Căn nguyên của tình trạng hỗn loạn và bạo lực tại Anh
Làn sóng bạo loạn gây bất ngờ tại Anh cho thấy tác động khôn lường của thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Những tin giả kích động kỳ thị chủng tộc, tôn giáo dễ dàng qua mặt công chúng, được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, bùng phát thành bạo lực trên đường phố. Sự việc một lần nữa cho thấy tư tưởng phân biệt chủng tộc, bài xích người da màu vẫn tồn tại trong xã hội Anh hiện nay.
Làn sóng biểu tình bạo lực lan rộng tại Anh
Các cuộc bạo loạn bắt nguồn từ tin đồn thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội sau sự việc ba bé gái bị đâm chết tại một lớp học múa ở Southport hôm 29/7. Cảnh sát Anh bắt được nghi phạm tại hiện trường, nhưng không công bố danh tính do người này chưa thành niên.
Các bài đăng trên mạng xã hội sau vụ đâm dao cho hay, kẻ tấn công là Ali Al-Shakati, người tị nạn Hồi giáo đến Anh bằng thuyền năm ngoái và nằm trong danh sách theo dõi của cơ quan tình báo MI6.
Thông tin giả này lan truyền nhanh đến mức cảnh sát Anh buộc phải phá lệ, công bố danh tính nghi phạm. Đó là Axel Rudakubana, 17 tuổi, sinh ra tại Cardiff, Anh và sống gần thành phố Southport. Cảnh sát chưa công bố động cơ của nghi phạm, nhưng cho biết đây không phải vụ tấn công khủng bố. Các thông tin lan truyền trên mạng xã hội đều được cảnh sát xác nhận là sai sự thật, song chúng lại là nguyên nhân bùng phát biểu tình bạo lực nhằm vào người tị nạn và cộng đồng Hồi giáo trên khắp nước Anh.
Vụ bạo loạn đầu tiên xảy ra ở Southport ngày 30/7 tại một buổi cầu nguyện cho các nạn nhân. Hàng trăm người biểu tình tụ tập bên ngoài một đền thờ Hồi giáo, trong đó các đối tượng quá khích đốt xe cảnh sát, ném gạch, đá và pháo sáng vào đền thờ và cảnh sát, khiến hàng chục người bị thương.
Sau vụ bạo loạn ở Southport, từ ngày 31/7 đến 9/8, khoảng 100 cuộc biểu tình cực hữu và biểu tình phản đối cực hữu nổ ra tại hàng loạt thành phố lớn trên khắp nước Anh.
Nhiều trong số này biến thành bạo loạn khi những đối tượng cực đoan tấn công cảnh sát bằng bình chữa cháy, ném chai lọ, gạch đá, pháo sáng, bom xăng, đốt xe cảnh sát, đốt và cướp phá các cửa hàng, bao vây các đền thờ Hồi giáo và tấn công các khách sạn là nơi cư trú của người xin tị nạn.
Bên cạnh đó, một làn sóng biểu tình và tuần hành phản đối phân biệt chủng tộc tại Anh cũng diễn ra, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân tại nhiều thành phố lớn trên khắp nước Anh, trong đó có thủ đô London. Tại nhiều nơi, số người tham gia sự kiện đã vượt xa số người tham gia biểu tình phản đối người nhập cư. Lực lượng cảnh sát đã được tăng cường để duy trì trật tự và ngăn chặn nguy cơ xảy ra đụng độ giữa các nhóm biểu tình. Theo nguồn tin từ cảnh sát, gần 6.000 cảnh sát chuyên trách đã được huy động để sẵn sàng dập tắt các cuộc biểu tình bạo lực được các nhóm cực hữu lên kế hoạch trong ngày 7/8 cũng như ứng phó với tình trạng mất trật tự trong những ngày tới.
Tại cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc ở phía Bắc thủ đô London, đám đông cầm biểu ngữ ủng hộ người nhập cư tụ tập bên ngoài một trung tâm tư vấn nhập cư, nhằm ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng đối với cơ sở này.
Bà Jo Cardwell, nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc cho biết: "Sự đa dạng là sức mạnh của chúng ta. Những người hàng xóm Hồi giáo là anh chị em của tôi. Nếu họ bị tấn công, tôi cũng bị tấn công, vì họ là một phần trong cộng đồng của tôi. Những người nhập cư làm việc rất chăm chỉ, cống hiến cho cộng đồng, và họ mang đến sự giàu có về văn hóa. Vì vậy, thực ra, tôi nghĩ đấy là những điều nên được tôn vinh và bảo vệ, chứ không phải là đáng sợ".
Ông Paddy Mackle, Liên hiệp các Công đoàn tại Bắc Ireland, Vương quốc Anh cho hay: "Trong xã hội của chúng ta, chúng ta chào đón tất cả người lao động, tất cả mọi người, bất kể màu da, tôn giáo, dân tộc, giới tính, quốc gia gốc, niềm tin chính trị. Tất cả chúng ta đều là con người, xứng đáng được đối xử bình đẳng. Chúng ta chào đón và trân trọng sự đa dạng tuyệt đẹp của xã hội dưới mọi hình thức".
Đụng độ bạo lực dữ dội xảy ra giữa phe cực hữu và phía phản đối phe cực hữu cũng như giữa hai phe này với cảnh sát. Thủ tướng Anh Keir Starmer đã hủy kế hoạch nghỉ mát cùng gia đình ở châu Âu và quyết định ở lại Anh, để tập trung vào việc phối hợp các nỗ lực nhằm xử lý các cuộc bạo loạn.
Hiện các nghi phạm gây rối trật tự công cộng đang bị cảnh sát đột kích, vây bắt. Ngày 9/8, tòa án Anh đã kết án tù hai đối tượng nam giới có các hành vi kích động bạo lực cực hữu trên mạng xã hội liên quan vụ đâm dao tại thị trấn Southport.
Thủ tướng Anh Keir Starmer cho rằng: "Điều đó sẽ gửi một thông điệp rất mạnh mẽ tới bất kỳ ai liên quan, trực tiếp hoặc trực tuyến, rằng họ có thể sẽ bị xử lý trong vòng một tuần và không ai, không ai nên dính líu đến sự hỗn loạn này".
Căn nguyên của tình trạng hỗn loạn và bạo lực tại Anh
Theo tờ Arab News, mùa hè năm 2024 đã chứng kiến một làn sóng bạo loạn chưa từng có ở Anh. Các cuộc bạo loạn này không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản mà còn làm dấy lên một làn sóng tranh luận sâu rộng về nguyên nhân và ý nghĩa của chúng. Nguyên nhân sâu xa của cuộc bạo loạn không chỉ là hành vi bạo lực mà còn phản ánh sự bất mãn xã hội rộng lớn hơn. Thông tin sai lệch trên mạng xã hội cũng đã kích động sự phẫn nộ của công chúng. Bất bình đẳng xã hội và chính sách di cư cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra sự bất mãn và bạo loạn này.
Trên thực tế, làn sóng bài trừ Hồi giáo trong những năm qua đã gia tăng nhanh chóng tại Anh. Theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ, tội phạm thù hận về chủng tộc và tôn giáo đang đứng ở mức cao, trong đó Hồi giáo là nhóm tôn giáo bị nhắm tới nhiều nhất.
Một báo cáo được công bố năm 2023 cho thấy các sự việc bạo lực liên quan đến Hồi giáo đã tăng gấp đôi trên khắp nước Anh trong giai đoạn 2012-2022, với những lý do như hoạt động cực hữu gia tăng hay các cuộc tấn công chống Hồi giáo trên toàn cầu.
Tờ Independent tiết lộ một nhóm chính trị Hồi giáo đã bị "công kích" bằng những lời lăng mạ phân biệt chủng tộc và đe dọa bạo lực trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 7, khiến họ phải báo cáo với cảnh sát.
Hồi tháng 3, nhiều người Hồi giáo ở Anh cho hay họ rất sợ hãi khi phải ra khỏi nhà lúc trời tối. Số liệu mới từ Nhóm Ứng phó Nạn kỳ thị Hồi giáo (IRU), trụ sở tại London, cho thấy số vụ bạo lực liên quan đến phân biệt đối xử với người Hồi giáo đã tăng vọt 365% kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra ở Dải Gaza tháng 10 năm ngoái.
Một số nhà phân tích cũng chỉ ra rằng: việc chính phủ chưa thực hiện được đầy đủ những chính sách về an ninh cũng là một nguyên nhân khiến các cuộc biểu tình nhanh chóng bùng phát thành bạo loạn.
Trước tình trạng bất ổn, người Hồi giáo tại Anh vô cùng lo lắng và bất an về những cuộc bạo loạn do các nhóm cực hữu tiến hành.
Cô Iman Atta, Giám đốc dự án Tell Mama cho biết: "Cộng đồng Hồi giáo đang bị khủng bố. Họ lo sợ cho sự an toàn của mình đến nỗi không thể đi ra ngoài. Họ lo sợ rằng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, như chúng ta đã thấy có những tài xế taxi bị tấn công, phụ nữ bị đe dọa và các nhà thờ Hồi giáo bị phá hoại. Và trong vài ngày qua, những điều này đã diễn ra hàng ngày trên khắp các khu vực khác nhau của Vương quốc Anh".
Một yếu tố quan trọng góp phần đẩy tình trạng bạo loạn lên cao chính là sự lan truyền của thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Các nhóm cực hữu và những người có ảnh hưởng trực tuyến đã sử dụng mạng xã hội để khuếch đại các thông tin sai lệch và kích động sự phẫn nộ của công chúng. Các nền tảng như X và Facebook đã trở thành công cụ quan trọng trong việc truyền bá các tuyên bố chống nhập cư và chống Hồi giáo.
Bộ trưởng Nội vụ Anh Yvette Cooper tuyên bố, các công ty truyền thông xã hội phải chịu một phần trách nhiệm khi lan truyền thông tin sai lệch dẫn đến bùng phát bạo lực. Trong khi tờ rơi về thời gian, địa điểm tổ chức biểu tình được phát tán tràn lan trên Facebook, video bạo lực xuất hiện trên TikTok, thì các ứng dụng WhatsApp và Telegram đã được sử dụng để kêu gọi người dân xuống đường biểu tình…
"Chúng ta đã thấy phương tiện truyền thông xã hội đã được sử dụng để tổ chức các vụ bạo loạn, thổi bùng lên căng thẳng và sự thù hận chủng tộc. Chúng tôi đảm bảo việc truy tố các tội phạm trực tuyến cũng như ngoại tuyến. Chúng ta mong đợi các công ty truyền thông xã hội sẽ chịu một số trách nhiệm, để đảm bảo rằng họ nhận ra những tác động của loại thông tin sai lệch đang bị lan truyền".
Bà Yvette Cooper, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh
Giám đốc chính sách và nghiên cứu tại Viện Ðối thoại chiến lược (ISD) Jacob Davey cho rằng, thông tin sai lệch không chỉ được lan truyền bởi những người muốn kích động bạo lực, mà còn bởi các nền tảng sử dụng thuật toán để ưu tiên hiển thị nội dung có khả năng thu hút nhiều tương tác nhất.
Một yếu tố khác là tình trạng bất bình đẳng xã hội và sự phân bổ không công bằng tài nguyên. Nghiên cứu cho thấy, sự gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo đã tạo điều kiện cho sự lan truyền của thông tin sai lệch và sự bất mãn trong cộng đồng. Sự thất vọng với chính phủ về việc không giải quyết được các vấn đề xã hội cơ bản đã dẫn đến việc tìm kiếm những đối tượng để đổ lỗi, trong đó có những người nhập cư và người xin tị nạn.
Tác động tới nền kinh tế
Có thể thấy, các cuộc bạo loạn ở Anh mùa hè năm 2024 phản ánh một sự kết hợp phức tạp của nhiều yếu tố, bao gồm sự thất vọng về chính phủ, tình trạng bất bình đẳng xã hội, và thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Sự kết hợp giữa các yếu tố này đã tạo ra một môi trường dễ bị kích động và dẫn đến các cuộc bạo loạn mà chúng ta đang chứng kiến. Chưa thể ước tính ngay mức độ thiệt hại mà các cuộc biểu tình bạo loạn gây ra đối với ngành bán lẻ nói riêng và nền kinh tế Anh nói chung. Tuy nhiên, rõ ràng là các cuộc bạo loạn đã gây ra một vết thương sâu hơn và lâu dài cho một nền kinh tế vốn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Nhỏ (FSB), ông Martin McTague đã cảnh báo làn sóng biểu tình bạo loạn đường phố ở các thị trấn và thành phố của nước Anh có nguy cơ gây ra những tổn thất đối với các cửa hàng bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ tại nước này. Ông nói rằng tình trạng phá hoại việc các doanh nghiệp đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19 là rất đáng lên án.
Các cửa hàng đã bị đốt cháy còn các khách sạn vốn là nơi trú ngụ của những người xin tị nạn đã trở thành mục tiêu trong các cuộc biểu tình bạo lực. Các cửa hàng bán lẻ nổi tiếng trong nước như Sainsbury’s, Greggs và Iceland cũng nằm trong tầm ngắm của những kẻ phá hoại, chịu thiệt hại đáng kể về tài sản và mất mát hàng hóa.
Ông McTague cho rằng có thể sẽ mất nhiều tháng và hàng triệu bảng Anh để khắc phục các tổn thất này. Đồng thời, ông kêu gọi chính quyền trung ương và địa phương hợp tác để hỗ trợ các công ty nhỏ hơn.
Ngoài tác động tài chính tức thời, các cuộc bạo loạn còn tạo ra bầu không khí căng thẳng, sợ hãi cho những người lao động ngành bán lẻ và cả khách hàng.
Khi người mua sắm lựa chọn ở trong nhà, các nhà bán lẻ đang phải đối mặt với một đòn giáng kép: Doanh số giảm và chi phí liên quan đến an ninh và sửa chữa tăng. Những thách thức này đang gây áp lực rất lớn lên các doanh nghiệp vốn vẫn phải vật lộn với chi phí tăng cao và bất ổn kinh tế.
Thiệt hại không chỉ giới hạn ở các cửa hàng riêng lẻ. Các nhà bán lẻ quốc tế có thể không muốn tham gia thị trường Anh hoặc mở rộng hoạt động của mình trước tình hình bất ổn như vậy.
Điều này có thể gây ra hiệu ứng lan tỏa đến nền kinh tế, dẫn đến tình trạng mất việc làm và giảm doanh thu thuế cho chính phủ.
Khi mọi chuyện lắng xuống, ngành bán lẻ Anh sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là tái thiết và phục hồi.
Chính phủ của tân Thủ tướng Keir Starmer vốn đang đối mặt không ít thách thức khi lên nắm quyền trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng yếu, năng suất kém, đầu tư thấp, nợ công và thuế cao kỷ lục, trong khi mức sống giảm mạnh.
Nhà nghiên cứu John Ross, Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương, Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết: “Tình hình kinh tế Anh đang ở mức cực kỳ nghiêm trọng, nhưng không phải có nghĩa là sụp đổ kinh tế, mà chỉ là tình trạng trì trệ kéo dài đang diễn ra. Nếu chúng ta nhìn vào tốc độ tăng trưởng, hiện tại con số GDP lớn nhất là 0,3 phần trăm, gần với tình trạng trì trệ. Thực tế là nền kinh tế Anh về cơ bản đã trì trệ trong gần một thập kỷ và mức sống đã trì trệ trong hơn một thập kỷ”.
Công đảng Anh vừa trở lại cầm quyền và Chính phủ của Thủ tướng Keir Starmer vẫn còn rất non trẻ nhưng đã phải đối diện không ít thử thách về đối nội. Giới quan sát cho rằng Thủ tướng Starmer đang đứng trước “phép thử” đầu tiên kể từ khi ông lên nhậm chức. Nhiều người đang trông đợi xem ông và chính phủ của mình sẽ hành động như thế nào để dập tắt, hoặc chí ít là kiểm soát tình trạng bạo loạn hiện nay.
Tại New York, Mỹ, một sáng kiến triển lãm những chú voi bằng gỗ đang thu hút nhiều sự chú ý của người dân địa phương và du khách.
Đồng yên đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2024 đến nay trong phiên giao dịch chiều ngày 13/9.
Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 11 khai mạc tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 13/9 với chủ đề chính “Cùng xây dựng hòa bình, cùng chia sẻ tương lai”.
Ngày 13/9, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết đã phối hợp với Bộ Ngoại giao Nga để chấm dứt công nhận tư cách của 6 nhà ngoại giao Anh ở Moscow với lý do có bằng chứng cho thấy hành động của họ có dấu hiệu gián điệp và phá hoại.
Ukraine được cho là đang huy động thêm lực lượng dự bị cho chiến dịch tấn công ở vùng biên giới Kursk của Nga, trong bối cảnh quân đội Nga bắt đầu các đợt phản công nhằm đẩy lùi quân Ukraine khỏi đây.
Cuộc tranh luận đầu tiên giữa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris đã trở thành tâm điểm của chiến dịch tranh cử năm 2024. Hai ứng cử viên đã có cuộc tranh luận “nảy lửa” và thu hút sự chú ý của cử tri trên kênh ABC News, đề cập đến một loạt vấn đề liên quan tới đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại.
0