Chảo lửa Trung Đông tiếp tục tăng nhiệt
Chảo lửa Trung Đông tiếp tục “nóng rẫy”
Xung đột giữa các khu vực Trung Đông ngày càng căng thẳng. Cho dù đó là các cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở Yemen vào tàu thuyền trên Biển Đỏ hay các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng giữa Iran và Pakistan, tất cả đều có một điểm chung đó là có liên quan đến cuộc xung đột Israel – Hamas. Sau khi Hamas tiến hành cuộc đột kích sang lãnh thổ Israel vào ngày 7 tháng 10 năm 2023 khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và bắt giữ khoảng 250 con tin, Israel đã tiến hành các cuộc không kích dữ dội và mở chiến dịch tấn công trên bộ nhằm vào Dải Gaza, khiến gần 25.000 người Palestine thiệt mạng và hai triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa, gây phẫn nộ khắp thế giới Hồi giáo. Trong khi cuộc chiến Gaza vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, căng thẳng trong khu vực đang ngày càng leo thang và có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát.
Các cuộc tấn công tên lửa xảy ra ở Syria, Liban, Iraq và Yemen trong ngày 20/1 cho thấy nguy cơ cuộc chiến ở Gaza có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột lớn hơn ở khu vực luôn hiện hữu.
Hãng thông tấn bán chính thức Tasnim của Iran đưa tin, ít nhất 5 cố vấn quân sự Iran và một số binh sỹ Syria đã thiệt mạng trong cuộc tấn công tên lửa của Israel vào một tòa nhà ở Damascus hôm thứ Bảy.
Truyền thông Iran cho biết người đứng đầu bộ phận tình báo của lực lượng Vệ binh Cách mạng ở Syria và cấp phó của ông nằm trong số những người thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel vào Syria.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cùng ngày trong một bình luận được truyền thông nhà nước Iran đưa tin, tuyên bố sẽ trừng phạt Israel vì cuộc tấn công vào Syria, gọi đây là “tội ác” không thể không bị đáp trả.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên bố: “Việc tiếp tục các hành động khủng bố và tội phạm như vậy cho thấy sự thất bại ngày càng tăng của chính quyền Israel và nước Cộng hoà hồi giáo Iran sẽ không thể bỏ qua tội ác này.”
Đến nay, chưa có bình luận nào về vụ việc từ phía Israel, quốc gia vẫn thường không đề cập công khai về các cuộc tấn công như vậy. Trong ba tháng qua, Israel đã liên tục tấn công vào các mục tiêu của Iran ở Syria, trong khi các nhóm được Iran hậu thuẫn ở Syria và Iraq cũng không kích vào các mục tiêu của Mỹ ở những quốc gia này.
Trong khi đó, các nguồn tin an ninh ở Liban cho biết trong ngày 20/1, Israel đã thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào nước này, khiến một thành viên của lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn thiệt mạng.
Cuối ngày thứ Bảy, lực lượng phiến quân được Iran hậu thuẫn ở Iraq đã phóng tên lửa nhắm vào lực lượng Mỹ. Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ cho biết căn cứ không quân Al-Asad đã bị tấn công, khiến một số quân nhân Mỹ và một quân nhân Iraq bị thương.
Cùng ngày, Mỹ tuyên bố đã không kích nhằm vào một tên lửa mà lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen dự định nhắm tới Biển Đỏ. Thời gian qua, Houthi đã thực hiện hàng loạt cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các tàu ở Biển Đỏ, hành động mà họ cho là nhắm mục tiêu vào Israel và các tàu liên kết với Israel để thúc đẩy chấm dứt xung đột ở Dải Gaza. Các cuộc tấn công buộc nhiều hãng tàu phải định lại tuyến đường vận chuyển dài hơn quanh Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, làm tăng thời gian và chi phí vận chuyển, từ đó gây tắc nghẽn chuỗi cung ứng và giáng một đòn mạnh vào thương mại toàn cầu.
Trong tuần qua, liên quân Mỹ - Anh đã thực hiện hàng loạt cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của lực lượng Houthi. Tuy nhiên, theo một thành viên của Hội đồng Chính trị Tối cao Yemen, các cuộc không kích của Mỹ và Anh đã không đạt được bất kỳ mục tiêu nào mà họ mong muốn, khi lực lượng liên quân chỉ ném bom những vùng đất trống từng là địa điểm quân sự, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch tấn công tàu thuyền ở Biển Đỏ.
Căng thẳng leo thang tại khu vực khiến giới quan sát bày tỏ quan ngại rằng căng thẳng ở Biển Đỏ do các cuộc tấn công của Houthi và các cuộc phản công của Mỹ có thể vượt khỏi tầm kiểm soát ở Trung Đông.
Thông điệp của Iran khi tập kích ba nước Trung Đông
Trong một diễn biến đáng chú ý, chỉ trong vòng hai ngày trong tuần này, Iran đã tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các mục tiêu ở ba quốc gia: Iraq, Syria, Pakistan và thực hiện một bước đi bất thường là tuyên bố chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công. Diễn biến này càng khiến tình hình tại khu vực Trung Đông trở nên sôi sục.
Các cuộc tấn công hôm 15/1 của Iran ở Syria nhằm vào nhiều mục tiêu được cho là của lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Cùng ngày, tại thành phố Erbil của Iraq, Tehran tuyên bố họ đã tấn công một cơ sở của của cơ quan tình báo Israel Mossad. Theo chính quyền của người Kurd, ít nhất bốn người đã thiệt mạng.
Ngày 16/1, Iran tiếp tục phóng tên lửa vào tỉnh Balochistan của Pakistan, với mục tiêu là nhóm ly khai Jaish al-Adl nhưng khiến ít nhất hai trẻ em thiệt mạng và một số người khác bị thương.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, vào tối thứ Ba, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian đã bảo vệ hành động của nước này.
Ông Hossein Amirabdollahian – Bộ trưởng Ngoại giao Iran cho hay: “Jaish al-Adl, một nhóm khủng bố của Iran, đã ẩn náu trên lãnh thổ Pakistan và chúng tôi đã thảo luận chủ đề này nhiều lần với các quan chức chính trị, an ninh và quân sự cấp cao của Pakistan. Trước cuộc trò chuyện này, tôi đã nói với Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan rằng chúng tôi tôn trọng sự toàn vẹn của Pakistan. Chúng tôi cũng tôn trọng sự toàn vẹn của Iraq. Nhưng chúng tôi sẽ không cho phép họ đùa giỡn với an ninh của đất nước chúng tôi”.
Những cuộc tấn công nhanh chóng của Iran vào ba nước láng giềng làm dấy lên lo ngại về sự leo thang trong khu vực và khiến nhiều người băn khoăn về thời điểm Tehran khai hoả, trong bối cảnh tình hình khu vực vốn đã nóng bỏng vì cuộc xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza.
Theo giới quan sát, các cuộc tấn công của Iran được cho là nhằm đáp lại lời kêu gọi từ công chúng nước này, yêu cầu chính phủ phản ứng với vụ đánh bom tự sát do phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực hiện gần mộ tướng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Qassem Soleimani hôm 3/1 tại thành phố Kerman, khiến khoảng 90 người thiệt mạng.
Ngoài ra, Tehran dường như cũng muốn phô trương sức mạnh quân sự của Iran trước các đối thủ. Những cuộc tấn công của Iran trong tuần qua đã được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông nhà nước. Báo chí Iran cũng mô tả chi tiết những loại vũ khí, đạn dược được Tehran sử dụng trong các đòn tập kích.
Theo đó, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã tấn công các mục tiêu IS ở miền bắc Syria bằng tên lửa dẫn đường chính xác có tầm bắn hơn 1.400 km, đồng nghĩa nó cũng có thể vươn tới Israel. Còn vụ tấn công địa điểm được cho là căn cứ gián điệp của Israel ở Erbil, thuộc khu tự trị của người Kurd tại Iraq đã được thực hiện bằng tên lửa đạn đạo.
Các cuộc tấn công của Iran diễn ra trong bối cảnh nước này cũng ủng hộ các lực lượng Hamas tại Gaza, Hezbollah ở Liban và Houthi ở Yemen.
Thông điệp từ Mỹ
Loạt vụ tập kích của Iran đã làm tăng nhiệt lò lửa Trung Đông. Trong khi đó, Mỹ đã lên án các cuộc tấn công của Tehran. Một số quan chức Mỹ nhận định các cuộc tập kích của Iran không có tác dụng răn đe đáng kể.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến Iran vi phạm biên giới chủ quyền ba nước láng giềng chỉ trong vài ngày qua. Chúng tôi không thấy bên nào được lợi, kể cả Iran, khi cuộc xung đột này leo thang.”
Mỹ đã liệt một số nhóm vũ trang trong các cuộc xung đột tại khu vực vào danh sách khủng bố, trong đó có các lực lượng được Iran hậu thuẫn là Houthi, Hezbollah, cũng như kẻ thù của họ là IS và Jaish al-Adl. Washington cũng tìm cách vạch ranh giới giữa các cuộc tấn công của họ và những hành động gần đây mà Iran thực hiện.
Sau cuộc tấn công đầu tiên do Mỹ dẫn đầu nhằm vào nhóm Houthi ở Yemen vào tuần trước, Tổng thống Joe Biden cho biết Washington đã gửi một thông điệp riêng tới Iran cảnh báo về hành động của Houthi trên Biển Đỏ.
Còn trong thông điệp sau các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng giữa Iran và Pakistan, ông Biden tuyên bố: “Iran không được yêu thích đặc biệt trong khu vực.”
Một số quan chức Mỹ cho rằng các cuộc tập kích của Iran không có tác dụng răn đe đáng kể do không phải đối mặt với các hệ thống phòng không.
Trên thực tế, mặc dù các cuộc tập kích của Iran đã đặt ra những thách thức mới trong quan hệ giữa Iran và các nước láng giềng, nhưng cũng có những mối quan hệ không dễ thay đổi. Một minh chứng là chỉ hai ngày sau khi Iran và Pakistan thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu phiến quân trên lãnh thổ của nhau, xung đột giữa hai bên đã được hóa giải khi ngoại trưởng hai nước nhất trí giảm leo thang căng thẳng. Hai bên cũng nhất trí cần tăng cường hợp tác chống khủng bố và các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm. Dù cả Pakistan và Iran thường xuyên cáo buộc nhau cho phép các nhóm vũ trang xâm nhập vào lãnh thổ, thậm chí từng nã súng cối vào nhau năm 2014, hai nước vẫn có hợp tác quân sự và ngoại giao trong nhiều năm nay.
Hoà bình cho Gaza vẫn còn xa vời
Trong bối cảnh xung đột lan rộng khắp khu vực, giao tranh giữa Israel và lực lượng vũ trang Hamas tại Dải Gaza vẫn đang diễn ra ác liệt. Theo các nhà ngoại giao và giới quan sát quốc tế, chỉ có một lệnh ngừng bắn tại Gaza, từ đó tiến tới thành lập một Nhà nước Palestine độc lập có chủ quyền, mới có thể ngăn được khủng hoảng leo thang.
Sau 100 ngày chiến tranh, Israel về cơ bản đã kiểm soát Dải Gaza, làm suy yếu đáng kể Hamas về quân sự và đã giải cứu được một số con tin. Tuy nhiên, Israel chưa đạt được hết tất cả những mục tiêu đề ra khi lại tuyên chiến với Hamas. Hamas bị tổn hại nặng nề về nhân lực và vật lực, trên thực tế giờ không còn cai quản Dải Gaza như trước.
Lần chiến tranh này giữa Hamas và Israel sẽ còn dai dẳng và quyết liệt bởi cả hai bên đều tuyên bố chỉ dừng lại khi đạt được các mục tiêu đã đề ra. Trong khi đó, các nỗ lực cho một giải pháp ngoại giao vẫn bế tắc. Trong cuộc điện đàm mới nhất kéo dài 30 phút giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, hai bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về vấn đế giải pháp hai nhà nước.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc điện đàm, Tổng thống Mỹ Joe Biden dù khẳng định cam kết nỗ lực giúp đỡ người Palestine tiến tới trở thành nhà nước, song, ông cũng thừa nhận giải pháp này là hết sức khó khăn nếu ông Netanyahu vẫn tại nhiệm.
Về cuộc điện đàm này, Thủ tướng Israel Netanyahu hiện chưa có bình luận gì, song, trước đó, ông đã từng nhiều lần nói thẳng với các quan chức Mỹ rằng ông sẽ không ủng hộ một nhà nước Palestine như một phần của bất kỳ kế hoạch nào sau chiến tranh.
Thực tế cho thấy, chừng nào bất đồng giữa Mỹ và Israel trong giải pháp hai nhà nước còn chưa được hóa giải thì cuộc xung đột dai dẳng giữa người Palestine và người Israel đã kéo dài nhiều thập kỷ nay vẫn chưa thể đi đến hồi kết. Trong thời gian qua, Thủ tướng Israel Netanyahu liên tục từ chối lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Biden về chủ quyền của Palestine. Trong khi Tổng thống Mỹ lại tin rằng chìa khóa để mở ra một nền hòa bình lâu dài ở Trung Đông chính là giải pháp hai nhà nước. Để giải quyết những bất đồng, hai bên có thể sẽ cần thêm nhiều cuộc gặp hơn, thậm chí là cả cuộc gặp trực tiếp giữa người đứng đầu chính phủ hai nước.
Khi cuộc chiến Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 4, nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết cuộc xung đột khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.
TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.
Sáng 17/12, một thiết bị nổ được cài trong một chiếc xe scooter điện đã phát nổ gần lối vào của một tòa dân cư trên Đại lộ Ryazansky ở Moscow, vào đúng thời điểm người đứng đầu Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov cùng trợ lý của ông đi ngang qua, khiến hai người thiệt mạng.
Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp, và thêm trường hợp mới nhất là Trung tướng Igor Kirillov.
Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.
Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.
0