Câu thần chú của bố

Trong gia đình, cha mẹ luôn là người giúp con cái hình thành nhân cách, truyền động lực sống và tính tự tin cho các con bằng chính những lời nói và việc làm của mình.

Bố tôi là một người chịu khó lại năng động, sáng tạo. Dường như không có khó khăn nào khuất phục được bố. Bố làm việc luôn chân luôn tay, lúc nào cũng nghĩ ra những ý tưởng mới mẻ để thực hiện. Cả cuộc đời của bố là những chuỗi ngày xa gia đình.

Hồi còn theo học đại học tại chức tại trường Xây dựng, bố đã có ba đứa con, phải thường xuyên xa nhà. Đến khi ra công tác thì cũng theo các công trình đi khắp cả nước. Xanh cỏ đến đỏ ngói đi. Cứ mải miết như thế.

Mẹ tôi là công nhân viên chức lương ba cọc ba đồng, lại vướng con nhỏ nên gánh nặng kinh tế đặt lên vai bố. Nhà tôi lúc đó ở Thái Nguyên, bố học ở Hà Nội. Quãng đường Hà Nội - Thái Nguyên là quãng đường vận chuyển, trao đổi hàng hóa hàng tuần của bố. Với chiếc xe đạp được gia cố vững chắc, bố chở những bao gạo, lạc, đỗ từ Thái Nguyên về Hà Nội bán rồi lại chở đồ điện, phụ tùng xe đạp về Thái Nguyên đổi lấy hàng hoặc tiền. Bố còn thu mua phế liệu, đúc thành những nồi gang, nồi nhôm đem về Hà Nội bán. Hồi đó người Hà Nội rất chuộng những chiếc nồi đúc như thế nên bố bán rất đắt hàng. Nhờ những chuyến đi về không biết mệt mỏi ấy, bố có khoản thu nhập lo đủ cái ăn cái mặc cho cả nhà. Những quyển sách hay, những tờ báo, tạp chí mới lạ bố mang về sau những chuyến hàng đó đã bồi đắp tâm hồn, trí tuệ cho chúng tôi.

Dường như không có khó khăn nào khuất phục được bố. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Sau này, trong khi các gia đình khác muốn làm tinh bột miến dong, bột sắn dây còn phải nạo nhỏ bằng bàn nạo thủ công xong mới vắt lấy nước, gạn lấy tinh bột thì bố đã chế tạo ra chiếc máy xay xát củ dong, củ sắn dây đầu tiên tại nơi nhà tôi ở. Bố lấy một khúc gỗ tròn đóng chi chít những hàng đinh nhỏ, khoan một lỗ ở giữa, xỏ que sắt qua làm trục rồi hàn khung bao tôn bên ngoài, lắp ráp thành một hệ thống máy xay xát hoàn chỉnh chạy bằng mô tơ với đường điện ba pha. Người ta kéo nhau đến nhà tôi để xay xát củ dong, củ sắn dây. Không ít người đã học theo công nghệ của bố, tự mình chế tạo những cỗ máy xay xát riêng nhưng máy nhà tôi vẫn hoạt động không đáp ứng đủ nhu cầu của mọi người. Chúng tôi cứ một buổi đi học, một buổi làm việc, luôn tay luôn chân. Vất vả, khó nhọc, tay chân, quần áo luôn lấm lem nhưng chúng tôi học theo tấm gương ham lao động của bố, không ai có tính lười biếng, không ai kêu ca phàn nàn. Chúng tôi hiểu, bố đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho gia đình.

Những lúc ở nhà, bố thiết kế bản vẽ xây dựng và nhận thêm việc can lại bản vẽ. Can bản vẽ là công việc phổ biến trong nghề xây dựng khi chưa có máy tính và máy in cỡ lớn. Công việc này đòi hỏi người làm phải có tay nghề cao, cộng thêm nét chữ phải đẹp, rõ ràng, sắc nét. Can một bản vẽ mất rất nhiều thời gian vì nó có nhiều chi tiết và phải làm việc thật cẩn trọng, không được mắc phải một sai sót nào, vì nó liên quan đến công trình và tính mạng con người. Những người khác chỉ can được một lần một bản nhưng bố tôi đã sáng tạo ra cách làm có thể can được một lần đến hai ba bản, năng suất làm việc gấp đôi, gấp ba lần người khác. Chúng tôi rất thích nhìn bố làm công việc này, thường trầm trồ thán phục trước những nét vẽ, nét chữ đẹp như chữ in của bố.

Mỗi khi có thời gian, cơ hội ở bên các con, bố luôn dạy bảo, chỉ dẫn con cái mọi chuyện trong cuộc sống, cách đối nhân xử thế, cách làm việc khoa học, cách tiết kiệm tiền, tiết kiệm nước, điện... Với con gái bố dạy kỹ lưỡng từng điều tưởng như nhỏ nhặt. Bố nhắc nhở chúng tôi “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, không được “chưa đi đã chạy, chưa nói đã cười”. Phơi quần áo lót phải ý tứ kín đáo, không được nằm ngủ nơi phòng khách. Có lòng tự trọng, độc lập, không ỷ lại, dựa dẫm người khác... Tôi kể chuyện với các bạn đồng trang lứa, họ vô cùng ngạc nhiên, nhiều người trong số đó chưa bao giờ được bố mẹ chỉ dạy những điều tương tự.

Công việc vất vả, xa nhà thường xuyên nhưng bố luôn là nguồn động viên tinh thần cho cả nhà. Chúng tôi càng lớn, chi tiêu càng nhiều. Mỗi lần mẹ cần một khoản tiền lớn cho việc gì đó, mẹ gọi điện thoại cho bố, bố đều vui vẻ nói: “Mấy mẹ con cứ yên tâm. Bố sẽ gửi tiền về. Bố thì thiếu gì tiền”. Bố nói câu đó chắc như đinh đóng cột và chúng tôi cảm thấy rất yên tâm, tin tưởng vào bố. Rồi một thời gian sau, bố lo đủ số tiền để gửi cho mẹ. Hồi đó chúng tôi còn nhỏ nên không thể biết rằng, để lo đủ số tiền đó, bố đã phải xoay xở vất vả như thế nào. Bố phải vận dụng tất cả trí thông minh, sự năng động của mình để kiếm tiền lo cho vợ con. Lúc đó, chúng tôi coi câu nói của bố là câu thần chú. Nó khiến chúng tôi tràn đầy niềm tin và hi vọng. Chúng tôi luôn tin rằng, bố sẽ lo được cho chúng tôi, lo được cho gia đình, bố luôn có cách để giải quyết vấn đề.

Bây giờ, chúng tôi đều đã lập gia đình, đều thành đạt, có thu nhập tốt. Tuy vậy, mỗi lần muốn biếu tiền bố mẹ đều rất khó. Bố mẹ không chịu nhận. Bố thường nói: “Các con giữ lấy mà lo cho con cái. Bố thì thiếu gì tiền!”.

Đúng là khi trưởng thành, chúng ta mới có thể thấu hiểu lòng cha mẹ. Gia đình vui vẻ hòa thuận, trước các vấn đề khó khăn mà cuộc sống đưa tới, cha mẹ đều lạc quan và tìm cách tốt nhất để giải quyết, điều đó sẽ ảnh hưởng, quyết định rất nhiều đến sự hình thành tính tự tin của con cái.

Phương Lan

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong ký ức của một người xa Thủ đô, Hà Nội là những hàng cây xanh mát hai bên đường, những sạp báo, những bác xích lô ngồi đợi khách. Và nỗi nhớ Hà Nội đọng lại trong một ly trà ấm nóng, phảng phất khói bay trong một chiều hoàng hôn.

Đối với những người xa Hà Nội, hương hoa sữa của mùa thu là mùi hương của tình yêu, là ký ức yêu dấu mà họ sẽ mang theo suốt cuộc đời. Người đi xa nhớ da diết mùa thu Hà Nội, bởi mùa thu gọi họ sống chậm lại để yêu thương.

Có những bức ảnh lưu lại một khoảnh khắc khiến bạn bỗng thấy phố thật gần, thật thân thiết.

Cả ngàn năm người dân nước Việt lắng nghe tiếng gà trong đêm để biết nhịp thời gian, chia tiếng gà trong đêm thành những canh gà, để rồi dựa vào đó giữ thói quen thức sớm dậy khuya, bán buôn, đồng áng. Và ngay cả những mối tình thấm đẫm nước mắt, đẫm màu lãng mạn, cũng lấy canh gà làm thời khắc hò hẹn cùng nhau.

Gần 20 tên phố Hàng của Thăng Long - Hà Nội những trăm năm xưa đã biến mất trong biến thiên thời cuộc.

Đâu đó có những góc nhỏ mơ hồ thời gian, lâu lâu lại rộn lên câu chuyện cũ. Có thể là xa xôi với những người vội bước qua không kịp để ý. Nhưng vẫn là đau đáu trong những ai còn nặng lòng trước nhịp đổi thay phố phường.