Chảo lửa Trung Đông tăng nhiệt sau vụ ám sát Haniyeh

Chảo lửa Trung Đông đang tiếp tục tăng nhiệt, khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) xác nhận, thủ lĩnh chính trị cao nhất của phong trào Hamas - ông Ismail Haniyeh đã thiệt mạng trong một vụ ám sát tại thủ đô Tehran của Iran. Sự việc này được cho là sẽ khiến căng thẳng ở khu vực Trung Đông leo thang nghiêm trọng.

Vụ ám sát gây chấn động khu vực Trung Đông

Phong trào Hamas cho biết, lãnh đạo chính trị của lực lượng này - ông Ismail Haniyeh, bị sát hại cùng với vệ sĩ trong một “cuộc đột kích của những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái” nhằm vào nơi ở của ông ở thủ đô Tehran, sau khi ông tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran.

Hiện chưa có nhóm hay tổ chức nào lên tiếng thừa nhận thực hiện vụ ám sát, nhưng những nghi ngờ ngay lập tức đổ dồn vào Israel. Tel Aviv từng tuyên bố sẽ tiêu diệt ông Haniyeh và các thủ lĩnh khác của Hamas vì cuộc tấn công của lực lượng này vào Israel ngày 7/10/2023 khiến 1.200 người thiệt mạng và khoảng 250 người khác bị bắt làm con tin. Israel hiện chưa bình luận về thông tin trên.

Ông Ismail Haniyeh đến Iran để tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran.

Theo truyền thông Iran, ông Ismail Haniyeh là thủ lĩnh chính trị cao nhất của phong trào Hamas. Ông Haniyeh năm nay 62 tuổi, sinh ra trong một trại tị nạn gần thành phố Gaza và tham gia Hamas vào cuối những năm 1980 trong cuộc nổi dậy Intifada đầu tiên. Trong những năm qua, ông đã tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với một số lãnh đạo các nước.

Tháng 6/2024, em gái ông Haniyeh cùng chồng và 8 người con đã thiệt mạng trong một vụ tập kích của Israel nhắm vào khu trại tị nạn Al-Shati ở phía Bắc dải Gaza. Trước đó hai tháng, 3 người con trai của ông Haniyeh cũng qua đời sau khi ô tô của họ bị tấn công gần Al-Shati. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, ông Haniyeh vẫn khẳng định cái chết của họ sẽ không ảnh hưởng đến lệnh ngừng bắn cũng như các cuộc đàm phán về con tin đang diễn ra.

Do đó, theo các nhà phân tích, vụ ám sát lãnh đạo Hamas - ông Haniyeh là một diễn biến đột ngột và có ảnh hưởng lớn đối với người dân Gaza. Họ coi ông Haniyeh không chỉ là lãnh đạo chính trị của Hamas mà còn là người dẫn dắt các cuộc đàm phán vốn đươc hy vọng sẽ đem đến lệnh ngừng bắn, chấm dứt cuộc chiến dai dẳng này ở Dải Gaza.

Người phát ngôn cấp cao của Hamas Sami Abu Zuhri đã mô tả vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh là “một sự leo thang nghiêm trọng”. Hamas sẽ tiến hành “cuộc chiến tranh công khai để giải phóng Jerusalem” và nhóm này “sẵn sàng trả giá” để đạt được mục tiêu này.

Một số nhà quan sát đánh giá, vụ ám sát ông Haniyeh có thể dẫn đến một tình huống nghiêm trọng hơn cho toàn bộ khu vực Trung Đông. Một mặt, Israel phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng cần chấm dứt cuộc xung đột ở Gaza, vì thủ lĩnh cao cấp nhất của Hamas đã không còn nữa.

Mặt khác là nguy cơ bùng phát xung đột trực diện giữa Israel và Iran. Chỉ vài tháng trước khi Israel tấn công tên lửa vào lãnh sự quán Iran tại Syria, Iran đã đáp trả dữ dội bằng một cuộc tấn công của hơn 300 máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào các căn cứ quân sự của Israel.

Hiện nay, xét đến tình huống thực tế là lãnh đạo Hamas - ông Ismail Haniyeh là một vị khách Iran đã bị ám sát trên đất Iran. Câu hỏi lớn là, Iran sẽ phản ứng như thế nào? Hậu quả chắc chắn sẽ rất lớn đối với toàn bộ khu vực. Hiện các thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran cùng với các chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã triệu tập một cuộc họp để thảo luận về phản ứng đối với vụ ám sát ông Haniyeh.

Ông Ismail Haniyeh (trái) gặp tân Tổng thống Iran trước lễ nhậm chức.

Israel - Hezbollah bên bờ vực cuộc chiến tổng lực

Vụ ám sát lãnh đạo phong trào Hamas ở dải Gaza diễn ra vào thời điểm vô cùng nhạy cảm, khi các cuộc đối đầu vũ trang giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Liban liên tục leo thang nguy hiểm.

Rạng sáng nay (theo giờ Việt Nam), Israel tiến hành không kích vào ngoại ô Beirut, đánh dấu lần đầu tiên thủ đô của Liban trở thành mục tiêu tấn công của Israel sau gần 10 tháng xung đột.

Theo giới phân tích, đây dường như là một phần trong kế hoạch đáp trả mạnh mẽ của Tel Aviv nhằm vào lực lượng Hezbollah ở Liban sau khi nhóm này được cho là đã phóng tên lửa đánh trúng một sân bóng đá ở cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng, khiến ít nhất 12 trẻ em thiệt mạng. Diễn biến này làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột vượt tầm kiểm soát, có khả năng nhấn chìm toàn bộ khu vực Trung Đông trong một thảm họa khôn lường.

Câu hỏi đặt ra là Israel sẽ còn có những hành động tiếp theo như thế nào để đáp trả cuộc tập kích của Hezbollah vào thời điểm cuộc xung đột giữa nước này và phong trào Hamas ở dải Gaza vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt?

Chiến tranh Trung Đông đang lan rộng.

Tình hình biên giới Israel - Liban bắt đầu nóng trở lại sau khi Israel phát động chiến dịch quân sự tại dải Gaza vào tháng 10/2023. Quân đội Israel và lực lượng Hezbollah hầu như ngày nào cũng giao tranh tại các khu vực dọc biên giới.

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào ngày 27/7 khi lực lượng Hezbollah tiến hành cuộc tập kích bằng tên lửa rơi trúng sân bóng ở thị trấn Majdal Shams. Sau vụ tấn công, quân đội Israel tuyên bố đáp trả quyết liệt.

Ông Yoav Gallant, Bộ trưởng Quốc phòng Israel cho biết: “Tôi đã tới Bộ Tư lệnh khu vực phía Bắc để xem xét các kế hoạch đáp trả. Không thể loại trừ trách nhiệm của Hezbollah khỏi sự kiện này, dù họ đã phủ nhận một cách vô lý. Họ đã thực hiện vụ tấn công và họ sẽ phải trả giá đắt cho hành động của mình”.

Hôm 29/7, quân đội Israel đã tiến hành các cuộc không kích vào thị trấn Shebaa, ở miền Nam Liban, làm hư hại tòa nhà mục tiêu và một số công trình xung quanh. Các cuộc không kích cũng được báo cáo ở các thị trấn khác.

Hôm qua (30/7), quân đội Israel tiếp tục tấn công khoảng 10 mục tiêu của lực lượng Hezbollah ở Liban, tiêu diệt một thành viên của nhóm vũ trang này. Trong vụ không kích rạng sáng nay nhằm vào thủ đô Beirut của Liban, một chỉ huy cấp cao phụ trách phát triển tên lửa của Hezbollah được cho là đã thiệt mạng. Tất cả cho thấy sự thù địch giữa hai bên ngày càng lớn sau vụ tập kích của Hezbollah vào Cao nguyên Golan.

Đám cháy bùng phát sau khi Hezbollah tuyên bố phóng hơn 200 rocket và máy bay không người lái vào các địa điểm quân sự của Israel tại Cao nguyên Golan vào ngày 4/7 (Ảnh: Reuters).

Tiến sĩ Rania Slim, nhà phân tích chính trị tại Viện Trung Đông bày tỏ: “Tôi cho rằng cuộc tấn công của Israel vào Liban là phản ứng hạn chế theo như phía Israel nghĩ và quan tâm. Nhưng liệu nó có được coi là phản ứng hạn chế của Hezbollah hay không, thì vẫn chưa được biết. Đây là một cuộc tấn công trực tiếp vào một tòa nhà nhắm vào một chỉ huy cụ thể, người mà theo Israel chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công vào Majdal Shams ở cao nguyên Golan”.

Theo giới phân tích, Hezbollah chắc chắn sẽ có động thái đáp trả, với khả năng tấn công mạnh mẽ vào các cơ sở quân sự của Israel, tương tự như các mục tiêu tấn công của Israel những ngày qua. Hezbollah trước đó đã di chuyển tên lửa dẫn đường chính xác để chuẩn bị cho một kịch bản xung đột toàn diện với Tel Aviv.

Trong một động thái đề phòng tình hình an ninh biến động, Mỹ, Anh, Đức, Pháp cùng nhiều nước trên thế giới đã khuyến cáo công dân rời Liban để đảm bảo an toàn. Nhiều hãng hàng không quốc tế đã quyết định huỷ bỏ các chuyến bay kết nối với Beirut.

Về phía Liban, người dân sinh sống ở khu vực miền Nam giáp biên giới với Israel đang sống trong cảnh thấp thỏm lo lắng vì họ sẽ là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ căng thẳng quân sự giữa Israel và Hezbollah. Nhiều người đã lựa chọn giải pháp rời đi để đảm bảo an toàn.

Ông Mohssen Akil, người dân ở miền nam Liban cho biết: "Chúng tôi đã phải di tản ngay từ đầu các vụ giao tranh để đến những khu vực an toàn. Có khoảng 60% ngôi làng đã bị phá hủy. Chúng tôi hy vọng căng thẳng này sẽ qua đi, mọi người có thể trở về nhà và mọi thứ sẽ ổn định trở lại".

Theo các chuyên gia, Liban - quốc gia chỉ có 4 triệu dân và đang vật lộn ứng phó với hậu quả từ một cuộc sụp đổ tài chính thảm khốc năm 2019, chắc chắn không thể chịu đựng thêm một cuộc xung đột quân sự. Viễn cảnh trở thành một Gaza thứ hai là hoàn toàn có khả năng nếu căng thẳng Israel và Hezbollha lan rộng thành một cuộc chiến tranh toàn diện.

Ông Abdallah Bou Habib, Bộ trưởng Ngoại giao Liban nhận định: “Nếu Israel tấn công vào Liban, đó sẽ là một cuộc chiến tranh lớn. Tôi không nghĩ Israel muốn làm điều đó. Họ muốn giải quyết mọi vấn đề bằng ngoại giao. Tất nhiên, chúng tôi không muốn chiến tranh. Chúng tôi không muốn bất kỳ sự leo thang nào”.

Về phía Israel, Tel Aviv đã đặt các cảng biển phía Nam thuộc thành phố Ashdod trong tình trạng báo động, sẵn sàng thay thế cho hai cảng phía Bắc thuộc thành phố Haifa do khả năng mở rộng và gia tăng giao tranh ở biên giới với Liban. Israel cũng lên các phương án đảm bảo tính độc lập về năng lượng và các giải pháp hậu cần mạnh mẽ để kiểm soát hiệu quả mọi trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra.

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo, nếu Israel tiếp tục lao vào một cuộc xung đột quân sự khác, kinh tế Israel sẽ chao đảo và đứng trước nguy cơ chệch hướng tăng trưởng.

Thâm hụt ngân sách của Israel đã tăng lên mức 7,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chủ yếu là do các khoản chi tiêu quân sự. Ngân hàng Trung ương Israel đã hạ dự báo tăng trưởng GDP xuống còn 1,5% trong năm nay.

Israel đặt các cảng biển phía Nam trong tình trạng báo động.

Kịch bản nào cho cuộc xung đột Israel và Hezbollah?

Trước nguy cơ leo thang căng thẳng giữa Israel và các lực lượng vũ trang trong khu vực, đặc biệt là lực lượng Hezbollah, cộng đồng quốc tế - dẫn đầu là Mỹ đã đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao để kiềm chế phản ứng của các bên liên quan. Trọng tâm của hoạt động ngoại giao “con thoi” là ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào các khu vực đông dân cư hoặc các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Theo Cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng - ông John Kirby, vẫn còn thời gian và không gian cho một giải pháp ngoại giao để ngăn chặn một thảm kịch tái diễn, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloy Austin cũng bày tỏ tin tưởng xung đột là hoàn toàn có thể tránh được.

Cuộc xung đột toàn diện giữa Israel và Hezbollah đang có nguy cơ nổ. Các bên liên quan đang nỗ lực để kiềm chế và ngăn chặn một cuộc chiến tranh tổng lực.

Ông Antony Blinken, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ cho biết: "Chúng tôi đang đàm phán với chính phủ Israel và một lần nữa, tôi nhấn mạnh quyền bảo vệ công dân của họ và quyết tâm của chúng tôi để đảm bảo rằng họ có thể làm điều đó. Nhưng chúng tôi cũng không muốn thấy xung đột leo thang và lan rộng. Đó là một trong những mục tiêu của chúng tôi ngay từ ngày đầu tiên, kể từ ngày 7/10/2023".

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực, lập luận rằng một cuộc xung đột lan rộng sẽ dẫn đến nhiều đau khổ hơn cho người dân.

Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric cho biết, chỉ huy lực lượng gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc tại Liban và Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Liban - bà Hannis -Plasschaert, đêm qua đã tiến hành các cuộc đối thoại với giới chức ở cả Israel và Liban, nhằm tìm biện pháp ngăn chặn chiến tranh bùng phát. Một loạt quốc gia Trung Đông bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự leo thang giữa Israel và Hezbollah, kêu gọi các bên kiềm chế tối đa để tránh gia tăng căng thẳng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, khả năng Israel phát động một cuộc chiến tranh toàn diện với Hezbollah là không cao. Thực tế các đòn “ăn miếng trả miếng” những ngày qua về cơ bản chỉ mang tính biểu tượng. Việc phát động một cuộc chiến tranh toàn diện với Hezbollah sẽ đẩy Israel rơi vào tình thế “tứ bề thọ địch”, khi cùng lúc phải chiến đấu trên nhiều mặt trận, từ phong trào Hamas tại Dải Gaza đến lực lượng Houthi tại Yemen, điều mà quân đội Israel khó có thể chuẩn bị tốt nhất.

Ngoài ra, Hezbollah sẽ là đối thủ đáng gờm hơn, nếu so với phong trào Hamas của Palestine. Thủ lĩnh Hezbollah - ông Nasrallah gần đây tiết lộ, nhóm có hơn 100.000 chiến binh. Về kho vũ khí, Hezbollah đang sở hữu ít nhất 150.000 tên lửa và rocket.

Cuộc xung đột Israel và Hezbollah cũng sẽ kéo theo sự vào cuộc của các nước lớn trong và ngoài khu vực.

Cuộc xung đột Israel và Hezbollah cũng sẽ kéo theo sự vào cuộc của các nước lớn trong và ngoài khu vực. Với quy ước đồng minh và lợi ích của mình ở khu vực Trung Đông, Mỹ sẽ khó có thể “đứng ngoài cuộc chơi” khi xung đột Israel và Hezbollah, cũng như với các nhóm vũ trang khác, như phong trào Hamas hay lực lượng Houthi, trở thành cuộc chiến tranh trên diện rộng. Đây là điều mà Mỹ không hề mong muốn, nhất là khi cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần và việc sa lầy vào nhiều cuộc chiến sẽ khiến Washington đối mặt với nhiều bất ổn.

Trang tin tức Axios dẫn lời các quan chức Israel và Mỹ nói rằng, Mỹ đã cảnh báo Israel về việc tấn công các mục tiêu Hezbollah ở Beirut có thể sẽ khiến “tình hình vượt quá tầm kiểm soát”. Cách tốt nhất để tránh chiến tranh toàn diện giữa Israel và Hezbollah là đạt lệnh ngừng bắn ở Gaza.

Phía Hezbollah từng ra tín hiệu sẵn sàng đàm phán nhưng chỉ khi Israel ngừng tấn công Gaza. Thế nhưng, triển vọng này đang rất mờ mịt sau vụ ám sát lãnh đạo Phong trào Hồi giáo Hamas - ông Ismail Haniyeh.

Hiện các chuyển động ngoại giao được ghi nhận là đang diễn ra khá tích cực với sự tham gia của Mỹ, các nước châu Âu và các nước Arab. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, tình hình vẫn rất khó đoán định và phụ thuộc vào cách phản ứng của Iran, nước hậu thuẫn cho cả lực lượng Hezbollah ở Liban và Hamas ở dải Gaza.

Một tính toán sai lầm hay mang tính gây hấn từ bất kỳ bên nào cũng có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột quy mô lớn, với hậu quả khó lường cho khu vực Trung Đông và toàn thế giới.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Vào ngày 2/11, nhiều người dân London đã có phản ứng trái chiều trước việc bà Kemi Badenoch trở thành lãnh đạo mới của Đảng Bảo thủ, đánh dấu lần đầu tiên một phụ nữ da màu nắm giữ vị trí này trong lịch sử chính trị Anh.

Những người ủng hộ ứng cử viên Đảng Cộng hòa và cựu Tổng thống Donald Trump lên đường tham gia một cuộc diễu hành bằng ô tô ở Arizona. Trong khi đó, hàng nghìn phụ nữ Mỹ đã diễu hành ở Thủ đô và trên khắp nước Mỹ để ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris trước cuộc bầu cử tổng thống và để nhắc nhở những cử tri chưa quyết định về lợi ích của cuộc bầu cử.

Các chủ doanh nghiệp và người dân ở thị trấn Paiporta của Tây Ban Nha vẫn đang nỗ lực dọn sạch bùn và nước trong các tòa nhà, vài ngày sau khi lũ quét tàn phá khu vực và khiến 213 người thiệt mạng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Ukraine đang phá hoại việc trao đổi tù binh với Nga nhằm đạt được lợi ích chính trị.

Quân đội Israel xác nhận đơn vị biệt kích Shayetet 13 của Hải quân Israel đã tiến hành một cuộc đột kích ở miền Bắc Liban vào ban đêm, bắt giữ Imad Amhaz, một điệp viên của Hezbollah, được coi là "nguồn kiến thức quan trọng" trong lực lượng hải quân của nhóm này.

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ trong cuộc tổng tuyển cử tại Botswana cho thấy đảng đối lập (UDC) đã giành được đa số ghế trong Quốc hội và có thể thành lập Chính phủ tiếp theo, chấm dứt gần 6 thập kỷ cầm quyền của đảng Dân chủ Botswana.