Căng thẳng Iran - Israel: Trung Đông bên bờ vực chiến tranh
Căng thẳng bắt đầu từ cuộc không kích tiến hành hôm 1/4 nhằm vào tòa nhà lãnh sự nằm trong khu phức hợp của Đại sứ quán Iran tại thủ đô của Syria, khiến một số tướng lĩnh cấp cao của Tehran thiệt mạng. Phía Iran cho rằng vụ việc do Israel tiến hành, đồng thời khẳng định sẽ có những hành động đáp trả thích đáng. Mỹ đã cảnh giác cao độ và sẵn sàng ứng phó với một cuộc tấn công trả đũa “tiềm năng” có thể xảy ra trong tuần này từ Iran. Hiện Iran đã báo động toàn quân, sẵn sàng cho kịch bản đối đầu trực diện với Israel. Trong khi đó, Tel Aviv được cho là đã đình chỉ hoạt động của 28 đại sứ quán tại các nước trên thế giới vì lo ngại sẽ bị Iran tấn công, đồng thời đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu nhằm đề phòng đòn trả đũa từ Tehran.
Nguy cơ chiến tranh toàn diện Israel-Iran
Tờ New York Times dẫn lời hai quan chức Iran cho biết, Tehran đã quyết định tiến hành tấn công trực diện vào Israel nhằm đáp trả cuộc không kích vào lãnh sự quán hôm 1/4. Cùng với đó, quốc gia Hồi giáo này cũng ra lệnh báo động cao đối với toàn bộ các lực lượng vũ trang, nhằm sẵn sàng cho kịch bản leo thang căng thẳng. Trong một tuyên bố, Tham mưu trưởng quân đội Iran - tướng Mohammad Bagheri nhấn mạnh Iran “không thể không đáp trả đòn tấn công từ Israel”. Ông đồng thời cảnh báo Mỹ có thể chịu trách nhiệm liên đới. “Đòn trả đũa từ Iran sẽ được thực hiện vào thời điểm phù hợp, với kế hoạch và độ chính xác cần thiết, gây ra thiệt hại tối đa cho đối phương, buộc họ phải ân hận vì hành động vừa qua," tướng Bagheri nói.
Việc Iran đặt quân đội trong tình trạng “báo động cao toàn diện” khiến Israel và Mỹ lo ngại đòn tấn công trả đũa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Đài CBS dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho hay, Iran đang chuẩn bị tấn công Israel bằng máy bay không người lái (UAV) Shahed chứa thuốc nổ và tên lửa hành trình. Giới chức Mỹ chưa xác định được thời điểm và mục tiêu mà Iran dự kiến tấn công, nhưng khả năng cao các vụ tập kích sẽ xảy ra sau khi tháng lễ Ramadan kết thúc.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết: “Mỹ rất lo ngại về căng thẳng giữa Israel và Iran. Chúng tôi đều rất coi trọng vấn đề này. Không ai muốn xung đột leo thang”.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này sẽ đáp trả những nỗ lực gây tổn hại cho người Israel. “Chúng ta biết cách tự vệ và chúng ta sẽ hành động theo nguyên tắc đơn giản rằng: những ai làm hại Israel hoặc có ý định làm hại Israel, chúng ta sẽ đáp trả," ông nói.
Để đối phó với mối đe dọa trả đũa từ Iran, Israel đã triệu tập thêm quân dự bị để tăng cường hệ thống phòng không, đồng thời ra lệnh hủy bỏ ngày nghỉ cuối tuần của toàn bộ quân nhân thuộc các đơn vị chiến đấu. Bên cạnh đó, lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cũng tiến hành phá tín hiệu hệ thống định vị GPS tại hầu hết các khu vực của đất nước như một biện pháp phòng ngừa.
Hiện tại, cả Washington và Tel Aviv đều nhận định khả năng Tehran phát động tấn công là “không thể tránh khỏi”. Chính phủ hai nước đang lập kế hoạch để chuẩn bị trước những gì sắp xảy ra, với dự đoán rằng cuộc tấn công của Iran có thể diễn ra theo nhiều cách khác nhau - và cả tài sản cũng như nhân sự của Mỹ và Israel đều có nguy cơ trở thành mục tiêu. Theo các nhà phân tích, một cuộc tấn công trực tiếp của Iran vào Israel là một trong những tình huống xấu nhất mà chính quyền tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị ứng phó, vì nó sẽ dẫn đến sự leo thang nhanh chóng của tình hình vốn đã hỗn loạn ở Trung Đông. Một cuộc tấn công như vậy có thể biến cuộc chiến Israel-Hamas mở rộng thành một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn – điều mà Tổng thống Biden từ lâu luôn tìm cách kiềm chế không để xảy ra.
Giáo sư Eyal Zisser, Phó hiệu trưởng Đại học Tel Aviv (Israel) nhận định: “Xung đột giữa Iran và Israel không phải là điều gì mới và giờ ở một cấp độ khác, các ranh giới đỏ đã bị hai bên vượt qua và rõ ràng người Iran đang ám chỉ rằng sau vụ ám sát Tướng Mahdawi, lần đầu tiên họ sẽ không sử dụng Hezbollah hoặc Hamas, hoặc lực lượng dân quân Iraq, mà chính họ sẽ đáp trả. Họ có thể thực hiện một cuộc tấn công đáng kể chống lại các mục tiêu của Israel trên khắp thế giới, ví dụ như đại sứ quán hoặc bằng cách bắn tên lửa chống Israel từ lãnh thổ Iran.”
Tuy nhiên, chuyên gia về Trung Đông Lyudmila Samarskaya tin rằng một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Israel và Iran khó có thể xảy ra, nhiều khả năng các bên sẽ tiếp tục trả đũa thông qua các lực lượng ủy nhiệm. Nhà phân tích này viện dẫn rằng, ngay từ khi bắt đầu xung đột Palestine - Israel, đã có những lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực, nhưng cho đến nay điều đó đã tránh được.
Tiến sỹ Sanam Vakil, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại tổ chức tư vấn Chatham House, trụ sở tại London (Anh) cho rằng, thay vì đáp trả bằng một cuộc tấn công quân sự trực tiếp, Iran có thể sẽ “dựa vào đà lên án quốc tế đối với Israel liên quan cuộc chiến ở Gaza”, từ đó làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn và cô lập Israel hơn nữa. Theo chuyên gia này, “Iran sẽ chơi nhiều quân bài cùng một lúc”, bao gồm các cuộc tấn công mạng, đối đầu quân sự cấp thấp thông qua lực lượng ủy nhiệm và các cuộc tấn công ngoại giao.
Theo giới quan sát, trong trường hợp căng thẳng nhất - đó là chiến sự giữa Iran và Israel thực sự bùng nổ, thì các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục đứng về phía Israel, dù nước này hiện ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế vì chiến dịch quân sự tại Gaza. Nguyên nhân là bởi nếu từ bỏ đồng minh truyền thống Israel, ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Trung Đông sẽ thiệt hại đáng kể, chưa nói đến khả năng quân đội Mỹ đóng tại khu vực này cũng bị đẩy vào tình thế nguy hiểm. Mỹ cần sự cân bằng quyền lực giữa đồng minh và kẻ thù, nhằm đảm bảo không quốc gia nào có thể vươn lên vị trí bá quyền ở khu vực, từ đó có thể làm tổn hại các lợi ích của Mỹ. Về phía Israel, việc Tel Aviv ứng xử như thế nào trong tình huống Iran đáp trả là một vấn đề quan trọng. Ông Mark Esper, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump cho rằng đây có thể là “một cái bẫy”, đồng thời cảnh báo Israel nên cẩn trọng về các hành động tiếp theo của mình, tránh để xảy ra sai lầm đáng tiếc.
Kinh tế thế giới lao đao
Sau 6 tháng chìm trong bóng đen của cuộc xung đột ở Gaza, những màn tấn công - đáp trả tàn khốc, khủng hoảng nhân đạo... vẫn tiếp tục lan rộng. Giờ đây, cùng với căng thẳng giữa Israel và Iran, cả khu vực Trung Đông tiếp tục bị dồn đến bên bờ vực chiến tranh. Điều này đã làm gia tăng hàng loạt thách thức đối với nền kinh tế thế giới vốn đã bấp bênh. Hiện giá dầu đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái, trong khi đó các nhà đầu tư đổ xô vào các tài sản trú ẩn an toàn như vàng, tiềm ẩn nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trung Đông luôn là khu vực đóng vai trò quan trọng bậc nhất đối với an ninh năng lượng, đóng góp 1/3 nguồn cung dầu mỏ toàn cầu, đồng thời là nơi có những tuyến đường vận chuyển huyết mạch của thế giới. Tình hình căng thẳng ở Trung Đông đã gây nhiều lo ngại khi suốt vài tháng qua, lực lượng Houthi ở Yemen tiến hành nhiều cuộc tập kích nhằm vào các tàu hàng qua biển Đỏ. Giờ đây, căng thẳng Iran – Israel sẽ càng khiến biển Đỏ dậy sóng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ở thời điểm hiện nay, mối quan hệ thù địch “khó cứu vãn” giữa Iran - Israel có thể tiếp thêm “mồi lửa” cho thị trường dầu mỏ. Dựa trên ước tính trước đây của Ngân hàng Thế giới và hãng tin Bloomberg, ông Marc Ayoub- nhà nghiên cứu chính sách năng lượng người Li-băng dự đoán thế giới có thể chứng kiến giá dầu tăng lên hàng trăm USD và thậm chí đạt mức từ 140 – 150 USD/thùng.
“Nếu bất kỳ sự leo thang nào giữa Israel và Iran xảy ra, nó sẽ tồi tệ hơn nhiều so với những gì chúng ta đã thấy từ căng thẳng ở Biển Đỏ. Nếu eo biển Hormuz rơi vào tình trạng căng thẳng và nếu Iran đóng cửa eo biển này, thì tất cả các tàu chở dầu ở vùng Vịnh sẽ không còn đường tiến về phía trước," ông chia sẻ.
Theo các chuyên gia, thực tế là giá dầu thô đã tăng lên ngay cả trước khi Iran tuyên bố đáp trả Israel về vụ tấn công . Ngay sau vụ tập kích, giá dầu thô Brent tăng 1,03% lên 87,90 USD, trong khi giá dầu thô West Texas Middle tăng 1,45% lên 84,38 USD. Nhìn chung, giá dầu đã tăng hơn 10% trong năm nay.
Cùng chung quan điểm, giáo sư Rodney Shakespeare tại Đại học Trisakti (Indonesia) nhấn mạnh, xung đột giữa Iran và Israel leo thang có thể gây ra những hậu quả địa chính trị, ảnh hưởng đến các nước láng giềng bao gồm Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Syria, Iraq và Li-băng. Ông Shakespeare dự đoán giá vàng và giá dầu sẽ tăng gấp đôi. Các mặt hàng khác sẽ tăng chậm hơn. Việc giá dầu tăng cao sẽ đánh trực tiếp vào túi tiền người dân, tạo nguy cơ tăng lạm phát, dẫn đến khả năng Mỹ và các nước có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.
Theo các chuyên gia, vẫn còn quá sớm để khẳng định, “mồi lửa đang dần nhen nhóm” ở Trung Đông sẽ gây ra rủi ro lớn như thế nào đối với nền kinh tế toàn cầu, nhưng những dấu hiệu cảnh báo đã khá rõ ràng. Thế giới dường như đang ở một trong những thời điểm nguy hiểm nhất trong nhiều thập kỷ. Bản thân chính quyền Mỹ cũng lo ngại loạt hành động quân sự của Israel ở Syria và Gaza có thể kéo Washington sâu hơn vào cuộc xung đột ở Trung Đông, biến nó thành cuộc chiến giữa Iran với phương Tây, mà dẫn đầu là Mỹ. Washington cùng nhiều quốc gia đã kêu gọi các bên kiềm chế hành động, không để căng thẳng leo thang vượt tầm kiểm soát.
Các quốc gia đang nỗ lực phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào mọi lĩnh vực, trong đó Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Canada, Pháp... là những quốc gia hàng đầu.
Phong trào Hồi giáo Hamas cho biết một thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza “đang ở gần hơn bao giờ hết” nếu Israel không đưa ra thêm điều kiện mới.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cảnh báo sẽ yêu cầu đồng minh giao lại kênh đào này nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được.
Đảng Dân chủ đối lập ở Hàn Quốc đã kêu gọi quyền Tổng thống Han Duck Soo nhanh chóng ký ban hành dự luật bổ nhiệm cố vấn đặc biệt để điều tra Tổng thống Yoon Suk Yeol và đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee.
Không giống như truyền thống, năm nay, một nhóm ông già Noel tại thủ đô Argentina đã đổi xe trượt tuyết của họ lấy một đoàn xe máy đi phát quà, nhằm mang lại niềm vui và không khí lễ hội cho trẻ em tại các bệnh viện trên khắp thành phố.
Lễ hội Băng Tuyết Cáp Nhĩ Tân lần thứ 26 chính thức khai mạc vào cuối tuần qua tại thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, mở ra một thế giới trải nghiệm kỳ diệu như trong mơ dành cho du khách trong nước và quốc tế.
0