Cảnh báo lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm | Hà Nội tin mỗi chiều
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 6 tháng đầu năm 2023, số vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đã tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 11 tháng của năm 2023, cũng có gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến được ghi nhận, trong đó có hơn 91% liên quan đến lừa đảo lĩnh vực tài chính. Đó là những thống kê đáng chú ý ở buổi họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Theo tìm hiểu, các phương thức lừa đảo phổ biến hiện nay gồm có: Kết bạn, nhắn tin, giới thiệu là người nước ngoài, có điều kiện về kinh tế muốn gửi tiền nhờ giữ hộ, hoặc làm từ thiện; Giả danh cơ quan chức năng thông báo đến người bị hại liên quan đến vụ án hình sự; Quảng cáo cho vay với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, tải app nạp tiền vào làm cộng tác viên; Gọi, nhắn tin yêu cầu tích hợp thông tin nhà đất, giấy phép lái xe vào ứng dụng VneID; Xưng là nhân viên các công ty chứng khoán có tên tuổi mời người dân tham gia các hội nhóm, các khóa học đầu tư chứng khoán, giới thiệu những cơ hội đầu tư sinh lời cao, nhận được nhiều ưu đãi để dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc nạn nhân.
Tất cả những thủ đoạn vừa nêu đều nhằm một mục đích, là tạo niềm tin với nạn nhân, sau đó là chiếm đoạt thông tin cá nhân, tài sản, giấy tờ pháp lý, tài khoản ngân hàng nhận tiền hoặc các tài khoản mạng xã hội. Khi nạn nhân phát hiện ra bị lừa đảo thì các đối tượng sẽ xóa tài khoản của nạn nhân khỏi các hội nhóm và chặn liên lạc.
Sự gia tăng của lừa đảo trực tuyến trong thời gian gần đây không chỉ đến từ việc các đối tượng lừa đảo tận dụng những tiện ích và công nghệ hiện đại mà còn là kết quả của sự tinh vi và hiệu quả trong việc xây dựng những hệ thống lừa đảo ngày càng gần với thực tế, làm cho người dùng khó phân biệt. Những đối tượng lừa đảo đã xây dựng những app mạo danh ứng dụng của cơ quan Nhà nước như: Chính phủ, Tổng cục Thuế... Sau đó, chúng dụ dỗ cài đặt app đó rồi kiểm soát thiết bị của nạn nhân, đồng thời lấy cắp thông tin cá nhân cũng như tài khoản của ngân hàng của nạn nhân.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong những tháng gần đây đã tích cực đẩy mạnh triển khai công tác tuyên truyền, qua đó tình hình diễn biến lừa đảo trực tuyến đã có một số biến chuyển tích cực. Tuy nhiên, các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ, đồng thời luôn luôn có những hình thái mới, tinh vi hơn. Người dân khi thấy cuộc gọi, tin nhắn xưng là đại diện cơ quan, tổ chức mời gọi, yêu cầu, đe dọa, ép buộc thực hiện việc này, việc kia thì tuyệt đối không vội tin, không làm theo. Nếu thấy nghi ngờ thì cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được xác minh, hoặc gửi thông tin tới tổng đài 156, để Bộ TT&TT cùng các nhà mạng xác minh, chặn lọc các số điện thoại lừa đảo này. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho đối tượng không quen biết. Cẩn trọng trước khi quét mã QR, đặc biệt cảnh giác với các mã QR được dán hoặc chia sẻ ở những nơi công cộng hoặc gửi qua mạng xã hội, email...
Dự đoán, cuối năm là thời điểm lừa đảo trực tuyến sẽ còn tăng mạnh do có nhiều chương trình kích cầu mua sắm và người tiêu dùng có tâm lý cởi mở hơn trong chi tiêu. Những kẻ lừa đảo chắc chắn sẽ dựng nên những kịch bản đánh vào tâm lý này, với các chương trình trúng thưởng, tặng quà. Người dùng cũng cần phải chú ý khi chúng ta tham gia chương trình nào đó. Chúng ta cần phải chú ý đến những đơn vị tổ chức của nó, vì tất cả chương trình liên quan đến trúng thưởng, khuyến mãi đều phải đăng ký với Bộ Công Thương. Trong trường hợp người tiêu dùng không thấy các chương trình này công bố trên các cổng thông tin chính thống, thì rất có thể đây là chương trình mang tính lừa đảo, người tiêu dùng phải hết sức cẩn thận.
Ngoài ra, chương trình còn có một thông tin đáng chú ý khác. Với hơn 2.900 điểm hiến máu được tổ chức trong năm 2023, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận được hơn 485.000 đơn vị máu, kỷ lục từ trước đến nay. Đây là số liệu được đưa ra tại Chương trình Gặp mặt nhà lãnh đạo, nhà quản lý và trao Giải thưởng Giọt hồng vừa được Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức.
Tổng số đã tiếp nhận được là 485.000 đơn vị máu (bao gồm hơn 450.000 đơn vị máu toàn phần và hơn 35.000 đơn vị tiểu cầu gạn tách). Tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt trên 97%, tỷ lệ hiến máu thể tích từ 350ml trở lên đạt 76%. Đặc biệt, tỷ lệ hiến máu nhắc lại là 67,2%, tăng đáng kể so với các năm trước. Số lượng máu toàn phần tiếp nhận tăng hơn 18,4% so với năm 2022 và cao gấp 2,5 lần so với thời điểm 10 năm trước (năm 2013)". Để có được kết quả đó một phần rất lớn là nhờ có sự ủng hộ, sẵn sàng chia sẻ và đồng hành của mọi tầng lớp người dân trong xã hội. Đặc biệt phải kể đến vai trò vô cùng quan trọng của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý - những người đưa ra quyết định trong công tác vận động, tuyên truyền và tổ chức hiến máu tại đơn vị.
Những năm qua, mạng lưới làm công tác vận động hiến máu tình nguyện đã được hình thành, từng bước ổn định. Hiện nay, nhận thức của toàn xã hội về lợi ích của hiến máu tình nguyện đã có chuyển biến tích cực. Lượng máu vận động và tiếp nhận được ngày càng tăng về số lượng, chất lượng, góp phần quan trọng bảo đảm công tác an toàn truyền máu, cứu chữa cho hàng triệu người bệnh cần truyền máu, nhất là trong thời điểm diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19.
Đối tượng hiến máu hiện nay đã có sự đa dạng hơn khi lực lượng chiến sỹ công an, quân đội, cán bộ, viên chức, người lao động, nông dân, học sinh, sinh viên, các tăng ni, phật tử… tham gia hiến máu tình nguyện ngày càng tích cực. Đó thực sự là hình ảnh đẹp trong cuộc sống cộng đồng, sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân, nhất là trong thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Những cá nhân, gia đình, dòng họ, tuyến phố, cơ quan tham gia hiến máu không chỉ tạo nguồn máu cho người bệnh mà còn góp phần giáo dục, lan tỏa lòng nhân ái trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Để công tác vận động hiến máu ngày càng chất lượng, hiệu quả, bền vững, mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát triển nguồn người hiến máu thường xuyên, bền vững, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc người hiến máu. Hiến máu thường xuyên là mỗi người đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu đều đặn, trung bình mỗi năm hai lần, sẵn sàng hỗ trợ hiến máu vào những thời điểm khan hiếm máu. Máu hiến từ những người hiến tặng thường xuyên là chất lượng nhất và an toàn nhất./.
- Giảm giờ làm việc tăng hiệu suất công việc | Hà Nội tin mỗi chiều
- Báo động đỏ chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội | Hà Nội tin mỗi chiều
- Khi thầy cô thành nạn nhân bạo lực học đường | Hà Nội tin mỗi chiều
- Hơn 10.000 học sinh Hà Nội sẽ được miễn học phí | Hà Nội tin mỗi chiều
- Khu đất 148 Giảng Võ sẽ không còn chức năng nhà ở? | Hà Nội tin mỗi chiều
Tối 17/11, ở chùa Bái Đính, một chương trình đặc biệt - Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” một lần nữa khiến hàng ngàn khán giả cả nước rơi nước mắt.
Sẽ có gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành giai đoạn 2024 - 2025. Thông tin này được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra trong phần tham luận tại Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Hà Nội tổ chức ngày 16/11.
Với những người trẻ, các hoạt động sôi nổi ở phố đi bộ Hồ Gươm có lẽ là điểm đến không thể thiếu mỗi dịp cuối tuần. Những hoạt động tại phố đi bộ còn có cả các buổi phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội với ekip khá chuyên nghiệp. Thế nhưng, ngay dưới bộ dụng cụ hành nghề của những ekip này đều gắn logo quảng cáo trá hình cho trang web cờ bạc như OK VIP.
Khoảng 40 nghìn khách tham quan trong một ngày - gần bằng những ngày đông khách nhất tại Bảo tàng Louvre của Pháp năm 2019, với 45.000 lượt người. Đó là con số ấn tượng của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - cũng là lượng khách cao kỷ lục mà một bảo tàng có thể thu hút được.
Hiện nay, tình trạng vỉa hè tại nhiều tuyến đường đang bị lấn chiếm một cách vô tội vạ. Lối đi dành riêng cho người đi bộ giờ lại hoá thành nơi buôn bán.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, khi có những tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan, Bộ sẽ phát triển các công cụ mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi và báo sang Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xử lý.
0