Các ngõ nhỏ ở Hà Nội được bổ sung họng nước phục vụ chữa cháy | Hà Nội tin mỗi chiều
Hà Nội: Xử lý dứt điểm các công trình không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy
Ngày 1/7, tại Kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố Hà Nội khoá XVI, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an thành phố đã trình bày tờ trình xem xét, thống nhất chủ trương ban hành đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong các mục tiêu cụ thể mà tờ trình nêu có mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành lắp đặt hơn 3.000 trụ chữa cháy ngoài nhà; khoảng gần 9.500 tuyến đường, phố, ngõ, ngách có chiều sâu hơn 200 m có phương án bổ sung đường ống cấp nước, trụ hoặc họng tiếp nước; hoàn thành khoảng 433 bể nước, trạm bơm chữa cháy tại các khu vực công cộng, bốn bến lấy nước, 900 hố thu nước chữa cháy thuộc khu dân cư nguy hiểm cháy, nổ.
Thống kê từ năm 2014 đến hết năm 2023, Hà Nội xảy ra gần 4.500 vụ cháy làm 202 người chết, 271 người bị thương. Ngoài ra, có trên 8.000 sự cố nhỏ như cháy rác, phế liệu; chập dây dẫn điện trên cột; chập điện, sơ suất trong đun nấu. 52% vụ cháy xảy ra tại nhà ở, hoặc nhà ở kết hợp kinh doanh.
Theo quy định, đường phục vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ phải rộng tối thiểu 3,5 m. Tuy nhiên, Hà Nội có tới gần 9.500 tuyến đường, phố, hẻm, ngõ sâu từ 200 m trở lên và trên 2.300 cơ sở, khu dân cư nằm trong hẻm nhỏ, sâu 200 m trở lên, xe chữa cháy không thể tiếp cận.
Mật độ dân cư đông đúc, thường xuyên ùn tắc giao thông gây khó khăn trong chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Ngõ bé, hẻm sâu, xe phòng cháy chữa cháy không thể tiếp cận rất phổ biến tại các quận có tốc độ đô thị hóa nhanh từ làng lên phố.
Điển hình, tại quận Cầu Giấy, kết quả rà soát sau vụ cháy khiến 14 người tử vong cho thấy quận có trên 3.300 nhà trọ thì đến 3.170 cơ sở không có lối cho xe cứu hỏa tiếp cận.
Theo đề án giai đoạn năm 2026 - 2030, các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp đã được phân công cụ thể là tăng cường công tác tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; vận động 100% nhà ở riêng lẻ trang bị thiết bị báo cháy, khuyến khích trang bị hệ thống báo cháy tự động; xử lý dứt điểm các công trình không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đã đưa vào hoạt động; 100% các ngõ nhỏ, ngõ sâu sẽ được rà soát, đầu tư, bổ sung họng nước phục vụ chữa cháy; tiếp tục đề xuất, bổ sung các dự án, gói dự án mua sắm các trang thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; tập trung xây dựng, kiện toàn lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tinh thông pháp luật, nghiệp vụ, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Về kinh phí thực hiện Đề án, theo tờ trình, kinh phí đã tích hợp các nội dung, nhiệm vụ mà thành phố đã và đang triển khai. Sau khi ban hành Đề án, quá trình thực hiện, căn cứ vào từng giai đoạn, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được phân công chủ động lập dự án, gói dự án, kinh phí đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội, đúng quy định của pháp luật.
Công an Hà Nội bắt đầu cấp thẻ căn cước cho trẻ em
Ngày 1/7, Luật căn cước chính thức có hiệu lực. Công an toàn quốc triển khai thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.
Sáng cùng ngày, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an thành phố Hà Nội và công an 30 quận, huyện, thị xã đã đồng loạt triển khai cấp thẻ căn cước cho trẻ từ 0-6 tuổi và từ 6 tuổi trở lên.
Tại điểm thu nhận hồ sơ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an thành phố Hà Nội, từ sáng sớm, có khá đông người dân xếp hàng đợi làm thủ tục cấp căn cước. Trong đó, có nhiều công dân dưới 14 tuổi là đối tượng mới được quy định tại Luật Căn cước.
Công an thành phố Hà Nội cho biết ngoài điểm cấp căn cước ở trụ sở PC06, những điểm thu nhận hồ sơ ở công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn cũng có khá đông người dân đến làm hồ sơ đề nghị cấp căn cước.
Tối 1/7, Công an thành phố Hà Nội thông tin tổng số căn cước cấp từ 7-17h ngày 1/7 trên địa bàn thành phố là 4.532 trường hợp. Trong đó, công dân từ 0-6 tuổi là 106 trường hợp; công dân từ 6-14 tuổi là 735 trường hợp; công dân từ 14 tuổi trở lên là 3.691 trường hợp. Lực lượng chức năng cấp thẻ căn cước tại sân bay Nội Bài cho công dân Việt Nam từ nước ngoài về là 22 trường hợp.
Luật Căn cước 2023 quy định việc bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt khi công dân đến làm thủ tục cấp thẻ căn cước. Việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người trong trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng.
Trung tá Nguyễn Thành Lâm - Trưởng Phòng PC06 Công an thành phố Hà Nội, cho biết thẻ căn cước mới có nhiều ưu việt, tính bảo mật cao, được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, bảo đảm chống việc làm giả thẻ. Trong chip điện tử trên thẻ căn cước có công nghệ xác thực thông tin qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ.
Quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi mang nhiều ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân.
Trong thời gian tới, Công an thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với gia đình, nhà trường thu nhận thông tin tại các trường học để đảm bảo an toàn cho các cháu khi đi lại.
- Xác thực sinh trắc học để giảm thiểu lừa đảo giao dịch ngân hàng | Hà Nội tin mỗi chiều
- 6 tháng đầu năm, du lịch Hà Nội đón hơn 14 triệu lượt khách | Hà Nội tin mỗi chiều
- Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua tạo sức bật cho Hà Nội phát triển | Hà Nội tin mỗi chiều
- Hà Nội đứng top đầu cả nước về công nghệ thông tin | Hà Nội tin mỗi chiều
- Từ 1/7 chuyển tiền trên 10 triệu phải xác thực sinh trắc học | Hà Nội tin mỗi chiều
Hơn 12.000 trang thông tin sao kê số tiền ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 (Yagi) được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai vào tối 12/9 đã tạo nên cơn bão mới trong cộng đồng mạng xã hội.
Với tinh thần lá lành đùm lá rách, cả nước đang hướng về đồng bào vùng bão lũ các tỉnh miền Bắc, sẵn sàng hỗ trợ, sẻ chia, bằng nhiều phương cách khác nhau. Ấy vậy mà, nhiều người lại đang lợi dụng sự khốn khó của người khác để có những hành vi kiếm chác, trục lợi.
Sau bão số 3, nguy cơ mất an toàn giao thông từ những cây cầu yếu, cầu cũ lại một lần nữa được đặt ra với Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước.
Lũ trên hàng loạt các con sông qua địa bàn Thủ đô Hà Nội đang lên nhanh. Lũ trên sông Hồng vượt báo động 2, đe doạ an toàn nhiều tuyến đê và tính mạng, tài sản của người dân.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc đang bị thiệt hại nặng nề. Trận bão lũ lịch sử này khiến nhiều người nghĩ đến hai trận bão, lũ lụt cũng vào năm Giáp Thìn 1904 và 1964 đã gây ra những hậu quả kinh hoàng.
Trong những thời điểm bão số 3 hoành hành, dù lo sợ trước sự tàn phá của thiên tai, thế nhưng trong khó khăn, người Việt Nam vẫn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau.
0