Cạnh tranh khốc liệt cuộc đua thị trường xe điện
Dự báo thị trường xe điện tăng trưởng tốt năm 2024
Nghiên cứu mới nhất của hãng phân tích thị trường Canalys cho biết doanh số bán xe điện toàn cầu tăng 29%, đạt 13,7 triệu chiếc trong năm 2023. Còn trong năm 2024, thị trường xe điện toàn cầu sẽ tăng trưởng 27,1%, đạt 17,5 triệu chiếc. Chính sách hỗ trợ từ chính phủ và công nghệ cải tiến được cho là các yếu tố góp phần hạ giá thành cho số lượng lớn các mẫu xe điện, từ đó giúp các mẫu xe bình dân đến được với nhiều người tiêu dùng hơn.
Theo Canalys, trong năm 2024, các nhà sản xuất ô tô sẽ đẩy nhanh nỗ lực nội địa hóa để thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng bằng cách tung ra các mẫu xe điện phù hợp với khu vực và thị trường. Đồng thời, họ sẽ chú trọng vào việc cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách phát triển cơ sở hạ tầng sạc và hệ sinh thái dịch vụ thông minh để hỗ trợ khả năng di chuyển thuận tiện hơn.
Với việc chính phủ ưu tiên phát triển kinh tế bền vững và thúc đẩy mua phương tiện, doanh số bán xe hạng nhẹ ở Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 1% lên 22,7 triệu chiếc vào năm 2024. Trong số đó, xe điện dự kiến sẽ đạt 9,1 triệu chiếc, chiếm 40% tổng doanh số. Chi phí pin giảm sẽ thúc đẩy doanh số bán xe điện trên thị trường xe cỡ vừa và nhỏ. Xe hybrid sạc điện sẽ tiếp tục giành được thị phần trong hai đến ba năm tới nhờ hiệu quả chi phí và khả năng thích ứng mạnh mẽ hơn.
Ông Alvin Liu, chuyên gia phân tích tại Canalys cho biết: “Xe điện sẽ là động lực tăng trưởng cốt lõi cho thị trường xe ô tô ở Trung Quốc đại lục. Xe điện do Trung Quốc sản xuất dự kiến sẽ chiếm 78% thị trường vào năm 2024. Các công nghệ pin mới nhất và cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ giải quyết nỗi lo về sạc pin. Sự hình thành của các hệ sinh thái sạc sẽ tiếp tục thúc đẩy thị phần xe điện tăng trưởng".
Bất chấp lạm phát và lãi suất cao, thị trường xe hạng nhẹ của châu Âu trong năm 2024 sẽ duy trì mức tăng trưởng 2% đến 3%, trong đó xe điện chiếm 24,2% thị phần, với khoảng 3,9 triệu chiếc. Ngoài ra, trong năm 2024 các nhà sản xuất, phân phối ô tô điện ở châu Âu sẽ gặp nhiều áp lực cạnh tranh khi các hãng xe Trung Quốc đang nhắm đến thị trường này.
Để giải quyết những thách thức đó, các hãng sản xuất ở châu Âu được cho là sẽ áp dụng chiến lược về giá và cho ra mắt các sản phẩm giá cả phải chăng. Trong khi đó, thị trường xe điện Bắc Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng 26,8% lên 2,2 triệu chiếc trong năm nay.
Theo số liệu thống kê, hơn 1,2 triệu xe điện cùng 190.000 xe hybrid sạc điện được bán tại Mỹ vào năm 2023. Con số này chiếm 8,8% trong tổng số 15,5 triệu xe ô tô mới, tỷ lệ bán xe điện cao nhất từng có tại đất nước cờ hoa. Dự kiến năm 2024, doanh số bán xe điện của Mỹ sẽ thiết lập kỷ lục mới, với khoảng 1,9 triệu xe, tương đương tỷ lệ 13% trong tổng lượng xe mới bán ra. Lý giải về điều này, các chuyên gia cho rằng, ngành công nghiệp xe điện của Mỹ đang phát triển nhanh chóng nhờ các khoản tín dụng thuế và nguồn tài trợ từ chính quyền của Tổng thống Joe Biden, vốn muốn thúc đẩy sản xuất xe điện và pin trong nước. Khoảng 128 tỷ USD đã được đầu tư kể từ khi Đạo luật giảm lạm phát (IRA) được thông qua vào năm 2022. Hãng tư vấn tài chính S&P Global ước tính doanh số bán xe điện dựa trên tác động của IRA có thể vượt 4,6 triệu chiếc vào năm 2030, cao hơn gấp đôi so với kỳ vọng trước đó là hai triệu chiếc.
Còn theo Canalys, trên toàn cầu, các nhà sản xuất ô tô cần nhanh chóng triển khai các công nghệ xe điện mới, tập trung vào việc kiểm soát chi phí và nâng cao trải nghiệm của người dùng xe điện, đặc biệt là việc sạc pin. Điều này không chỉ giúp đảm bảo vị thế cho các nhà sản xuất ô tô duy trì mức tăng trưởng ổn định vào năm 2024, mà còn góp phần tạo nên các “bứt phá”trong những năm tiếp theo.
Cạnh tranh vị thế dẫn đầu trên thị trường xe điện
Theo hãng tin CNN, hãng xe BYD đã chính thức vượt mặt Tesla về doanh số bán xe trong quý 4 năm 2023. Tính cả năm vừa qua, Tesla dù vẫn là hãng xe điện lớn nhất thế giới, với doanh số đạt 1,8 triệu chiếc, nhưng bị BYD bám đuổi sít sao với 1,6 triệu chiếc. Kết quả ấn tượng của BYD một phần là do hãng này đem lại lựa chọn đa dạng hơn cho khách hàng, khi cung cấp cả loại xe chạy hoàn toàn bằng điện và xe lai xăng điện, còn Tesla chỉ sản xuất xe thuần điện.
Bước sang năm 2024, cuộc cạnh tranh vị thế dẫn đầu ngành xe điện được dự báo sẽ vô cùng khốc liệt, khi không còn là cuộc chiến “tay đôi” giữa BYD và Tesla. Nhiều công ty sản xuất ô tô có bề dày lịch sử như Toyota, Honda, Volkswagen và Ford cũng đang đẩy mạnh lĩnh vực xe điện.
Để duy trì ưu thế, các công ty Trung Quốc đang tích cực tìm cách mở rộng sang những thị trường mới, trong đó châu Âu là một trong những thị trường trọng điểm. Điển hình là BYD đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy mới tại miền Nam Hungary với công suất dự kiến là 200.000 ô tô mỗi năm. Với nhà máy mới, BYD kỳ vọng đẩy nhanh kế hoạch đưa vào thị trường châu Âu xe chở khách chạy năng lượng điện, đồng thời tăng cường sự hiện diện toàn cầu của mình và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh về cơ cấu năng lượng.
Cùng với sự mở rộng của các công ty lớn, thị trường xe điện được dự báo sẽ thêm phần sôi động với sự góp mặt của nhiều công ty mới. Hãng cung cấp điện thoại thông minh Xiaomi của Trung Quốc mới đây đã ra mắt mẫu xe điện đầu tiên, đồng thời cam kết đầu tư 10 tỷ USD cho một chi nhánh xe điện mới.
Về phía Tesla, trong năm 2024, hãng xe điện Mỹ được dự đoán sẽ nỗ lực duy trì sự thống trị thông qua “chuẩn sạc riêng”. Tesla đã phát triển một bộ chuyển đổi có thể được sử dụng cho những thiết bị không phải của Tesla khi sạc tại các địa điểm của hãng. Theo chính phủ Mỹ, ít nhất 7.500 bộ sạc Tesla sẽ có sẵn cho các thiết bị không phải của Tesla vào cuối năm 2024. Điều này có thể góp phần thúc đẩy một bộ phận người tiêu dùng khó tính chấp nhận xe điện, những người vốn lâu nay cho rằng việc thiếu sạc khiến họ e ngại chuyển đổi sang loại xe này.
Na Uy- “Thủ đô xe điện” của thế giới
Na Uy với 5,5 triệu dân đã đạt được tỷ lệ sử dụng xe điện tính theo đầu người cao nhất thế giới và đang trên đà đạt mục tiêu không còn bán xe động cơ đốt trong kể từ sau 2025. Riêng tại Thủ đô Oslo của Na Uy, hơn 1/3 số ô tô cá nhân chạy hoàn toàn bằng điện.
Theo số liệu thống kê mới đây của Liên đoàn Đường bộ Na Uy, xe điện chiếm 82,4% số xe mới bán ra tại nước này vào năm 2023, tăng từ 79,3% vào năm 2022. Dẫn đầu danh sách các nhà sản xuất xe điện bán chạy nhất là Tesla, với 20% thị phần. Với kết quả này, Na Uy tiếp tục phá kỷ lục của chính quốc gia này đạt được trong năm 2022 để dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêu thụ ô tô điện trong năm vừa qua. Đáng chú ý là chỉ một thập kỷ trước, xe điện chiếm chưa đến 3% tổng doanh số xe mới tại Na Uy.
Bà Christina Bu, Chủ tịch Hiệp hội xe điện Na Uy cho hay: “Năm 2024, chúng tôi kỳ vọng rằng số lượng xe điện bán ra sẽ chiếm tới 95% thị phần, đây là một bước nhảy vọt. Nhưng trước đây chúng tôi đã có thành tích tương tự. Từ năm 2021 đến năm 2022, chúng tôi đã có bước nhảy vọt gần 15%, vì vậy chúng tôi có thể làm được điều đó vào năm 2024."
Theo hãng tin Bloomberg, thành công của Na Uy chủ yếu đến từ chương trình hỗ trợ của chính phủ, giảm thuế, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm phát triển năng lượng xanh. Quốc gia Bắc Âu này đã có hơn 25.000 điểm sạc, tức là có số trạm sạc bình quân trên mỗi chiếc xe điện nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thành công nhanh chóng này của Na Uy cũng đang kéo theo một số hệ lụy. Người dân quá phụ thuộc vào những khoản hỗ trợ khi mua xe điện và có thể từ bỏ sản phẩm này khi không còn trợ cấp nữa. Mặt khác, sức hấp dẫn của xe điện, cùng với ưu đãi như miễn phí cầu đường, đỗ xe, đã khiến việc sở hữu ô tô cá nhân trở nên hấp dẫn hơn. Do đó, gần đây các ưu đãi cho xe điện của Na Uy đã bị hủy bỏ một phần. Đây được xem là bước đi đúng đắn, kịp thời, nhằm vừa duy trì sức hút của xe điện, vừa khuyến khích người dân chuyển đổi sang các loại hình giao thông bền vững khác.
Để xe điện thực sự trở nên phổ biến, chúng phải trở thành phương tiện của mọi nhà. Tỷ lệ sử dụng xe điện trong tương lai sẽ phụ thuộc nhiều vào giá xe điện và sự sẵn có của các trạm sạc. Các nhà sản xuất ô tô vào năm 2024 cần tăng tốc triển khai các công nghệ mới để giảm giá thành, phục vụ tốt hơn cho thị trường đại chúng. Hiện tại nhiều cường quốc dầu mỏ cùng các tập đoàn dầu khí đang tìm cách đầu tư vào mảng xe điện và năng lượng xanh. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy kỷ nguyên giao thông xanh và xu hướng điện hóa là không thể đảo ngược trong thời gian tới.
Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.
Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.
Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.
Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.
Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.
0