Buổi học cuối cùng

Mùa hạ đã tới mang theo những chùm phượng vỹ rực đỏ, những cánh bằng lăng tím ngát và biết bao cảm xúc dưới mái trường.

Nắng sậm màu tháng sáu. Nắng luênh loang sân trường. Cậu học trò cuối cùng đã dần mất hút sau cánh cổng. Bóng áo trắng lấp lóa sau tán phượng. Vòm hoa đỏ rực như lửa cháy, cháy đến nao lòng.

Vậy là một chuyến đò nữa lại sang sông...

Vậy là một chuyến đò nữa lại sang sông. Ảnh minh hoạ.

Cô giáo ấy vẫn dõi mắt nhìn theo những người học trò của mình, cô vẫn không tin nay là buổi cuối. Dắt xe ra khỏi lán, bần thần, cô ngoái đầu nhìn lên vẫn thấy cửa lớp mở. Cô đã không khép lại như mọi ngày nếu là người sau cuối. Có phải, cô vẫn muốn dối lòng rằng lớp học xưa vẫn còn đây.

Đêm trước, cô đã không ngủ được. Rồi cô nhủ lòng phải vui lên vì chúng đã trưởng thành. Có cánh chim nào không sải giữa không trung? Sáng ra, cô tự dặn lòng mai vẫn gặp tụi nhóc, có gì phải bùi ngùi?

Đầu tiết học, mấy đứa chạy lên xin chữ kí vào áo đồng phục lớp. Cô bảo tiết sinh hoạt cô sẽ kí cho, giờ cả lớp học ngay, có nhiều điều cô muốn dặn dò.

Giờ ra chơi, chúng tíu tít kí áo, chụp ảnh, nhăn nhở ngáng chân, giấu đồ của bạn. Tự dưng cô ứa nước mắt, giả vờ lau kính, rồi nhanh chóng gạt đi. Cô tự nhủ rằng, phải tiết chế tất cả, để chúng tập trung ôn thi. Bao nhiêu ảnh đẹp, cô dặn lòng không đăng, để chúng khỏi bận lòng nốt mấy ngày thi đã.

Giờ ra chơi, chúng tíu tít kí áo, chụp ảnh, nhăn nhở ngáng chân, giấu đồ của bạn. Ảnh minh hoạ.

Nhưng buổi học cuối cùng vẫn không thể nào đổi khác. Cô vẫn phải nói lời tạm biệt ba mươi chín đứa học trò. Tạm biệt bốn năm gắn bó, bốn năm hờn giận, yêu thương. Cô không dám nói nhiều, sợ mình sẽ khóc. Cô bảo, cô thương tất cả nhưng cô thương nhất là một bạn. Chúng biết, nhưng vẫn giả đò nhăn nhở trêu nhau: "Cô thương tao đấy! Không, tao kìa!".

Nhưng cô hiểu, ba mươi chín đứa đều biết đó là cậu bạn hiền lành nhất lớp, nụ cười chưa bao giờ tròn, ánh mắt đầy u uẩn. Cô tặng riêng một món quà cho bạn, chỉ mong bạn cảm thấy ấm lòng, vì bạn luôn được yêu thương, vì bạn đã vô cùng xứng đáng.

Cô nhớ, cậu trò ấy mồ côi cha khi vừa đầy tuổi. Bao lần cậu nghịch, cô đâu nỡ nặng lời. Cô chỉ muốn thấy ánh mắt xanh như ngọc, cùng nụ cười hồn nhiên cứ mãi nở trên môi cậu trò thông minh ấy. Ước gì cả đời này cậu ấy an nhiên!

Cô nhớ những đứa học trò gia đình chẳng vẹn nguyên. Cô từng né ánh mắt đượm buồn của chúng, từng giảng “Cuộc chia tay của những con búp bê” thật vội vàng. Và bất cứ lúc nào, ở đâu, cô cũng mong được thấy chúng mỉm cười.

Cô nhớ cậu học trò xốc nổi, lấy trộm tiền của mẹ chơi game. Mẹ cậu quá đau lòng, định bêu trước bạn bè, nhưng cô đã khuyên mẹ cậu nên dừng lại. Bao bản tường trình, những lời chối lỗi, cô vẫn cứ vờ như không biết. Cậu có thể mừng vì dối cô được hôm nay, nhưng cô tin, ngày sau cậu sẽ không làm thế. Cô bảo, ai cũng có thể mắc lỗi lầm, và chúng ta lớn lên không thể không mắc những sai lầm.

Ảnh minh hoạ.

Cô nhớ đứa học trò hồn nhiên, buổi đầu tiên trở lại trường sau khi bị F0 đã quên mang ba lô đến lớp. Bước lên cầu thang, nó tá hỏa kêu: "Chết rồi, tao quên cặp sách! Hậu Covid nhớ nhớ quên quên". Nó bảo: "Lớp trưởng ơi, đừng nói, bọn nó chọc quê tao! Năn nỉ đấy!". Nhưng chỉ đôi phút sau, khi nó ba chân bốn cẳng về nhà lấy cặp, cậu bạn uy tín đã loan tin khắp lớp. Nó biết, nhưng chẳng giận, chỉ thấy thật vui vì được trở lại trường, lại chọc ghẹo bạn bè không hồi kết.

Cô nhớ, hai cậu trò đánh nhau sau lần đùa cợt. Chiến sự có vẻ căng, nhưng cô không xử lí, giả vờ bắt lọn xem mối quan hệ chúng ra sao. Cô muốn chúng tự điều chỉnh sau lần cô ra mặt nhẹ nhàng rồi cố giả vờ lơ đi ấy. Cô nghĩ, anh em một nhà cũng có lúc cơm không lành, canh chẳng ngọt, huống chi bọn học trò còn ẩm ẩm ương ương.

Cô nhớ những ngày lớp học trống trơn, bao bạn nghỉ vì Covid. Lớp học lặng đi, có thể nghe rõ từng tiếng gà gáy phía làng xa, tiếng khướu lảnh lót, tiếng chíp chíp của mấy chú chim sâu ngoài khung cửa, tiếng thở dài buồn tênh của đứa bàn dưới vắng đứa bàn trên để chọc đùa.

Cô nhớ những buổi ôn thi chúng cặm cụi ghi bài. Im lặng quá khiến cô thầm nghĩ: "Cái tụi ngoan đến nhạt. Sao không cãi nhau một chút, mấy nữa nghỉ rồi, muốn chí chóe cũng có được đâu!".

Cô nhớ những ngày ôn thi cuối, chúng trêu đùa nhau đúng chất giặc nhà giời. Cái cặp sách treo trên tường, máy tính giấu trong bàn giáo viên, thỏi son bị giấu trên mép bảng, dép tổ ong nhét sau khe cửa. Cuối buổi, cô ra muộn nhất mà vẫn thấy cậu học trò cận nặng nhất lớp có biệt danh giáo sư đang ngơ ngơ ngáo ngáo cuối hành lang. Nhìn thằng bé chân đất chân dép, cô không nhịn được cười, mà phải cố nghiêm mặt lại: "Con tìm gì đó?". Thằng bé nhăn nhăn, mắt vẫn không quên dáo dác: "Không biết bạn nào giấu dép của em!". Rồi cô tìm hộ, ngó vào sọt rác, ngăn bàn, khe cửa mà chả thấy đâu. Có chút bực, nhưng nhiều hơn là thấy buồn cười. Một hồi, bụng đã đói meo, thằng bé chân đất ra về, miệng vẫn lầm bầm điều gì không rõ, cô nhìn theo, bụm cười: "Thôi, về bảo mẹ mua cho đôi mới nhé em!". Cô tính ngày mai xử lí, nhưng rồi trộm nghĩ, cái giá của kỉ niệm thế đã là bao.

Các bạn học sinh sụt sịt ôm nhau tạm biệt trong ngày cuối. Ảnh minh hoạ.

Cô nhớ cả lớp lặng đi trong tiết học cuối cùng. Cô không nói được gì thêm khi chiếc đồng hồ báo quá giờ tan lớp một tiếng rồi. Cô bảo các em hãy sống thật vui và thật tốt, thế thôi. Rồi chúng lẳng lặng lên bục giảng ôm cô - điều mà trước đó hình như chúng chưa từng nghĩ tới. Ôi những đứa trò mười lăm vụng dại, cơn cớ gì mà vai chúng rung lên? Cô vòng tay ôm từng đứa mà nghe tim mình nhói: Bốn năm khép lại thật rồi!

Cô trấn tĩnh đợi trò ra về hết. Có tiếng léo nhéo ngoài hành lang lớp học, có tiếng sụt sịt của mấy đứa con gái ngày thường nô như quỷ - vừa mới đây thôi, toét miệng xin cô kí vào áo lớp. Cô vẫn ngồi đó, loay hoay sắp xếp mấy thứ còn lại trên bàn. Một lúc, tay chân như thừa ra, chẳng biết làm gì. Cô toan xách cặp đứng lên, nhưng chợt bần thần. Cô giơ điện thoại lên, chụp căn phòng đã trống trơn. Ba mươi chín gương mặt, ba mươi chín hờn giận, yêu thương đã niêm phong lại thật rồi.

Bất giác cô giật mình, luống cuống. Là cậu học trò đứng ở cửa lớp giơ tay lên chào, cánh tay phải chụm lại trước trán trang nghiêm như khi cậu giơ tay chào lá quốc kì. Không, không phải cậu ấy chào cô. Cậu ấy đang giơ tay chào tất cả, tạm biệt ba mươi chín chỗ ngồi, tạm biệt ấu thơ, tạm biệt tuổi mười lăm dưới mái trường trung học. Rồi cậu cúi gập người, tay trái đặt ngang trước ngực. Cô nghẹn đi. Tất cả diễn ra như một thước phim, khắc tạc vào tâm trí. Ôi cậu trò bé bỏng, vừa mới đây thôi, còn ngập ngừng dang tay ôm cô giáo. Cậu trò cao lớn nhất lớp, cực kì thông minh, nhưng không kém phần bướng bỉnh, cậu gần như chẳng bao giờ biểu cảm với cô trong suốt bốn năm qua. Cô xúc động mạnh, lòng thầm cảm ơn cậu ấy. Cô biết đó là cánh tay sau cuối, cũng là cánh tay đại diện cho cả lớp tạm biệt và hứa hẹn với cô bao điều.

Cánh cổng trường đã ở sau lưng, cô ngoái đầu nhìn lại, trong luênh loang nắng trưa, cô vẫn thấy cánh tay trang nghiêm, cái gập người lặng im, lặng im của cậu học trò.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong ký ức của một người xa Thủ đô, Hà Nội là những hàng cây xanh mát hai bên đường, những sạp báo, những bác xích lô ngồi đợi khách. Và nỗi nhớ Hà Nội đọng lại trong một ly trà ấm nóng, phảng phất khói bay trong một chiều hoàng hôn.

Có một loại lá, khi được chế biến thành món ăn, lúc ban đầu, ta cảm nhận vị đắng nhẹ, nhưng càng nhai kĩ càng thấy vị ngọt bùi của lá. Không biết đó có phải là một sự hồi đáp thử thách lòng người của một loài cây, hay lá muốn gửi gắm một thông điệp: Có đắng cay mới thấy ngọt bùi?

Sáng hè thành phố, người đầy mồ hôi và bẹp dí xuống giường. Có người cố ngủ nướng cũng chẳng xong. Cái nóng hầm hập xuyên qua lớp tường dày, len lỏi vào từng tế bào trên cơ thể.

Có một cô gái đến Hà Nội hai lần nhưng lần nào cũng vội. Vội đến nỗi chưa kịp đi cho hết chiều dài niềm thương thì đã phải chia tay. Nhưng chính trong sự vội vã đó cô nhận ra những chân tình, lại như khơi lên trong cô một nỗi mong ước...

Mưa đã tạnh từ lâu, ngọn nến thơm trên bàn chuyển động khẽ khàng theo từng luồng khí mơn man trong căn phòng mở toang ô cửa.

Có một cô gái từng mua một cuốn sách với tựa đề “Mình phải sống như biển rộng sông dài”. Nội dung trong sách đã nằm lại đâu đó trong góc khuất của ký ức, chỉ có tiêu đề cứ khiến cô phải suy nghĩ mãi bởi lẽ, người với người, quả thực tồn tại như những dòng chảy giao nhau.