Chảo lửa Trung Đông nóng rực sau cái chết của thủ lĩnh Hezbollah

Trung Đông rung chuyển khi thủ lĩnh của nhóm vũ trang Hồi giáo Hezbollah Hassan Nasrallah bị sát hại trong cuộc không kích dữ dội của Israel vào Beirut hôm 27/9.

Hezbollah có suy yếu sau khi thủ lĩnh bị sát hại?

Vụ sát hại Hassan Nasrallah là một đòn giáng mạnh đối với Hezbollah, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến giữa Israel và Hezbollah, cho thấy ảnh hưởng to lớn của ông Nasrallah đối với Liban cũng như cả khu vực Trung Đông.

Hôm 28/9, nhóm Hezbollah xác nhận thủ lĩnh nhóm này Hassan Nasrallah đã thiệt mạng trong một cuộc không kích dữ dội của Israel vào ngoại ô phía Nam Dahiyeh của Beirut ngày 27/9.

Ông Hassan Nasrallah là thủ lĩnh tối cao của Hezbollah trong gần 32 năm qua. Ông không chỉ là một thủ lĩnh của nhóm chiến binh có ảnh hưởng đối với chính trị của Liban, mà còn là mũi nhọn của các lực lượng ủy nhiệm của Iran trong khu vực, là nhân vật chủ chốt mạnh nhất trong trục kháng chiến. Vì vậy, việc ông Nasrallah bị sát hại không chỉ được coi là một đòn giáng chấn động đối với Hezbollah và tương lai của Liban, mà còn ảnh hưởng tới cả khu vực và cuộc đối đầu giữa Iran và Israel.

Nasrallah là một nhân vật quan trọng trong khu vực và quan trọng đối với Iran. Tôi nghĩ rằng sự vắng mặt của ông ấy, khoảng trống mà ông ấy để lại sẽ khó có thể lấp đầy. Đối với cả Hezbollah và Iran, cái chết của Nasrallah là một mất mát lớn.

Ông Hakan Fidan - Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ.

Quân đội Israel tuyên bố, ngoài thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah, còn có Ali Karki, chỉ huy mặt trận phía Nam của Hezbollah và các chỉ huy khác của Hezbollah cũng thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel.

Cái chết của thủ lĩnh Nasrallah và các thủ lĩnh khác trong các cuộc tấn công chưa từng có vào Liban và trong vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin và bộ đàm tại Liban vào đầu tháng này đã bộc lộ một lỗ hổng an ninh nghiêm trọng của Hezbollah, khiến tổ chức này phải đối mặt với tương lai không chắc chắn. Các nhà phân tích cho rằng Hezbollah sẽ cần một thời gian để vượt qua cú sốc và phục hồi.

Chân dung thủ lĩnh Sayyed Hassan Nasrallah của nhóm Hezbollah. Ảnh: Reuters.

Lina Khatib, một nhà nghiên cứu tại Chatham House, nhận định rằng: “Việc Nasrallah bị sát hại là một bước lùi đáng kể đối với Hezbollah, không chỉ vì vai trò quan trọng của ông ấy trong chiến lược của Hezbollah mà còn vì việc loại bỏ ông cho thấy mức độ dễ bị tổn thương của nhóm này trước Israel”.

Mặc dù Hezbollah bị ảnh hưởng nặng nề trong ngắn hạn, nhưng các nhà phân tích cho rằng nhóm này khó có thể bị ảnh hưởng nặng nề trong dài hạn vì một thủ lĩnh có thể được thay thế bằng một thủ lĩnh khác và nhóm này vẫn duy trì được kho vũ khí và sức mạnh quân sự khổng lồ của mình. Nhìn chung, "Israel không có khả năng đánh bại Hezbollah về mặt quân sự".

Các nhà phân tích cho rằng Hezbollah hiện phải đối mặt với những lựa chọn chiến lược trong bối cảnh thiếu hụt lãnh đạo tạm thời, nhưng điều đó không đe dọa đến sự tồn tại của nhóm.

Chắc chắn, điều này là một mất mát lớn, nhưng nó sẽ không gây ra bất kỳ sự gián đoạn nào trong cuộc chiến. Giống như sự tử vì đạo của thủ lĩnh trước đây của Hezbollah, Sayyed Abbas al-Musawi, máu của Nasrallah đã làm tăng sức mạnh và quyền lực của Hezbollah.

Ông Abbas Araqchi - Ngoại trưởng Iran.

Kênh truyền hình Al Arabiya của Ả Rập Xê Út dẫn lời các nguồn tin cho hay Hội đồng Shura - cơ quan ra quyết định tối cao của Hezbollah - đã bổ nhiệm ông Hashem Safieddine làm thủ lĩnh mới của nhóm Hồi giáo này.

Ngay sau khi thủ lĩnh Hezbollah bị ám sát, cộng đồng quốc tế đã lên án mạnh mẽ hành động này của Israel và kêu gọi nhanh chóng chấm dứt các hành động thù địch ở Liban.

Các quốc gia và tổ chức trong Trục kháng chiến đã lên án mạnh mẽ hành động của Israel và cho biết hành động này sẽ củng cố thêm sức mạnh của lực lượng kháng chiến. Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian nhấn mạnh rằng vụ ám sát ông Nasrallah “sẽ chỉ làm tăng thêm sự phản kháng”. Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani lên án vụ tấn công là “đáng xấu hổ” và “một tội ác cho thấy Israel đã vượt qua mọi ranh giới đỏ”. Nhóm Hamas tại Gaza đã lên án vụ giết hại nhà lãnh đạo Hezbollah là “hành động hèn nhát, khủng bố” của Israel.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại về “sự leo thang đáng kể” diễn ra ở Liban trong những ngày qua khi Israel nhắm mục tiêu vào Hezbollah ở thủ đô Beirut.

Bộ Ngoại giao các nước Pháp, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ lên án mạnh mẽ việc Israel giết hại ông Nasrallah và kêu gọi Israel chấm dứt các hành động thù địch ở Liban.

Bước đi tiếp theo của Israel

Israel tuyên bố việc tiêu diệt thủ lĩnh tối cao của Hezbollah là một chiến thắng to lớn. Điều này có thể tác động đến dư luận trong nước Israel theo hướng có lợi cho Thủ tướng Netanyahu. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, các cuộc tấn công tương tự của Israel trước đây không phải lúc nào cũng thành công trong việc làm tê liệt một nhóm chiến binh mà ngược lại còn làm các nhóm này mạnh hơn. Sự phản kháng mạnh mẽ của Hezbollah có thể khiến ngọn lửa xung đột lan rộng, gây bất lợi cho Israel. Mặc dù vậy, Israel vẫn tỏ rõ ý định sẽ tiếp tục tấn công tiêu diệt Hezbollah.

Các chuyên gia phần lớn đồng ý rằng Israel sẽ nhân cơ hội cái chết của ông Nasrallah và khoảng trống lãnh đạo trong nhóm Hezbollah để tiếp tục tiến lên, thậm chí còn tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch tấn công trên bộ vào Liban.

Sau vụ ám sát ông Nasrallah, Israel đã tiếp tục không kích thêm nhiều mục tiêu ở Liban, tiêu diệt thêm một số chỉ huy của Hezbollah, gây sức ép với nhóm này. Các cuộc tấn công của Israel nhằm vào Hezbollah ở Liban hôm 29/9 đã khiến 105 người thiệt mạng và 359 người khác bị thương.

Cảnh đổ nát tại ngoại ô Beirut sau cuộc không kích ngày 29/9 của Israel. Ảnh: AFP.

ABC News hôm 28/9 trích lời một quan chức Israel cho biết lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã có kế hoạch sớm tiến vào miền Nam Liban. Tuy nhiên, chiến dịch tấn công bộ binh vào Liban sẽ "rất hạn chế". Quan chức này không cung cấp nhiều chi tiết về cách thức hoặc thời điểm có thể bắt đầu chiến dịch.

Trước đó, Tham mưu trưởng IDF, Trung tướng Herzi Halevi hôm 25/9 đã thông báo về khả năng tiến hành một chiến dịch trên bộ tại quốc gia láng giềng khi ông đến thăm đơn vị quân đội đồn trú tại biên giới phía bắc của Israel. Các cuộc không kích chống lại các mục tiêu của Hezbollah ở Liban trong tuần qua nhằm mục đích chuẩn bị "cho khả năng xâm nhập của bộ binh".

Chúng tôi đã tấn công cả ngày. Đây là để chuẩn bị mặt bằng cho khả năng xâm nhập của quân đội và tiếp tục làm suy yếu Hezbollah. Mục tiêu rất rõ ràng - đưa người dân miền Bắc trở về an toàn. Để đạt được điều đó, chúng tôi đang chuẩn bị tiến trình điều động, nghĩa là quân đội, quân cơ động sẽ tiến vào lãnh thổ của kẻ thù, tiến vào những ngôi làng mà Hezbollah đã chuẩn bị làm tiền đồn quân sự lớn, có cơ sở hạ tầng ngầm, điểm tập kết và bệ phóng vào lãnh thổ của chúng tôi.

Trung tướng Herzi Halevi  - Tham mưu trưởng quân đội Israel.

Tướng Halevi không tiết lộ khung thời gian tiến hành chiến dịch. Theo đó, binh lính Israel sẽ tiến vào, tiêu diệt đối phương và phá hủy cơ sở hạ tầng một cách quyết liệt.

Mục tiêu đã nêu của Israel là bảo vệ các khu vực phía Bắc khỏi hỏa lực tên lửa của Hezbollah và tạo điều kiện cho hàng nghìn cư dân phải di dời trở về, nhưng các cuộc tấn công này cũng đã gây ra tác động tàn khốc đối với dân thường ở Liban. Bộ Y tế Liban cho biết hơn 1.000 người Liban đã thiệt mạng và 6.000 người bị thương trong hai tuần qua. Chính phủ cũng cho biết một triệu người - tương đương 1/5 dân số Liban - đã phải rời bỏ nhà cửa.

Quốc tế lo ngại nếu Israel đưa quân vào lãnh thổ Liban, một kịch bản tương tự như ở Gaza sẽ lặp lại. Thủ tướng Netanyahu, vốn bị ràng buộc bởi những người cực đoan cánh hữu trong chính phủ của ông và quá tập trung vào sự sống còn chính trị của mình, nên không thể đảm bảo rút lực lượng bộ binh kịp thời. Bộ trưởng an ninh quốc gia của Netanyahu, Itamar Ben Gvir, đã đe dọa sẽ rời khỏi chính phủ nếu Thủ tướng đồng ý ngừng bắn với Hezbollah cũng như Hamas và vì thế quân đội Israel vẫn ở Gaza gần một năm sau khi họ phát động cuộc tấn công. Tương tự với Liban, nếu một chiến dịch bộ binh bắt đầu, người ta không dám chắc khi nào nó kết thúc.

Ngày 29/9, Israel tiếp tục mở rộng cuộc tấn công vào các lực lượng ủy nhiệm do Iran hậu thuẫn, với các đợt không kích vào cơ sở nhiên liệu và nhà máy điện ở Hodeidah và Ras Issa tại Yemen, cách Israel hơn 2.000 km. Đây là một trong những đợt tấn công lớn nhất nhằm vào lực lượng Houthi trong cuộc khủng hoảng kéo dài gần một năm qua ở khu vực. Các phương tiện truyền thông Houthi đưa tin 4 người thiệt mạng và 33 người bị thương trong cuộc không kích.

Ảnh chụp một vụ nổ sau các cuộc không kích của Israel tại Hodeidah, Yemen ngày 29/9. Ảnh: Reuters.

Trước đó, Houthi đã tấn công vào các mục tiêu của Israel trong nhiều tháng để thể hiện sự đoàn kết với người Palestine ở Gaza. Nhóm vũ trang này cũng nhắm vào tàu thuyền quốc tế ở Biển Đỏ. Hôm 28/9, Houthi đã thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào sân bay quốc tế chính của Israel khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang trong hành trình bay từ Mỹ về Israel.

Trong bối cảnh thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas vẫn mờ mịt, việc Israel leo thang căng thẳng với Hezbollah ở Liban và Houthi ở Yemen khiến cho cục diện Trung Đông ngày càng vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Liệu Iran có tham chiến? 

Khi xung đột giữa Israel và Hezbollah ngày càng leo thang khiến quốc tế lo ngại về phản ứng của Iran, các chuyên gia cho rằng Iran hiện phải đối mặt với tình thế rất khó xử, đó là làm thế nào để cân bằng giữa một bên là trả đũa Israel, thể hiện vai trò dẫn đầu trong Trục kháng chiến, và một bên là tránh để chiến tranh lan rộng trong khu vực. Một số nhà phân tích dự đoán rằng Iran sẽ đưa ra phản ứng, nhưng sẽ ở một mức độ thận trọng.

Ngày 29/9, các quan chức Iran khẳng định sẽ không để vụ việc trên kết thúc mà “không có lời đáp”. Phó Tổng thống phụ trách các vấn đề chiến lược của Iran, ông Mohammad Javad Zarif, cũng khẳng định Tehran sẽ phản ứng vào thời điểm phù hợp nhằm đáp trả hành động của Israel.

Phản ứng của Iran sẽ diễn ra vào thời điểm thích hợp và theo sự lựa chọn của Iran chống lại tội ác của chế độ Do Thái. Các quyết định chắc chắn sẽ được đưa ra ở cấp lãnh đạo và cấp cao của chính phủ.

Ông Mohammad Javad Zarif - Phó Tổng thống phụ trách các vấn đề chiến lược của Iran.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng Iran sẽ không lựa chọn leo thang toàn diện mà sẽ tiếp tục cách tiếp cận thông thường của mình là chiến đấu thông qua các lực lượng ủy nhiệm, bao gồm các đồng minh ở Iraq và Yemen trước khi tham gia vào bất kỳ cuộc đối đầu trực tiếp nào với Israel.

Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Baqer Qalibaf nêu rõ, trước mắt, Tehran sẽ hỗ trợ các nhóm vũ trang tiếp tục đối đầu với Israel sau vụ các thủ lĩnh của Hezbollah thiệt mạng.

Nếu Mỹ tiếp tục hỗ trợ vũ khí cho Israel thì xung đột sẽ không có giải pháp ngoại giao. Ảnh: Reuters.

Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã lên án vụ ám sát thủ lĩnh Hezbollah tại Liban. Trong một tuyên bố chính thức được phát sóng trên đài truyền hình Iran IRIB, ông Khamenei cho biết các cuộc tấn công của “Trục kháng chiến” chống lại Israel sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Các nguồn tin cho biết lãnh tụ tinh thần Iran Ali Khamenei đã được đưa đến một địa điểm an toàn nằm sâu bên trong Iran và an ninh được tăng cường, một ngày sau khi Israel sát hại thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah. Đây là động thái mới nhất cho thấy sự thận trọng của chính quyền Iran khi Israel tiến hành một loạt các cuộc tấn công tàn khốc vào Hezbollah.

Việc Israel tăng cường và mở rộng phạm vi bắn phá sẽ đòi hỏi có thêm nguồn cung đạn dược từ Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden một mặt tuyên bố Washington ủng hộ các cuộc tấn công quân sự của Israel chống lại Hezbollah và mô tả vụ sát hại Nasrallah là "công lý" cho hàng trăm người Mỹ mà ông cho rằng đã bị Hezbollah sát hại, một mặt cho biết vẫn thúc đẩy một giải pháp ngoại giao để Israel ngừng bắn. Tuy nhiên, cục diện xung đột cho đến nay cho thấy các giải pháp ngoại giao sẽ khó phát huy hiệu quả chừng nào Mỹ còn tiếp tục hỗ trợ vũ khí cho Israel.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Truyền thông Israel dẫn lời cảnh sát Israel và cơ quan tình báo Shin Bet cho biết, khu vườn trong nhà riêng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở thị trấn Caesarea, miền Bắc Israel bị ném hai quả pháo sáng.

Siêu bão Man-yi (tên địa phương là Pepito) đã đổ bộ miền Trung Philippines có tốc độ gió tối đa là 195 km/giờ, với đường đi được cảnh báo “có khả năng gây thảm họa” tại quốc gia Đông Nam Á này. Đây là cơn bão lớn thứ 6 đổ bộ vào Philippines trong vòng 1 tháng qua.

Một vụ bắt giữ con tin xảy ra ở vùng ngoại ô Thủ đô Paris, Pháp. Sau ba giờ bao vây, hiện nghi phạm đã bị bắt trong khi các con tin đã được giải thoát an toàn.

Hãng tin TASS dẫn thông báo từ Văn phòng báo chí Hạm đội phương Bắc của Nga cho biết, tàu đô đốc Golovko đã tiến vào Địa Trung Hải trong sứ mệnh triển khai tầm xa, nhằm đảm bảo sự hiện diện của Hải quân Nga ở những khu vực chủ chốt của đại dương trên toàn cầu.

Israel đã tiến hành không kích vào một trường học ở dải Gaza - nơi những người di tản đang trú ẩn, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và 20 người khác bị thương.

Người phát ngôn của lực lượng Houthi ở Yemen, ông Yahya Saree tuyên bố nhóm này đã tấn công “một mục tiêu quan trọng” tại thành phố cảng Eilat của Israel bên bờ Biển Đỏ bằng một số thiết bị bay không người lái (UAV).