Châu Á, sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư
Trung Quốc hấp dẫn các nhà sản xuất xe điện toàn cầu
Baidu – “gã khổng lồ” cung cấp dịch vụ tìm kiếm trên Internet của Trung Quốc đã đạt thỏa thuận với Tesla, cho phép hãng xe điện của Mỹ tiếp cận giấy phép lập bản đồ nhằm thu thập dữ liệu về giao thông đường bộ Trung Quốc. Thỏa thuận này sẽ xóa bỏ rào cản pháp lý cuối cùng để Tesla có thể vận hành hệ thống hỗ trợ tự lái có tên gọi Tự lái hoàn toàn (FSD) tại Trung Quốc. Ngoài ra, Baidu cũng sẽ cung cấp hệ thống định vị làn đường cho Tesla như một phần của thỏa thuận.
Thỏa thuận này đạt được khi ông chủ của Tesla, tỷ phú Elon Musk, tới thăm Trung Quốc và gặp Thủ tướng Lý Cường hôm 28/4. Trong cuộc gặp với các quan chức cấp cao của Trung Quốc, ông Musk đã tìm kiếm sự chấp thuận cho việc triển khai phần mềm FSD ở Trung Quốc và quyền chuyển dữ liệu ra nước ngoài.
Tại Trung Quốc, tất cả các hệ thống lái xe thông minh đều phải có giấy phép lập bản đồ trước khi vận hành trên đường phố. Doanh nghiệp nước ngoài cần hợp tác với những công ty trong nước đã có giấy phép và Baidu nằm trong số này. Với giấy phép dịch vụ bản đồ, Tesla sẽ được phép vận hành hợp pháp phần mềm FSD trên đường phố Trung Quốc. Các xe điện của hãng có thể thu thập dữ liệu về môi trường xung quanh chiếc xe, chẳng hạn như bố cục đường, biển báo giao thông và các tòa nhà lân cận.
Nhà phân tích Dan Ives của Công ty đầu tư Wedbush nhận định việc Elon Musk giành được thỏa thuận FSD tại thị trường trọng điểm Trung Quốc là một bước ngoặt đối với Tesla.
Nếu Elon Musk nhận được chấp thuận từ Bắc Kinh để chuyển dữ liệu được thu thập ở Trung Quốc ra nước ngoài, thì đây sẽ là yếu tố then chốt trong việc tăng tốc đào tạo thuật toán công nghệ xe tự hành của họ trên toàn cầu. Chuyến đi này có ý nghĩa quan trọng đối với Tesla và Elon Musk nhằm củng cố vị trí của hãng tại thị trường Trung Quốc vào thời điểm then chốt này.
Ông Dan Ives - nhà phân tích của Wedbush.
Tờ Financial Times cho rằng chuyến đi tới Trung Quốc của ông Elon Musk đã tìm ra chiếc “phao cứu sinh” cho Tesla trong bối cảnh khó khăn. Báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2024 của Tesla khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng, khi lợi nhuận của hãng chỉ đạt 1,13 tỷ USD, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số xe điện cũng giảm 8,5%, đánh dấu sự sụt giảm đầu tiên của Tesla trong gần 4 năm, khiến công ty phải xem xét sa thải khoảng 14.000 nhân viên trên toàn cầu để cắt giảm chi phí.
Việc ông Musk hoãn chuyến thăm Ấn Độ như dự kiến trước đó và chọn đến Trung Quốc cho thấy Tesla coi Trung Quốc là đối tác lý tưởng, khi đây là thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Sau khi tin tức về thỏa thuận giữa Tesla và Baidu được công bố, cổ phiếu của Tesla đã tăng hơn 6%.
Ngoài Tesla, nhiều hãng ô tô lớn khác cũng coi Trung Quốc là thị trường tiềm năng để phát triển mảng xe điện. Thị trường ô tô đang phát triển của Trung Quốc, với nhu cầu bùng nổ về phương tiện xanh, đã tạo ra cơ hội kinh doanh lớn cho các nhà sản xuất nước ngoài như Mercedes-Benz, Volkswagen và BMW. Theo một phân tích của PwC, các nhà sản xuất ô tô Đức đã chứng kiến sự gia tăng đáng kinh ngạc gần 50% về doanh số bán xe chạy bằng pin tại Trung Quốc vào năm ngoái.
Mới đây, Mercedes-Benz đã công bố kế hoạch mở rộng đầu tư và tung ra hơn 15 sản phẩm mới tại Trung Quốc trong năm nay, bao gồm xe điện, xe plug-in hybrid và các phương tiện sử dụng năng lượng mới khác. Hãng cũng sẽ thành lập các phòng thí nghiệm tiên tiến về truyền động điện, pin điện áp cao và sạc tại Trung Quốc.
Chúng tôi liên tục tuân theo chiến lược 'Tham vọng 2039' và chúng tôi đã mở rộng đáng kể hoạt động nghiên cứu và phát triển địa phương ở Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành một trung tâm đổi mới toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực xe năng lượng mới.
Ông Oliver Locher - Phó Chủ tịch điều hành cấp cao Mercedes-Benz Trung Quốc.
Volkswagen có kế hoạch đẩy nhanh việc ra mắt các sản phẩm điện tại Trung Quốc vào năm 2024, còn BMW sẽ chuyển hướng sang xe điện thông minh.
Indonesia – thị trường tiềm năng cho các hãng công nghệ
Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới, cũng đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn tại châu Á đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ. Sự gia tăng về dân số trẻ và sự phát triển của các trung tâm đô thị đã tạo ra một thị trường tiêu dùng lớn và đa dạng. Microsoft đã công bố kế hoạch đầu tư 1,7 tỷ USD trong vòng bốn năm tới để phát triển các dịch vụ đám mây và trí tuệ nhân tạo tại Indonesia, trong khi Apple cũng đang xem xét việc xây dựng một cơ sở sản xuất tại nước này. Những dự án này không chỉ khẳng định tiềm năng của Indonesia mà còn thúc đẩy sự phát triển công nghệ và kinh tế khu vực.
Giám đốc Điều hành Microsoft Satya Nadella hôm 30/4 đã công bố khoản đầu tư trị giá 1,7 tỷ USD vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây nhằm giúp phát triển cơ sở hạ tầng AI ở Indonesia. Đây là khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử 29 năm Microsoft hoạt động tại quốc gia Đông Nam Á này.
Ông Satya Nadella - Giám đốc điều hành Microsoft, cho hay: “tôi thực sự vui mừng được thông báo mở rộng khoản đầu tư vào trung tâm dữ liệu trị giá 1,7 tỷ USD để mang cơ sở hạ tầng AI mới nhất và tốt nhất đến Indonesia. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ có cơ sở hạ tầng cho suy luận và đào tạo AI đẳng cấp thế giới. Các sản phẩm chip AI của NVIDIA, AMD, hay chip Maia của chính Microsoft, đều sẽ là một phần của cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu, cho phép mọi nhà phát triển đào tạo mô hình AI của họ”.
Microsoft coi Đông Nam Á là thị trường đang phát triển và là điểm đến tiềm năng để phát triển nhiều sản phẩm AI. “Ông lớn” công nghệ này đặt mục tiêu đào tạo 2,5 triệu người ở Đông Nam Á về cách sử dụng AI vào năm 2025, bao gồm 840.000 người ở Indonesia. Indonesia là nơi có cộng đồng các nhà phát triển công nghệ lớn thứ ba ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc.
Trước chuyến thăm của lãnh đạo Microsoft hai tuần, Indonesia cũng là điểm dừng chân của Giám đốc điều hành Apple Tim Cook. Trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Indonesia, ông Cook cho biết Apple đang cân nhắc đầu tư xây dựng một cơ sở sản xuất ở nước này.
Tiềm năng đầu tư ở Indonesia là vô tận. Có rất nhiều nơi tuyệt vời để đầu tư và chúng tôi vẫn đang thực hiện.
Ông Tim Cook - Giám đốc điều hành Apple.
Hiện, Apple không có cơ sở sản xuất ở Indonesia, nhưng kể từ năm 2018, hãng đã thành lập các học viện phát triển ứng dụng, tập trung vào giảng dạy mã hóa và thiết kế nhằm nuôi dưỡng các tài năng công nghệ trong bối cảnh iOS đang ngày càng phổ biến tại quốc gia này. Bộ trưởng Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita cho biết Apple đã đầu tư tổng cộng 1,6 nghìn tỷ rupiah (tương đương 99 triệu USD) vào 4 học viện.
Với dân số hơn 270 triệu người, Indonesia là quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á và là thị trường di động có tiềm năng tăng trưởng cao. Năm 2023, sản xuất điện thoại trong nước là 49 triệu chiếc, trong khi nhập khẩu ở mức 2,79 triệu chiếc. Trong số hàng nhập khẩu, 85% là sản phẩm của Apple. Các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm của ông Tim Cook nhấn mạnh tầm quan trọng của Apple đối với tiềm năng sản xuất của khu vực này.
Singapore bớt hấp dẫn với các nhà đầu tư?
Tại Đông Nam Á, Singapore là quốc gia đứng đầu về thu hút đầu tư nước ngoài. Một báo cáo của Liên hợp quốc cho biết dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Singapore đạt mức cao kỷ lục 141,2 tỷ USD vào năm 2022, tăng từ mức 131,1 tỷ USD vào năm 2021, khiến đảo quốc Sư tử trở thành nước nhận FDI lớn thứ ba trên toàn thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Singapore cũng chiếm gần 2/3 dòng vốn chảy vào các nước ASEAN.
Thế nhưng, trong những năm gần đây, ngày càng nhiều các tập đoàn đa quốc gia dời trụ sở ở Singapore sang các nước khác trong khu vực Đông Nam Á để tiết kiệm chi phí cũng như tìm kiếm những cơ hội kinh doanh rộng mở. Điều này khiến trang tin tức tài chính Nikkei Asia đặt câu hỏi, liệu có phải Singapore đang trở nên bớt hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư?
Đối với các công ty Nhật Bản, Singapore thường được coi là lựa chọn hàng đầu để đặt trụ sở ở khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng, vào tháng 2 vừa qua, Sakata Inx, một tập đoàn sản xuất sơn và mực in của Nhật Bản, đã quyết định thành lập trụ sở khu vực tại Malaysia để điều phối, giám sát hoạt động kinh doanh ở Nam Á và Đông Nam Á. Đại diện Sakata Inx cho biết hoạt động của trụ sở mới dự kiến sẽ bổ sung thêm từ 6,6 đến 13,1 triệu USD vào lợi nhuận trung hạn của tập đoàn đến năm 2026, và lợi thế về thuế được cho là yếu tố quyết định khiến doanh nghiệp này lựa chọn Malaysia.
Theo Bloomberg, ngân sách tài khóa 2024 do Malaysia đề xuất đã đưa ra các ưu đãi thuế cho các công ty đa quốc gia muốn đặt trụ sở khu vực tại Malaysia, với mức thuế thu nhập ưu đãi từ 5% đến 10% trong 10 năm đầu, trong một chiến lược nhằm biến quốc gia này thành “trung tâm dịch vụ toàn cầu”.
Thái Lan là một ứng cử viên hàng đầu khác để các tập đoàn lớn chọn đặt trụ sở, khi chính phủ nước này nỗ lực thu hút các công ty đa quốc gia thông qua các ưu đãi về thuế. Một “ông lớn” của Nhật Bản trong ngành thực phẩm là Nissin Foods Holdings đã chuyển trụ sở chính ở Đông Nam Á từ Singapore sang Thái Lan vào năm 2020.
Kết quả thăm dò do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố vào tháng 3/2024 cho thấy trong số các công ty Nhật Bản có trụ sở khu vực tại Singapore, 31% đã chuyển một phần hoạt động sang quốc gia khác, hoặc đang cân nhắc việc này. Tỷ lệ này đã tăng đáng kể từ con số 7,4% trong cuộc khảo sát năm 2019. Thái Lan là điểm đến phổ biến nhất để chuyển trụ sở. Tiếp theo là Malaysia đứng thứ 2.
Thái Lan tập trung nhiều nhà máy sản xuất. Với giá thuê văn phòng và các chi phí khác đang gia tăng ở Singapore, các tập đoàn đa quốc gia đang có xu hướng chuyển chức năng bán hàng ra khỏi Singapore nhằm hướng tới thị trường đông dân và nhiều tiềm năng này.
Ông Keisuke Asakura - Phó Giám đốc điều hành Văn phòng Jetro tại Singapore.
Không chỉ các công ty Nhật Bản bày tỏ lo ngại về chi phí ngày càng tăng ở Singapore. Trong một khảo sát của Phòng Thương mại châu Âu tại Singapore, 69% số công ty được hỏi cho biết sẵn sàng chuyển bớt nhân sự sang quốc gia khác do chi phí hoạt động tại đây ngày càng tốn kém.
Dù vậy, dường như Singapore vẫn khó mà đánh mất vị trí dẫn đầu trong thu hút đầu tư ở khu vực Đông Nam Á. Theo bảng xếp hạng Chỉ số Cơ hội Toàn cầu (GOI) của Viện Milken, Singapore đứng đầu trong các nước châu Á và đứng thứ 14 trong số 130 quốc gia được nghiên cứu trên toàn cầu vào năm 2023 – tăng bốn bậc so với năm 2022. Tiến sĩ Maggie Switek, Giám đốc cấp cao của Viện Milken và là tác giả chính của báo cáo, nhận định rằng việc Singapore giữ vị trí cao trên bảng xếp hạng là nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối mạnh, khung pháp lý tạo sự thuận tiện trong kinh doanh, thể chế bảo vệ quyền lợi và tài sản của nhà đầu tư, cũng như môi trường và chính sách minh bạch.
Nhiều quốc gia châu Á đang phải đối mặt với những thách thức, như già hóa dân số, tốc độ tăng năng suất chậm lại, tuy nhiên, với sự đóng góp của nhiều nền kinh tế mới nổi, khu vực này vẫn được coi là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới công bố báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024, trong đó nâng dự báo tăng trưởng khu vực trong năm nay lên 4,5%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra 6 tháng trước. IMF cũng nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế của khu vực này đang trong giai đoạn ổn định và tiềm năng phát triển rất đa dạng. Sự hợp tác và liên kết kinh tế ngày càng tăng giữa các quốc gia trong khu vực sẽ giúp châu Á nâng cao vị thế hơn nữa trong nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.
Theo nhận định của giới chuyên gia, nguyên nhân khiến giá đồng Bitcoin tăng chóng mặt là do các nhà đầu tư mong đợi về một môi trường tài chính cởi mở hơn với tiền kỹ thuật số dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Chiến thắng áp đảo của Tổng thống đắc cử Donald Trump đánh dấu một chiến thắng lớn cho tỷ phú Elon Musk, người đã chi ít nhất 119 triệu đô la cho một nhóm ủng hộ ứng viên của Đảng Cộng hòa.
Liên minh cầm quyền tại Đức đã sụp đổ, kinh tế trì trệ, cùng với căng thẳng địa chính trị và áp lực bên ngoài có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào giai đoạn bất ổn. Nước Đức đang ở thời điểm bước ngoặt cho những cải cách và đổi mới để mạnh mẽ vươn lên.
Trong gần ba năm diễn ra xung đột Nga - Ukraine, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine và luôn khẳng định rằng sẽ sát cánh cùng Kiev cho đến chừng nào có thể. Tuy nhiên, sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump khiến nhiều người đặt câu hỏi ông sẽ giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine như thế nào?
Trung Quốc là điểm dừng chân đầu tiên ở nước ngoài của Tổng thống Indonesia kể từ khi nhậm chức cách đây ba tuần. Trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào thứ Bảy, ông cam kết duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.
Du lịch được xác định là ngành mũi nhọn, đóng góp lớn cho nhiều nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển du lịch mà không làm ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và cuộc sống của người dân địa phương là điều cần được chú trọng. Nhiều quốc gia đã nhận thấy rằng, gắn phát triển du lịch với bảo tồn và hài hòa lợi ích của người dân là yêu cầu cấp thiết hiện nay để có thể phát triển một nền du lịch bền vững.
0