Các quốc gia ứng phó với biến thể đậu mùa khỉ mới

Thế giới đang đối mặt với đợt bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ ở mức độ khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu lần thứ hai trong vòng hai năm. Tại Cộng hòa Dân chủ Congo đã có 27.000 ca mắc và hơn 1.100 ca tử vong, chủ yếu là trẻ em, kể từ khi đợt bùng phát hiện tại khởi phát vào tháng 1/2023.

Đến tháng 8 này, ít nhất 16 quốc gia và vùng lãnh thổ xác nhận có các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về sức khỏe cộng đồng do bệnh đậu mùa khỉ. Theo Quy định Y tế quốc tế, các quốc gia có nghĩa vụ pháp lý phải phản ứng nhanh chóng khi có ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về sức khỏe cộng đồng.

Biến thể đậu mùa khỉ mới khiến dịch lan nhanh

Trong đợt bùng phát hiện nay, biến thể mới nhánh 1b đã được xác nhận gây ra đợt bùng phát đang gia tăng ở châu Phi, với tâm dịch là ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Biến thể virus đậu mùa khỉ mới có tên nhánh 1b này đang gây ra mối lo ngại vì nó lây lan dễ dàng hơn thông qua tiếp xúc gần thông thường và có nguy cơ gây tử vong cao hơn chủng virus nhánh 2.

Không chỉ châu Phi, biến thể nhánh 1b đã được phát hiện tại Thụy Điển và Thái Lan. Điều đáng lo ngại là thế giới đang là một cộng đồng có mối liên hệ toàn cầu thông qua du lịch, di cư và các hoạt động đi lại xuyên biên giới khác.

Không chỉ châu Phi, biến thể nhánh 1b đã được phát hiện tại Thụy Điển và Thái Lan.

Nhà dịch tễ học Salim Abdoll Karim cho rằng: "Bằng chứng về số ca bệnh, số ca tử vong chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Lý do là bệnh đậu mùa khỉ phần lớn ở tình trạng nhẹ, khó giám sát. Năng lực xét nghiệm bắt buộc của chúng ta hiện còn hạn chế. Vì vậy, dù tình hình và bằng chứng cho thấy vấn đề khá nghiêm trọng nhưng trên thực tế có thể còn nghiêm trọng hơn".

Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm đậu mùa khỉ mới trong năm nay, chính quyền Pakistan đã triển khai các biện pháp liên quan đến phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường khử trùng sân bay, thiết lập quy trình sàng lọc với người nhập cảnh sau các chuyến bay quốc tế và cách ly nếu có triệu chứng tiềm ẩn.

Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm đậu mùa khỉ mới trong năm nay, chính quyền Pakistan đã triển khai các biện pháp liên quan đến phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh.

Bác sĩ Irshad Ali Roghani, Giám đốc Sở Y tế Hyber Pakhtunkhwa, Pakistan cho hay: "Sở y tế chúng tôi đang đảm bảo mọi biện pháp phòng ngừa, kiểm soát và quản lý các cơ sở. Chúng tôi cũng cảnh báo lực lượng y tế ở khu vực biên giới kiểm tra và sàng lọc tất cả các hành khách. Bất kỳ ai bị nghi ngờ nhiễm bệnh sẽ được cách ly".

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đã chỉ thị giới chức liên bang phối hợp tốt hơn với chính quyền địa phương để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, cũng như hỗ trợ các địa phương triển khai những chiến dịch nâng cao nhận thức một cách hiệu quả và toàn diện hơn. Thủ tướng Pakistan cũng chỉ thị phải đảm bảo lực lượng y tế luôn sẵn có tất cả các bộ xét nghiệm và trang thiết bị điều trị theo yêu cầu.

Nhiều quốc gia tại Đông Nam Á cũng đã sẵn sàng biện pháp ứng phó bệnh đậu mùa khỉ.

Nhiều quốc gia tại Đông Nam Á cũng đã sẵn sàng biện pháp ứng phó bệnh đậu mùa khỉ. Thái Lan đang nhanh chóng triển khai các biện pháp hạn chế tại các điểm nhập cảnh, sau khi nước này xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm chủng mới nhánh 1b của virus gây bệnh đậu mùa khỉ, được cho là dễ lây hơn và có khả năng gây tử vong cao hơn. Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan thông báo bất kỳ ai đi du lịch đến Thái Lan từ 42 "quốc gia có nguy cơ" đều phải đăng ký và xét nghiệm khi đến nơi. Các quy định hạn chế sẽ được áp dụng tại các điểm nhập cảnh vào Thái Lan, đặc biệt là tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi, nhằm khẩn trương ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Trước sự lây lan của dịch đậu mùa khỉ, các quy định hạn chế sẽ được áp dụng tại các điểm nhập cảnh vào Thái Lan.

Tại Singapore, Bộ Y tế nước này cho biết mặc dù rủi ro sức khỏe cộng đồng ảnh hưởng trực tiếp đối với quốc gia này là thấp, nhưng các biện pháp phòng ngừa đã được áp dụng. Du khách đến Singapore được yêu cầu báo cáo các triệu chứng liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ, chẳng hạn như sốt hoặc phát ban, và lịch sử đi lại.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng tuyên bố rằng trong 6 tháng tới họ sẽ bắt đầu sàng lọc người và hàng hóa nhập cảnh vào nước này để phát hiện ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Những người đến từ các quốc gia đã xảy ra dịch bệnh, từng tiếp xúc với các trường hợp mắc đậu mùa khỉ hoặc có biểu hiện triệu chứng sẽ được yêu cầu khai báo thông tin này với cơ quan hải quan khi nhập cảnh Trung Quốc.

Điều quan trọng nhất là mọi người phải nhận thức được rủi ro khi đi đến những khu vực có bệnh đậu mùa khỉ lưu hành.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc đồng thời lưu ý rằng các phương tiện, container và mặt hàng từ các khu vực có ca mắc đậu mùa khỉ phải được khử trùng. Cục Quản lý sản phẩm y tế quốc gia Trung Quốc đã cấp phép để đưa ra thị trường bộ xét nghiệm axit nucleic virus đậu mùa khỉ do một công ty tại tỉnh Quảng Đông phát triển.

Giáo sư Magnus Gisslen - Cơ quan Y tế công cộng Thụy Điển cho biết: "Điều quan trọng nhất là mọi người phải nhận thức được rủi ro khi đi đến những khu vực có bệnh đậu mùa khỉ lưu hành. Tuy nhiên, các cơ quan y tế và các bộ phận khác của xã hội cũng phải biết các triệu chứng và có thể nhanh chóng đưa ra chẩn đoán, cách ly và truy vết tiếp xúc để không có sự lây lan".

Chính vì thế, hiện tại, Tổ chức Y tế thế giới và Liên đoàn Chữ thập đỏ Quốc tế không khuyến cáo áp dụng bất kỳ hạn chế đi lại nào dù đã có các ca bệnh được phát hiện bên ngoài châu Phi.

Gia tăng mắc đậu mùa khỉ ở trẻ em Congo

Hiện nhiều bệnh nhân trẻ em ở châu Phi bị mắc biến thể mới của đậu mùa khỉ mà không biết nguồn lây vì bệnh trước đây vốn chỉ lây lan chủ yếu ở người lớn. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có vaccine hoặc phương pháp điều trị cụ thể nào cho bệnh nhân đậu mùa khỉ ngoài các xét nghiệm lâm sàng ở điểm nóng Cộng hòa dân chủ Congo.

Nhiều bệnh nhân trẻ em ở châu Phi bị mắc biến thể mới của đậu mùa khỉ mà không biết nguồn lây.

Thành phố Goma ở phía Đông Cộng hòa dân chủ Congo là tâm điểm của đợt bùng phát mới nhất của bệnh đậu mùa khỉ. Do xung đột ở nhiều khu vực xung quanh, thành phố tràn ngập những người di cư từ khắp nơi trong nước. Các bác sĩ và điều dưỡng cho biết hầu hết bệnh nhân là trẻ em.

Bà Rosamund Lewis, Trưởng Bộ phận bệnh đậu mùa khỉ, Tổ chức Y tế Thế giới cho hay: "Trẻ em dễ bị phơi nhiễm, dễ bị ảnh hưởng. Chúng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu con số bệnh nhi tăng lên. Trẻ em còn có thể lây lẫn nhau do tiếp xúc gần, chơi cùng nhau hoặc ở chung".

Theo các nghiên cứu, trẻ em dễ bị phơi nhiễm, dễ bị ảnh hưởng hơn người lớn,

Nhánh virus đậu mùa khỉ đặc hữu ở Cộng hòa Dân chủ Congo có tỷ lệ tử vong từ 4 - 11% và thường nguy hiểm hơn đối với trẻ em. Được mẹ kịp thời đưa con tới bệnh viện nên bé Sandrine, 5 tuổi, được chữa khỏi và đã hồi phục.

Trong khi đó, những vết sẹo từ mụn mủ đậu mùa khỉ vẫn còn hiện rõ trên khuôn mặt của Grace Kabuo, 7 tuổi, cũng như một số bạn cùng chơi với bé tại một khu trại dành cho những người phải sơ tán gần Goma, Cộng hòa Dân chủ Congo.

Đối với các chuyên gia y tế, trường hợp của Grace Kabuo đã cho thấy mối lo mới về đậu mùa khỉ- căn bệnh được xác định lần đầu tiên hơn 50 năm trước. Bé đã nhiễm một biến thể mới của đậu mùa khỉ dường như có khả năng lây truyền giữa người với người cao hơn các chủng virus trước đó.

Tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì bệnh đậu mùa khỉ lần trước kết thúc vào giữa năm 2023, phần lớn là nhờ vaccine và phương pháp điều trị ở các nước giàu nhưng rất ít được cung cấp cho châu Phi. Thậm chí tới nay vẫn chưa có.

Tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì bệnh đậu mùa khỉ lần trước kết thúc vào giữa năm 2023.

Trong khi đậu mùa khỉ đã được báo cáo ở 12 trong số 54 quốc gia của châu Phi trong các đợt bùng phát lần này, quốc gia rộng lớn ở Trung Phi Congo đã ghi nhận nhiều ca bệnh nhất trong năm nay. Trong tổng số 18.910 ca bệnh ở châu Phi vào năm 2024, Congo chiếm 17.794 ca (94%), với 535 trong số 541 ca tử vong được báo cáo.

Người dân Congo chưa được thông tin đầy đủ về dịch bệnh

Tại tâm dịch Congo, sự yếu kém về cơ sở vật chất, hạ tầng y tế cũng như truyền thông kém tới người dân đã khiến dịch bệnh càng thêm nghiêm trọng. Đáng chú ý trong đợt dịch lần này, số ca mắc và tử vong đa phần là trẻ em. Tuy nhiên, với nhiều bà mẹ ở Congo, đậu mùa khỉ vẫn là một căn bệnh xa lạ mà họ thậm chí còn chẳng biết tên. Kể cả khi con mình qua đời vì đậu mùa khỉ, họ vẫn không biết nguyên nhân là gì.

Tại tâm dịch Congo, sự yếu kém về cơ sở vật chất, hạ tầng y tế cũng như truyền thông kém tới người dân đã khiến dịch bệnh càng thêm nghiêm trọng.

Điển hình, chị Justine Munguiko - một cư dân tại tâm dịch không thể nhớ tên căn bệnh mà chị đã được cảnh báo. Chị chỉ biết con mình đang phải chịu đựng những vết loét ở bàn chân, bàn tay, giống như nhiều đứa trẻ khác tại trại di dời gần thành phố Goma, phía Đông Congo. Chị và các bà mẹ khác ở trại điều trị cho con theo cách truyền thống mỗi khi bị sốt và phát ban là sát trùng da bằng nước muối đun sôi và xoa một loại lá lên da của con. Những trường hợp như chị Munguiko cho thấy, cần cung cấp kiến thức và có những nguồn lực phù hợp để bảo vệ những người dễ bị tổn thương.

Bác sĩ Ebere Okereke, Chương trình sức khỏe toàn cầu Chatham House nhấn mạnh: "Chúng ta cần cung cấp thông tin đầy đủ với người dân, trao đổi với họ về những gì họ nên làm, khi gặp những triệu chứng nào thì nên đến cơ sở y tế để bác sĩ nắm rõ được tình hình và ngăn chặn bệnh lây lan".

Hiện các nhân viên y tế tại thành phố Goma đang tập trung cung cấp thông tin cho người dân cũng như cách phòng tránh lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.

Tăng cường cung ứng vaccine đậu mùa khỉ 

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết đã nhận được cam kết tài trợ 215.000 liều vaccine đậu mùa khỉ từ Liên minh châu Âu và nhà sản xuất vaccine Bavarian Nordic. Cơ quan viện trợ của Mỹ cũng cho biết, họ đã tài trợ 50.000 liều vaccine tương tự cho Congo. Nhật Bản cũng đã tài trợ một số liều cho nước này. Cộng hòa dân chủ Congo và các quốc gia châu Phi khác có thể bắt đầu tiêm vaccine đậu mùa khỉ trong vài ngày tới.

Cộng hòa dân chủ Congo và các quốc gia châu Phi khác có thể bắt đầu tiêm vaccine đậu mùa khỉ trong vài ngày tới.

Ngày 20/8, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal cho biết nước này sẽ tài trợ 100.000 liều vaccine ngừa đậu mùa khỉ cho các quốc gia đang ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh này tại châu Phi, thông qua Liên minh châu Âu (EU).

Nhưng châu Phi có thể cần nhiều hơn thế nữa. Theo Bộ trưởng Y tế Congo, riêng đất nước ông cần 3 triệu liều vaccine để chấm dứt các đợt bùng phát, vốn đã lan sang ít nhất 4 quốc gia lân cận. Tổng giám đốc CDC châu Phi Jean Kaseya nhấn mạnh cần đảm bảo rằng chuỗi cung ứng, hậu cần đã sẵn sàng để đảm bảo vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ được lưu trữ tốt và có thể triển khai tiêm an toàn.

Nghiên cứu về hiệu quả của các loại vaccine khác nhau sẽ tiếp tục được tiến hành ở châu Phi trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm phòng.

Nghiên cứu về hiệu quả của các loại vaccine khác nhau sẽ tiếp tục được tiến hành ở châu Phi trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm phòng, để các quốc gia hiểu rõ hơn về loại vaccine nào phù hợp với bối cảnh của họ. Ông Jean Kaseya cho biết CDC châu Phi đã khởi động các cuộc thảo luận với hãng công nghệ dược phẩm Bavarian Nordic của Đan Mạch về vấn đề chuyển giao công nghệ để các nước châu lục có thể tự sản xuất vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ trong tương lai.

Liên minh toàn cầu vaccine và tiêm chủng (GAVI) sẵn sàng chi tới 500 triệu USD để hỗ trợ các quốc gia châu Phi đối phó với dịch bệnh đậu mùa khỉ. Theo GAVI, số tiền tài trợ vaccine đã có sẵn và đang chờ các nước bị ảnh hưởng đưa ra yêu cầu chính thức để được hỗ trợ vaccine và WHO cấp phép sử dụng vaccine.

Hiện GAVI đã đàm phán với các nhà sản xuất hai loại vaccine phòng đậu mùa khỉ được sử dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, GAVI cũng đang phối hợp với các nước như Mỹ - nước có sẵn 50.000 liều vaccine để quyên góp trong nhiều tháng.

Liên minh toàn cầu vaccine và tiêm chủng (GAVI) sẵn sàng chi tới 500 triệu USD để hỗ trợ các quốc gia châu Phi đối phó với dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Hai loại vaccine đậu mùa khỉ được sử dụng trong những năm gần đây là MVA-BN do hãng dược phẩm Bavarian Nordic (Đan Mạch) sản xuất và LC16 của Nhật Bản. Theo WHO, hiện trong kho dự trữ của Bavarian Nordic đang sẵn 500.000 liều vaccine MVA-BN và hãng này có thể xuất xưởng thêm 2,4 triệu liều nếu có cam kết từ bên mua. Dự kiến, Bavarian Nordic cũng có thể sản xuất thêm 10 triệu liều trong năm 2025 khi có thỏa thuận mua-bán cụ thể.

Trước sự diễn biến gia tăng về nhiều mặt của bệnh đậu mùa khỉ, nhất là với chủng nhánh 1, tổ chức Y tế thế giới WHO đã yêu cầu cơ quan y tế các nước phải báo cáo các ca bệnh mới hàng tuần. Bên cạnh đó, WHO còn kêu gọi tăng cường sản xuất vaccine để ngăn chặn chủng virus đậu mùa khỉ nguy hiểm hơn lây lan.

Hôm 23/8, WHO cho biết sẽ nới lỏng một số thủ tục để các quốc gia sớm tiếp cận vaccine đậu mùa khỉ của các. Việc mua trực tiếp các loại vaccine đắt tiền này nằm ngoài khả năng của nhiều quốc gia thu nhập thấp. Chỉ có cộng đồng quốc tế cùng chung tay, thì mới mong sớm hạn chế tốc độ lây lan và đẩy lùi dịch đậu mùa khỉ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Đảng Dân chủ đối lập ở Hàn Quốc đã kêu gọi quyền Tổng thống Han Duck-soo nhanh chóng ký ban hành dự luật bổ nhiệm cố vấn đặc biệt để điều tra Tổng thống Yoon Suk Yeol và đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ áp đặt thêm thuế quan với Liên minh châu Âu nếu lục địa già không tăng cường mua dầu khí của Mỹ.

Ukraine đang đưa những chiếc xe tăng Abrams cuối cùng tới tỉnh Kursk của Nga khi Moskva tăng tốc phản công dồn dập trong thời gian qua.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký phê chuẩn thành luật - dự luật cấp ngân sách cho Chính phủ liên bang đến giữa tháng 3/2025, tránh được nguy cơ phải đóng cửa một phần chỉ vài ngày trước dịp lễ Giáng sinh.

Truyền thông Đức cho biết nghi phạm bị cáo buộc trong vụ lao xe vào đám đông ở một khu chợ Giáng sinh ở thành phố Magdeburg, đông bắc nước này, là Taleb Al Abdulmohsen, một công dân Ả Rập Xê-út. Đáng chú ý, nghi phạm là một bác sĩ tâm lý được đánh giá cao về chuyên môn.

Viện Thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp vừa công bố số liệu cho thấy nợ công của nước này tiếp tục tăng trong quý III/2024.