Câu chuyện về cafe rang củi ở Hà Nội
Cafe Thái, quán cafe ngót trăm tuổi của Hà Nội, nơi cafe được rang thủ công bằng củi, nơi từng cốc cafe thấm đượm mùi khói bình dị và thanh lịch như cốt cách người Hà Nội .
Có nhiều cách khác nhau để cảm nhận về Hà Nội. Có thể là ngắm Hồ Gươm rộn rã tiếng cười nói buổi sớm, có thể dành thời gian lòng vòng trên phố cổ, có thể nhâm nhi một tách cafe trong quán nhỏ và cảm nhận hương vị Hà Thành, tận hưởng nhịp sống chậm rãi bên trong cái ồn ào, tấp nập của phố phường.
Nhân nói đến cafe thì ở Hà Nội bây giờ không chỉ có trong các hàng quán sang trọng hay bình dân mà cafe còn có cả ở những quầy di dộng nho nhỏ trên phố phục vụ mỗi buổi sáng, trưa cho những người bận rộn mang đi. Tuy có mặt ở khắp các ngõ phố nhưng với những người Hà Nội sành về cafe thì hương vị thức uống này chẳng vì thế mà giống nhau.
Hãy cùng ghé Cafe Thái - quán cafe ngót trăm tuổi của Hà Nội - nơi cafe được rang thủ công bằng củi, nơi từng cốc cafe thấm đượm mùi khói, bình dị và thanh lịch như cốt cách người Hà Nội qua câu chuyện của Nguyễn Đức Hiếu là thế hệ thứ tư đứng ra tiếp nối nghề rang xay và pha chế cafe của Cafe Thái phố Triệu Việt Vương, phường Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Khởi đầu của “Cafe Thái” không phải là địa chỉ quen thuộc trên phố Triệu Việt Vương như hiện tại mà là từ đôi quang gánh bán cà phê rong trên khắp các đường phố Hà Nội xưa của cụ Nguyễn Văn Đến quê gốc ở Hưng Yên. Cụ là thế hệ đầu tiên trong gia đình gắn bó với cafe.
Đến Cafe Thái, không ai là không chú ý đến những dòng chữ "Đến Hà Nội, làm cốc nâu", "Đây là Hà Nội, đi đâu mà vội" hay "Hà Nội ở đây rồi"... thân thương và đầy hoài niệm. Nhưng có lẽ gây thương nhớ hơn cả là mỗi buổi sớm được nhâm nhi cốc cà phê đượm mùi khói bếp.
"Cái hương vị của của cafe rang củi nó cũng có những cái đặc trưng riêng, bởi vì rang củi sẽ có hương vị khói nó đầm nó nồng nàn, nó đậm đà nó, nó lưu ở trong cái hạt cafe, thúc đẩy cái hương vị thú vị nó vẫn còn nằm ở bên trong." anh Hiếu chia sẻ.
Một không gian đơn giản, gần gũi và những câu chuyện dung dị đời thường là điều đã thu hút những tâm hồn yêu Hà Nội. Thêm một cốc cafe đậm vị, thoang thoảng mùi khói được rang thủ công trong chiếc lồng sắt cũ kỹ truyền từ đời này sang đời khác càng khiến tình yêu đó nồng đượm hơn.
Mọi công đoạn để cho ra cốc cafe rang củi đều được làm thủ công 100%. Từ quay trên bếp rang, đổ ra thúng tre đến làm nguội bằng tay. Không giống như rang cafe bằng các loại bếp công nghiệp, rang cafe bằng bếp củi phải có kinh nghiệm điều tiết ngọn lửa để biết lúc nào cần tăng hay giảm nhiệt. Đặc biệt còn phải phụ thuộc vào các giác quan như nhìn màu sắc, ngửi được mùi và nghe tiếng nổ của hạt cafe.
Để có được những kinh nghiệm này, một người trẻ như anh Nguyễn Đức Hiếu phải có một tình yêu rất lớn với cafe.
Từng trải qua khá nhiều nghề nhưng khi quyết định quay về gắn bó với quán cafe của cha ông để lại, anh Hiếu cảm thấy có trách nhiệm không chỉ với cha ông mà còn có trách nhiệm trong việc gìn giữ một nét văn hóa Hà Nội nơi góc phố.
Anh Hiếu chia sẻ: "Bây giờ ở Hà Nội thì rất ít rồi, thế nên là chắc là chỉ có mỗi ở nhà mình là là rang có số lượng nhiều. Cái việc mà mình giữ nghề này gần như nó là một cái di sản."
Trong khi Hà Nội không thiếu các quán cafe hiện đại với những loại cafe hợp thị hiếu của người trẻ bây giờ thì với anh Đức Hiếu, sự gắn kết khăng khít giữa các thế hệ trong gia đình có lẽ là yếu tố quyết định đến sự tồn tại bền bỉ của cafe rang củi.
Theo tiến sĩ Vũ Thế Long: “Trước đây, cafe thường chỉ là đồ uống của dân thành thị, nông dân hầu như ít uống cafe. Ở Hà Nội, xưa kia cafe là đồ uống của những gia đình trung lưu, trí thức. Dân lao động không mấy người uống cafe. Trong thời kỳ những năm cuối của thập kỷ 1950 và suốt những năm chiến tranh chống Mỹ, cà phê đã trở thành một thứ uống rất phổ biến của hầu hết các cửa hàng giải khát quốc doanh ở Hà Nội.
Trong những năm 1960, vào các cửa hàng giải khát ở Hà Nội, người ta có thể gọi một phin cafe ngồi nhâm nhi suốt buổi. Cafe được cho vào chiếc phin nhôm đặt trên một chén sứ. Chiếc chén này lại được ngâm trong chiếc bát sứ ăn cơm chứa nước nóng. Khách hàng ngồi đọc báo hoặc tán chuyện quanh bàn và kiên nhẫn đón từng giọt cà phê tí tách rơi xuống chén từ đáy chiếc phin nhôm trong mùi hương thơm dễ chịu tỏa ra từ những chiếc phin nóng hổi...”
Có lẽ cũng vì thói quen này mà có những vị khách hơn 50 năm qua vẫn đều đặn đến với Cafe Thái để tận hưởng hương vị mộc mạc, độc đáo của những cốc cafe rang mộc pha phin. Đây là niềm tự hào và cũng là động lực để một người trẻ như anh Nguyễn Đức Hiếu tiếp tục gìn giữ một phần di sản nho nhỏ của Hà Nội như anh vẫn tâm niệm.
Với cách rang bằng bếp củi truyền thống, gần trăm năm nay, quán nhỏ nằm trên góc phố Triệu Việt Vương đã trở thành chốn quen thuộc của không ít người Hà Nội đến để thưởng thức cốc cafe đầy khói bếp, đến để nhớ về một Hà Nội ăm ắp ký ức, bình dị nhưng luôn hiện hữu trong tâm hồn.
Niềm đam mê với các ý tưởng sáng tạo là nguồn cảm hứng để chị Minh Phương cho ra đời các sản phẩm túi xách độc đáo, thân thiện với môi trường, tôn vinh nghề thủ công của Hà Nội mang thương hiệu riêng của mình.
Nghệ nhân Đào Anh Tuấn kế thừa tài năng của cha mình, nghệ nhân ưu tú Đào Văn Soạn, người làm đàn nổi tiếng ở làng nghề làm nhạc cụ dân tộc truyền thống Đào Xá.
Theo đuổi kỹ thuật đắp vẽ thủ công, sử dụng các nguyên vật liệu truyền thống để khảm phù điêu trên các công trình tâm linh, nghệ nhân Nguyễn Đức Thủy đã có hơn 30 năm gìn giữ nghề “nề ngõa” - một nghề truyền thống với cái tên có lẽ không mấy người từng nghe.
Trong cuộc sống bận rộn và hối hả của Hà Nội, tôi thường có thói quen tìm đến những ngôi chùa, ngôi đình cổ, nơi thời gian dường như ngưng đọng lại. Trong hành trình tìm kiếm, tôi đã gặp gỡ và trò chuyện với nghệ nhân Nguyễn Đức Thủy (xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội).
Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế của cả nước mà còn là biểu tượng của sự thanh lịch và văn minh. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh không chỉ là mục tiêu của thành phố mà còn là nhiệm vụ của mỗi người dân.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ đã kế thừa những kỹ thuật đan tre của gia đình và đưa những chiếc lồng tre làng Vác đi đến nhiều nơi trên thế giới.
0