Cấp thêm 20.000m3 nước sạch sông Đà về Hà Nội mỗi ngày

Để chủ động ứng phó tình trạng thiếu nước sạch vào mùa hè, thành phố đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, ngoài việc cho phép sử dụng nguồn nước ngầm dự phòng còn yêu cầu các nhà máy nước mặt sông Đà, sông Đuống tăng công suất khai thác tối đa.

Theo Sở xây dựng Hà Nội, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân mùa hè năm nay tăng từ 5 đến 10% so với năm trước. Điều này có thể gây ra tình trạng thiếu nước cục bộ tại một số khu vực. Để chủ động ứng phó, thành phố đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, ngoài cho phép sử dụng nguồn nước ngầm dự phòng còn yêu cầu các nhà máy nước mặt sông Đà, sông Đuống tăng công suất khai thác tối đa.

Mỗi ngày cấp thêm 20.000m3 nước sạch sông Đà về Hà Nội.

Theo ông Lê Văn Du, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng cấp thoát nước, Sở xây dựng Hà Nội, mùa hè năm 2024 ước tính nhu cầu sử dụng nước khoảng 1,4 triệu m3/ngày đêm, tăng gần 100.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, do nguồn cung chưa bảo đảm nên tại một số thời điểm, dự kiến sẽ thiếu khoảng 70.000m3 nước/ngày đêm. Trong nội thành, một số khu vực thuộc phạm vi cấp nước của  Công ty nước sạch Hà Nội có nguy cơ thiếu nước, nước yếu. Đặc biệt trong những ngày nắng nóng kéo dài nhu cầu sử dụng nước tăng đột biến, khu vực cuối nguồn hoặc có địa hình bất lợi như dọc tuyến đường Nguyễn Khang, Quan Hoa, Dương Quảng Hàm (quận Cầu Giấy) và 4 phường Phú Diễn, Phúc Diễn, Minh Khai, Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm); khu vực phố Pháo Đài Láng, Khâm Thiên, Láng (quận Đống Đa); khu vực An Dương, Phúc Xá, Hoàng Hoa Thám, Vĩnh Phúc (quận Ba Đình); khu vực Âu Cơ, Tứ Liên, Quảng An (quận Tây Hồ)...

Trong khi đó, địa bàn do Công ty cổ phần nước sạch Viwaco phụ trách chủ yếu tập trung ở phía Tây, Tây Nam thành phố, gồm quận Thanh Xuân, một phần quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hà Đông và Hoàng Mai, sử dụng toàn bộ bằng nguồn nước mặt sông Đà vẫn đối mặt nguy cơ vỡ đường ống. Đơn vị sản xuất, cung ứng nước đã có các giải pháp ứng phó xử lý sự cố, song căn cơ nhất vẫn là phải hoàn thành tuyến ống truyền dẫn số 2. Để khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn nước sạch, thực hiện chỉ đạo của thành phố, công ty nước sạch Hà Nội được giao khoan thay thế, bổ sung một số giếng đã bị suy thoái, tăng khai thác khoảng 70.000 m3/ngày đêm từ nguồn nước ngầm dự phòng giảm theo lộ trình. Đồng thời, công ty có thể tăng khai thác nguồn nước sông Hồng của nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì lên 180.000 m3.

Theo ông Trương Tiến Hưng, Phó Tổng giám đốc công ty nước sạch Hà Nội, trong đợt cao điểm hè công ty sẽ cân đối, giảm tiếp nhận nguồn nước mặt sông Đuống, sông Đà để dành lượng nước này bù đắp nguồn thiếu hụt cho khu vực cuối nguồn do Công ty Nước sạch Hà Đông và Công ty cổ phần nước sạch Viwaco quản lý. Với công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco), đơn vị quản lý và vận hành nhà máy nước sông Đà tại Hòa Bình, bước vào hè năm nay đã hoàn thiện khu thu hồi tái sử dụng nước sau khi tách và ép khô bùn thải tại nhà máy ở tỉnh Hòa Bình. Nhờ đó, trước mắt cấp thêm được 20.000 m3/ngày đêm về cho Hà Nội.

Ông Nguyễn Xuân Quí, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà cho biết, năm nay mực nước sông Đà thấp kỷ lục xuống mức 6,2m, thấp hơn 1m so với trung bình những năm trước đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước thô của nhà máy. Tuy nhiên, nhà máy phấn đấu vận hành tối đa công suất, cung cấp khoảng 325.000m3/ngày đêm. Đây là ngưỡng an toàn của hệ thống và đường ống giai đoạn 1. Về lâu dài, muốn tăng thêm nguồn nữa vẫn phải trông chờ vào giai đoạn 2 nâng công suất của nhà máy lên 600.000 m3/ngày đêm và xây dựng thêm tuyến ống truyền tải. Hiện UBND tỉnh Hòa Bình đã chấp thuận chủ trương đầu tư  và đơn vị đang xúc tiến hoàn thiện các thủ tục để sớm triển khai dự án, phấn đấu hoàn thành vào năm 2025.

Phòng điều khiển hệ thống nhà máy nước.

Cùng khai thác nguồn nước sông Đà trên địa bàn huyện Ba Vì,  nhà máy nước sông Đà - Ba Vì cũng vừa hoàn thiện tất cả các hạng mục, nâng công suất giai đoạn 1 từ 10.000 m3 lên 100.000 m3/ngày đêm. Mùa hè năm nay sẵn sàng cấp nước sạch đến các hộ dân. Theo ông Đỗ Minh Chương, Giám đốc nhà máy nước sạch sông Đà - Ba Vì, hiện đơn vị này đang triển khai lắp đặt mạng lưới đường ống, đồng hồ đo nước đến các hộ dân tại xã Thuận Mỹ huyện Ba Vì. Đồng thời, thi công tuyến ống truyền tải đường kính 600mm cấp cho thị xã Sơn Tây và huyện Phúc Thọ. Khi hoàn thành trong tháng 6 tới sẽ có 25 trên tổng số 30 xã, thị trấn của huyện Ba Vì, chiếm khoảng 65% dân số được sử dụng nước sạch.

Ngoài Ba Vì, thành phố cũng dồn lực khẩn trương triển khai các dự án cấp nước tại 124 xã trên địa bàn 12 huyện đã được chấp thuận phân vùng. Trong năm 2024, dự kiến hoàn thành ở 54 xã với khoảng trên 59.000 hộ, gần 240.000 người được cung cấp nước sạch.

Trong khi đó,  Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống sẽ huy động tối đa công suất 300.000m3 nước/ngày đêm để cung cấp cho khu vực phía Nam sông Hồng và điều tiết bổ sung nguồn cấp cho khu vực các quận: Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân. Sở xây dựng Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị cung ứng nước sạch bố trí xe stec phục vụ nhân dân dự phòng khi có sự cố mất nước. Với việc chủ động điều tiết nguồn nước, bảo đảm hài hòa giữa nguồn cấp và nhu cầu cũng như khả năng tiếp cận nguồn nước của từng khu vực, hy vọng người dân trên địa bàn Thủ đô sẽ không bị mất nước kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt trong mùa hè năm nay.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Cầu Phong Châu mới trên Quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ đã chính thức triển khai thi công theo lệnh khẩn cấp, yêu cầu hoàn thành xây dựng và đưa công trình vào khai thác trong năm 2025 nhằm nhanh chóng giải quyết tình trạng đứt gãy giao thông.

Theo Thông tư 73/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày1/1/2025, về công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, công an có thể khai thác dữ liệu từ camera hành trình để xử lý vi phạm.

Với sự kết nối mạnh mẽ và sự đa dạng của các ngành nghề, người trẻ đang đứng trước những cơ hội đầy hứa hẹn. Họ chọn những con đường sáng tạo hơn, chủ động hơn trong công việc. Không ít người đã rẽ lối sang công việc tự do để theo đuổi đam mê, mong muốn tự do thể hiện bản thân mình.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, rác thải nhựa từ thương mại điện tử có thể đạt 800.000 tấn vào năm 2030 nếu không có giải pháp đóng gói bền vững.

Sáng 22/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành Dự án tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên), thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) và thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai).

Với mong muốn hun đúc tình yêu quê hương đất nước và giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương, Quận đoàn Hà Đông đã tổ chức chương trình “Ngàn lá cờ Tổ quốc vì Trường Sa thân yêu”, thu hút đông đảo các bạn đoàn viên thanh niên, học sinh tại các trường học nhiệt tình tham gia.