Cảnh báo ma túy 'núp bóng' thuốc lá điện tử

Công an Thành phố Hà Nội cho biết thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng sử dụng chất ma túy pha vào các loại tinh dầu của thuốc lá điện tử.

Cụ thể, ngày 8/11/2022, Công an huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Lộc (sinh năm 2003, trú tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa; hiện đang tạm trú trên địa bàn huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) khi đối tượng đang mang ma túy tổng hợp dưới dạng thuốc lá điện tử đi bán cho các đối tượng trên địa bàn.

Nhóm tội phạm mua bán trái phép chất ma túy bị Công an quận Nam Từ Liêm phối hợp với các đơn vị điều tra, bắt giữ

Qua đấu tranh khai thác, đối tượng khai nhận, từ cuối tháng 10/2022, đã lên mạng đặt mua nhiều loại thuốc lá điện tử và tinh dầu (là các loại ma túy tổng hợp mới) về bán cho các đối tượng chủ yếu là thanh, thiếu niên trên địa bàn sử dụng, để kiếm lời. Qua giám định, dung dịch thu giữ từ Lộc đều có chứa chất ma túy ADB-Butinaca.

Tháng 9/2022, Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội điều tra khám phá các đối tượng trong vụ án thông qua mạng xã hội liên kết với nhau hình thành các nhóm tội phạm mua bán trái phép chất ma túy ở các địa bàn khác nhau. Hình thức chủ yếu là thông qua hệ thống vận chuyển hàng hóa bằng hình thức giao hàng online, với mặt hàng là thuốc lá điện tử, thảo mộc sấy khô, sau đó phun, tẩm các dung dịch chứa chất ma túy loại ADB-Butinaca.

Chất ADB-Butinaca thuộc nhóm chất cần sa tổng hợp, mới được đưa vào quản lý theo Nghị định 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ quy định các Danh mục chất ma túy và tiền chất. Khi sử dụng nó gây ra ảo giác, kích thích thần kinh trung ương giống như hoạt chất THC có trong cần sa. Tuy nhiên, khác là chất ADB-Butinaca được tổng hợp từ các hóa chất, các đối tượng điều chế để tạo ra chất này.

01 mẫu tinh dầu thuốc lá điện tử tìm thấy chất ma túy

Bên cạnh đó, thời gian gần đây trên thị trường cũng xuất hiện tinh dầu cần sa (CBD), để trộn vào tinh dầu thuốc lá điện tử. Theo đó, CBD là một chiết xuất cần sa có chứa hàm lượng cao CBD và một ít hoặc không có THC (thành phần chính trong cây cần sa, cho cảm giác “phê”). Chúng có thể được sản xuất từ cây tài mà (cần sa giải trí) hoặc cây gai dầu công nghiệp.

Thực tế, trong tinh dầu của thuốc lá điện tử có chất nicotin và một số các chất thơm. Khi chế tạo, các đối tượng đã “thả” thêm chất ma túy nhóm cần sa tổng hợp này vào. Vì chất ma túy này không màu, không mùi, lại lẫn mùi của tinh dầu nên bằng cảm quan thông thường khó có thể nhận biết được. Chỉ người bán và đối tượng sử dụng có thể biết được thuốc lá điện tử có chất ma túy (từ nguồn mua, giá cả…).

Tinh dầu cần sa

Để lôi kéo người sử dụng, ban đầu chúng cho người sử dụng dùng thử như thuốc lá điện tử thông thường. Khi người dùng đã “bị lệ thuộc”, có nhu cầu sử dụng thường xuyên, các đối tượng sẽ bán với giá thành cao hơn.

Theo thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, gần đây, Trung tâm đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não lan tỏa tất cả các vị trí, tổn thương gan, rối loạn tâm thần, ảo giác, suy đa tạng… có nguyên nhân được xác định do bệnh nhân ngộ độc một số chất ma túy thế hệ mới có trong thuốc lá điện tử. 

Mới đây nhất, ngày 6/12, theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa của Bệnh viện này tiếp nhận một bệnh nhân 5 tuổi vào viện trong tình trạng hôn mê, co giật, đồng tử giãn, mạch chậm sau khi uống nhầm dung dịch có trong thuốc lá điện tử. 

Tiến hành xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm gồm máu, nước tiểu của bệnh nhi cũng như chất dung dịch mà trẻ đã uống trước khi ngộ độc, đã phát hiện các mẫu dương tính với ma túy tổng hợp mới có tên ADB-BUTINACA.

Với tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ đang gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam, hậu quả và tác hại sẽ rất lớn nếu nhiều người sử dụng thuốc lá điện tử có phun, tẩm chất ma túy mà không hay biết, dần dần hình thành số đông người sử dụng trái phép chất ma túy, rất khó kiểm soát, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. 

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Năm 2015 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử mới chỉ là 0,2%. Đến năm 2019, Điều tra sức khỏe học sinh toàn cầu của WHO tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy có đến 2,6% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử, tỷ lệ này ở học sinh thành thị là 3,4%. Tại Hà Nội, nghiên cứu mới nhất của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng, trong đó học sinh lớp 8 - 12 là 8,35%; lớp 10 - 12 là 12,6%; với nữ là 4,8%, nam là 12,4%.

Mới đây, Bộ Y tế đã đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Đây đều là các sản phẩm có hại cho sức khoẻ, nguy hiểm tương tự như thuốc lá điếu. Thêm vào đó, hiện nay thuốc lá điện tử còn bị biến tướng, là cơ hội để các đối tượng tẩm chất ma túy, gây hệ quả khôn lường cho xã hội.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

TAND thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã mở phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm Tạ Văn Nam (sinh năm 1988; trú ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) về tội "Giữ người trái pháp luật".

Dọc sông Tô Lịch, tại đoạn qua phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, từ lâu xuất hiện tình trạng ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè để tập kết, buôn bán vật liệu xây dựng, nhưng không thấy chính quyền cơ sở xử lý.

Hôm nay, 27/4, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, theo đánh giá của lực lượng chức năng, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến cửa ngõ gia tăng, có thời điểm xảy ra tình trạng ùn ứ. Để đảm bảo cho người dân đi lại được an toàn, các giải pháp chống ùn tắc tiếp tục được duy trì.

Sáng nay (27/4), Đội CSGT đường bộ số 14 phối hợp với công an quận Hoàng Mai đã tiến hành test nhanh nồng độ cồn, ma tuý đối với các tài xế chuẩn bị xuất bến ở bến xe Giáp Bát.

Thông tin từ Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị vừa đấu tranh triệt phá thành công đường dây tội phạm có tổ chức, có yếu tố nước ngoài hoạt động rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Đáng chú ý, số tiền giao dịch phạm pháp của một tiệm vàng trong đường dây này được xác định lên tới 13.000 tỷ đồng.

Đến thời điểm này đám cháy tại khu vực Kẹt Càng Đước, núi Cô Tô thuộc xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang vẫn chưa được dập tắt.