Cách nấu nước mùi già tắm tất niên

Vào những ngày cuối năm, bên cạnh nồi bánh chưng thơm lừng, chậu nước lá mùi cũng là mùi hương không thể thiếu. Dù là ở miền quê hay thành thị thì vào ngày 30 Tết, người Việt cũng không quên tắm lá mùi như một cách gột rửa những bụi bặm, những chuyện không vui của năm cũ, chỉ giữ lại cảm giác thanh sạch, sảng khoái đón năm mới về.

Tùy thói quen và sở thích của mỗi gia đình, nồi nước tắm có thể gồm những thứ cây lá có mùi thơm khác nhau, nhưng đơn giản mà lại truyền thống nhất thì nguyên liệu chỉ cần cây mùi già.

Lá mùi có vị cay, tính ấm, có tác dụng lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh, phục hồi sức khỏe. Bởi vậy, nước lá mùi tạo cảm giác tinh khiết, nhẹ nhàng, dễ chịu, rất thích hợp cho ý nghĩa của việc tắm tất niên.

Cây mùi dùng để tắm phải là loại mùi già đã trổ hoa, kết trái. Bạn nên chọn cây có cả rễ, đặc biệt là cây có nhiều hạt, vì hạt mùi được đánh giá là phần thơm nhất của cây.

Hướng dẫn nấu nước lá mùi 

Bước 1: Rửa sạch bó lá mùi. Khi rửa chú ý nhẹ tay, xối nước từ từ không để lá bị nát.

Bước 2: Cuộn bó lá mùi lại sao cho gọn trong nồi, đổ nước phải ngập mặt lá. Nếu không đổ ngập, mùi của nồi nước lá sẽ ngai ngái.

Bước 3: Bắc nồi lên bếp bật lửa to, đợi nước sôi. Đun sôi 2 phút là tắt bếp.

Như vậy, bạn đã nấu xong một nồi nước lá mùi già cho cả nhà vào chiều cuối năm, để sẵn sàng đón năm mới với khởi đầu tốt đẹp hơn.

Một số lưu ý khí sử dụng nước lá mùi

- Những người mắc bệnh viêm da tuyệt đối không tắm nước lá mùi khi da có vết thương hở, bong tróc, nhiễm trùng hay viêm da bởi chúng có thể khiến tình trạng nghiêm trọng hơn.

- Không nên sử dụng nước lá rau mùi già để tắm cho trẻ sơ sinh.

- Những người bị ốm không nên tắm lá mùi, bởi khi cơ thể đang không khỏe, cảm, sốt sẽ khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.

- Những người bị thủy đậu hay sởi cũng không nên tắm nước lá mùi bởi sẽ làm tăng thời gian ủ và phát bệnh gây nguy hại cho sức khỏe.

- Không nên tắm nước lá mùi quá đặc, mỗi lần dùng bạn có thể hòa 1 tới 2 gáo nước cốt lá mùi ra chậu nước ấm./.

Tết đến Xuân về không chỉ mang đến niềm vui, sự đoàn viên, sum họp, Tết còn là sự khởi đầu mới với những ước mong, hy vọng. Vì thế, Tết  luôn được người Việt mong chờ và được mỗi gia đình chuẩn bị kỳ công, kỹ lưỡng. Nhằm giúp độc giả đón một cái Tết thật đầm ấm, đủ đầy, Hanoionline sẽ ra mắt quý vị khán giả chuyên mục CẨM NANG ĐÓN TẾT. Chuyên mục gồm những bài viết, video clip, hình ảnh minh họa sinh động, dễ thực hiện, giúp độc giả hiểu rõ những phong tục, tập quán trong văn hóa đón Tết của người Việt, những nguyên tắc, chuẩn mực trong nghi lễ thờ cúng tổ tiên, báo hiếu ông bà, cha mẹ, những ‘bí kíp’chế biến các món ăn truyền thống.

Để được thảnh thơi mà vẫn có một cái Tết trọn vẹn hãy đón xem  CẨM NANG ĐÓN TẾT trên Hanoionline.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nhắc tới bánh chưng là mong tới Tết. Càng ngày, bánh chưng càng phổ biến, dễ tìm mua. Nhưng được tận tay gói những bánh chưng truyền thống, vuông vắn vẫn là cảm giác thật ấm áp, tự hào bên gia đình và người thân.

Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các gia đình Việt thường tiến hành bao sái bàn thờ và rút tỉa chân hương để trừ bỏ những điều không tốt của năm cũ, đồng thời thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và các vị thần linh.

Chơi hoa Tết mỗi nhà, mỗi vùng miền lại có những sở thích, đặc trưng khác nhau. Những bình hoa Tết cổ truyền của người Hà Nội thường có hai xu hướng: lọ hoa tổng hợp (với lay-ơn, thược dược, violet...) và bình hoa đơn loại. Để có được bình hoa đẹp trang hoàng rực rỡ cho ngôi nhà của bạn trong dịp Tết đến Xuân về, bạn hãy tham khảo hai cách cắm dưới đây,.

Chơi quất đã trở thành một nét đẹp truyền thống trong những ngày Tết ở Hà Nội. Một cây quất cảnh đẹp để bày ngày Tết phải hội tụ đủ các yếu tố như quả xanh, quả chín, lá xanh, lộc, hoa. Nên chọn cây có độ sai quả vừa phải, vì khi cây quá sai, quả sẽ nhỏ và nếu như trên cây có độ một ít quả xanh, quả ương nữa thì thật tuyệt, bởi nó tựa như các thế hệ trong một gia đình đề huề, hạnh phúc

Theo phong tục của người dân miền Bắc, cùng với quất cảnh, đào là một loại hoa không thể thiếu trong ngày Tết. Bởi người xưa quan niệm, gỗ đào và màu rực rỡ của hoa đào có thể xua đuổi tà khí, mang lại may mắn, nhiều tài lộc và bình yên cho năm mới.

Đã thành tập tục trong đời sống tinh thần của người Việt, trong nghi thức cúng ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp của mỗi gia đình không thể thiếu cá chép. Bởi theo quan niệm dân gian, đây là phương tiện để ông Táo về trời. Nhưng để chọn cá được đẹp, cũng như cách thả cá đúng cách sau nghi thức cúng như thế nào thì không phải ai cũng biết.