Cà Mau - mũi tàu Tổ quốc
Bạn đã bao giờ về với đất Mũi Cà Mau, nơi đó có Rạch Mũi, Xóm Mũi, Đất Mũi... là nơi gối sóng gối gió vươn ra biển Đông, mỗi năm từng tô bản đồ tổ quốc về phía biển Đông ngót trăm mét chiều dài? Nơi đó nhà thơ Xuân Diệu gọi là “Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau”, là “Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm. Nơi đó trong mịn màng phù sa Đất Mũi hình như có cả những li ti phù sa trầm tích châu thổ Hồng Hà.
Hôm nay, trong một ngày đông Hà Nội, chúng ta sẽ về với đất Mũi Cà Mau - mũi tàu Tổ Quốc qua dòng ký ức của một người bạn.
Một ngày nắng thu, tôi về Đất Mũi, chạm vào phù sa mịn màng dưới chân cây đước, nâng khối phù sa trên tay thấy ong óng màu đất ba-zan từ sông Sê San, Sê-rê-pốc tận mãi cao nguyên. Đêm trước ở thành phố tận cùng phía nam tổ quốc, Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau phát đi bản tin dự báo thời tiết “ngày mai vùng biển Cà Mau nhiều nơi có mưa, biển động nhẹ”, nhưng sáng hôm sau đến thị trấn Năm Căn chờ xuống ra Đất Mũi thấy trời nắng đẹp, mây trắng xốp bung đều trên nền trời xanh nhạt. Mới chạm thị trấn tận cùng phía nam tổ quốc, tôi đã gặp nhiều chi tiết thật ấn tượng mà suốt thời học sinh những bài học địa lý chưa nói đến.
Gió nơi đây thật hào phóng. Gió từ biển thổi vào, tươi rói vị nồng tanh pha lẫn chất mặn, dịu ngọt của lớp lớp sóng biển, những vạt tràm, rừng đước, vuông tôm ngoài kia. Có phải vì nơi đây gió ào ạt bốn mùa mà con người nơi đây có dáng đi cứ chúi về phía trước và đầu thì ngước cao? Ngay cả những người con gái trông dáng thật dịu dàng như cô bạn đồng nghiệp vừa thoáng gặp, tôi cũng nhận ra cái dáng đi như lúc nào cũng đang ngược gió. Tượng đài huyện Anh hùng Ngọc Hiển sừng sững bên bến Năm Căn cũng có dáng một cánh buồm lớn phồng căng gió hướng ra biển Đông.
Con đường quốc lộ 1A huyết mạch xuyên dọc đất nước đến thị trấn Năm Căn mặt đường có phần hóp lại, chạm vào vạch chấm cuối cùng, gần đó là cột số mang ký hiệu QL 1A - Km 2300. Thật khó diễn tả tâm trạng của tôi giây phút nhận ra điểm cuối cùng của con đường thiên lý số một của đất nước. Đây chỉ là điểm cuối tạm thời. Một mai nền đất lấn ra biển bền chắc, ta lại nối dài con đường, lúc đó quốc lộ 1A sẽ chiều dài 2301, 2302, và dài thêm nữa. Con tàu du lịch cao tốc mang tên Hồng Tần lướt trên kênh Năm Căn hướng về Đất Mũi, không đầy một tiếng đồng hồ đã cặp mạn. Đặt bàn chân trần xuống vùng đất mới ở chót cùng đất nước sao có cảm giác lâng lâng đến lạ. Dọc đường ra đây, hai bên bờ kênh nơi nào có xóm chài quây tụ, nơi đó thấy rợp màu cờ đỏ.
Người dân Đất Mũi luôn có ý thức tự hào về vùng đất thiêng liêng mình đang sống. Một địa phương mà huyện được tuyên dương Anh hùng, lại có đến 7 trong tổng cộng 12 xã được tuyên dương Anh hùng. Phải vì thế không, mà người dân nơi đây hình thành thói quen ngày nào cũng treo cờ Tổ quốc. Mà thật lạ, màu cờ Tổ quốc nơi vùng đất cuối trời cuối đất sao mà hồng thắm, dáng cờ bay sao mà kiêu hãnh, khoan thai…
Mang theo cảm giác lâng lâng, hồi hộp và cảm xúc mới lạ, tôi đi về hướng gió, hướng sóng. Một không gian vĩ đại tràn trề gió vỡ òa trước mắt tôi, với dải đất nâu sậm ôm lấy biển, với mặt biển ào ạt sóng nối liền với bầu trời xanh đầy nắng ở mãi tít khơi xa. Tấm bảng lớn để dòng chữ trang trọng: Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Mũi Cà Mau - 8° 37'30″ vĩ độ Bắc - 104° 43' kinh độ Đông nói với tôi rằng, tôi đang có mặt ở vùng đất thiêng liêng của tổ quốc. Tự dưng thấy cay cay nơi khóe mắt, cổ họng nghèn nghẹn và giọng nói lạc hẳn đi. Cách tấm biển này không xa, là mốc tọa độ quốc gia đúc chìm dưới mặt đất mang ký hiệu 0001. Tôi đứng trên con đê bao lấn biển, hít vào lồng ngực hương biển hào phóng mặn mòi và mường tượng rằng, năm năm, mười năm nữa, nơi đây thành làng thành xóm, như những làng những xóm thấp thoáng trong rừng mắm rừng đước tôi gặp trong kia.
Nếu mỗi vùng đất có những địa danh đặc trưng, thì vùng đất mới này là tiêu biểu. Nằm trong vòng cung Mũi Cà Mau có những địa danh Rạch Mũi, Xóm Mũi, Xóm Mới, Đất Mũi... Không có hệ thống địa danh nào ấn tượng và gợi nên hình tượng gối sóng, gối gió lao về phía trước như những địa danh nơi này. Nhà thơ Xuân Diệu đầy chất lãng mạn bay bổng và cũng không thiếu cơ sở hiện thực khi so sánh: "Tổ Quốc tôi như một con tàu! / Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau”. Đúng là doi đất mới bồi này có dáng mũi con tàu Tổ quốc, mỗi năm mũi con tàu từng lấn ra biển Đông ngót trăm mét chiều dài. Đất lấn ra, biển lùi dần, cây mắm cây đước cắm xuống bãi bồi, lớn lên thành rừng. Rồi cây hút hết chất muối mặn vào thân lá để nên đất ngọt đất lành.
Tôi ngắm cây mắm, cây đước tủa rễ ken dày bám đất lấn biển mà liên tưởng đến hình ảnh người dân choãi chân ưỡn ngực làm thân đê ngăn gió đẩy sóng. Có đến đây mới thấy sự nghiệp lấn biển nơi Đất Mũi không dễ như vẫn tưởng. Biển đẩy phù sa vào bờ tạo nên những bãi bồi màu mỡ nhưng cũng lại xô sóng cuốn đi những dải đất vừa mới hình thành. Chính nơi đây con người hàng ngày hàng giờ đánh vật với đất, với sóng gió, giành giật với biển từng mét đất. Đúng buổi tôi ra Đất Mũi, bên phía này một vạt đất ken dày cây mắm bị sóng đánh úp xuống biển, còn phía bên kia, những người nông dân lưng trần cháy nắng đang cần mẫn xắn từng hòn đất gia cố thân đê.
Bao năm, từ thuở nhà Nguyễn làm nên bãi Khai Long mộ dân lấn biển, Đất Mũi Cà Mau cứ mỗi năm hướng ra biển Đông ngót cả trăm mét chiều dài; năm, mười năm lại thêm một xóm, một làng. Biển bồi nên bãi, cây mắm cây vẹt cắm chân xuống bãi. Rồi con đê bao ngăn đất với biển, đẩy biển ra xa. Cứ thế, những Xóm Mũi, Đất Mũi hình thành. Ngay xã Đất Mũi này, vốn thuộc xã Viên An, năm 1979 tách ra thành xã mới. Có thể năm, ba năm nữa, Đất Mũi lại nhân đôi.
Viết đến đây tôi chợt nghĩ về một câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu. Ông ví vùng Đất Mũi Cà Mau như “Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”. Một sự ví von thật kỳ tài. Một phần lịch sử đất nước Việt Nam là lịch sử chống chọi với thiên nhiên mở mang bờ cõi, là lịch sử cất cao khúc “hành phương Nam”. Ngón chân cái của người đi mở đất bấm xuống vùng đất nơi cùng trời cuối nước, tạo điểm tựa để bước tiếp trên chặng đường lấn biển mở cõi. Cái “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” ấy trở thành biểu tượng của dân tộc Việt Nam suốt cả ngàn năm không ngừng không nghỉ “hành phương nam”, hướng ra biển lớn.
Đã có lần tôi nghĩ thứ phù sa làm nên Đất Mới nơi Đất Mũi này là quà tặng của đại dương hào phóng. Đại dương lưu giữ trong lòng đầy ứ phù sa rồi lẳng lặng âm thầm bồi lắng cho vùng đất tận cùng đất Việt. Đứng ở con đê nơi Đất Mũi, tôi cầm nắm đất phù sa dẻo mịn trên tay. Cô bạn đồng nghiệp mà tôi vừa quen nhìn màu đất nâu sậm ong óng, nói một cách rành rẽ rằng, đất ở đây đẫm phù sa, sau này trồng thứ cây gì cũng tốt. Mà trong phù sa Đất Mũi có cả vàng nữa. Có vàng và có cả mồ hôi của những người lấn biển. Hơn thế, trong mịn màng ong óng của phù sa Đất Mũi có li ti ngàn vạn hạt phù sa từ châu thổ Cửu Long, có li ti sắc nâu hồng của đất bazan từ miền cao nguyên mà dòng sông Sê San, Sê-rê-pốc và bao dòng sông khác đã chở về đây./.
Trong ký ức của một người con, có một căn nhà xưa sơ sài tới mức không có cổng, nhưng trong căn nhà nhỏ ấy, lại đầy ắp tình yêu thương của mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau…
Dạo gần đây mạng xã hội nổi rần rần về chữa lành. Chỉ cần mở YouTube, 10 podcast thì 9 cái nói về việc chữa lành. Có người nói với tôi, muốn hạnh phúc phải yêu chính mình trước đã, phải chiều chuộng bản thân, làm gì mình thích để chữa lành. Dành thời gian cho bản thân nhiều hơn, nghĩ đến bản thân nhiều hơn, đặt gánh nặng trách nhiệm trên vai xuống để đi chữa lành cho đầu óc thanh thản, nhẹ nhàng hơn...
Đêm ở biển, thanh âm của biển, vị của biển, giữa một màu đen bát ngát bao la. Lòng bình yên lắng dịu. Biển vắng giữa đêm mùa thu thật lạ mà thật quen. Ngỡ như ta đã gặp đâu đó một thời xa lắm. Nhớ về một đêm biển vắng năm nào, ngồi ở một căn chòi nhỏ, lặng nghe tiếng mưa rơi... Biển vẫn vậy, dịu dàng quá đỗi. Ta khác rồi, liệu đã thâm trầm như biển ngày xưa?
Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng từng một lần theo đuổi điều gì đó tưởng chừng vĩ đại, tưởng chừng hoàn hảo. Đó có thể là những giấc mơ lớn lao hay chỉ là những điều giản dị, bé nhỏ mà tâm hồn chúng ta đã khắc khoải tìm kiếm. Với tôi, hành trình ấy bắt đầu từ những buổi chiều thơ bé, nơi tôi đắm mình giữa đồng cỏ xanh rì, tìm kiếm chiếc lá cỏ hoàn hảo - một thứ biểu tượng đẹp đẽ mà tôi tin rằng khi tìm thấy, cuộc đời tôi sẽ trọn vẹn theo cách kỳ diệu nhất. Có một người cũng giống như tôi.
Có một người không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng quãng thời gian mà người ta vẫn ưu ái gọi tên "đẹp nhất của đời người" - thời trung học của cô đã gắn với mảnh đất cổ kính, nên thơ này. Từ lâu, Hà Nội đối với cô đã vượt lên cả một miền ký ức, trở thành một phần hiện hữu trong cuộc đời.
Cuộc sống vội vã trôi, cuốn mỗi người chúng ta vào guồng quay không ngừng nghỉ. Để tới một lúc nào đó, ta bỗng phát hiện ra dường như mình đã quên mất những điều bình dị, ấm áp xung quanh, quên mất rằng ta và người ấy vẫn cần lắm những nồng ấm, yêu thương…
0