Cảm xúc mùa đông

Đông về khiến ai đó lạnh lẽo, cô đơn và quạnh vắng tâm hồn... Hình như giá lạnh làm người ta hay suy tư hơn, làm người ta hay nhớ nhung hơn, làm người ta thêm khao khát.

Mùa đông không biết có mấy ai mong chờ, nhất là những người đã bước qua thời tuổi trẻ. Sự buồn tẻ trong hiu quạnh, giá lạnh trong tâm hồn lại càng khiến con người ta rơi vào miền xưa đầy thương nhớ... Mùa đông về khiến làn da ai thêm tê tái, mái tóc nào thêm bạc, thêm nhàu, bờ vai càng thêm gầy guộc. Nắng vội vã bước qua thu. Còn đâu nữa thời con gái mùa đông làm hồng đôi má thắm khoe sắc đang xuân thì. Sương lạnh em chưa qua, thu về em chưa tỏ, đông đến em vẫn háo hức đón chờ.

Mùa đông về ai hoang hoải, ai hoài mong những tháng ngày đã cũ. Tôi nhớ dáng mẹ liêu xiêu, mong manh trong tấm áo sờn mùa đông giá rét. Tôi nhớ mẹ ngồi tháo len áo cũ đan áo mới vừa vặn cho tôi. Mùa đông tuổi thơ tôi bộn bề trong nỗi nhớ, đứng ngóng mẹ từ đầu ngõ cuối chiều. Để giờ đây đông về tôi mãi miên man trong miền ký ức, muốn ôm vai mẹ gầy, muốn nói lời thương mẹ… mẹ ơi!

Mùa đông về, tôi nhớ bà co ro bên bếp lửa, chẳng thể rời xa căn bếp ấm, nơi tro tàn trấu ủ, phảng phất khói cay nồng. Mùa đông về, tôi nhớ gió bấc ngoài hiên ào ào thổi, lách qua khe liếp hẹp cùng với đêm trườn nhẹ vào phòng. Tôi nhớ mình cuộn người trong chăn ấm, ru tiếp giấc nồng tuổi nhỏ. Mặc ngoài kia tàu lá chuối, lá dừa xào xạc trong đêm lạnh. Mùa đông về khiến chú mèo con cũng lười dậy khoanh tròn lừ gừ bên tro ấm. Chúng chỉ chờ nắng lên dùng đuôi nghịch đùa cùng bóng nắng.

Mùa đông về, có nỗi nhớ nào cuộn trào để bùng lên như lửa? Có hối hả nào, có khát khao nào từng đêm, từng đêm sưởi ấm đôi bàn tay, sưởi ấm trái tim, xoá tan niềm cô quạnh, sẻ chia một đỗi chân thành. Mùa đông nén những nỗi niềm để mùa xuân bung vỡ. Nụ tầm xuân thoả sức khoe mình trong nắng non tươi. Vài cánh én ngoài kia đang chở ấm áp về./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Dường như hầu hết ở các làng quê Việt bây giờ, cùng với những thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thì cổng làng gắn với tên làng đã tạo nên nét riêng dáng dấp của một làng lưu dấu trong tâm khảm mỗi người. Những tên gọi của làng thường hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa nhân văn sâu xa, mang cả ước vọng khát khao của cha ông một thuở lập làng với sự bình an, ấm no đầy đủ. Vì thế, danh xưng những tên làng cứ lưu mãi qua từng thế hệ…

Hà Nội đón tôi đương vào khoảnh khắc giao mùa. Gánh hoa loa kèn trắng tinh khôi tỏa mùi hương dịu nhẹ giao hòa trong làn gió nhè nhẹ khiến tâm hồn đa cảm thêm khắc khoải giao cảm với đời, để mênh mang thương nhớ hương vị cà phê Giảng - thức uống trở thành một phần thân thương, một phần văn hóa của Hà Nội phố.

Mẹ tôi không nghiện trầu cau nhưng mẹ vẫn trồng một giàn trầu xanh mơn mởn. Mẹ bảo nhà có giàn trầu mới ấm áp. Nhưng tôi hiểu mẹ đã gửi gắm vào đó biết bao nhiêu ân tình và cả nỗi nhớ về ngoại khôn nguôi.

Sống nhẩn nha giữa đời vội vã có thể chưa từng dễ dàng với chúng ta. Nhưng khi bước đi dưới những tán lá xanh xào xạc theo con gió, dưới bầu trời một màu ngăn ngắt xa xôi, tôi cảm giác hồn mình như cánh bồ công anh mảnh khảnh tự do bay mãi, chẳng nghĩ ngợi gì. Có những ngày như thế, những khoảnh khắc như thế. Chỉ cần im lặng hít thở thôi cũng đủ hạnh phúc.

Hà Nội với tôi là những thương nhớ đầu tiên từ hồi tôi đi thi đại học. Hà Nội đã lấy đi của tôi bao nhiêu nước mắt và còn là giấc mơ mà tôi chẳng thể chạm vào. Hà Nội là nhưng kỷ niệm của tôi khi biết người thương nhập viện, là khoảnh khắc thót tim khi đưa con ra cấp cứu viện nhi, là khoảnh khắc cháy lòng khi cha bệnh trọng. Và là khoảnh khắc đi chơi về muộn, thấy những người dân lầm lũi ngủ ngon lành nơi gầm cầu, trong lòng cống...

Trải qua các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đất nước ta đã sản sinh ra những thế hệ thanh niên đại diện cho mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước. Như thế hệ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; thế hệ một thời hoa đỏ 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước'; thế hệ 'sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử' trong chiến tranh bảo vệ biên giới...