singapore cùng tham gia xây dựng tầm nhìn và kế hoạch của chính phủ mới sẽ phản ánh phần nào bản chất và phong cách lãnh đạo của ông ấy. Việc xây dựng và bồi dưỡng thế hệ lãnh đạo thứ năm cũng được cho là “một trong nội dung ưu tiên của ông Lawrence Wong”, bởi theo kế hoạch, thế hệ lãnh đạo kế nhiệm “phải sẵn sàng tiếp quản trong thập kỷ tới”.
Một vấn đề khác cũng cần được lưu tâm trong chương trình nghị sự của tân chính phủ là vị trí toàn cầu của Singapore. Tiến sĩ Woo Jun Jie, thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết môi trường địa chính trị toàn cầu hiện nay rất biến động và đòi hỏi nhiều sự quan tâm từ ông Lawrence Wong với tư cách là thủ tướng mới. Theo chuyên gia này, để duy trì quan hệ ngoại giao của Singapore cũng như giải quyết các thách thức đang nổi lên hiện nay, ông Lawrence Wong cần những chính sách ngoại giao mềm dẻo để củng cố các mối quan hệ hiện có và thúc đẩy các mối quan hệ mới. Tương tự những người tiền nhiệm, ông Lawrence Wong cần “một chặng đường dài” để tạo dựng dấu ấn với các nhà lãnh đạo thế giới, qua đó đảm bảo vai trò của Singapore trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Một nội dung nóng bỏng khác trong chương trình nghị sự của ông Lawrence Wong là các vấn đề kinh tế và sinh kế, chẳng hạn như tạo thêm nhiều việc làm và giảm chi phí sinh hoạt. Được biết, mặc dù Singapore được xếp hạng là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất ở châu Á, nhưng đảo quốc Sư tử cũng là nơi có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới.
Singapore đã có 3 thủ tướng kể từ khi giành độc lập vào năm 1965, tất cả đều phục vụ trong các nhiệm kỳ tương đối dài. Tính tiếp nối và sự ổn định lãnh đạo từ lâu đã trở thành một trong những thế mạnh chính của Singapore, giúp quốc gia Đông Nam Á này trở thành thiên đường cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Vì lẽ đó, thủ tướng tương lai của Singapore Lawrence Wong được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì truyền thống này, viết thêm những chương mới tươi đẹp cho Singapore.
Từ một tỉ phú, ngôi sao truyền hình, ngày 20/1/2017, ông Donald Trump đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, ông trở thành vị Tổng thống gây nhiều tranh cãi. Dù sẽ còn mất nhiều năm lẫn nhiều giấy mực để các nhà sử học và báo chí nhận định về nhiệm kỳ của ông, nhưng những dấu ấn mà ông tạo ra có lẽ sẽ còn lưu lại rất lâu.
Trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng mạnh tại khu vực Trung Đông, các nhà phân tích cảnh báo hậu quả kinh tế của kịch bản xung đột lan rộng là rất nghiêm trọng.
Trong chặng đua nước rút vào Nhà Trắng, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Donald Trump tích cực tiến hành các cuộc vận động ở các bang quan trọng, hay còn gọi là bang chiến địa. Đặc biệt, một nhóm đối tượng cử tri mà cả hai ứng cử viên đều muốn hướng tới là cử tri da màu.
Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump cam kết thúc đẩy một kế hoạch kinh tế đầy tham vọng với trọng tâm là áp dụng mức thuế quan toàn diện đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Tờ Wall Street Journal nhận định, nhiệm kỳ thứ hai của chính trị gia 78 tuổi này ở Nhà Trắng sẽ khiến mức thuế quan của Mỹ lên cao nhất lịch sử và thương mại toàn cầu sẽ thay đổi một cách căn bản.
Có thể có nhiều lời giải thích cho thất bại của ông Trump, nhưng có một số nguyên nhân đã trở nên rõ ràng.
Trong những ngày cuối cùng của chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng 2024, hai ứng viên Tổng thống Mỹ là cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris đang nỗ lực không ngừng để giành được lá phiếu tại các bang chiến địa. Đây được xem là mùa bầu cử kịch tính nhất trong lịch sử hiện đại nước Mỹ với kết quả được dự báo sẽ rất sít sao giữa hai ứng cử viên.
0