Cậu bé trong bức ảnh đón bộ đội ngày 10/10/1954

Một ngày đầu tháng 10 năm 1954, dân phố cổ xôn xao khi biết tin quân Pháp sẽ rút khỏi Hà Nội. Trong căn nhà ba tầng ở số 80 phố Hàng Đào, cậu bé Lê Bảo Tháp nhấp nhổm, háo hức chờ đón các chú bộ đội tiến về giải phóng Thủ đô.

Bóng quân Pháp vừa mất hút, Tháp đã tuột khỏi vòng tay mẹ, leo lên nóc tầng ba nhà mình. Ngóng về phía hồ Hoàn Kiếm, nơi mà từ nhiều đêm trước, bố bế cậu lên đó, chỉ tay về phía xa và nói rằng, ngày mai các chú bộ đội sẽ xuất hiện từ đấy. Dáng nhỏ bé của Tháp vắt vẻo trên ban công sân thượng tầng ba.

Tháp là người đầu tiên trong nhà trông thấy các chú bộ đội trong đội hình đều tăm tắp, hùng dũng tiến về. Cậu reo lên thật to rồi vụt chạy xuống đường. Đó cũng là lúc người phố Hàng Đào nghe thấy tiếng reo “bộ đội về” và ùa ra đường, tràn ngập ngập trong hoa và nước mắt. Cậu bé 7 tuổi Lê Bảo Tháp lẫn trong biển người hân hoan đó. Và trong sự tình cờ, hình ảnh của cậu đã lọt vào bức ảnh lịch sử ghi lại khoảnh khắc dân phố Hàng Đào chào đón đoàn quân chiến thắng. Người chụp bức ảnh, như sự sắp đặt của số phận, là anh trai cậu.

Cậu bé Lê Bảo Tháp đón đoàn quân trở về tại phố Hàng Đào. Ảnh: Lê Sửu.

Ông Lê Sửu, anh trai của Lê Bảo Tháp, kể lại: “Khi mà đoàn quân chưa tiến vào thì tất cả hàng phố hai bên hầu như vắng lặng hết. Tôi là một trong những người đầu tiên chạy xuống và chụp ảnh. Và thật tình cờ là Tháp cũng nằm trong ống kính máy ảnh. Khi đó tôi đang là chàng thanh niên mới 17 tuổi. Sáng 10/10, người dân ra đường mỗi lúc một đông, ai nấy đều cảm thấy vỡ oà vui mừng và sung sướng khi nhìn thấy bộ đội ta đi trên phố. Đó cũng là lúc tôi ghi được khoảnh khắc đoàn quân đi qua phố Hàng Đào. Đây là bức ảnh được gia đình tôi lưu giữ tới ngày nay”.

Vợ chồng ông Lê Sửu ôn lại khoảnh khắc khi đoàn quân giải phóng tiến về Thủ đô được ông ghi lại năm 1954. Ảnh: Báo Lao động.

Đó là thời khắc của lịch sử. Bà Hoàng Lan Hương, vợ ông Sửu, kể rằng những ngày trước khi các cánh quân ta vào giải phóng Thủ đô, mọi nhà đều cửa đóng then cài, vì quân Pháp bắt đầu rút đi mà quân ta chưa về. Càng gần đến ngày 10/10, người Hà Nội càng phải chong đêm thức, thay phiên nhau dùng đũa cả gõ vào nồi, vào mâm đồng, như để “thông báo” với bọn người xấu rằng “nhà tôi vẫn thức đấy, đừng có vào làm bậy”. Các gia đình hay dùng chiếc gương soi qua khe cửa để xem tình hình bên ngoài.

Sáng 10/10, tiếng giày lính Pháp rút lui nặng nề qua trục phố Hàng Đào - Hàng Ngang. Không một nhà nào dám mở cửa ra nhìn. Sự chờ đợi căng thẳng như được sổ tung khi người phố nhìn thấy “quân ta” đội ngũ chỉnh tề tiến vào thành phố.

Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Quân đội nhân dân Việt Nam từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội. Ảnh: TTXVN.

Ông Lê Sửu sinh ra trong gia đình khá giả, chơi ảnh từ nhỏ. Tấm ảnh có cậu bé Tháp được ông Sửu chụp bằng chiếc máy Telka II của Pháp, loại máy chỉ chụp được cỡ phim 4 x 6. Chiếc máy ảnh năm xưa không giữ được đến hôm nay, người em trai trong tấm ảnh cũng không còn. Tấm ảnh ông Sửu chụp tình cờ có mặt em trai đã được gia đình gìn giữ như của báu, bởi 12 năm sau đó, anh thanh niên Lê Bảo Tháp lên đường nhập ngũ và mãi mãi không trở về. Người trai Hà Nội đã nằm lại chiến trường Quảng Trị. Mãi tới gần đây, gia đình mới tìm được mộ của ông.

70 năm về trước, cậu bé Lê Bảo Tháp may mắn trở thành chứng nhân của thời khắc lịch sử khi Thủ đô được giải phóng. Nhưng anh không bao giờ được nhìn thấy ngày toàn thắng, đất nước thống nhất, Tổ quốc được độc lập, tự do.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống bốn đời làm gốm sứ, chị Vũ Như Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Vạn An Lộc (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã có 9 năm bươn chải với nghề. Thời gian 9 năm không dài đối với một nghệ nhân, vậy nhưng chị Vũ Như Quỳnh đã xây dựng được một vị thế vững chắc cho thương hiệu gốm sứ Vạn An Lộc trên thị trường.

Từ những bó hoa tươi có mặt vào những dịp lễ đặc biệt, những khoảnh khắc đáng nhớ, qua bàn tay khéo léo đã trở thành sản phẩm hộp hoa khô, khung ảnh hay đèn hoa... để kỷ niệm được lưu giữ.

Hà Nội với vẻ đẹp cổ kính và những phố phường rộn rã nhịp sống, từ lâu đã là nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ. Trong không gian tĩnh lặng của những bức tranh, Thủ đô hiện lên dịu dàng và thơ mộng.

Hà Nội không chỉ có bốn mùa quen thuộc xuân - hạ - thu - đông, mà còn có cả một mùa để lưu giữ những bức ảnh, những thước phim, những xúc cảm và kỷ vật vô giá của một thời học trò dấu yêu sẽ không bao giờ trở lại.

Trong môi trường học đường, các thầy, cô giáo Tổng phụ trách Đội không chỉ là một giáo viên mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc dìu dắt các thế hệ đàn em thân yêu, góp phần hình thành nhân cách và những giá trị tốt đẹp cho thế hệ măng non đất nước, giúp các em rèn luyện, phấn đấu để trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ.

Bảo tàng Sinh học, Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) được thành lập năm 1926. Đây là Bảo tàng Sinh học đầu tiên của Đông Dương. Trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, lần đầu tiên, Bảo tàng đặc biệt này mở cửa cho người dân tham quan.