Cánh cửa chưa bước vào

Sau những cánh cửa của mỗi ngôi nhà nơi phố cổ, trong những khoảng không gian nho nhỏ, bao nhiêu nhịp đập mà ta chưa biết. Nếu được duyên mà nhìn ngắm, trò chuyện, thì sẽ có cơ may thấy được những hình nét, tâm tư, thân phận, làm cho sinh động thêm những cảm nghĩ của bạn về cuộc đời.

Tôi đi lang thang trong phố vô tình thấy một ban công rất đẹp, khiến tôi phải dừng lại nhìn kỹ hơn. Nơi ban công đã nhám màu bám bụi, những khóm cây lòe xòe chờm cả ra ngoài. Nhiều gia đình trong phố, những chục năm vẫn loanh quanh làm ăn, sinh sống trong những căn nhà nhỏ. Tôi thích được làm người khách nhìn ngắm những gì mình tưởng quen mắt, nhàm cũ trên các con phố. Có lần đi qua phố Cầu Gỗ, tôi thấy đằng sau mặt tiền hẹp của một ngôi nhà là ngõ ngắn dẫn vào một căn phòng khá rộng dành cho một người ở, nhưng là chật để thực hiện bao nhiêu công việc, dự định.

Những ô cửa sổ nơi phố cổ đã ghi dấu thời gian.

Tôi thích đi lang thang, ghé qua quán café cổ vật trên phố Quán Thánh. Đến đây bạn sẽ được chủ quán, một giảng viên trường sư phạm đã nghỉ hưu kể cho nghe những câu chuyện về cổ ngoạn. Ông là con một họa sĩ thuộc thế hệ họa sĩ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tình yêu cổ vật từ cha truyền sang ông, nên cả cuộc đời ông tìm kiếm, thưởng lãm, nâng giữ các món đồ lưu lạc theo thời gian còn ấm tình người xưa tạo tác. Phía tầng gác cũ sau quán café, đi qua một cái sân nhỏ, theo các nhịp cầu thang gỗ lên tầng hai, trên tường treo tranh của những danh họa. Những căn phòng nhỏ được bày biện các bát miệng loe dáng hoa sen đời Lý, lư hương đời Lê, Mạc, đời Nguyễn… Nơi quán nhỏ có ông chủ quán với mái tóc bạc có chút điệu đà phong lưu phố cũ, ngày ngày tiếp khách tới uống cà phê, hàn huyên về cổ vật.

Sau những cánh của của mỗi ngôi nhà nơi phố cổ, trong những khoảng không gian nho nhỏ, bao nhiêu nhịp đập mà ta chưa biết. Nếu được duyên mà nhìn ngắm, trò chuyện, thì sẽ có cơ may nhận thêm những hình nét, tâm tư, thân phận, làm cho sinh động thêm những cảm nghĩ của bạn về cuộc đời. Thế nên bao nhiêu cánh cửa cũ đẹp chạm hoa với các viền hạt, viền hoa dây nửa khép nửa mở, loáng thoáng những viên đá hoa to sứt lỗ chỗ thời gian; một ngõ bé hút sâu với vệt lõm sâu trên lưng tường dài tít vào trong do tay lái xe máy, ghi đông xe đạp quệt vào suốt nhiều năm, thấp thoáng một cái sân chung ở cuối “hầm tối”… Qua những chỗ ấy, tôi đã tò mò, đắn đo, đã ngẫm ngợi và thầm muốn bước đến bao nhiêu lần./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.

Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.

Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.

Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.

Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....

Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?