Chân dung tân thủ tướng Anh Keir Starmer

Với việc Công Đảng đã giành được hơn 390/650 ghế trong Hạ viện Anh trong cuộc bầu cử năm nay, lãnh đạo của đảng này, ông Keir Starmer sẽ trở thành tân thủ tướng thay ông Rishi Sunak. Vậy nhà lãnh đạo 61 tuổi có xuất thân bình dân này là ai, và ông sẽ dẫn dắt nước Anh đi theo con đường nào?

Xuất thân bình dân

Sau chiến thắng vang dội của Công đảng trước Đảng Bảo thủ, nhà lãnh đạo Công đảng Anh ông Keir Starmer sẽ chính thức trở thành thủ tướng mới của nước này. Ông Starmer đã diện kiến Vua Charles III tại Cung điện Buckingham ở thủ đô London và theo thông báo của Điện Buckingham, Vua Charles III đã đề nghị ông Starmer thành lập chính phủ mới.

Ông Keir Starmer sinh năm 1962, trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động ở một thị trấn Surrey, vùng ngoại ô London. Cha ông là một thợ chế tạo dụng cụ và mẹ là một y tá. Họ đặt tên cho ông Starmer theo tên lãnh đạo đầu tiên của Công Đảng là Keir Hardie.

Theo cuốn tiểu sử về ông Starmer được chấp bút bởi nhà báo Tom Baldwin, món mỳ pasta thậm chí cũng là món ăn xa lạ trong gia đình ông và họ cũng không đi du lịch nước ngoài.

Ông Starmer là thành viên đầu tiên trong gia đình vào đại học, chuyên ngành luật tại Đại học Leeds và Oxford. Ông được bổ nhiệm làm công tố viên trưởng của Anh và Xứ Wales từ năm 2008 đến năm 2013. Ông được phong tước hiệp sĩ vào năm 2014, một năm trước khi chuyển sang hoạt động chính trị.

Ông Keir Starmer từng là luật sư nhân quyền trước khi Công tố viên trưởng tại Cơ quan Công tố Hoàng gia. Nguồn: John Stillwell/AFP/Getty

Ông gia nhập chính trường ở tuổi 50 và được bầu vào quốc hội năm 2015. Sau cuộc bầu cử năm 2019, ông Starmer được bầu làm lãnh đạo Công đảng để dẫn dắt các nỗ lực tái thiết.

Vợ ông là bà Victoria, hiện đang làm việc trong lĩnh vực Y tế lao động tại Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS - tương tự Bộ Y tế ở các nước khác). Họ có hai người con đang ở tuổi vị thành niên.

Ông Keir Starmer được Vua Charles III (thời điểm đó là Thái tử) phong tước Hiêp sỹ trong buổi lễ tấn phong năm 2014 tại Cung điện Buckingham. Nguồn: PA Images / Alamy Stock Photo/Washington Post

Nhiệm kỳ lãnh đạo Công đảng của ông trùng với giai đoạn hỗn loạn khi nước Anh trải qua đại dịch COVID-19, rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hứng chịu cú sốc kinh tế từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và chịu đựng tình trạng hỗn loạn kinh tế từ nhiệm kỳ thủ tướng 49 ngày đầy biến động của bà Liz Truss vào năm 2022.

Chính sách hướng đến tầng lớp lao động

Báo Washington Post mô tả ông Keir Starmer sẽ trở thành nhà lãnh đạo gần gũi với tầng lớp lao động nhất nước Anh trong một thế hệ. Ông từng chia sẻ rằng muốn giúp các gia đình trẻ có được khoản vay mua nhà đầu tiên vì ngôi nhà dù khiêm tốn của cha mẹ ông từng là tất cả, mang đến sự ổn định trong cuộc sống ông. Ông cho rằng mọi gia đình đều xứng đáng có được điều tương tự.

Thủ tướng tương lai của nước Anh Keir Starmer sẽ rời ngôi nhà có bốn phòng ngủ của mình ở phía bắc London để chuyển đến Phố Downing

Việc mẹ ông mắc một hội chứng viêm và công việc của vợ ông ở Dịch vụ Y tế quốc gia Anh đã cho ông cái nhìn sâu sắc về những vấn đề còn tồn đọng trong hệ thống y tế của đất nước.  Ưu tiên của ông sẽ tập trung vào vấn đề chính trị trong nước, củng cố nền kinh tế Anh và giải quyết vấn đề khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nước này.

Trong một phát biểu gần đây, ông Starmer cho biết ông có một kế hoạch lớn và táo bạo trong dài hạn cho nước Anh. Những biện pháp đó bao gồm hạn chế việc trốn thuế, giảm thời gian hẹn khám bệnh và tuyển dụng thêm giáo viên cũng như cảnh sát khu vực, theo BBC.

Ông Keir Starmer gặp gỡ phụ huynh và trẻ em tại một trường mẫu giáo ở Nuneaton, Anh, trong khuôn khổ sự kiện vận động tranh cử của Đảng Lao động. Nguồn: Phil Noble/Reuters

Theo chuyên gia chính trị Toney Travers từ Trường Kinh tế London, chính sách đối ngoại của Anh hiếm khi có những thay đổi lớn dưới các chính phủ mới và vì thế, cũng sẽ không thay đổi nhiều khi Công Đảng trở lại nắm quyền.

Ông Starmer là người phản đối mạnh mẽ quyết định rời khỏi EU, tuy nhiên ông cho biết hiện tại Công Đảng sẽ không tìm cách đảo ngược quyết định ấy. Thay vào đó, ông muốn đàm phán một thỏa thuận tốt hơn với EU trước những hậu quả kinh tế mà Anh phải đối diện từ Brexit.

Ông Starmer cũng cho biết Anh sẽ vẫn là một thành viên mạnh mẽ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga và ủng hộ quyền tự vệ của Israel trước Hamas, đồng thời kêu gọi ngừng bắn.

Ảnh hưởng đến mối quan hệ Mỹ-Anh như thế nào?

Với việc các chu kỳ bầu cử của Anh và Mỹ trùng nhau lần đầu tiên kể từ năm 1992, có rất nhiều điều không chắc chắn về mối quan hệ Mỹ-Anh vào cuối năm nay.

Ông Keir Starmer phát biểu trước những người ủng hộ tại bữa tiệc mừng chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Vương quốc Anh năm 2024, tại bảo tàng Tate Modern ở London, ngày 5 tháng 7 năm 2024.

Ông Keir Starmer từng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Tổng thống Biden, đặc biệt là các biện pháp của ông chủ Nhà Trắng nhằm tạo việc làm và thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp trong nước.

Các nhân vật cấp cao của Công đảng thậm chí được cho là đã bí mật gặp gỡ những người đồng cấp thuộc Đảng Dân chủ Mỹ ngay cả trước ngày bầu cử. Vì vậy, dư luận kỳ vọng tổng thống Joe Biden sẽ có mối quan hệ thân cận với Starmer - nếu ông Biden vẫn là tổng thống vào năm 2025. Nếu cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng vào tháng 11, mối quan hệ Mỹ-Anh có thể sẽ bớt thân thiết hơn.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, thực tế cho thấy đối với các nhà lãnh đạo Vương quốc Anh, dù đến từ bất kỳ chính đảng nào, “mối quan hệ đặc biệt” lâu dài với Washington đều rất quan trọng. Ông Starmer nói: “Chúng tôi sẽ làm việc với bất kỳ ai được bầu chọn. Chúng tôi có mối quan hệ đặc biệt với Mỹ, vượt trên cả việc tổng thống là ai.”

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Theo tờ Maariv của Israel, các lực lượng quân sự Israel đang gặp phải những thách thức đáng kể trong việc đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái từ nhóm Houthi.

Thủ lĩnh lực lượng đối lập Syria Hayat Tahrir al-Sham (HTS), ông Ahmed al-Sharaa, ngày 22/12 khẳng định với lãnh đạo cộng đồng người Druze ở Liban rằng Syria sẽ không can thiệp tiêu cực vào Liban và cam kết tôn trọng chủ quyền của nước láng giềng.

Ngày 22/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định việc nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là "khả thi", nhưng Kiev sẽ phải nỗ lực thuyết phục các đồng minh để điều này thành hiện thực.

Ngày 22/12, lãnh tụ Tối cao của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Seyyed Ali Khamenei, đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc rằng Iran đã mất các lực lượng ủy nhiệm tại khu vực Tây Á.

Phong trào Hồi giáo Hamas cho biết một thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza “đang ở gần hơn bao giờ hết” nếu Israel không đưa ra thêm điều kiện mới.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cảnh báo sẽ yêu cầu đồng minh giao lại kênh đào này nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được.