Cà phê Giảng – mùi nhớ, vị thương

Hà Nội đón tôi đương vào khoảnh khắc giao mùa. Gánh hoa loa kèn trắng tinh khôi tỏa mùi hương dịu nhẹ giao hòa trong làn gió nhè nhẹ khiến tâm hồn đa cảm thêm khắc khoải giao cảm với đời, để mênh mang thương nhớ hương vị cà phê Giảng - thức uống trở thành một phần thân thương, một phần văn hóa của Hà Nội phố.

Nhắc đến cà phê trứng ta nghĩ ngay đến Giảng, đến thủ đô yên bình. Và khi đặt chân đến Hà thành dạo quanh phố cổ trầm mặc, ta chẳng thể bỏ qua thức uống hữu xạ tự nhiên hương này.

Ly cà phê trứng nóng làm nao lòng lữ khách ngay điểm chạm mơn man đầu lưỡi khiến trái tim vấn vương, thổn thức. Nhấp mùi béo ngầy ngậy của lớp sữa kem trứng vàng mịn hòa quyện trong mùi thơm khen khét của cà phê rang mà không quá đắng. Khẽ lê đầu lưỡi đẩy hương nồng, vị ngậy lên khoang miệng mà nhẩn nha trong không gian phảng phất vạt nắng hao gầy chiếu qua tán cây cổ thụ đang cố gắng xua tan chút nồm ẩm còn sót lại của dư vị mùa xuân trên phố Nguyễn Hữu Huân. Du dương trong bản tình ca Phú Quang thì tất thảy Hà Nội tan chảy cùng ly cà phê...

Ly cà phê được đặt trong một bát nước nóng giữ nhiệt để khách hàng từ từ thưởng thức. Ảnh: Hanoimoi

Thức quà mỹ vị tưởng chừng đơn sơ mà kỳ công quá đỗi được thưởng thức trong tiết trời Hà Nội nắng hạ chưa tới mà gió xuân còn vương vít, hẳn sẽ khiến những vị khách thêm bền lòng tri âm, tri kỷ.

Tôi đã từng thử cà phê trứng ở nhiều nơi, nhưng không đâu cho tôi cảm giác xao xuyến, tròn vị như khi đến với cà phê Giảng. Nếu như Cappuccino là niềm tự hào của người dân nước Ý thì cà phê trứng Giảng là hương vị hoàn hảo chinh phục vị giác du khách phương xa, là tinh hoa văn hóa rất Hà Nội, đượm nồng Việt Nam.

Hà Nội đâu chỉ có 36 phố phường. Đôi khi ta thương nhớ hương vị Hà thành chính từ ly cà phê Giảng trong con ngõ nhỏ. Hà Nội có những kỷ niệm không phai làm trái tim ta trở nên non trẻ thổn thức như lúc ban đầu. Hà Nội thương một đời đâu phải tạm thương như lời thơ mà Chế Lan Viên đã từng chắp bút khi lạc bước vào ngõ nhỏ Hà Nội:

"Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương.
Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm.
Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm.
Thương một đời đâu phải Tạm thương…"

Vừa rồi là những dòng cảm xúc của Tặng Vũ gửi về cho chương trình. Đó cũng là cảm xúc của Hường trong chiều nay gửi tới bạn./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.

Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.

Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.

Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.

Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....

Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?