Cám, phiên bản kinh dị dân gian nhuốm màu u tối
“Tấm Cám” là truyện cổ tích nổi tiếng bậc nhất trong kho tàng dân gian Việt Nam. Dù ở thời đại nào, tác phẩm vẫn mang nhiều giá trị về cách đối nhân xử thế, về chuyện “ác giả ác báo”, chuyện về cái ác - cái thiện và cái xấu - cái đẹp.
Năm 2016, Ngô Thanh Vân từng làm “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” đem tới một góc nhìn khác biệt mang hơi hướng giả tưởng cho câu chuyện kinh điển này. Chi Pu cũng từng mang tới góc nhìn khác về nhân vật Cám - vốn là phản diện trong truyện - trong MV “Anh ơi ở lại”. Nay, “Tấm Cám” lại trở thành nguồn cảm hứng cho phiên bản kinh dị “Cám” của đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân.
“Cám” bắt đầu từ câu chuyện về dòng tộc của lý trưởng Hai Hoàng (Quốc Cường thủ vai). Đam mê phú quý, tổ tiên của ông giao kèo với quỷ dữ tên Bạch Lão (được cho là lấy cảm hứng từ nhân vật Bụt). Cứ 10 năm, dòng họ phải hiến tế một trinh nữ cho Bạch Lão để đổi lấy sự sung túc, bình an cho gia tộc và cả ngôi làng hương. Qua nhiều thế hệ, Bạch Lão mỗi lúc một mạnh hơn, không ngừng sai khiến gia đình Hai Hoàng lâm vào cảnh bi kịch và gieo rắc biết bao tai ương đến người dân làng hương.
Tấm (Rima Thanh Vy đóng) và Cám (Lâm Thanh Mỹ đóng) là hai con gái cùng cha khác mẹ của nhà lý trưởng Hai Hoàng. Trong khi Tấm xinh đẹp, nết na, thùy mị nên được cha cưng chiều hết mực cưng chiều, còn Cám từ khi sinh ra đã mang gương mặt quái dị và bị đối xử như người ở vì bị coi là nỗi ô nhục của dòng họ. Khi Tấm và Cám ở độ tuổi cập kê, hạn hiến tế ập tới. Hai Hoàng chọn hy sinh Cám, nhưng Tấm lại lọt vào tầm ngắm của Bạch Lão và tạo nên tấn bi kịch kinh hoàng đổ xuống làng hương.
Những yếu tố gây tò mò
Sau 3 ngày chiếu đầu tiên, “Cám” đã cán mốc 50 tỷ đồng và thẳng tiến, được nhận định sẽ gia nhập câu lạc bộ phim Việt trăm tỷ vào tuần tới khi doanh số tiếp tục tăng và không có đối thủ ở rạp chiếu. Có nhiều yếu tố lôi kéo khán giả tới rạp xem “Cám”. Đầu tiên “Tấm Cám” là câu chuyện cổ tích quen thuộc với tất cả thế hệ người Việt từ xưa đến nay, nên phim điện ảnh về câu chuyện này ít nhiều đều gây tò mò, kích thích khán giả ra rạp, nhất là khi phim còn được kể theo hướng kinh dị - khác với thông thường.
Phim đi sâu vào việc xây dựng nội tâm của Cám - từ việc sinh ra mang hình hài xấu xí và lý do khiến nhân vật này trở nên độc ác và thù hận. Bị cho là nỗi ô nhục của dòng họ vì ngoại hình, Cám bị cha mẹ ruột ghẻ lạnh. Nếu như trong truyện, Tấm và Cám được cho là không thân thiết thì ở phiên bản này ngược lại, Tấm lại là người duy nhất quan tâm, chăm sóc ân cần cho Cám. Chị em Tấm và Cám trong phim thân thiết đến mức có thể mặc chung đồ, tâm sự những chuyện thầm kín nhất và bảo vệ lẫn nhau.
Cám tạo được hiệu ứng thị giác tốt ngay từ những hình ảnh trong poster và lên phim, từ trang phục, tạo hình của các nhân vật đều gây được ấn tượng, đặc biệt phần hóa trang rất mãn nhãn với những ai yêu thích dòng phim kinh dị body horror. Bối cảnh làng hương 500 năm cùng hơn 300 cổ phục được thiết kế bắt mắt, tái hiện cảnh sắc Việt Nam xưa đặc sắc với nhiều nét văn hóa, đặc biệt là các phiên chợ, lễ hội làng.
Khuôn mặt biến dạng của Cám hay tạo hình ma quái của Bạch Lão và cả những hồn ma bóng quế trong phim đều có thể hù dọa được khán giả yếu bóng vía, cho thấy Cám là một phim kinh dị làm tốt được phần không khí, tạo hình.
Trang phục trong phim có tính thẩm mỹ cao, từ đồ của Hai Hoàng, các bộ váy áo của mẹ kế hay trang phục của Tấm khi tiến cung đều cho thấy sự đầu tư.
Nổi bật nhất trong dàn diễn viên chính là diễn xuất của Lâm Thanh Mỹ trong vai “Cám”. Từng được mệnh danh là “Em bé đáng sợ nhất phim Việt” sau vai diễn gây ám ảnh trong phim “Đoạt hồn” cách đây tròn 10 năm, Lâm Thanh Mỹ cho thấy độ chín về diễn xuất. Ở những trường đoạn đáng thương hay đáng sợ, nữ diễn viên trẻ đều có sự biến hóa xuất thần, khiến nhiều khán giả phải khâm phục, đặc biệt ở một vài cảnh khó cần diễn xuất bằng ánh mắt.
Đuối hơn Lâm Thanh Mỹ, Rima Thanh Vy cũng có vài trường đoạn nổi bật nhưng chỉ ở cuối phim. Phần lớn thời lượng Tấm có tính cách đơn điệu, một màu và chỉ thực sự biến đổi sau cú “lật” cuối phim. Các diễn viên tuyến phụ dừng ở mức tròn vai.
Câu chuyện lê thê, nhiều chi tiết dễ dãi
Biến “Tấm Cám” thành một câu chuyện kinh dị là ý tưởng độc đáo, mới lạ nhưng lúc triển khai ra, dường như êkíp bị lúng túng trong việc thể hiện ngôn ngữ kể chuyện sao cho gọn gàng. Phim “Cám” ôm đồm nhiều chi tiết, có những thứ đặc trưng trong truyện cổ dân gian được đưa vào nhưng nhiều cái chỉ là đưa vào cho có, không phục vụ được mạch truyện kể vốn đang theo hướng kinh dị. Chính vì thế, chiều dài 123 phút khiến phim trở nên lê thê, nhiều chi tiết bị rối và lạc lõng với mạch chung như chặt cây cau, cá bống.
Việc triển khai dựa trên một câu chuyện quen thuộc với người Việt theo hướng khác đi vốn không đơn giản, chính vì thế có nhiều tình huống khó xử lý thì chuyện phim lại chọn cách… cho qua hoặc xử lý khá dễ dãi, dẫn đến thiếu thuyết phục như khi Cám bị quỷ dữ chiếm lĩnh thân xác và trở về nhà nhưng những người liên quan vụ hiến tế không có động thái nào khác biệt. Nhân vật thái tử nhặt được chiếc hài của Tấm cũng không có chi tiết nào cho thấy phải lòng Tấm để đến mức phải ra lệnh cho các cô gái phải đến thử hài để chọn vợ.
Ngoại trừ Cám, nhiều nhân vật thậm chí như Bạch Lão đều được xây dựng rất bị động, đơn điệu và một số chỗ thoại của diễn viên lồng tiếng còn không khớp với khẩu hình.
Phim mở đầu giới thiệu dài dòng nhưng đến đoạn kết lại xử lý khá nhanh, dường như để đón đầu cho phần sau nên bị tình trạng “đầu voi đuôi chuột” khá đột ngột.
Việc chuyển thể các câu chuyện dân gian cổ đã quen thuộc lên điện ảnh và kết hợp sáng tạo, đổi mới đã trở thành xu hướng của các nhà làm phim Việt, từ “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “Trạng Tí” và nay là “Cám”.
Phim kinh dị về Tấm Cám cho thấy sự đầu tư về hiệu ứng, hóa trang, phục trang và bối cảnh nhưng cách kể chuyện vẫn chưa thuyết phục để khiến người xem phải “Wow”. Phim có thể vẫn sẽ cán mốc 100 tỷ đồng vì tò mò nhưng chắc chắn sẽ tạo nên nhiều ý kiến trái chiều rõ rệt.
Hãy cùng chúng tôi chờ xem con số của “Cám” vào cuối tuần này, khi phim đang rộng đường tại các rạp chiếu và không bị cạnh tranh bởi đối thủ nào.
2 bộ phim “Hà Nội trong mắt em” và “Mật lệnh hoa sữa”, nằm trong dự án “Vì tình yêu Hà Nội” của Đài Hà Nội đã đi hơn nửa chặng đường. Hai bộ phim gây chú ý và nhận được sự quan tâm của truyền thông. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi cả hai đều là những dự án phim truyền hình được đầu tư kỹ lưỡng, với nội dung hấp dẫn và dàn diễn viên thực lực.
Thị trường phim Tết 2025 đang nóng lên với sự xuất hiện của hàng loạt dự án mới từ những đạo diễn, nhà sản xuất đình đám. Các bộ phim đa dạng về thể loại, câu chuyện gần gũi, ý nghĩa, phục vụ nhiều đối tượng khán giả.
Sau thời gian tập trung vào công việc kinh doanh và không xuất hiện tại các sự kiện giải trí, Nhật Kim Anh khiến người hâm mộ bất ngờ khi công bố chuẩn bị đón con thứ hai.
Giữ đúng lời hứa với fan trong một đêm nhạc tại Hà Nội vào ngày 14/12, sáng nay 17/12, Sơn Tùng M-TP gây sốt khi đăng tải loạt ảnh ngồi xích lô đi dạo hồ Tây.
Chắc hẳn nhiều khán giả 9x đã quen thuộc với giai điệu của “Tình yêu màu nắng” - bài hát gắn liền với tên tuổi của ca sĩ Đoàn Thúy Trang. Và sau 5 năm vắng bóng, Đoàn Thúy Trang đã trở lại làng nhạc Việt với album “Hoa, Mây, Mưa”.
Ca sĩ Orange là một trong những giọng hát rất có duyên với các bản nhạc phim. Nhiều ca khúc của cô như "Tự sự", "Để trái tim cất lời",… được “chọn mặt gửi vàng” cho loạt phim điện ảnh trong nước. Mới đây nhất, nữ ca sĩ tiếp tục gây bất ngờ khi góp giọng trong bản OST chính thức của bộ phim hài lãng mạn Hàn Quốc “Mary you”.
0