Cần xử lý nghiêm hành vi ‘phá hoại’ đấu giá đất

Danh tính người trả giá 30 tỷ/1m2 cho 3 thửa đất ở xã Quang Tiến đã được huyện Sóc Sơn đã được công khai. Hành vi trả giá cao rồi bỏ cuộc trong các cuộc đấu giá gần đây không chỉ khiến nhiều thửa đất đấu giá bất thành mà còn có dấu hiệu thao túng, lũng đoạn để trục lợi trong hoạt động đấu giá đất. Việc xử lý hành vi này liệu có nên chỉ dừng lại ở phạt vi phạm hành chính?

30 tỷ đồng/1m² cho ba thửa đất nằm cách trung tâm Thủ đô 50 km - mức giá còn cao hơn rất nhiều lần giá nhà đất ở phố Tràng Tiền hay khu phố cổ - vốn đang được xác định cao nhất Hà Nội. Ngay cả những người lạc quan nhất cũng chưa tưởng tượng được mức giá này. Vậy nhưng, trao đổi với một số cơ quan truyền thông, người được cho là đã bỏ giá lại khẳng định: Đây là quyết định xuất phát từ ý chí cá nhân và tầm nhìn chiến lược; việc trả giá cao không phải hành động phá hoại mà là quyền của mỗi người tham gia.

Nhưng với những người tham gia và chứng kiến cuộc đấu giá này lại cho biết rất nhiều vấn đề bất thường.

Một người tham gia đấu giá đất ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn cho biết: “Giá này không thể là trả nhầm mà đây là ông quấy rối”. Đồng tình với quan điểm này, anh Chu Quang Việt (xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn) bày tỏ: “Đẩy giá lên để bán đất đã có, tôi nghĩ đây là âm mưu đã được bàn bạc từ trước”.

Danh tính người trả giá 30 tỷ đồng/m² cho ba thửa đất ở xã Quang Tiến đã được huyện Sóc Sơn công khai - đó là ông Phạm Ngọc Tuấn. Một số người khác là Ngô Văn Dương trả giá 101,4 triệu đồng/m² cho 13 thửa đất; ông Nguyễn Thế Quân và Nguyễn Thế Trung trả giá 98,4 triệu đồng/m² cho 10 thửa đất. Mức giá này được họ trả ở vòng 5 rồi đến vòng 6 - vòng cuối cùng để xét giá trúng thì đồng loạt không trả giá. 36 lô đất đấu giá không thành.

Đáng nói, cũng trong ngày 30/11, sự việc tương tự cũng diễn ra tại cuộc đấu giá 22 thửa đất ở xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai. Khi đến vòng thứ 8, nhiều thửa đất đã được trả từ 65 đến 70 triệu đồng/m². Tuy nhiên, đến vòng đấu thứ 9, nhiều người đã đồng loạt không trả giá, khiến toàn bộ 22 thửa đất đấu giá không thành.

Dù mức giá được trả không phi thực tế như ở huyện Sóc Sơn, nhưng có thể khẳng định, những hành vi bất thường này có dấu hiệu phá hoại đấu giá đất khi không thực hiện được mục đích. Không thể coi đây là một trò đùa mà thể hiện sự coi thường các quy định của pháp luật.

Xử lý hình sự các hành vi quấy rối, 'thổi giá' trong đấu giá đất

Theo quy định hiện hành, người trả giá 30 tỷ đồng/m² rồi bỏ ngang đã vi phạm hoạt động đấu giá tài sản, có thể bị xử phạt hành chính đến 10 triệu đồng. Tuy nhiên, hai cuộc đấu giá đất ở huyện Sóc Sơn và Thanh Oai với những dấu hiệu bất thường khi có hành vi nâng giá tài sản lên mức phi thực tế rồi bỏ cuộc. Hành vi này cần được xem xét điều tra xử lý hình sự nhằm ngăn chặn không để tái diễn tình trạng thao túng, lũng đoạn để trục lợi đấu giá đất. Phóng viên Đài Hà Nội đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Văn Kiên - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Phóng viên: Việc trả giá 30 tỷ đồng/m² rồi viện lý do "tự ái" để bỏ cuộc có được xem là hành vi mang tính coi thường quy định của pháp luật hay không và theo ông nếu chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính theo quy định là 10 triệu đồng liệu có đủ sức răn đe? Nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét các yếu tố hình sự? Quan điểm của ông như thế nào?

Luật sư: Trước hết chúng ta phải xác định được một người trả giá đất với một số lượng tiền rất kinh khủng (30 tỷ đồng/m²), nếu con số này chúng ta xác định là thật, và sau đó nói rằng tự ái vì giá quá cao, không tham gia nữa - Tôi cho rằng đây là sự thiếu tôn trọng hoạt động đấu giá và thiếu tôn trọng với những người điều hành cuộc đấu giá. Tôi cho rằng cần điều tra để làm rõ hành vi người này, có thể xử lý về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại điều 318 Bộ luật Hình sự hoặc các quy định khác của Bộ luật Hình sự.

Phóng viên: Một ngày trước đó, cuộc đấu giá 22 thửa đất ở Thanh Oai bất thành với hành vi đẩy giá lên rất cao rồi bỏ cuộc. Vậy chúng ta phải có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?

Luật sư: Rõ ràng nếu một người tham gia đấu giá ở nhiều nơi và họ liên tiếp họ bỏ cọc như thế thì rõ ràng ở đây có tính tổ chức hoặc tính liên kết với nhau để thao túng thị trường hoặc gây cản trở hoạt động bình thường của hoạt động đấu giá. Và trong trường hợp này cần có những biện pháp cụ thể để mà xử lý hoặc ngăn ngừa những hành vi tương tự. Chúng ta cần có cơ chế để xác định giá khởi điểm gần hơn với giá thực tế. Cái thứ hai là chúng ta phải xem xét lịch sử những người tham gia đấu giá bỏ cọc để có cơ chế xử lý riêng họ. Và trong trường hợp chúng ta phát hiện ra, chúng ta phải có cơ chế cấm họ tham gia hoạt động đấu giá trong một thời gian nhất định.

Phóng viên:Thị trường bất động sản thời gian qua phát triển chưa lành mạnh có nguyên nhân từ tình trạng đầu cơ, thổi giá, thao túng thị trường. Xét về tính chất cũng tương tự như hành vi thao túng thị trường chứng khoán đã được quy định tại điều 211 Bộ luật Hình sự nhưng hậu quả còn nghiêm trọng hơn. Ông có đồng tình với quan điểm đề nghị xử lý hình sự hành vi thao túng thị trường bất động sản không?

Luật sư: Như tôi đã nói, nếu hành vi vi phạm liên tục mà ảnh hưởng lớn đến xã hội, ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản thì theo tôi cần phải có cơ chế hình sự để xử lý. Trước mắt chúng ta đang có cơ chế xử lý về tội gây rối trật tự công cộng theo điều 318 Bộ luật Hình sự. Trước mắt, nếu những hành vi cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước thì có xử lý thành tội gây rối trật tự công cộng. Còn trong trường hợp nữa, có thể xem xét sau này đến hành vi thao túng thị trường bất động sản cũng cần xem xét hình sự hóa, xử lý sao cho phù hợp với cơ chế mới và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cũng như đảm bảo ổn định của thị trường bất động sản.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Theo kế hoạch sử dụng đất của UBND thành phố Hà Nội, năm 2025, quận Long Biên và các huyện Phúc Thọ, Ba Vì, Mỹ Đức sẽ triển khai 589 dự án với diện tích khoảng 2.510 ha.

Theo kế hoạch thanh tra của tỉnh Bắc Ninh năm 2025, Thanh tra tỉnh sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, nhà ở, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và các nội dung khác có liên quan trong quá trình thực hiện dự án khu nhà ở xã hội Quế Võ Hillview, tại phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh.

Theo Luật Đất đai mới có hiệu lực từ 1/1/2025, người có đất bị nhà nước thu hồi sẽ được bồi thường bằng bốn hình thức là đất cùng mục đích sử dụng, đất khác mục đích sử dụng, tiền, nhà ở.

Gần đây, trên mạng xã hội, nhiều căn nhà tập thể cũ ở quận Đống Đa, Cầu Giấy đang được rao giá vượt 60 triệu đồng/m2, một mức giá cao phi lý so với chất lượng công trình.

UBND TP Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2025 quận Cầu Giấy, gồm 22 dự án với tổng diện tích 28,36ha. Quận Cầu Giấy sẽ triển khai đấu giá quyền sử dụng đất 7/10 dự án không nằm danh mục nghị quyết tại 11 ô đất.

Tại Việt Nam, nhu cầu nhà ở của đa số người dân - những người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở các đô thị lớn vẫn là một vấn đề cấp thiết, đặc biệt là giữa bối cảnh tốc độ đô thị hóa tăng cao, giá bất động sản leo thang.