Các cấp độ cứu hộ y tế trong hỏa hoạn

Chiến lược cấp cứu trong hỏa hoạn phải đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận nạn nhân nặng, ồ ạt , trong điều kiện có nhiều khó khăn về mặt bằng, nhân lực và vật tư trang thiết bị đáp ứng y tế cần thiết. Hanoionline xin được giới thiệu bài viết của ThS. BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, để bạn đọc có thêm kiến thức về vấn đề này.

Hỏa hoạn thường xảy ra ở những khu vực khó tiếp cận giao thông, số lượng nạn nhân lớn, nạn nhân chủ yếu bị bỏng nặng, nhưng cũng có thể kèm các chấn thương nặng khác, đòi hỏi phải hỗ trợ y tế nhanh chóng và tổng hợp. 
Cấp cứu trong hỏa hoạn phải đảm bảo đáp ứng y tế hợp lý cả 3 cấp độ: Cấp cứu tại hiện trường, cấp cứu tại y tế không chuyên sâu và Cấp cứu tại cơ sở y tế chuyên sâu

Cấp độ 1: Cấp cứu tại hiện trường

Cấp cứu tại hiện trường cần sàng lọc nhanh, xử trí ban đầu và phân loại để vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện phù hợp. Lực lượng cấp cứu tại hiện trường có thể bao gồm lính cứu hỏa, người tình nguyện và nhân viên y tế cơ sở gần nhất. Trong đó, một thầy thuốc có khả năng đánh giá bệnh nhân sẽ phải đảm nhiệm vai trò đội trưởng để phân loại nạn nhân, chỉ định chuyển tuyến và hướng dẫn xử lý y tế ban đầu.
Nếu số lượng nạn nhân quá lớn , cần xác định nguyên tắc: Ưu tiên những bệnh nhân có tiên lượng thuận lợi, hợp lý, mới đảm bảo khả năng sống sót cho càng nhiều nạn nhân càng tốt. Việc tập trung quá nhiều cho những bệnh nhân quá nguy kịch, chưa chắc đã cứu được nạn nhân đó, nhưng làm tiêu tốn quá nhiều nguồn lực , dẫn đến mất cơ hội cứu sống các bệnh nhân nặng và trung bình.
Thông số quan trọng để đánh giá chẩn đoán trong chấn thương do nhiệt là: Tuổi của bệnh nhân và diện tích bề mặt cơ thể bị bỏng và các chấn thương kèm theo. Khả năng sống sót ở nạn nhân bỏng, tốt nhất trong khoảng tuổi từ 15 đến 30 tuổi, và giảm dần về hai thái cực của độ tuổi.
Đánh giá nhanh sơ bộ mức độ bỏng theo thang phân loại:
• Bỏng độ 1: Là bỏng nông lớp thượng bì, biểu hiện bên ngoài chỉ là tình trạng ửng đỏ da và cảm giác rát.
• Bỏng độ 2: Là bỏng đã tổn thương lớp trung bì, bề mặt da đã trở nên phồng rộp, đỏ rát, đau nhức.
Bỏng độ 3 trở lên: Vùng da tổn thương cháy xém hoặc hoại tử xanh xám, có thể tróc lợt mất cấu trúc da.
Trong cấp cứu tại hiện trường, đánh giá diện tích bỏng để tiên lượng sẽ thống kê từ bỏng độ 3 trở lên.
Về diện tích da bỏng, sử dụng nhanh quy tắc số 9: Da tay, đầu chiếm 9%; da chân, bụng, lưng chiếm 18% và vùng hậu môn, sinh dục chiếm 1% diện tích da cơ thể. Nhiều thống kê cho thấy, tiên lượng tử vong trên 50% xảy ra ở người trẻ tuổi là bỏng trên 83% diện tích da, ở trẻ dưới 15 tuổi là trên 90% và người cao tuổi chỉ cần bỏng trên 35% đã có nguy cơ tử vong trên 50%.
Nhóm 1- gắn thẻ đỏ: Nạn nhân bị bỏng khoảng từ 20% đến 60% diện tích da, là nhóm nên được ưu tiên nhiều nhất và nhanh chóng chuyển đến bệnh viện chuyên khoa.
Nhóm 2 - gắn thẻ vàng: Các nạn nhân bị bỏng trên 60% diện tích da, sẽ được xử lý sau khi bệnh nhân Nhóm I được xử lý xong.
Nhóm 3 - gắn thẻ xanh: Bệnh nhân bị bỏng dưới 20% diện tích da cần được trấn an và chuyển đến các cơ sở y tế cơ bản; nếu bị vào những vùng dễ có di chứng như mặt, tay, quanh thận và bộ phận sinh dục, bàn chân, các khớp chính, thì sau khi ổn định tại cơ sở y tế nên đưa đến cơ sở chuyên khoa sớm nhất có thể.
Bảng màu phân loại bệnh nhân cấp cứu.
Bỏng đường hô hấp là tình trạng rất nặng và gây giảm trên 50% cơ hội sống, bất kể diện tích bỏng da lớn hay nhỏ. Tuy vậy, bỏng đường hô hấp khó được khẳng định sớm tại hiện trường vì có thể lẫn lộn với những tình trạng bệnh lý gây suy hô hấp khác như ngạt khói, chấn thương ngực thậm chí là đau và hoảng loạn.
Ngoại lệ đối với thứ tự điều trị này là sự có mặt tình trạng nghiêm trọng như ngưng thở do ngạt khói, hoặc chấn thương gây chảy máu. Tình huống này gây tử vong nhanh chóng nếu không được sơ cứu và phải được điều trị ngay lập tức bằng bóp bóng tăng thông khí hoặc băng ép/garott cầm máu và cố định xương gãy.
Can thiệp điều trị cần thiết ngay lập tức, bao gồm:
• Làm mát da ngay lập tức bằng nước mát trong ít nhất 5-10 phút (Có thể tới 20-30 phút)
• Che phủ bằng vải, đắp chăn hoặc vật liệu tráng nhôm vô trùng để hạn chế sự mất nhiệt sau khi đã làm mát da
• Cầm máu nếu có chảy máu nghiêm trọng/ Cố định gãy xương nếu có gãy xương lớn hoặc nghi ngờ chấn thương cột sống cổ
• Nằm tư thế an toàn, tránh nôn, tránh gây sặc vào phổi
Các can thiệp sớm khác nên thực hiện nếu có điều kiện
• Thuốc giảm đau và an thần có thể hữu ích để giảm đau và trạng thái kích động hoảng loạn gây cản trở hoạt động cứu hộ
• Đặt đường truyền và truyền dịch sớm nếu có thể
• Corticoid có thể chỉ định nếu nạn nhân có bỏng đường hô hấp trên, gây nguy cơ phù thanh quản mà chưa kiểm soát được đường thở bằng ống nội khí quản.
• Bóp bóng nếu nạn nhân ngạt khói gây ngừng thở, thở oxy bằng mặt nạ, hoặc đặt ống nội khí quản cho tự thở trong trường hợp bỏng nặng đường hô hấp trên có thể gây phù nề thanh quản.
Xử lý bề mặt bị bỏng tại hiện trường cơ bản là làm mát và che phủ bằng gạc sạch; không cần thiết phải bôi các thuốc mỡ, thuốc kháng sinh hay cồn iod làm khó khăn cho công tác đánh giá tổn thương ở tuyến sau. Việc cố bóc các mảng dính do quần áo nilon cháy lúc này cũng có thể gây tăng tổn thương, đau đớn hoặc chảy máu.
Điều quan trọng cần lưu ý là việc lựa chọn khoa bệnh viện, nơi các nạn nhân bỏng sẽ được chuyển đến. Nếu không có sự đánh giá và phân luồng tốt tại hiện trường có thể dẫn đến đưa quá nhiều bệnh nhân đến cơ sở chuyên sâu, gây tê liệt công tác cứu hộ tại đó, hoặc những bệnh nhân nặng bị chuyển lòng vòng dẫn đến mất cơ hội cứu sống hoặc hồi phục chức năng. Vì vậy, trưởng nhóm cứu hộ tại hiện trường có trách nhiệm tổ chức quá trình chuyển tuyến và liên hệ các bệnh viện tiếp nhận, tránh tình trạng vận chuyển tự phát.

Cấp độ 2: Cấp cứu tại cơ sở y tế không chuyên sâu

Bệnh nhân bỏng được điều trị khẩn cấp tại nơi xảy ra thảm họa phải được chuyển đến bệnh viện gần nhất, nơi họ sẽ được khai thác thông tin hành chính, khám xét lâm sàng và chỉ định xét nghiệm cần thiết.
Tại đây, bệnh nhân sẽ được cởi bỏ quần áo, vệ sinh bề mặt da, thăm khám để đánh giá lại toàn diện về độ nặng của bỏng và các chấn thương đi kèm. Sau đó, một hoạt động phân loại mới sẽ được thực hiện trên cơ sở các bộ tiêu chí của chuyên khoa Bỏng (UBS, chỉ số Baux, chỉ số Roi) để giúp phân loại bệnh nhân phù hợp với tình trạng lâm sàng thực tế của họ. Trên cơ sở đó bắt đầu quá trình điều trị bao gồm giảm đau, bù dịch, chống bội nhiễm vi khuẩn, huyết thanh và vắc xin phòng uốn ván, chăm sóc tại chỗ bỏng, điều trị các chấn thương đi kèm và và hội chẩn với Chuyên khoa Bỏng để xác lập chiến lược điều trị tiếp hoặc chuyển tuyến khi những cơ sở chuyên sâu đã qua giai đoạn quá tải và có khả năng tiếp nhận trở lại.

Cấp độ 3: Cấp cứu tại cơ sở y tế chuyên sâu

Cơ sở y tế chuyên sâu là đơn vị có khả năng cung cấp các điều trị tốt nhất cho bệnh nhân bỏng và cả những chấn thương phối hợp khác. Các cơ sở chuyên sâu có thể tiếp nhận trực tiếp nạn nhân từ thảm họa hoặc từ các tuyến không chuyên sâu chuyển đến. Lý tưởng là các nạn nhân được phân loại và xử lý ban đầu tốt, nhằm đảm bảo lưu lượng tiếp nhận phù hợp để phát huy tốt nhất vai trò của cơ sở y tế chuyên sâu. Các cơ sở chuyên sâu cũng phải đóng vai trò hướng dẫn, chỉ đạo từ xa đối với các đội cấp cứu tại hiện trường và hội chẩn chuyên khoa từ xa đối với các bệnh viện không chuyên khoa có tiếp nhận bệnh nhân bỏng.
Thảm họa nói chung và hỏa hoạn nói riêng là tình huống có số nạn nhân đột ngột vượt quá khả năng đáp ứng thông thường của hệ thống y tế. Việc xây dựng chiến lược cấp cứu hỏa hoạn đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Y tế và Cứu hỏa, giữa các bệnh viện với những đội cấp cứu tại hiện trường, bao gồm y tế cơ sở và nhân viên tình nguyện tại chỗ. Mục tiêu cuối cùng nhằm xử trí ban đầu đúng và nhanh chóng, phân loại bệnh nhân để lựa chọn ưu tiên cấp cứu phù hợp và ngăn chặn tình trạng quá tải của các trung tâm chuyên khoa, hoặc tránh vận chuyển lòng vòng các bệnh nhân chưa được sơ cứu phù hợp, làm mất cơ hội sống và hồi phục tốt của các nạn nhân hỏa hoạn.
Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp
Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương
Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

AstraZeneca cho biết, họ đã bắt đầu thu hồi vaccine ngừa COVID-19 trên toàn thế giới, do thị trường hiện có nhiều lại vaccine COVID-19 cập nhật dựa theo các biến thể mới, dẫn đến dư thừa và nhu cầu về vaccine của AstraZeneca đã giảm.

Theo Viện Vệ sinh Dịch tế Trung ương, tại Việt Nam, vắc xin Covid-19 do hãng AstraZeneca sản xuất đã được sử dụng hết từ tháng 7/2023.

Liên quan vụ ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai, Sở Y tế Đồng Nai xác nhận kết quả xét nghiệm cho thấy đa số các mẫu thực phẩm ở cửa hàng bánh mỳ này có vi khuẩn Salmonella.

10 người phải nhập viện và trong đó có một trường hợp tử vong cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai ngay sau khi ăn món tiết canh dê của bữa cỗ cưới tại thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Nối tiếp thành công của những ca ghép gan từ người cho chết não, ngày 7/5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, lần đầu tiên đã thực hiện thành công ca ghép gan đối với bệnh nhân suy gan tối cấp, suy thận, đang điều trị hồi sức.

1.224 trường hợp nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đây là con số đáng chú ý theo số liệu tổng hợp của Bộ Y tế trong năm 2023. So với cùng kỳ năm trước đó, số ca nhập viện tăng đáng kể.