Căn nhà quên gắn cổng
Phía trước nhà tôi ngày ấy có một cây me già cằn cỗi, thân to đến mức phải tận bốn người ôm mới xuể. Tán lá xum xuê của nó che phủ gần hết căn nhà gỗ nhỏ bé. Nếu ai tình cờ đi ngang mà không nhìn kỹ, hẳn sẽ chẳng thể nào thấy được tổ ấm nhỏ, nơi mà tuổi thơ tôi đã trôi qua trong bình yên và yêu thương. Nhà tôi nằm ngay mặt đường quốc lộ, nghe có vẻ oai lắm nhưng thật ra chỉ là một ngôi nhà được dựng lên từ những tấm ván gỗ đơn sơ, trên nền đất ruộng được bồi lên. Mỗi lần rẽ vào nhà, tôi luôn có cảm giác đang chơi trượt dốc. Mấy đứa bạn tôi hay chọc, bảo rằng nếu lỡ chạy xe vào nhà tôi mà phanh không kịp thì chỉ có nước đi làm lại hàm răng. Mà đúng là như vậy, đường vào nhà tôi cứ xả dốc cho đến khi dừng ngay trước cửa.
Nhà tôi không có cổng. Không giống như nhà cô Hai xóm trên với hàng rào vá chằng vá đụp từ những mảnh nhôm cắt dở, hay nhà cậu Tư xóm giữa với cổng đắp bê tông kéo lưới mắt cáo, hoặc nhà bà Sáu xóm dưới với hàng rào tre thắt mấu bằng kẽm quấn tròn, nhà tôi đơn giản, chỉ có cây me già trấn giữ trước sân. Một lần, ban trưa, mẹ tôi ngồi dưới gốc cây me, nhấp miếng trà, nhìn sang ba rồi chép miệng: hay nhà mình cũng làm cái cổng đi ông? Khẽ hít một hơi thuốc lá dài, ba tôi đáp lại: nhà mình có gì đáng giá đâu mà cổng với rào.
Không rõ mẹ tôi muốn làm cổng cho giống với người ta hay muốn thêm một rào chắn bảo vệ tổ ấm nhỏ của mình. Còn ba trả lời câu ấy vì xót xa nhà chẳng có gì đáng tiền hoặc có thể điều đó với ba là xa xỉ. Nhưng dù nhà không có cổng, điều ấy cũng chẳng làm giảm đi những nốt yêu thương trong bản tình ca gia đình. Sáng sớm, sau khi no nê với những món ăn mẹ cặm cụi chuẩn bị trong bếp, tôi hăm hở nhảy lên chiếc xe đạp, sẵn sàng lấy đà phóng lên dốc. Như thường lệ, giữa tiếng gió vuốt qua nhành me, phía sau sẽ vọng dài tiếng mẹ dặn dò tôi trước khi đi học, mẹ bảo đã nấu sẵn đồ ăn trong bếp và nhắc tôi nhớ ăn trưa để không bị đói. Tôi lúc nào cũng đáp lại, kéo dài chữ "dạ" như muốn trêu mẹ, tiếng nói cười của tôi cứ vậy hoà lẫn vào tiếng gió lao xao.
Tối đến, sau bữa cơm, ba lại bắc cái ghế ra, dựa vào cánh cửa gỗ đã phai màu, chi chít những vết gỡ đinh. Ba thường bảo tôi nhổ tóc sâu cho ba và hứa rằng nếu tôi làm giỏi, ngày mai sẽ thưởng cho tôi một ngàn đồng. Một ngàn hồi đó với tôi là cả một món lớn, đủ để mua hai cây kem, một cây tôi tự thưởng, một cây để chia sẻ với đứa bạn thân. Tôi vừa cẩn thận nhổ tóc cho ba, vừa đếm từng sợi, lòng đầy hân hoan. Khi thấy số tóc đã đủ, tôi còn hứng khởi nói rằng, con khuyến mãi cho ba thêm hai sợi nữa, lòng ngập tràn niềm vui ấm áp vô ngần.
Có những buổi ban trưa, khi đang nằm đong đưa trên chiếc võng dưới tán lá me vi vút gió, chợt ba nhớ đám cỏ bờ ngoài đồng chưa dọn. Vậy là ba mẹ tôi lại xách liềm đi cắt cỏ cho cá ăn. Trước khi đi, ba dắt sẵn hai chiếc xe đạp ra tựa vào gốc cây, cẩn thận cột dây ràng cho chắc chắn. Rồi ba bước đến cửa nhà, lớn tiếng nhắc mẹ mang theo nón lá. Giọng ba nghe có vẻ nặng lời, nhưng thực ra đó là cách ba mẹ tôi nặng tình với nhau. Vì nhà không có cổng nên giọng ba cứ thông thống theo gió lùa, còn nụ cười của mẹ thì vương lại trong ánh mắt ba, ấm áp và đầy trìu mến.
Nhà tôi không có cổng nhưng nhờ vậy tôi thấu hiểu được nỗi lòng của ba mẹ. Như cái đêm tôi nài nỉ mãi mẹ mới cho đi ăn chè với bạn. Trên đường về, tôi bị chiếc xe đạp từ đằng sau lao tới. Trán tôi đập vào cổ xe, máu chảy từ chân mày xuống khóe mắt. Đám bạn dìu tôi về nhà, vừa tới cửa đã thấy mẹ chờ sẵn từ bao giờ. Nhìn thấy tôi bị thương, mẹ hoảng hốt lắm, nhưng không hề la mắng. Mẹ chỉ lặng lẽ rửa vết thương cho tôi, trong lòng đầy lo lắng. Vừa lau đi dòng máu chảy trên trán tôi, mẹ vừa trách, vì thương tôi nên mẹ không nỡ cấm cản, nhưng rồi cũng chẳng thể yên tâm. Mẹ đã không dám ngủ, cứ ngồi chờ sẵn ngoài cửa, chẳng dám đóng lại vì lo lắng cho tôi suốt cả đêm.
Tuổi thơ trong căn nhà không cổng ấy cứ êm đềm trôi qua. Khi tôi khăn gói vào thành phố nhập học, mẹ sửa soạn đủ thứ, từ quần áo, thức ăn đến những món đồ vụn vặt. Vậy mà mẹ vẫn đi vào đi ra. Mẹ dặn dò tôi đủ điều về hành trình xa nhà phía trước.
Những ngày cuối tuần, tôi kể mẹ nghe về thành phố, về chuyện dù là tòa nhà cao chọc trời hay căn nhà xập xệ khu giải tỏa thì nhà nào cũng đều có cổng rào. Sau này, khi đi làm, bao nhiêu áp lực đổ dồn lên đôi vai, tôi lại trở về căn nhà dưới dốc ấy, nơi ôm ấp tất cả thương yêu vào lòng để nạp đầy năng lượng và tiếp tục hành trình mưu sinh. Thi thoảng, mẹ gọi điện cho tôi, giọng nói trong điện thoại đầy vẻ trông chờ. Mẹ bảo tôi cuối tháng về nhà chơi, mùa này bí đỏ đã già, mẹ sẽ nấu món bí um mà tôi yêu thích nhất. Tôi đáp lại mẹ, hứa sẽ sớm trở về, trở về với con dốc cao cao, với căn nhà nằm lặng lẽ dưới bóng râm xanh mát. Căn nhà ấy bao năm qua đều quên gắn cổng, như cách ba mẹ luôn chờ đón tôi về sau mỗi đận bôn ba.
Ngọc Nữ
Bà Tú và con dâu Linh mâu thuẫn về việc nhà và cách sống hiện đại. Linh bận rộn với công việc livestream bán hàng online nhưng bà Tú lại cho rằng con dâu lười biếng, không đảm đương trách nhiệm bếp núc. Khi Linh thuê người giúp việc để giải quyết công việc nhà, bà Tú cảm thấy bị xem thường và không được tôn trọng.
Khi Khánh gặp Linh, anh hơi bối rối vì Linh khác so với ảnh đã chỉnh sửa. Khánh gián tiếp chê Linh ngoại hình không gọn gàng và đưa ra lời khuyên rằng cô nên giảm cân. Quá buồn, Linh tìm đến cách uống thuốc giảm cân cấp tốc. Điều này đã gây hại đến sức khỏe và cho Linh một bài học.
Quy tắc ứng xử trong trường học đóng vai trò vô cùng quan trọng, là nền tảng cho văn hóa học đường văn minh, góp phần định hướng hành vi, cách ứng xử phù hợp của học sinh.
Thủ đô Hà Nội với bề dày lịch sử, văn hóa, từ lâu đã là nguồn cảm hứng dồi dào cho nghệ thuật nhiếp ảnh. Không ít nhiếp ảnh gia, trong đó có nhiếp ảnh gia Lê Bích đã dành tình yêu say đắm với Hà Nội, để từ đó, ghi lại từng khoảnh khắc thay đổi của thành phố này.
Hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam đang ngày càng mở rộng khi có tới 57 triệu người mua sắm trực tuyến online, truy cập các sàn thương mại điện tử mỗi năm chiếm hơn một nửa dân số. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều của những sàn thương mại điện tử, rất đông người dân đã chuyển đổi hình thức mua sắm từ trực tiếp sang trực tuyến.
Việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai được dự đoán sẽ tác động đến chính trị toàn cầu, đặc biệt là đối với điểm nóng Trung Đông. Có nhiều dấu hiệu cho thấy chiến lược của ông Trump đối với khu vực rất giống với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, nhưng vẫn có một số điểm khác biệt cần lưu ý.
0