Các nước trước thách thức du lịch quá tải| Nhìn ra thế giới| 11/10/2023

Sau dịch COVID-19, việc hạn chế đi lại được dỡ bỏ, nhiều nước đã chứng kiến làn sóng du lịch hồi phục nhanh chóng. Đây là niềm vui lớn đối với ngành công nghiệp không khói, bởi nó có cơ hội góp phần không nhỏ thúc đẩy kinh tế của đất nước phục hồi. Tuy nhiên, ngành du lịch các nước nhanh chóng phải đối mặt với một thực tế, đó là tình trạng quá tải do nhiều nguyên nhân.

Ngành du lịch các nước nhanh chóng phải đối mặt với một thực tế, đó là tình trạng quá tải do thiếu hụt nhân lực, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch không đồng bộ, và vẫn còn thiếu những cơ chế quản lý du lịch phù hợp, khiến trải nghiệm của các du khách không được trọn vẹn, cư dân địa phương thì phải chịu không ít hậu quả. Mới đây,  Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đưa ra cảnh báo: có thể đưa thành phố Venice  vào danh sách di sản thế giới có nguy cơ bị hủy hoại. Hội đồng thành phố Venice, Italy sau đó đã quyết định thử nghiệm thu phí tham quan theo ngày tại trung tâm lịch sử để hạn chế bớt lượng du khách đang quá tải. Dự kiến, việc thử nghiệm thu phí tham quan thành phố sẽ bắt đầu vào mùa Xuân tới với mức giá 5 euro/khách. 

Các đối tượng được miễn phí gồm trẻ em từ 14 tuổi trở xuống và du khách lưu trú ít nhất một đêm tại khách sạn. Thời gian thử nghiệm thu phí sẽ kéo dài tối đa 30 ngày. Trong số các ý kiến đưa ra, có nhiều người đã thể hiện sự ủng hộ. Họ cho rằng việc thu phí là hợp lý để bảo tồn thành phố.

“Tôi nghĩ điều đó là công bằng vì thực tế phải tốn rất nhiều chi phí để giữ thành phố được như hiện tại, nhằm lưu giữ các giá trị lịch sử. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta nên đóng góp phần nào để bảo tồn thành phố này.”, một du khách người Anh nói.

Tuy nhiên, quyết định trên chưa thuyết phục hoàn toàn tất cả du khách.

Một du khách người Đức lại có quan điểm trái ngược: “Tôi không đồng ý với điều này. Tôi nghĩ tình hình sẽ được cải thiện trong vài năm tới. Hiện tại thì tôi chỉ muốn tận hưởng chuyến đi của mình.”

Cách đây 2 năm, Venice đã từ chối các tàu du lịch lớn, có khả năng chở hàng nghìn người, cập bến. Thay vì trực tiếp đến Venice, các tàu này được chuyển hướng đến cảng công nghiệp cách xa thành phố. Mục đích là giảm tác hại do sóng lớn của các tàu, bảo vệ nền móng của Venice không bị xói mòn và hệ sinh thái dưới nước không bị tổn hại.

Năm 1987, UNESCO đã đưa Venice vào danh sách di sản “kiệt tác kiến trúc”. Tháng 7 vừa qua, UNESCO cảnh báo Venice có nguy cơ bị tổn hại “không thể khắc phục” do hàng loạt vấn đề, từ du lịch ồ ạt đến biến đổi khí hậu, đồng thời đề xuất đưa thành phố này vào danh sách di sản thế giới có nguy cơ bị hủy hoại. Đề xuất này sẽ được thảo luận tại cuộc họp của Ủy ban Di sản Thế giới thuộc UNESCO tại Riyadh (Saudi Arabia) trong tháng 9 này.

Theo số liệu chính thức, năm ngoái có khoảng 3,2 triệu khách du lịch đã nghỉ qua đêm tại Venice, chưa kể hàng nghìn lượt khách chỉ ghé thăm thành phố nước nổi tiếng này trong ngày.

Nhà chức trách Venice đã tranh luận trong nhiều năm về cách tốt nhất để quản lý hàng triệu du khách đến đây. Kế hoạch bán vé tham quan đã nhiều lần bị hoãn do lo ngại làm giảm nghiêm trọng doanh thu du lịch và ảnh hưởng đến quyền tự do đi lại.

Pháp là quốc gia luôn nằm trong tốp điểm đến thu hút du khách hàng đầu thế giới. Nước này cũng đang đau đầu đối mặt với tình trạng quá tải du lịch. Chính phủ Pháp đã phải công bố kế hoạch điều chỉnh lượng du khách tại các địa điểm nổi tiếng nhất của nước này, đặc biệt là vào mùa cao điểm. 

GlobalData cũng dự đoán Pháp sẽ thu hút ước tính khoảng 93,7 triệu khách du lịch quốc tế mỗi năm vào năm 2025, củng cố danh hiệu quốc gia được ghé thăm nhiều nhất trên thế giới.

Theo GlobalData, một trong những điểm thu hút lớn nhất của Pháp là giao thông vận tải. Việc đi lại giữa các thành phố lớn tương đối dễ dàng với sự kết nối các tuyến tàu cao tốc. Pháp cũng là điểm đến kết nối tốt với các nước châu Âu khác thông qua các chuyến tàu đêm đường dài. Các chuyến tàu giường nằm mới sẽ ra mắt trong năm nay, sẽ đưa hành khách từ Paris đến Viên, Berlin và Milan. Thủ đô Paris cũng sẽ kết nối với thủ đô Barcelona vào năm 2024.

Chính phủ Pháp đã phải công bố kế hoạch điều chỉnh lượng du khách tại các địa điểm nổi tiếng nhất của nước này để đối phó với tình trạng quá tải du lịch. Bộ trưởng Du lịch Pháp Olivia Gregoire nhấn mạnh, Pháp cần quản lý tốt hơn lượng khách du lịch đến nước này vào mùa cao điểm. Bởi lẽ, lượng du khách quá đông đang đe dọa môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân địa phương cũng như ảnh hưởng đến trải nghiệm của chính du khách. Vấn đề này rất cấp bách đối với những điểm đến hàng đầu trên toàn thế giới khi du lịch quốc tế tăng mạnh sau đại dịch Covid-19. 

Kế hoạch điều chỉnh lượng du khách tại các địa điểm nổi tiếng được công bố trong bối cảnh Paris - nơi đang vật lộn với tình trạng thiếu nhà ở một phần do chủ nhà thích cho khách du lịch thuê ngắn hạn - dự kiến sẽ đón 37 triệu khách du lịch trong năm nay. Thủ đô của nước Pháp vốn nổi tiếng với lịch sử phong phú, di sản văn hóa và các địa danh mang tính biểu tượng, giúp thu hút du khách trên toàn thế giới. Nhiều địa điểm nổi tiếng khác của Pháp cũng đang bị quá tải khách du lịch. Bãi biển ở thị trấn Etretat - nơi chứng kiến sự bùng nổ du lịch nhờ phim trinh thám nổi tiếng “Lupin” của Netflix - đã đón tới 10.000 khách du lịch mỗi ngày vào mùa cao điểm. Hiệp hội cư dân Etretat Tomorrow cho biết lượng khách du lịch khổng lồ đã làm tổn hại và xói mòn các vách đá trên bãi biển. 

Chính phủ Pháp sẽ thành lập một nhóm giám sát để xác định các địa điểm có nguy cơ quá tải du lịch nhất và xây dựng chiến lược khuyến khích du lịch vào mùa thấp điểm. Giới chức Pháp thừa nhận rằng 80% hoạt động du lịch hàng năm chỉ tập trung vào 20% diện tích đất nước. Vì vậy, Pháp muốn khuyến khích du khách khám phá những nơi ít nổi tiếng hơn. Ngoài ra, Chính phủ Pháp cũng sẽ thực hiện chiến dịch tuyên truyền về những rủi ro của tình trạng quá tải du lịch, đồng thời khuyến khích du khách chọn các địa điểm ít người biết đến hoặc thực hiện các chuyến đi ngoài những tháng mùa hè. Để tăng hiệu quả, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội sẽ tham gia vào chiến dịch này. Ngoài ra, chính phủ cũng có thể áp đặt thuế thuê nhà nghỉ cao hơn hoặc tăng giá vé để hạn chế du khách.

"Chúng tôi phải bảo vệ những khu vực dễ bị tổn thương, chúng tôi đã mất 30% đa dạng sinh học trong 25 năm. Chúng tôi cần một chiến lược phát triển du lịch đồng bộ để dòng khách phân bổ tới đa dạng điểm đến và cả vào mùa thấp điểm", ông Didiier Arlino, đứng đầu nhóm tư vấn du lịch nói.

Pháp có rất nhiều điểm đến hấp dẫn với du khách quốc tế cũng như nội địa. Du lịch từ lâu đã là một ngành đóng góp phần không nhỏ cho nền kinh tế Pháp, chiếm tới 10% GDP của Pháp. 

Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2013, núi Phú Sĩ của Nhật Bản là một trong những điểm du lịch hấp dẫn mà nhiều du khách muốn được một lần đặt chân tới.  Tuy nhiên, cũng như nhiều điểm du lịch nổi tiếng thế giới khác, núi Phú Sĩ đang phải đối mặt với một loạt vấn đề nan giải: ùn tắc giao thông, chân núi ngập rác và khách du lịch chen chúc. Giới chức Nhật Bản và các chuyên gia đang tìm phương án để giải quyết tình trạng khách du lịch quá tải ở núi Phú Sĩ.

Theo chính quyền tỉnh Yamanashi - nơi núi Phú Sĩ tọa lạc, số lượng du khách tham gia đi bộ lên núi đã tăng từ 2 triệu người năm 2012 lên hơn 5 triệu người vào năm 2019. Vào tháng 7-2023, khoảng 65.000 người đi bộ đường dài đã lên tới đỉnh núi Phú Sĩ, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2019. Các quan chức cho biết, sự bùng nổ du lịch sau đại dịch COVID-19 là nguyên nhân khiến lượng du khách đổ về núi Phú Sĩ đông đúc hơn. Năm 2023, khi núi Phú Sĩ kỷ niệm 10 năm được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, các quan chức cho biết tình hình môi trường tại vùng núi này đã đến “điểm nguy kịch”.

“Tình trạng quá tải khách du lịch đã kéo theo những hậu quả như rác thải, lượng khí thải CO2 tăng. Ngoài ra, vấn đề lớn nhất là nhiều du khách không chú ý đến sự an toàn của mình”, một quan chức địa phương nói.

Theo vị quan chức này, trong số 10 trạm đi bộ đường dài của núi Phú Sĩ, trạm thứ năm - nằm gần lưng chừng ngọn núi - đón 90% du khách lên núi. Hầu hết du khách đến trạm này thông qua tuyến đường Fuji Subaru, bằng xe buýt, taxi và xe điện từ Tokyo.

Tuy nhiên, việc thuận tiện trong di chuyển lại đặt ra một vấn đề lớn. Các chuyên gia cho rằng trải nghiệm leo núi ở núi Phú Sĩ đang mất dần tính hấp dẫn vì quá đông đúc. Ngoài ra, việc nhiều người tham gia đi bộ đường dài cũng đang đặt áp lực lớn đối với hệ thống vệ sinh và y tế.

Theo ông Kiyotatsu Yamamoto - chuyên gia về núi Phú Sĩ tại Đại học Tokyo - trải nghiệm leo núi đã không còn nhiều hấp dẫn đối với những người đi bộ đường dài dày dạn kinh nghiệm. Đông đúc và ùn tắc giao thông trên những con đường mòn lên núi là nguyên nhân chính khiến những người leo núi không hài lòng. Những người đi bộ đường dài muốn ngắm bình minh đều tụ tập gần đỉnh núi. Nhưng giờ đây, thay vì mất 2 giờ để đi một đoạn đường trên núi Phú Sĩ, họ phải mất 4 giờ vì du khách quá đông. Ông Yamamoto cho hay để cải thiện trải nghiệm của du khách, các quan chức đã giới hạn số lượng người leo núi Phú Sĩ ở mức 4.000 người/ngày đối với đường mòn Yoshida - một trong 4 tuyến đường lên núi. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đạt mục tiêu này là cả một thách thức.

Rõ ràng, du lịch tạo ra việc làm, thu hút đầu tư và đem lại lợi ích kinh tế cho các địa phương. Tuy nhiên, số lượng du khách quá đông đồng nghĩa với việc gây áp lực lên cảnh quan, cơ sở hạ tầng, môi trường cũng như gây xáo trộn cho cộng đồng địa phương. Các biện pháp hạn chế lượng du khách đang được tính đến. Tuy vậy, nếu số lượng đáng kể du khách đổ bộ đến một địa điểm đột ngột suy giảm, nó có thể để lại hậu qua kinh tế nghiêm trọng cho những người phụ thuộc vào hoạt động du lịch. Cũng có ý kiến cho rằng thay vì tập trung vào việc làm thế nào để hạn chế dòng khách du lịch đến các điểm đến hấp dẫn hiện có, thì có thể coi đây là thời điểm để ngành dịch vụ lữ hành các quốc gia tìm cách đưa du khách đến khám phá, trải nghiệp ở những khu vực bị bỏ quên bấy lâu nay. 

 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

TikTok đã có những nỗ lực cuối cùng để được tiếp tục hoạt động tại Mỹ. Ngày 16/12, công ty này đã gửi đơn đề nghị khẩn cấp lên Tòa án Tối cao Mỹ để xin lệnh tạm dừng thực thi đạo luật buộc ByteDance, công ty mẹ của TikTok phải thoái vốn khỏi nền tảng này ở Mỹ trước ngày 19/1/2025.

Ngày 17/12, Trung tướng Igor Kirillov - Tư lệnh Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga cùng trợ lý của ông đã bị giết hại trong một vụ ám sát có chủ đích bên ngoài một tòa nhà chung cư ở thủ đô Moscow. Vụ việc đánh dấu một bước ngoặt nghiêm trọng trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, phản ánh sự leo thang của các hoạt động tấn công mục tiêu và chiến tranh phi đối xứng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 13/12 đã quyết định chọn ông Francois Bayrou, một chính trị gia trung dung kỳ cựu, làm người đứng đầu chính phủ mới, thay thế ông Michel Barnier buộc phải từ chức sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội Pháp. Ở tuổi 73, Thủ tướng thứ 4 của nước Pháp sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua.

Lợi dụng tình trạng hỗn loạn ở Syria, Israel những ngày qua đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm triệt tiêu tiềm năng quân sự, chiếm đóng một vùng lãnh thổ rộng lớn ở quốc gia láng giềng. Các chuyên gia lo ngại, chiến lược của Israel ở Syria nhiều khả năng sẽ phức tạp và nhà nước Do Thái có thể tiến xa hơn trong việc chiếm giữ lãnh thổ của Syria.

Bối cảnh thị trường robot sẽ có những thay đổi đáng kể khi chúng ta kết thúc năm 2024. Dự đoán đến năm 2025, robot được trang bị AI sẽ tự động hóa 50% các tác vụ, tăng năng suất lên 30%. Việc tự động hóa sản xuất bằng AI và robot có thể đóng góp tới 1,4 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2025. Vậy có những xu hướng nào đối với thị trường robot năm 2025?

Việc luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol không phải là hồi kết cho tình hình chính trị hỗn loạn ở Hàn Quốc, mà chỉ kết thúc một cuộc đối đầu giữa hành pháp và lập pháp xung quanh lệnh thiết quân luật. Sự gia tăng các cuộc điều tra cũng phơi bày những rạn nứt chính trị và thể chế sâu sắc, có thể dẫn đến hậu quả là đẩy nền chính trị Hàn Quốc vào sự bế tắc và phân cực sâu sắc hơn.