Cần xử lý hình sự hành vi lũng đoạn, 'phá' đấu giá đất

Những tưởng sau những chấn chỉnh của cơ quan quản lý, đấu giá đất sẽ được tổ chức chặt chẽ hơn. Thế nhưng, những phiên đấu giá đất vẫn dường như đang trở thành “sân chơi dành riêng cho những người đấu giá chuyên nghiệp”. Họ sẵn sàng trả giá cao để loại bỏ những người dân có nhu cầu thực ở nơi đấu giá đất. Và khi cần, những đối tượng này có thể “phá” đấu giá đất bằng những cách làm không ai ngờ tới.

Trả 30 tỷ/1m² rồi đồng loạt không trả giá ở vòng kế tiếp

58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn được đưa ra đấu giá vào ngày 29/11. Các thửa đất có diện tích từ 90 – 224 m². Mức giá khởi điểm thấp chỉ 2.448.000/m². Cuộc đấu giá có 285 khách hàng với khoảng 1.000 hồ sơ tham gia, được tổ chức theo hình thức đấu tối đa 6 vòng bắt buộc, mỗi bước giá là 3 triệu đồng/m².

Bốn vòng đấu đầu tiên, cuộc đấu giá diễn ra bình thường. Nhưng đến vòng đấu thứ 5, hơn 40 lô đất đã được một nhóm khách hàng trả tới mức giá rất cao, trong đó có ba lô được trả tới trên 30 tỷ đồng/1m².

Cụ thể, các thửa đất có số hiệu A12, A13 và C6 đều được trả: 30.002.488.000 đồng/m². Hơn 20 lô đất khác cũng bị đẩy lên mức từ hơn 98 triệu đồng/1m² đến trên 101 triệu đồng/1m². Sau đó, sang đến vòng thứ 6 - vòng đấu cuối cùng để xét giá trúng thì nhóm khách hàng này đồng loạt không trả giá, các thửa đất đấu không thành công. Hành vi này cho thấy, một số đối tượng đang coi đấu giá như một trò đùa, có hành vi mang dấu hiệu cố tình phá hoại.

Tại diễn đàn Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển do Đài Hà Nội tổ chức, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) khẳng định: “Thị trường bất động sản ở Việt Nam chưa bao giờ phát triển lành mạnh.

Đấu giá cao để “kích sóng” rồi bỏ cọc

Ngày 10/8/2024, cuộc đấu giá 68 thửa đất ở thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai có số lượng kỷ lục trên 4.200 hồ sơ với hơn 1.500 tham dự. Lô đất được trả giá cao nhất có giá lên tới 100,5 triệu đồng/m². Lô thấp nhất cũng được trả giá 52 triệu đồng/m². Mức giá trên đều gấp từ 5 đến 8 lần so với giá khởi điểm từ 8,6 đến 12,5 triệu đồng 1m². So với mặt bằng giá trong khu vực cũng cao gấp từ 2 đến 3 lần.

Phiên đấu giá đất tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai đã thu hút số lượng kỷ lục với hơn 1.500 người tham gia cùng trên 4.200 hồ sơ.

Một chi tiết rất đáng lưu ý là trong danh sách trúng đấu giá chỉ có 2/68 trường hợp là người Thanh Oai, còn lại đến từ các quận, huyện và các tỉnh khác. Dù giá cao như vậy, nhưng ngay sau khi có kết quả trúng đấu giá, nhiều thửa đất đã được chào bán với mức chênh từ 200 tới 600 triệu đồng.

Ghi nhận thực tế cho thấy, ngay tại thực địa những ngày sau đấu giá, rất đông “cò đất”, nhà đầu tư tập trung. Có thửa đất đã được mua đi bán lại, nhưng chủ yếu là diện tích nhỏ, trả giá thấp. Rồi sau đó một tuần, chẳng còn ai đến hỏi mua. Tạo sốt ảo qua đấu giá và lướt sóng không thành công, 55 trường hợp trúng đấu giá đã bỏ cọc khi đến hạn nộp tiền.

Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Ngọc Sơn – Nguyên trưởng phòng kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới đã liên hệ việc bỏ cọc đấu giá đất ở Thanh Oai với vụ việc cách đây ba năm ở Thủ Thiêm, thành phố Hồ Chí Minh và cho rằng: Người ta chỉ cần gửi ra cái thông điệp giá đất đang cao, người dân, nhà đầu tư đã mua vào thì người ta lãi rồi, sau đó người ra sẵn sàng bỏ cọc. Nhiều người sẽ bị kẹt tiền, mặt bằng giá mới được thiết lập sẽ gây nhiều hệ lụy.

Đấu giá cao sau đó bỏ cọc làm chính sách đấu giá của Nhà nước bị ảnh hưởng. Những phiên đấu giá như vậy sẽ trở thành công cụ làm nhiễu loạn, gây méo mó cho thị trường bất động sản của địa phương. Từ đó, làm ảnh hưởng, không lành mạnh tới nền kinh tế chung và thị trường bất động sản nói riêng. Và nếu không có sự quyết liệt ngăn chặn nạn trả cao sau đó bỏ cọc thì sự việc có thể tiếp diễn tại các phiên đấu giá.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển.

Người dân tại nơi đấu giá đất bỏ cuộc vì giá quá cao

Ngày 24/11, cuộc đấu giá 34 thửa đất ở xã Hương Ngải huyện Thạch Thất đã kết thúc sau 13 vòng đấu với 15 tiếng đồng hồ. Hơn 300 người tham gia nhưng có tới 1.500 hồ sơ. Giá trúng tại đây đã bị đẩy lên khá cao hơn 59,3 triệu đồng/m², gần gấp đôi so với mặt bằng khu vực. Nhiều người dân làng nghề có nhu cầu thực đã phải ngao ngán phải bỏ cuộc giữa chừng.

Chị Nguyễn Thị Kim Nhung - Xã Hương Ngải - Huyện Thạch Thất ngao ngán nói: “Tôi muốn đấu một lô để ở, mong muốn giá trúng khoảng 35 triệu đồng/1m² nhưng vòng 5 đã lên 44 triệu đồng/1m² nên tôi bỏ".

Ông Phí Mạnh Chính - Xã Hương Ngải - Huyện Thạch Thất cho biết: “Tôi thấy, toàn người ở đâu đến đấu, 5 đến 6 tỷ một lô còn có người ở Hương Ngải mua được, 9 đến 10 tỷ một lô thì quá cao nên chúng tôi không thể tiếp cận được.”

Đằng sau việc bỏ cọc đấu giá đất là chiêu trò “kích sóng” đất nền ven đô.

Đáng nói, khu đấu giá đất thuộc làng nghề đồ gỗ của xã Hương Ngải. Người dân sở tại có nhu cầu mặt bằng cao. Tuy nhiên, tại cuộc đấu giá đất này, người dân Hương Ngải hay khu vực lân cận hầu như không đấu trúng vì giá bị đẩy lên cao. Giá trúng cao, người làm nghề có điều kiện mua đã khó, với những hộ nhiều nhân khẩu, họ không dám nghĩ đến việc mua đất cho con cái ra ở riêng.

Ông Nguyễn Hồng Trường - Xã Hương Ngải - Huyện Thạch Thất cho biết: "Người ở đâu người ta đến đây đấu, họ chốt giá cao thì trúng,  người làng rút thôi".

"Chúng tôi có nhu cầu nhưng không mua được, Nhà nước xem có chính sách thế nào chứ toàn cò đẩy giá thế này mua lại thì mua làm sao”.

Ông Liêu Tiết Sơn - Xã Hương Ngải - Huyện Thạch Thất kiến nghị.

Cần xử lý hình sự hành vi lũng đoạn, “phá” đấu giá đất

Tại diễn đàn: “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Hà Nội chủ trì tổ chức ngày 16/11, PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết: “Giá nhà, đất nhảy múa. Tôi dùng từ gọi là nhảy múa khiến cho xã hội bất an và người dân cũng bất an. Một số địa phương tổ chức đấu giá đất, như huyện Hoài Đức giá 133 triệu/m², huyện Thanh Oai hơn 100 triệu/m², khủng khiếp quá. Việc trả đất đấu giá cao dẫn đến kích sóng đất nền khu vực thiết lập một mặt bằng giá mới. Điều này làm cho chúng ta bất an và gây hệ lụy tiêu cực của xã hội. Câu chuyện này chúng ta không vội vàng khẳng định là có đầu cơ thổi giá hay không, nhưng chắc chắn là có dấu hiệu về câu chuyện như vậy. Cho nên rất cần các cơ quan công luận, các nhà làm hoạch định chính sách cũng như các cơ quan thực thi pháp luật, chính quyền địa phương phải can thiệp. Chúng ta không thể để tình trạng này diễn ra như vậy.”

Tại diễn đàn Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triểndo Đài Hà Nội tổ chức, PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội khẳng định: "Việc trả đất đấu giá cao dẫn đến kích sóng đất nền khu vực thiết lập một mặt bằng giá mới. Điều này làm cho chúng ta bất an và gây hệ lụy tiêu cực của xã hội".

Nhà báo Nguyễn Kim Khiêm - Tổng Giám đốc - Tổng Biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội trong phần phát biểu đề dẫn diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển”  cũng nhấn mạnh: “Nếu tình trạng này không được nhận diện, không được kiểm soát và có giải pháp thích hợp để dập tắt những cơn sốt ảo đẩy bất động sản này, thì hệ lụy đối với nền kinh tế, đối với sự phát triển kinh tế xã hội là khôn lường. Có lẽ đã đến lúc chúng ta không thể chấp nhận trở thành con tin của những kẻ lũng đoạn và thổi giá. Có lẽ đã đến lúc chúng ta không thể coi hành vi thổi giá và lũng đoạn thị trường là hoạt động kinh tế mà có thể nhìn nhận đó là tội phạm kinh tế.”

Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia, bởi hành vi thao túng thị trường bất động sản cũng giống như thao túng thị trường chứng khoán bởi tính chất tương tự mà hậu quả còn nghiêm trọng hơn.

Ông Lê Văn Long - Giám đốc tư vấn đầu tư - Công ty chứng khoán VPS cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm coi hành vi thao túng thị trường bất động sản là tội phạm kinh tế, tương tự như hành vi lũng đoạn trong thị trường chứng khoán. Bởi chúng ta thấy mức độ tương đồng cũng như sự nghiêm trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế, tới thị trường. Điều này sẽ giúp cho thị trường bất động sản phát triển bền vững, lành mạnh, đảm bảo lợi ích của người dân”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Trong thị trường chứng khoán chúng ta đã có những động thái xử lý những tình trạng như vậy. Rõ ràng trên thị trường bất động sản chúng ta cũng phải xử lý hành vi như vậy. Thậm chí trong luật an ninh mạng chúng ta đã có quy định lạm dụng hệ thống mạng và các phương tiện công nghệ thông tin để gây nhiễu loạn, tung tin thất thiệt cũng có thể phạm tội và chúng ta có thể xử được.”

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Nguyên trưởng Khoa Tài chính quốc tế - Học viện Tài chính cho hay: “Trước hết chúng ta thấy rằng cái hành vi thao túng thị trường, làm giá, thổi giá bong bóng của bất cứ thị trường nào cũng đều là tội phạm kinh tế. Và đã có các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, cho đến xử lý hình sự. Vấn đề quan trọng là cái hành vi thao túng này rất tinh vi và phong phú đa dạng. Vấn đề là làm sao để có thể chứng minh được đó là hành vi thao túng, thổi giá, làm giá cần được thực hiện một cách nghiêm túc. Và theo quan điểm của chúng tôi thì cần phải làm điểm, đối với một số trường hợp”.

“Phá” đấu giá đất ở huyện Sóc Sơn khi trả tới hơn 30 tỷ/1m² rồi đồng loạt không trả giá vòng kế tiếp chính là vụ việc điểm có thể điều tra, xử lý nghiêm túc. Bởi thực tế cho thấy, hành vi lợi dụng đấu giá đất để thổi giá, lũng đoạn thị trường đã được nhận diện. Và nếu không có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn sẽ chẳng khác nào “vết dầu loang” gây bất ổn thị trường bất động sản.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong kế hoạch sử dụng đất năm 2025 vừa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, huyện Đông Anh có 4 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích gần 179ha.

Nhà máy, trường học được di dời sẽ giải phóng một nguồn lực lớn về đất đai, tăng quỹ đất nội đô, vừa giúp giãn dân, giảm áp lực dân số, đặc biệt khi quỹ đất nội đô hiện ngày càng hạn hẹp. Nhưng để thực hiện điều này, vẫn còn một số thách thức đang được đặt ra.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ ký ban hành. Điều này sẽ đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị, nông thôn theo hướng phát triển bền vững có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và môi trường sống lành mạnh.

Trong tháng 1 này, nhiều huyện ngoại thành Hà Nội sẽ tổ chức đấu giá 82 lô đất. Đáng chú ý, đất huyện Ba Vì chỉ có giá khởi điểm từ gần 1 triệu đồng/m2.

Với những dự án đã khởi công và chuẩn bị triển khai, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, dự kiến trong năm 2025, thành phố sẽ có khoảng 15 nghìn căn hộ nhà ở xã hội được bán ra thị trường.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 1668 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.