Các vụ ám sát Tổng thống Mỹ trong lịch sử

Lịch sử nước Mỹ hiện đại đã ghi nhận các vụ mưu sát đối với ít nhất ba Tổng thống, một Tổng thống đắc cử và một cựu Tổng thống, cũng như hàng chục âm mưu bị phá vỡ.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã bị thương sau vụ nổ súng vào tối thứ Bảy tại cuộc vận động tranh cử của ông ở Butler, Pennsylvania. Cơ quan Mật vụ cho biết một tay súng và ít nhất một khán giả đã thiệt mạng, hai người tham dự khác bị thương nặng.

Mặc dù người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết cựu Tổng thống Mỹ “vẫn ổn”, song vụ việc đã gây chấn động dư luận Mỹ và trên thế giới.

Các vụ mưu sát tổng thống và ứng cử viên tổng thống không phải chuyện mới mẻ tại Mỹ. Trong số các tổng thống và cựu tổng thống bị nhắm mục tiêu, 4 người đã thiệt mạng.

Các vụ mưu sát bất thành:

Andrew Jackson (30/1/1835)

Năm 1835, họa sĩ thất nghiệp Richard Lawrence đã trốn và chờ đợi khi Tổng thống Andrew Jackson đến dự đám tang một nghị sĩ quốc hội ở Washington DC, hung thủ đã cố gắng bắn Tổng thống Jackson bằng hai khẩu súng lục khác nhau, nhưng cả hai đều không trúng đích.

Richard Lawrence đã trở thành người đầu tiên bị buộc tội âm mưu ám sát Tổng thống Mỹ.

Tổng thống Mỹ Jackson và kẻ ám sát (tranh: History)

Theodore Roosevelt (14/10/1912)

Năm 1912, chủ quán rượu John Flammang Schrank đã bắn vào ngực Tổng thống Roosevelt ở Milwaukee, Wisconsin khi ông đang vận động tranh cử nhiệm kỳ thứ ba. Tuy nhiên, Roosevelt sống sót sau âm mưu ám sát này. Một hộp thép đựng kính và bài phát biểu dày 50 trang đã ngăn viên đạn đi vào tim ông.

Tổng thống Theodore Roosevelt đứng trên bục chỉ vào đám đông trong bài phát biểu vận động tranh cử ở California vào những năm 1900. Ảnh: Getty Images

Franklin D Roosevelt (15/2/1933)

Năm 1933, Giuseppe Zangara - một thợ nề thất nghiệp đã bắn 5 viên đạn vào Tổng thống đắc cử Roosevelt khi ông có bài phát biểu trước đám đông ở Miami's Bay Front Park, Florida. Tuy nhiên, hung thủ đã bắn trượt Roosevelt, thay vào đó 4 người khác bị thương và thiệt mạng, trong đó có Thị trưởng Chicago Anton Cermak.

Tổng thống đắc cử Roosevelt phát biểu ở Bay Front Park, Florida vào ngày 15/2/1933.

Harry S Truman (1/11/1950)

Năm 1950, hai nhà hoạt động ủng hộ độc lập người Puerto Rico là Oscar Collazo và Griselio Torresola đã cố gắng ám sát Harry S Truman, Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ tại Blair House ở Washington DC.

Họ bị chặn lại trước khi vào toà nhà. Một cuộc đấu súng đã xảy ra, âm mưu ám sát cuối cùng thất bại và một trong những kẻ tấn công đã bị tiêu diệt trong khi kẻ còn lại bị bắt. Leslie Coffelt, một sĩ quan cảnh sát Nhà Trắng thiệt mạng trong vụ tấn công.

Hung thủ Oscar Collazo bị thương nằm ở chân bậc thang dẫn tới Blair House sau khi ám sát thất bại Tổng thống Harry S. Truman vào ngày 1 tháng 11 năm 1950.

Gerald Ford (5 và 22/9/1975)

Năm 1975, một phụ nữ có tên Lynette "Squeaky" Fromme cố gắng nổ súng ám sát Tổng thống Gerald Ford ở Sacramento, California. Tuy nhiên, âm mưu này đã bị các nhân viên Mật vụ Mỹ kịp thời ngăn chặn.

Vài tuần sau, một phụ nữ khác có tên Sara Jane Moore cũng âm mưu ám sát Tổng thống thứ 38 của nước Mỹ tại San Francisco, California. Âm mưu này cũng bị ngăn chặn.

Các nhân viên Mật vụ tiếp cận bảo vệ Tổng thống Gerald Ford vài giây sau khi Sara Jane Moore định bắn ông vào tháng 9 năm 1975.

Ronald Reagan (30/3/1981)

Năm 1981, John Hinckley Jr đã bắn nhiều phát súng vào Tổng thống Ronald Reagan và đội an ninh của ông khi ông rời khách sạn Hilton ở Washington, DC. Tổng thống Reagan bị thương khi một trong những viên đạn bật ra khỏi chiếc xe limo của ông. Ông phải nằm viện 12 ngày.

Các đặc vụ và cảnh sát khống chế John Hinckley từ sau lưng sau khi người này bắn Tổng thống Ronald Reagan và những người khác ở Washington vào ngày 30 tháng 3 năm 1981.

Các vụ ám sát thành công:

Trong lịch sử nước Mỹ, đã có 4 tổng thống đương nhiệm bị ám sát. Cả 4 tổng thống đều bị bắn.

Abraham Lincoln (14/4/1865)

Ngày 14/4/1865, Abraham Lincoln, Tổng thống thứ 16 của nước Mỹ, bị bắn chết từ khoảng cách gần khi đi xem vở kịch Our American Cousin ở Washington, DC. Kẻ chủ mưu được xác định là John Wilkes Booth, một diễn viên nổi tiếng người Mỹ bất mãn với bộ máy chính quyền.

Để thực hiện kế hoạch này, John tìm hiểu và nắm chi tiết lịch trình của tổng thống. Căn phòng nơi Tổng thống Lincoln ngồi chỉ có 2 cửa. Cửa trước mở ra phía sân khấu và cửa sau được chốt chặt. Tuy nhiên, không ai biết rằng một ngày trước, John đã khoét một lỗ rộng khoảng 10 cm ở cửa sau, gần chốt cửa rồi ngụy trang khéo léo.

Lợi dụng lúc vở diễn chuyển cảnh, sĩ quan cảnh vệ rời phòng VIP để ra sảnh lớn uống cà phê, kẻ thủ ác đã rút chốt cửa, lẻn vào nấp ngay sau ghế của Tổng thống. Đúng lúc tiếng vỗ tay rộ lên, John Booth rút súng dí sát đầu Tổng thống và nã đạn. Viên đạn đã xuyên từ bán cầu não trái sang bán cầu não phải của Abraham Lincoln.

Vì vết thương quá nặng nên dù được đưa tới bệnh viện mổ cấp cứu ngay lập tức nhưng ông vẫn không qua khỏi. 7 giờ 22 phút sáng 15/4/1865, Lincoln trút hơi thở cuối cùng. Cái chết bất ngờ của ông khiến cả nước Mỹ bàng hoàng, rúng động.

Vụ ám sát Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln. Ảnh: Getty Images

James A Garfield (2/7/1881)

Sáng ngày 2/7/1881, Charles J Guiteau, một người bị hoang tưởng về chính trị, đã bắn Tổng thống James A Garfield khi ông đang trên đường đến dự buổi họp lớp thời đại học của ông tại Trường Williams College.

Một viên đạn sượt qua vai của Tổng thống, và viên đạn khác trúng vào lưng ông, vượt qua đốt sống thắt lưng đầu tiên nhưng chưa tới tủy sống và nằm sau tuyến tụy. Tổng thống Garfield qua đời hai tháng sau vụ nổ súng do vết thương bị nhiễm trùng.

Vụ ám sát Tổng thống James A. Garfield tại Washington D.C., Mỹ vào ngày 2 tháng 7 năm 1881

William McKinley (6/9/1901)

Năm 1901, Leon Czolgosz, một người theo chủ nghĩa vô chính phủ đã bắn vào bụng Tổng thống McKinley ở cự ly gần tại Triển lãm Liên Mỹ ở Buffalo, New York. Tổng thống McKinley qua đời tám ngày sau vì vết thương bị nhiễm trùng.

Vụ ám sát được cho là nguyên nhân dẫn đến việc thành lập Cơ quan Mật vụ Mỹ hiện đại. Tại phiên xét xử Leon Czolgosz sau đó, nhà chức trách phát hiện hắn xuất thân nghèo khó và từng làm công nhân trong các nhà máy với mức lương ít ỏi.

Chứng kiến sự bất công lớn trong xã hội Mỹ, khi những người giàu trở nên giàu hơn nhờ bóc lột người nghèo, Czolgosz tin rằng chính cách thức hoạt động của chính quyền đã dẫn đến điều đó. Hắn bắt đầu tham gia phong trào của những người theo chủ nghĩa vô chính phủ, với niềm tin đời sống của người dân sẽ tốt lên nếu nước Mỹ không còn bất cứ chính phủ cầm quyền nào.

Vụ ám sát Tổng thống Mỹ McKinley tại Triển lãm Liên Mỹ ở Buffalo, New York, vào ngày 6/9/1901

John F Kennedy (22/11/1963)

Năm 1963, Lee Harvey Oswald ám sát Tổng thống Kennedy khi ông đang đi cùng vợ trên một chiếc xe mui trần, trong chuyến vận động tranh cử ở Texas. Từ tầng 6 của một tòa nhà gần đó, Oswald đã bắn ba phát súng - hai trong số đó trúng vào đầu John F Kennedy khiến ông thiệt mạng cùng ngày.

Lý do Oswald thực hiện vụ ám sát được cho là sự kết hợp giữa những bất bình cá nhân và sự vỡ mộng về chính trị.

Tổng thống John F. Kennedy và đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy trong đoàn xe ở Dallas vào ngày 22 tháng 11 năm 1963, ngay trước khi ông bị ám sát.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Cầu vượt biển dài nhất thế giới, cây cầu chính nối Hồng Kông với Ma Cao và Chu Hải ở Quảng Đông, đã mở cửa trở lại vào chiều ngày 6/9 bất chấp ảnh hưởng của bão Yagi.

Theo chuyên gia khí tượng Trung Quốc, do bão Yagi đang tiến đến vùng biển có nhiệt độ nước biển cao, độ gió đứt theo chiều dọc yếu, có lợi cho việc duy trì cấu trúc lõi ấm của cơn bão.

Khi gió và mưa lắng xuống, Hải Nam đã hạ cấp cảnh báo đối với bão Yagi và nhanh chóng triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai trên toàn tỉnh. Trước đó, siêu bão Yagi đã tấn công tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc với mưa lớn và gió giật, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và 92 người bị thương.

Yulia Vavilova, cô gái xinh đẹp tóc vàng đi cùng nhà sáng lập Telegram Pavel Durov khi ông bị bắt tại sân bay Paris vào tháng trước, đã quay trở lại mạng xã hội, chia sẻ với những người theo dõi cô về “thông tin sai lệch”.

Siêu bão Yagi đổ bộ vào tỉnh đảo Hải Nam, miền nam Trung Quốc với mưa lớn và gió giật mạnh đã khiến ít nhất 2 người chết và 92 người bị thương.

Siêu bão Yagi đã đổ bộ vào đảo Hải Nam, Trung Quốc, mang theo những cơn gió mạnh và mưa lớn gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng, làm tê liệt tỉnh đảo du lịch được gọi là “Hawaii của Trung Quốc”.